26/11/2024

Thiên Chúa trao ban chính mình cho chúng ta qua Con của Ngài

Chính sự hy sinh tột cùng của tình yêu trên Thánh giá mà Con Thiên Chúa đã chấp nhận và chọn lựa cách tự nguyện đã trở nên nguồn suối phát sinh sự công chính và ơn cứu độ cho chúng ta.

Thiên Chúa trao ban chính mình cho chúng ta qua Con của Ngài

Viếng thăm mục vụ giáo xứ Thánh Gioan Baotixita Lasan tại Rôma, trong khu phố Torrino

Chúa Nhật II MC, 4/3/2012

Anh chị em thuộc giáo xứ Thánh Gioan Baotixita Lasanthân mến!

Trước tiên, tôi xin hết lòng cảm ơn anh chị em đã đón tiếp tôi một cách hết sức thân tình, hết sức tình cảm. Xin cảm ơn những lời nói đầy ý nghĩa của Cha sở tốt lành của anh chị em, xin cảm ơn tinh thần gia đình mà tôi có thể cảm nghiệm được nơi đây. Chúng ta thực sự là gia đình của Thiên Chúa, và sự kiện anh chị em xem Đức Giáo hoàng như một người cha là một cái gì đó hết sức đẹp đẽ đã khuyến khích tôi thật nhiều! Nhưng giờ đây, chúng ta phải nhớ lại rằng Đức Giáo hoàng không phải là quyền hành cao cả nhất. Quyền hành cao cả nhất là Chúa, và chúng ta hãy nhìn lên Chúa để nhận biết, để hiểu – trong mức độ có thể – một cái gì đó của sứ điệp trong Chúa Nhật II Mùa Chay này.

Phụng vụ hôm nay cũng chuẩn bị cho chúng ta sống Mầu Nhiệm Tử Nạn – như chúng ta đã nghe trong bài đọc I -, cũng như niềm vui Phục Sinh.

Bài đọc I tường thuật giai thoại Thiên Chúa thử lòng Abraham (x. St 22,1-18). Abraham có một người con trai độc nhất là Isaac, được sinh ra khi ông đã cao niên. Đó là người con của lời hứa, người con mà sau này cũng phải mang lại ơn cứu thoát cho muôn dân. Nhưng một ngày nọ, Abraham nhận lệnh từ Đức Chúa là phải hiến tế người con đó cho Ngài. Vị tổ phụ già nua này đang đối diện với viễn tượng của một cuộc hy sinh, mà đối với ông là người cha, chắc chắn đó sẽ là một hy sinh lớn lao nhất mà con người có thể tưởng tượng được. Tuy nhiên, tổ phụ không hề do dự, ngay chỉ trong một giây lát, và sau khi đã chuẩn bị những điều cần thiết, cùng với Isaac, ông đã ra đi đến nơi đã được sắp xếp trước. Và chúng ta có thể tưởng tượng điều đã có thể xảy ra trong tâm hồn của tổ phụ cũng như trong tâm hồn của người con trai tổ phụ, qua cuộc hành trình tiến về đỉnh núi này. Tổ phụ dựng một bàn thờ, xếp củi, và sau khi đã trói cậu con trai lại, ông cầm dao để sát tế. Abraham hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa đến độ hoàn toàn sẵn sàng hy sinh ngay cả người con trai của mình, và cùng với người con trai, hy sinh ngay cả tương lai, bởi vì không có người con trai này, thì lời hứa được đất đai chẳng là gì cả, lời hứa ấy cuối cùng rồi cũng trở thành mây khói. Và khi hy sinh đứa con trai của mình, ông cũng hy sinh chính bản thân mình, toàn bộ tương lai của mình, toàn bộ lời hứa. Đó thật sự là một thái độ đức tin vô cùng triệt để. Chính vào giây phút đó, Chúa ra lệnh cho ông dừng tay lại. Thiên Chúa không muốn cái chết, Ngài chỉ muốn sự sống và sự hy sinh đích thực không mang lại chết chóc, nhưng là sự sống, và sự vâng lời của Abraham đã trở nên nguồn suối phát sinh ơn phúc lành vĩ đại kéo dài cho đến ngày hôm nay. Chúng ta chấm dứt cây chuyện nơi đây, nhưng chúng ta có thể suy niệm về mầu nhiệm này.

Trong bài đọc 2, Thánh Phaolô quả quyết rằng chính Thiên Chúa đã thực hiện một hành động hy sinh: Ngài đã ban cho chúng ta Con của Ngài, Ngài đã ban Con của Ngài cho chúng ta trên Thánh giá để chiến thắng tội lỗi và cái chết, để đánh bại thần gian ác và để chiến thắng mọi gian ác đang hiện hữu trên trần gian này. Và lòng nhân từ tuyệt vời này của Thiên Chúa đã làm cho vị Tông đồ phải thán phục và tin tưởng sâu xa vào sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta; thật thế, Thánh Phaolô khẳng định: “Nhưng Thiên Chúa đã không dung tha chính Con của mình, mà lại trao nộp Người Con đó cho tất cả chúng ta. Một khi đã ban chính Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại không rộng ban cho chúng ta mọi đặc ân?” (Rm 8,32). Nếu Thiên Chúa trao ban chính mình trong Chúa Con, thì Ngài đã cho chúng ta tất cả rồi. Và Phaolô làm nổi bật sức mạnh hy tế cứu chuộc của Đức Kitô để chống lại bất cứ quyền lực nào có thể đe doạ sự sống của chúng ta. Thánh nhân tự hỏi: “Ai có thể tố cáo những người được Thiên Chúa tuyển chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho họ nên công chính? Như thế, ai sẽ kết án họ? Tôi nói gì đây, chẳng lẽ Đức Kitô Giêsu, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa, vẫn luôn chuyển cầu cho chúng ta?” (cc. 33-34). Chúng ta ở trong lòng Thiên Chúa, đó là lý do làm chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa. Điều này phát sinh tình yêu, và trong tình yêu, chúng ta đi đến với Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa đã trao ban Con của Ngài cho tất cả chúng ta, thì không ai có thể kết án chúng ta, không ai có thể tách biệt chúng ta ra khỏi tình yêu bao la của Ngài. Chính sự hy sinh tột cùng của tình yêu trên Thánh giá mà Con Thiên Chúa đã chấp nhận và chọn lựa cách tự nguyện đã trở nên nguồn suối phát sinh sự công chính và ơn cứu độ cho chúng ta. Và chúng ta biết rằng hành động thần linh này vẫn luôn hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, vẫn ngàn đời hiện diện trong quả tim Thiên Chúa, và hành động tình yêu này lôi kéo chúng ta, kết hợp chúng ta với Ngài.

Sau cùng, bài Phúc Âm nói với chúng ta về giai thoại Hiển dung (x. Mc 9, 2-10): Đức Giêsu mạc khải mình trong vinh quang trước khi Người hiến tế mình trên Thánh giá, và Thiên Chúa Cha tuyên bố Người là Người Con được Ngài yêu quý, được Ngài sủng ái, và Ngài mời gọi các môn đệ lắng nghe lời Người. Đức Giêsu trèo lên một ngọn núi cao, đem theo mình ba Tông đồ – Phêrô, Giacôbê và Gioan – là những người sẽ đặc biệt gần Người khi Người hấp hối trên một ngọn núi khác là Núi Cây Dầu. Trước đó không lâu, Chúa đã tiên báo cuộc khổ nạn của Người, nhưng Phêrô đã không hiểu làm sao Chúa, là Con Thiên Chúa, lại nói về đau khổ, về từ bỏ mình, về cái chết, về thánh giá, thậm chí Phêrô lại còn cương quyết chống lại viễn tượng này. Giờ đây, Đức Giêsu đem theo mình ba môn đệ để giúp họ hiểu rằng con đường dẫn đến vinh quang, con đường tình yêu chói sáng chiến thắng bóng tối tăm, sẽ đi qua sự tận hiến hoàn toàn bản thân mình, sẽ đi qua sự điên dại của Thánh giá. Và Chúa vẫn phải luôn dẫn dắt chúng ta cùng đi với Người, ít nhất để hiểu rằng đây là con đường cần thiết phải đi. Cuộc Hiển dung cũng là lúc mà ta thấy trước ánh sáng giúp ta nhìn cuộc khổ nạn của Đức Giêsu với cái nhìn đức tin. Quả thật, đây là một mầu nhiệm đau khổ, nhưng đây cũng là cuộc “Khổ nạn hồng phúc”, bởi vì, – trong yếu tính – đây là một mầu nhiệm tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa; cuộc khổ nạn là biến cố xuất hành chung cục mở ra cho chúng ta cánh cửa hướng về tự do và nét mới mẻ của sự Phục Sinh, là biến cố xuất hành cứu thoát chúng ta khỏi điều dữ. Chúng ta cần nó trong cuộc hành trình hằng ngày của chúng ta, một cuộc hành trình lắm khi ghi dấu bằng bóng tối tăm của điều dữ!

Anh chị em thân mến, như tôi đã nói, tôi hết sức vui sướng được hiện diện giữa anh chị em hôm nay, để cử hành Ngày của Chúa. Tôi thân ái chào Đức Hồng y Giám quản, Đức Giám mục Phụ tá vùng, Cha Giampaolo Perugini, Cha sở của anh chị em, mà một lần nữa, tôi xin cảm ơn những lời nói đầy yêu thương mà ngài đã nhân danh tất cả anh chị em để nói với tôi, cũng như cảm ơn những món quà tặng đáng trân trọng mà anh chị em đã biếu tặng tôi. Tôi chào các Cha phụ tá. Tôi chào các Nữ tu Phan Sinh Truyền giáo Khiết Tâm Đức Mẹ Maria đã có mặt nơi đây từ bao năm rồi. Họ rất đáng mọi người ca tụng, vì đã nuôi dưỡng đời sống giáo xứ, bởi vì ngôi nhà của họ đã đón tiếp đời sống của giáo xứ, thật hiếu khách và quảng đại trong vòng ba năm đầu tiên. Kế đến, tôi xin chào các Sư huynh Dòng Lasan, họ là những người có tình cảm tự nhiên đối với ngôi nhà thờ giáo xứ mang tên Đấng Sáng lập dòng của họ. Ngoài ra, tôi cũng xin chào những ai năng nỗ trong đời sống giáo xứ: tôi nghĩ đến các giáo lý viên, các thành viên trong các hội đoàn và phong trào, cũng như các nhóm khác nhau đang sinh hoạt trong giáo xứ. Sau cùng, tôi nhớ đến tất cả những dân cư trong khu phố, đặc biệt đến những người cao tuổi, những bệnh nhân, những người neo đơn và những người đang gặp khó khăn.

Ngày hôm nay, khi đến giữa anh chị em, tôi đã nhận thấy vị trí đặc biệt của ngôi nhà thờ này, được xây trên điểm cao nhất của khu phố và có một tháp chuông vươn cao, như thể một ngón tay hay một mũi tên hướng thẳng về bầu trời xanh. Đối với tôi, dường như đây là một chỉ dẫn quan trọng: cũng như ba vị Tông đồ trong Phúc Âm, chúng ta cũng cần trèo lên Núi Hiển Dung để nhận lãnh ánh sáng của Thiên Chúa, để cho Gương Mặt của Ngài chiếu sáng gương mặt của chúng ta. Và chính trong kinh nguyện cá nhân hay cộng đồng mà chúng ta gặp được Chúa, không phải như một ý tưởng hay một lời đề nghị luân lý, mà là như một Ngôi Vị muốn có mối quan hệ với chúng ta, muốn là bạn hữu của chúng ta, và muốn canh tân cuộc đời chúng ta để làm cho nó giống như cuộc đời của Người. Và cuộc gặp gỡ này không chỉ là một sự kiện cá nhân; ngôi nhà thờ của anh chị em được đặt ở vị trí cao nhất trong khu phố nhắc anh chị em nhớ lại rằng Tin Mừng phải được thông truyền, phải được loan báo cho hết mọi người. Chúng ta đừng để cho những người khác đến mang những sứ điệp khác nhau, những sứ điệp không hề mang lại sự sống thật, anh chị em hãy trở nên những nhà thừa sai của Đức Kitô phục vụ những người anh chị em của mình, ở những nơi họ sinh sống, làm việc, học hành hay đơn giản hơn là dùng thời giờ rảnh rổi của mình để tiêu khiển. Tôi biết anh chị em đang thực hiện nhiều hoạt động truyền giáo khác nhau đầy ý nghĩa, đặc biệt kinh nguyện sau giờ học và Trung tâm giải trí   “Stella polare”, – tôi rất vui khi mặc chiếc áo này [áo thun của Trung tâm] – nơi, mà nhờ hoạt động thiện nguyện của những người có khả năng và quảng đại, và với sự tham gia của các gia đình, anh chị em khuyến khích các bạn trẻ quy tụ qua hoạt động thể thao, tuy nhiên vẫn không coi thường việc đào tạo văn hoá, qua hoạt động nghệ thuật và âm nhạc, và là nơi anh chị em đặc biệt giáo dục mối quan hệ với Thiên Chúa, giáo dục về các giá trị Kitô giáo, và về sự tham dự ngày càng ý thức hơn trong các cử hành Bí tích Tạ Ơn ngày Chúa Nhật.

Tôi vui mừng khi thấy ý thức thuộc về cộng đoàn giáo xứ ngày càng chín muồi hơn và được củng cố theo dòng thời gian. Đức tin phải được cùng sống chung với nhau, và giáo xứ là nơi mà trong đó người ta học sống đức tin của mình trong “cái chúng ta” của Giáo Hội. Và tôi xin được khuyến khích anh chị em cổ vũ mọi người sống tinh thần trách nhiệm mục vụ chung với nhau, trong một nhãn quan hiệp thông đích thực giữa mọi thực tế khác nhau hiện nay, những thực tế được kêu gọi cùng nhau bước đi, được kêu gọi sống sự hỗ tương trong tính đa dạng, được kêu gọi làm chứng tá cho “cái chúng ta” của Giáo Hội, của gia đình Thiên Chúa. Tôi biết anh chị em đã dấn thân thế nào để chuẩn bị cho các em nhỏ và cho các bạn trẻ lãnh nhận các bí tích của đời sống Kitô giáo, làm thế nào để cho toàn khu phố hiểu biết và đào sâu Kinh Credo [Kinh Tin Kính] của Giáo Hội, và xoá được “sự mù chữ về mặt tôn giáo” là một trong những vấn đề nổi cộm của ngày hôm nay.

Các bạn thân mến! Cộng đoàn của các bạn là một cộng đoàn trẻ trung – ai cũng thấy được điều này – được cấu tạo bởi những gia đình trẻ, và nhờ ơn Chúa, có rất đông thanh thiếu nhi và các bạn trẻ ở trong cộng đoàn này. Về điểm này, tôi muốn nhắc lại nhiệm vụ của các gia đình và của toàn thể cộng đồng Kitô giáo là giáo dục đức tin, và về điểm này, chủ đề mục vụ trong năm sẽ giúp đỡ họ bằng những chỉ dẫn mục vụ được Hội đồng Giám mục Ý đề nghị, và ta vẫn không quên giáo huấn sâu xa và luôn mang tính thời sự của Thánh Gioan Baotixita La Salle. Các gia đình thân mến, anh chị em đang đặc biệt ở trong khung cảnh sống, mà qua đó, mọi người học biết và yêu mến Chúa ngày càng hơn, một cộng đoàn mà trong đó mọi người làm cho nhau được phong phú hoá để sống một đức tin thật sự trưởng thành.

Sau cùng, tôi muốn nhắc lại cho tất cả mọi người tầm quan trọng và đặc tính trọng tâm của Thánh Thể trong đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn. Ước gì Thánh lễ là trọng tâm trong ngày Chúa Nhật của anh chị em, ngày mà ta phải tái khám phá và sống như Ngày của Chúa và của cộng đoàn, ngày mà chúng ta ca ngợi và cử hành mừng kính Đấng đã chết và sống lại để cứu chuộc chúng ta, ngày mà chúng ta cùng nhau sống trong niềm vui của một cộng đoàn biết cởi mở, và sẵn sàng đón tiếp mỗi người neo đơn và đang gặp khó khăn. Thật thế, quy tụ xung quanh Thánh Thể, chúng ta cảm thấy một cách dễ dàng hơn sứ mệnh của mỗi cộng đoàn Kitô giáo là mang sứ điệp tình yêu của Thiên Chúa đến cho tất cả mọi người. Đó là lý do cho ta thấy được tầm quan trọng của Thánh Thể phải luôn là trọng tâm đời sống của các tín hữu, như ta đã chứng kiến trong ngày hôm nay.

Anh chị em thân mến! Từ ngọn núi Thabor, Núi Hiển Dung, lộ trình 40 ngày chay tịnh dẫn chúng ta đến tận Đồi Golgotha, ngọn núi hy tế tột cùng của vị Tư Tế độc nhất của Giao Ước mới và vĩnh cửu. Trong hiến tế này có chứa đựng sức mạnh biến đổi lớn lao nhất của con người và của lịch sử. Sau khi mang lấy trên đôi vai mình từng hậu quả của sự dữ và tội lỗi, Đức Giêsu đã sống lại vào ngày thứ ba như người chiến thắng cái chết và thần mưu mô. Mùa Chay chuẩn bị mỗi người chúng ta tham dự đại mầu nhiệm đức tin này, mầu nhiệm mà chúng ta sẽ cử hành trong Tam Nhật Thánh cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô. Chúng ta phó dâng con đường 40 ngày chay tịnh của chúng ta, cũng như con đường của toàn thể Giáo Hội cho Đức Trinh Nữ Maria. Ước gì Đấng đã đi theo Con của mình cho đến tận chân Thánh giá giúp chúng ta sống làm môn đệ trung thành của Đức Kitô, những Kitô hữu chín muồi, để có thể cùng với Mẹ tham dự niềm vui Phục Sinh viên mãn. Amen!