11/01/2025

Các gia đình Kitô hữu Iraq tị nạn gửi thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô

“Chúng con đã phải trốn chạy khỏi đất nước mình cùng với Chúa Kitô, với đức tin và các nguyên tắc sống của chúng con. Chúng con chọn rời bỏ nhà cửa và đất nước mà chúng con yêu quý, thà trở thành người xa lạ ở miền đất xa lạ, với tất cả nỗi đau đớn và thống khổ, còn hơn là chấp nhận sự độc ác và tàn bạo bất nhân đối với những người vô tội”. Đó là một đoạn trong bức thư rất cảm động mà các gia đình Kitô hữu Iraq đến tị nạn tại giáo xứ Naour, Jordan từ vài tháng nay gửi đến Đức Thánh Cha Phanxicô.

Các gia đình Kitô hữu Iraq tị nạn gửi thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô
 
WHĐ (06.03.2015) – “Chúng con đã phải trốn chạy khỏi đất nước mình cùng với Chúa Kitô, với đức tin và các nguyên tắc sống của chúng con. Chúng con chọn rời bỏ nhà cửa và đất nước mà chúng con yêu quý, thà trở thành người xa lạ ở miền đất xa lạ, với tất cả nỗi đau đớn và thống khổ, còn hơn là chấp nhận sự độc ác và tàn bạo bất nhân đối với những người vô tội”. Đó là một đoạn trong bức thư rất cảm động mà các gia đình Kitô hữu Iraq đến tị nạn tại giáo xứ Naour, Jordan từ vài tháng nay gửi đến Đức Thánh Cha Phanxicô. 

Cha Rifat Bader, Giám đốc “Trung tâm Nghiên cứu và Truyền thông Công giáo” ở Amman và là linh mục quản xứ Naour, đã trình bức thư này lên Đức Thánh Cha sau Thánh lễ tại Nhà nguyện Santa Marta hôm thứ Năm ngày 5 tháng 3. Cha cũng trình cho Đức Thánh Cha một bản sao bức tranh của một người tị nạn. Cha cho biết: “Tôi không thể tiết lộ tên người ấy, vì ông lo sợ cho mạng sống của mình, nhưng trong bức tranh này ông đã vẽ lại tất cả tấn thảm kịch mà cộng đồng Kitô hữu ở Mosul đang sống.” Bức tranh thể hiện một đoàn người đang rời xa các bức tường của thành phố, đi đầu là Thánh gia – “chính Thánh gia cũng là những người tị nạn” – và có một thiên thần hộ thủ cùng đi; đoàn người gồm có các linh mục, nữ tu, đàn ông, phụ nữ, người già, trẻ em, nhiều người mặc trang phục điển hình của các thành phố Mosul và Qaraqosh.

Cha Rifat xác nhận rằng, “trong những tháng gần đây, tôi đã tiếp nhận những người này, họ bị bách hại vì là Kitô hữu, đó là một chứng từ thật lớn lao. Họ chẳng còn gì cả, của cải duy nhất mà họ có là đức tin”. Họ đã viết cho Đức Thánh Cha: “Bây giờ Đức tin của chúng con vững mạnh hơn trước. Chúng con không sợ bất cứ điều gì vì chúng con tin rằng Chúa đang ở với chúng con.”

(Vatican Radio)