27/11/2024

Một ngày ở A0

Ngay cạnh bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, có một căn phòng nhỏ được coi là “trái tim” đưa điện ra cả nước. Nơi đó cực kỳ quan trọng, vì đó là Trung tâm Ðiều độ hệ thống điện quốc gia (phiên hiệu A0).

 

Một ngày ở A0

 

 Ngay cạnh bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, có một căn phòng nhỏ được coi là “trái tim” đưa điện ra cả nước. Nơi đó cực kỳ quan trọng, vì đó là Trung tâm Ðiều độ hệ thống điện quốc gia (phiên hiệu A0).

 

 

 

 

Kỹ sư Trần Mạnh Hà tập trung làm việc tại Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia – Ảnh: Nguyễn Khánh

Ðã trên 7.300 đêm không ngủ ở đây, từ khi thành lập. Dù ngày tết, ngày lễ nào thì đèn tại căn phòng này cũng chưa bao giờ tắt.

“Sơn La phát tổ máy 6”, “Phú Mỹ phát tối đa công suất”, “Ðiện áp cao quá, Trị An hút vô công ngay”… Những khẩu lệnh đầy quyền uy liên tục được phát ra tại một căn phòng chỉ cỡ 50m2.

Khẩu lệnh đó, theo quy định, phải được thi hành không bàn cãi. Nếu không, nguy cơ sẽ có vài thành phố mất điện, thậm chí mất điện cả nước. Nơi đó cực kỳ quan trọng, vì đó là Trung tâm Ðiều độ hệ thống điện quốc gia (phiên hiệu A0).

Căn phòng… buồn

Không biết vô tình hay cố ý, đường dẫn vào A0 lằng nhằng ngoắt ngoéo, hành lang chật và căn phòng nơi trực tiếp điều độ hệ thống điện quốc gia nhìn bên ngoài cũng không có gì nổi bật, dễ lẫn so với các căn phòng khác. “Ðây là nơi quan trọng nhất của chúng tôi” – ông Vũ Xuân Khu, phó giám đốc A0, giới thiệu.

Xa vợ mới cưới trong đêm giao thừa

A0 sẽ không bao giờ được nghỉ. Và các ca trực cứ nối dài. “Chúng tôi cạnh hồ Hoàn Kiếm, chỉ cần ngó ra là thấy phố. Ngày tết, nhìn người dân đi chơi nao lòng lắm” – anh Hà nói.

Kỹ sư Hoàng Thanh Tùng thì nhớ như in đêm giao thừa đầu tiên khi vợ chồng mới cưới. “Phải trực đêm 30 tết, vợ có bầu nên phải ở Hà Nội. Trực xong về thì thấy vợ khóc như mưa”. Theo anh Tùng, “cô ấy chưa phải chịu như vậy bao giờ, nhưng giờ chắc đã quen rồi”…

Cảm giác về căn phòng này là… buồn. Hai người đàn ông ngồi lọt thỏm quanh một dãy máy tính và những biểu đồ màu đỏ chạy tưởng không bao giờ dứt. Không một bức tranh, ảnh, không có bất cứ vật gì có thể gây mất tập trung.

“Nơi đây chỉ có ngày, không có đêm, lúc nào ánh sáng cũng như thế. Hơn 20 năm nay căn phòng này chưa bao giờ mất điện…” – đó là những đúc kết của các kỹ sư A0 về căn phòng điều độ hệ thống điện quốc gia.

“Bởi một lẽ đơn giản, vì lý do nào đó A0 không hoạt động nữa thì coi như hệ thống điện cũng không hoạt động” – ông Khu cho biết.

9g sáng ngày cuối năm, ngồi trước chiếc máy tính hiển thị tất cả thông số về hệ thống điện quốc gia, số nhà máy điện đang phát, công suất đang được huy động…, hai kỹ sư điều hành bốc điện thoại liên tục.

“Ðang vào giờ cao điểm buổi sáng” – ông Khu giải thích. Kỹ sư điều hành Trần Mạnh Hà giới thiệu nghề bằng cách nói ra việc mình đang làm.

“Kia, hai chỉ số tối quan trọng cần nhìn là tần số hệ thống và điện áp trên toàn hệ thống”. Nhìn theo tay anh Hà, con số trên màn hình điện tử chỉ tần số liên tục nhảy quanh con số 50Hz (mức tiêu chuẩn).

“Mức tối đa chúng tôi được cho phép tần số dao động chỉ là 0,2, tức để tần số lên 50,19 đã là mức nguy hiểm, cần điều chỉnh ngay để đưa về mức 50Hz”.

Theo anh Hà, chỉ cần nhu cầu không được đáp ứng, để tần số sụt mạnh, một số hệ thống bảo vệ sẽ tự ngắt, cả một vùng, thậm chí không loại trừ cả nước sẽ mất điện.

Chỉ quay ra nói chuyện đúng ba giây, chỉ số đã “vọt” sát vùng giới hạn, anh Hà như chộp lấy điện thoại: “Hoà Bình, phát tối đa công suất tổ máy 6”, “Thác Bà huy động tổ máy 2, phát tối đa”… Tầm 10g sáng, nhu cầu điện tăng rất nhanh, thay vì nhấn điện thoại, anh Hà phải nháy liên tục vào danh sách các nhà máy điện trên máy tính, nhấp lệnh điều khiển, Enter!

11g40, bảng điện tử vẫn như chực bùng lên. “Yêu cầu Hoà Bình tham gia điều chỉnh tần số”, “Ialy dừng tổ máy 2 ngay, nhanh”… Không được chậm trễ, nên ông Vũ Xuân Khu bảo các kỹ sư A0 khi vào ca đều được gọi là “lính đánh giáp lá cà”.

Những phút giây căng thẳng

Hiện cả nước đã có hơn 100 nhà máy điện công suất trên 30MW với 271 tổ máy. Theo quy định, mỗi ca trực hai kỹ sư phải điều hành tất cả. Ngoài ra, A0 còn phụ trách luôn cả việc điều hành đường dây 500kV với 23 trạm đóng cắt. Ðã có những phút giây tưởng như nín thở…

Ngồi trầm ngâm nhắc lại câu chuyện cây dầu ở Bình Dương đổ vào đường dây 500kV Bắc – Nam ngày 22-5-2014 khiến rã lưới toàn miền Nam, anh Phạm Tiến Dũng – trưởng phòng điều độ – kể hôm đó A0 như có lửa đốt.

Trên màn hình điện thoại gần như cả trăm cái đèn cùng nhấp nháy báo cuộc gọi về. Do đang có hai đường dây 500kV cùng truyền tải điện cho miền Nam, một đường dây bị “nhảy”, ngay lập tức nhu cầu điện toàn miền tập trung vào đường còn lại gây quá tải. Ðiện áp thấp, hệ thống bảo vệ lập tức ngắt luôn các nhà máy điện khỏi hệ thống. Mất điện toàn miền!

“Có những sự cố nằm ngoài khả năng phản ứng của con người, tất cả chỉ xảy ra trong tích tắc” – anh Dũng nói. Nhưng cũng có nhiều giây phút thành công. Anh Trần Mạnh Hà còn nhớ như in khoảng gần một năm trước, cũng dịp cuối năm.

Ca trực chiều, 14g nhu cầu điện miền Nam vọt “lên đỉnh”. Chỉ còn hai cách: cắt điện một phần hoặc làm phương án “khép vòng”, tức đóng thêm đường dây cung ứng điện. Những lý giải kỹ thuật phức tạp đều hướng tới hai khả năng: thành công thì điện vẫn sáng, còn không, có thể mất điện “diện rất rộng”.

Chỉ trong vòng gần 10 phút, gần 100 lệnh được đưa ra. “Khép vòng thành công”! Một cụm từ đơn giản nhưng theo anh Hà, đã hoá giải được cụm từ ám ảnh bậc nhất mà các kỹ sư điều độ rất ngại nói ra: “Sa thải phụ tải 200MW”. Bởi điều này có nghĩa là… cắt điện.

Nghề nguy hiểm

Trong căn phòng điều hành im lìm của A0, sự tĩnh lặng có thể khiến người ta quên đi những sự vụ gấp gáp đang xảy ra ở thực địa. Ðó chính là lý do các kỹ sư điều độ thường xuyên phải đi thực tế nhà máy điện.

“Nhận được thông báo lũ về lưu lượng 1.000m3/giây, Serepok 4 sắp đến mực nước dâng bình thường phải hiểu là nước đang réo ầm ầm về và hồ sắp đầy” – anh Hà nói. Lúc đó, lý thuyết phải cho Serepok 4 tăng phát điện.

Tuy nhiên, từ ngày thị trường điện vận hành, các nhà máy phải được huy động theo giá từ thấp lên cao. “Vì vậy, có thể chúng tôi phải cho dừng nhà máy thuỷ điện phía trên Serepok 4 để nước bớt về, hoặc Serepok 4 phải chào giá lại để được huy động”. Và chỉ cần một vài lệnh điều độ sai, nguy cơ là hạ du… trắng nước.

Ngồi kể những câu chuyện nghề, anh Phạm Tiến Dũng chỉ nêu một ví dụ sự cố sập hệ thống khiến mất điện tại Trung tâm kiểm soát không lưu sân bay Tân Sơn Nhất mới đây và tổng kết “nghề chúng tôi cũng là nghề nguy hiểm”.

Chỉ cần một thao tác đóng cắt mạch sai, chậm huy động nhà máy điện có thể khiến rã lưới một phần hoặc cả hệ thống mất điện! Thậm chí đường dây đang cắt sửa chữa, nhìn màn hình nhầm, lệnh đóng là chết người! “Huân chương đeo đầy ngực nhưng chỉ một giây bất cẩn sẽ đổ vỡ tất cả” – anh Dũng nói.

Ðây cũng là lý do kỹ sư A0 không được phép trực hai ca liên tục. Vì có hôm, ngoài việc “đánh nhau” với biến động chỉ số điện, tám giờ trực là cả một khoảng thời gian toé lửa với cả chục sự cố. Ðiện thoại réo liên hồi.

Trên bảng điện thoại, hàng chục cái đèn nhấp nháy. Kỹ thuật viên giỏi phải phán đoán được nơi xảy ra sự cố để chọn nhấc điện thoại, vì chỉ cần xử lý đúng một chỗ, những nơi khác tức khắc có điện, còn sai thì có khi màn hình điện thoại đỏ lòm vì sự cố lan rộng…

Niềm vui cô độc

Ai cũng biết thiệt hại khi mất điện diện rộng, lại càng nguy hiểm hơn nếu vì lý do nào đó không còn A0. Vì vậy, cách ly cho hai kỹ sư điều hành gần như tuyệt đối.

Hai kỹ sư chỉ có hai “đồ để ngắm” được bảo vệ nghiêm ngặt là hai chiếc điện thoại di động đặc chủng và hai tập tài liệu dày cộp.

“Ðó là dành cho trường hợp khẩn cấp. Ngay cả khi trung tâm này không thể hoạt động được, với hai tập tài liệu, hai điện thoại, kỹ sư điều hành có thể chạy ra nơi khác vẫn điều hành được hệ thống điện quốc gia” – ông Vũ Xuân Khu tiết lộ và cười: rất may tình huống này chưa xuất hiện, từ khi A0 thành lập, 20 năm nay ở đây chưa bao giờ mất điện.

Làm đúng thì không ai biết, làm sai thì không giấu được – đó là đặc thù của A0. Chia tay A0 vào 22g đêm, khi kết thúc ca chiều, hai kỹ sư Hà và Cường như rũ người xuống sau khi đã xử lý xong nhu cầu điện tăng vọt giờ cao điểm tối.

Hai kỹ sư mới thay ca lại tiếp tục vào cuộc “giáp lá cà” với nguy cơ tần số và điện áp sẽ lên cao khi nhu cầu điện ban đêm bắt đầu giảm mạnh. Có vào A0, khi ra đến đường tôi mới thấy cảm giác rất thật mà các kỹ sư A0 chia sẻ thở phào và lâng lâng với niềm vui vô cùng đơn giản: ôi, đèn đường vẫn sáng…

Tác chiến liên tục

Nhu cầu dùng điện trên cả nước biến đổi liên tục, một giây có thể hàng chục nhà máy, hàng vạn người dân bấm bật hoặc tắt thiết bị điện. “Tất cả đều dội về hệ thống điện quốc gia và nhiệm vụ của hai kỹ sư điều hành là phải huy động các nhà máy điện để cân bằng chúng”.

Đứng theo dõi hai kỹ sư, anh Đỗ Xuân Trường, phó phòng điều độ thuyết minh: đấy, nếu ra lệnh chậm, nhà máy phát điện không kịp thời, điện áp và tần số sẽ xuống thấp. Người dân có thể không cảm nhận thấy, nhưng nhiều nhà máy có thể dừng cả dây chuyền, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Những lúc nhu cầu điện xuống thấp, A0 cũng “căng” không kém. Chỉ cách nhau vài giờ mà tình hình đối nghịch. Lúc 11g30, kỹ sư Phạm Văn Cường liên tục phải ra lệnh giảm công suất phát các nhà máy điện.

Bảng điện tử cho thấy nhu cầu xuống dốc, tần số và điện áp vọt lên cao. Không nhanh, thiết bị điện của hàng triệu hộ dân, máy móc của các nhà máy có thể gặp sự cố, thậm chí “bùm”…

CẦM VĂN KÌNH