26/11/2024

Hành trình đi tìm con tôm giống

Người ta gọi anh là chuyên gia về tôm, anh gật đầu nhận. Người ta gọi anh là “tiến sĩ tôm”, anh cũng chỉ cười…

 

Hành trình đi tìm con tôm giống

 

Người ta gọi anh là chuyên gia về tôm, anh gật đầu nhận. Người ta gọi anh là “tiến sĩ tôm”, anh cũng chỉ cười…

 

 


 

 

TS Trần Hữu Lộc (bìa phải) tư vấn về con tôm cho bà con nông dân trong một chuyến công tác tại miền Tây -Ảnh: T.H.Lộc

Cuộc đời anh như được sinh ra để làm bạn với nông dân, sống cùng con tôm.

Anh chính là Trần Hữu Lộc, hiện là một trong những tiến sĩ trẻ nhất khoa thủy sản Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Ngay trong ngày đầu năm mới 2015, anh được tuyên dương “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM” – vinh danh cho những đóng góp lặng thầm nhưng hữu ích cho cộng đồng.

Ra đi để trở về

Tốt nghiệp đại học, ở lại trường công tác, nghĩ đến chuyện xin học bổng du học, Lộc mới bắt đầu đi học ngoại ngữ một cách bài bản. 23 tuổi mà học chung với toàn trẻ con kể ra cũng xấu hổ! Thế mà sau một năm, Lộc có trong tay chứng chỉ tiếng Anh TOEFL đủ chuẩn đi du học.

Người truyền lửa

Hiện phụ trách một số môn theo sự phân công của lãnh đạo khoa song với thầy giáo Lộc, bài học quan trọng nhất trên bục giảng không phải là các sinh viên học được gì, sẽ ra làm việc thế nào, kiếm được bao nhiêu lương mà phải là bài học làm người.

Lý giải về điều thoạt nghe có vẻ hơi phi thực tế trong thời đại công nghệ, thế giới phẳng hôm nay, tiến sĩ Trần Hữu Lộc nói nhiều bạn đến khi là sinh viên vẫn không xác định được định hướng cuộc đời, không hình dung con đường mình sẽ đi mà cứ phó mặc tới đâu hay tới đó.

“Tôi mong sinh viên của tôi phải làm nghề có đạo đức, hiểu rằng sứ mạng của đời mình không chỉ nuôi sống chính mình là đủ mà cần biết giúp đời” – tiến sĩ Lộc bày tỏ.

Cách săn học bổng của Lộc cũng quái lắm, chuẩn bị một hồ sơ đầy đủ về mình và gửi bất cứ giáo sư nào anh có được thông tin từ việc dò tìm trên mạng.

Sau thời gian chờ đợi, ba giáo sư của ba trường tại Mỹ đã phản hồi. Vì Lộc chưa từng học thạc sĩ mà xin học bổng làm nghiên cứu sinh nên phải qua hội đồng khoa học của trường xét trước khi cấp vé thông hành đến Mỹ. Và Lộc quyết định chọn ĐH Arizona.

Để lại tờ giấy báo với gia đình chuyện đi học, Lộc lặng lẽ ra sân bay Tân Sơn Nhất lúc 3g sáng một ngày tháng 8-2010.

Qua cầu Sài Gòn lúc 4g sáng, nhìn xuống khu Tân Cảng, Lộc cũng hoang mang vì không biết con đường phía trước như thế nào, chỉ tự hứa với chính mình rằng ra đi hôm nay là để trở về.

Tôm là cái nghiệp

Chẳng ai ngoài mẹ kịp nhìn thấy giọt nước mắt của Lộc mấy ngày trước khi đi học. Hôm ấy Lộc nằm một mình trên chiếc võng ở chòi hóng gió ngoài vườn. Không còn kịp giấu mẹ, Lộc ngậm ngùi nói: “Nếu chỉ vì con thì con sẽ không đi học đâu mẹ, dù gì cũng đất khách quê người. Nhưng bà con nông dân mình khổ quá, con muốn làm điều gì đó cho họ nên con đi”.

Lộc không mất quá nhiều thời gian để hoà nhập với cuộc sống nơi đất khách. Mặt trời chưa tỏ đã lái xe đến phòng thí nghiệm.

Rời phòng thí nghiệm về đến nhà trọ cũng là lúc mặt trời đã lặn từ bao giờ. “Đến nằm ngủ cũng mơ thấy con tôm. Nhiều hôm về nhà chỉ kịp bật nắp lon bia uống một hơi cho đã khát rồi lăn ra ngủ không biết gì” – Lộc kể.

Vừa nghiên cứu, Lộc cũng kịp hoàn thành một vài hợp đồng với các công ty bên ngoài. Chính những hợp đồng ấy cho anh cơ hội mở rộng phạm vi nghiên cứu, có thêm kinh phí trang trải cuộc sống song song với suất học bổng toàn phần của ĐH Arizona, một phần hỗ trợ từ đề án dành cho nghiên cứu sinh tiến sĩ của VN ở nước ngoài.

Khó khăn kể không hết nhưng anh chàng sinh năm 1984 ấy đã kịp trình và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sau ba năm hai tháng tại Mỹ, bỏ qua giai đoạn học cao học.

Con giống cho nông dân

Hai chứng bệnh hoại tử gan tụy trên tôm, và mới đây nhất là vi bào tử trùng tấn công gan tụy tôm mà tiến sĩ Lộc vừa tìm ra đã phần nào giải đáp được khá nhiều câu hỏi của bà con nông dân trong quá trình làm giàu cùng con tôm.

Ngay trước tết, anh đã kịp hoàn thành hội thảo hai ngày, giải đáp tất tật những thắc mắc của bà con nuôi tôm khu vực đồng bằng sông Cửu Long về hai chứng bệnh này. Nên có khi người ta thấy Lộc nghiêm trang vest chủ trì hội thảo khoa học, có lúc lại thấy anh xắn quần lội ruộng chỉ cho bà con phân biệt con tôm khoẻ với con tôm bệnh ngay trên vuông tôm nhà họ.

Liệu có tự chủ được con giống cho nông dân VN? Câu hỏi đã và vẫn luôn thường trực trong đầu chàng tiến sĩ trẻ từ ngày trở về nước. Bởi dù sản lượng tôm cung cấp ra thị trường và xuất khẩu của VN hằng năm không nhỏ, nhưng con giống bố mẹ hoàn toàn nhập từ nước ngoài vì “điều kiện để tạo ra được con giống bố mẹ đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí đầu tư lớn”.

“Nước xa không cứu được lửa gần” đã trở thành quyết tâm để Lộc đầu tư phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về tôm tại nhà mình ở Thủ Đức (TP.HCM). Đây là nơi giúp anh, đồng nghiệp nghiên cứu tìm ra nhiều chứng bệnh, giúp bà con nuôi tôm phòng ngừa hữu hiệu để đạt năng suất cao hơn. Cũng là nơi khởi đầu cho giấc mơ về một hành trình xa hơn về con tôm giống!

Những chuyến xuất ngoại của Lộc cũng nhiều hơn trong vai trò cố vấn của Liên minh nuôi thủy sản thế giới, cố vấn của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO), khi ở Mexico, lúc ở Israel, Ấn Độ, gần gần thì có Thái Lan, Philippines… “Con đường nghiên cứu của mình mới chỉ là bắt đầu thôi. Mình muốn giúp bà con nuôi tôm bớt khổ, cũng là đang làm điều có ý nghĩa cho cuộc đời mình” – Lộc chia sẻ. 

Dự án “cá rô xuất khẩu”

Ngoài nghiên cứu, chẩn bệnh cho con tôm, Trần Hữu Lộc còn đang làm dự án “1 triệu tấn cá rô xuất khẩu cho VN”. Dự án này đang được anh phối hợp cùng một tập đoàn thuỷ sản thực hiện, những mẻ cá đầu tiên đang lớn từng ngày.

Kỹ thuật cũng không đơn giản để những con cá rô xuất khẩu đạt chuẩn kiểm định chất lượng, vào được thị trường những nước “khó tính”. Tuy nhiên một vài mẻ cá nuôi thử nghiệm đã thành công, mở ra tín hiệu lạc quan cho dự án này khiến anh cùng cộng sự tin vào hướng đi đúng của mình.

QUỐC LINH