11/01/2025

Ngày Bảo vệ Sự sống Italia lần thứ 37

Cuộc chiến bảo vệ sự sống không kết thúc tại đây, vì bên cạnh đó còn có hàng chục cuộc chiến, xung khắc, loạn lạc, mất mùa đói kém, bệnh tật và các tai ương thiên nhiên, nhưng cũng có bàn tay và lỗi của con người gây ra. Tất cả những sự kiện này hàng ngày đốn ngã biết bao mạng người trên thế giới.

Ngày Bảo vệ Sự sống Italia lần thứ 37
 
Phỏng vấn ông Carlo Casini, Chủ tịch Phong trào Bảo vệ Sự sống Italia


** Chúa Nhật mồng 1 tháng 2 vùa qua là Ngày bảo vệ sự sống lần thứ 37 tại Italia. Nhân dịp này Hội đồng Giám mục Italia đã phổ biến sứ điệp tựa đề “Liên đới cho sự sống”, trong đó các giám mục xin tín hữu toàn nước, cũng như các giới chức chính trị và mọi thành phần xã hội mạnh mẽ dấn thân chống lại nền văn hoá chết chóc, được diễn tả ra qua tệ nạn phá thai, việc lèo lái các bào thai và làm cho chết êm dịu, hay trợ tử, kể cả đối với các trẻ em vị thành niên.

Từ nhiều thập niên qua, tệ nạn phá thai khiến cho mỗi năm có hơn 50 triệu thai nhi bị sát hại trong lòng mẹ. Đây chỉ là con số phỏng đoán, vì các quốc gia trên thế giới không có số liệu chắc chắn, và không thể có con số chính xác, vì có rất nhiều vụ phá thai lén lút, không ai kiểm soát được. Từ vài thập niên qua, Việt Nam đã trở thành một trong các quốc gia có con số phá thai nhiều nhất: hàng năm có khoảng trên dưới 3 triệu thai nhi bị giết chết. Các thai nhi bị giết chết bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm cả việc cắt chặt thai nhi thành từng mảnh nhỏ, rồi dùng máy hút ra ngoài. Trong nhiều nhà thương các bác sĩ và y tá phá thai vứt thai nhi còn sống thẳng vào thùng rác, không chút thương tiếc. Đây là điều đã xảy ra tại một vài nhà thương bên Canada trong thập niên 1980.

Tệ nạn sát hại trẻ em còn trong lòng mẹ gia tăng vì chính phủ của hầu hết các nước tây âu và nhiều nước trên thế giới đều đã ra luật cho phép phá thai, tức cho phép giết người. Các cuộc tàn sát liên tục hết năm này sang năm khác đuợc giới truyền thông và xã hội coi là chuyện bình thường, không mấy khi có người lên tiếng phản đối. Nhưng mỗi khi có một loài thú vật nào gặp nguy cơ tuyệt nòi, thì các tổ chức và phong trào bảo vệ súc vật nhao nhao biểu tình phản đối và tổ chức các cuộc tuần hành tố cáo sự tàn ác của con người đối với thú vật. Trong khi đó họ im lặng trước cảnh hàng chục triệu thai nhi bị sát hại thê thảm mỗi năm.

** Bên cạnh nạn “tàn sát người hàng loạt” ấy là các hoạt động lèo lái các bào thai, chế tạo bào thai trong ống nghiệm, tích trữ trứng thụ tinh trong ngân hàng để chờ cấy vào tử cung của các phụ nữ muốn có con nhưng không đủ điều kiện tâm thể lý. Thế rồi còn có kỹ nghệ tạo ra các phôi thai người và sử dụng chúng để lấy các tế bào gốc chữa bệnh. Các phôi thai sau đó bị huỳ bỏ, nghĩa là bị giết. Chưa hết, sau một thời gian lưu trữ các trứng đã thụ tinh đông lạnh lại bị huỷ hoại đi, để thay thế bằng các trứng đã thụ tinh mới. Người ta cũng dùng các phôi thai để làm đủ mọi thử nghiệm khác nhau. Đây là “kỹ nghệ giết các phôi thai hàng loạt”, nghĩa là giết người vô phương thế tự vệ hàng loạt để mong tìm ra phương cách chữa bệnh cho một ai đó; trong khi việc sử dụng các tế bào gốc trưởng thành, của cả người bệnh đã cho các kết quả hiệu nghiệm rất đáng khích lệ, lại không được chú ý và phát triển mạnh đủ.

Đó là chưa kể tới việc lựa chọn con cái theo phái tính hay tình trạng sức khoẻ thể lý của chúng. Tại một vài nước như Trung Quốc và Ấn Độ, tâm thức trọng nam khinh nữ khiến cho các cha mẹ giết các bào thai nữ và chỉ đón nhận các thai nhi nam. Ngày nay với kỹ thuật tối tân soi bào thai người ta còn tìm cách loại bỏ chúng, khi khám phá ra chúng bị dị tật hay có thể bị dị tật. Thế rồi còn có nạn giết người êm dịu, được gọi một cách hoa mỹ là “làm cho chết êm dịu” hay trợ tử. Người ta giết các bệnh nhân nan y, người già, người tàn tật, viện cớ là để tránh cho họ khỏi kéo dài cuộc sống đau khổ, nhưng kỳ thực là để tiết kiệm ngân quỹ xã hội, tiền bảo hiểm, cất đi mọi phiền toái và gánh nặng cho các gia đình và xã hội. Đó là kiểu “giết người vì lý do bác ái giả dối”.

Tuy nhiên, cuộc chiến bảo vệ sự sống không kết thúc tại đây, vì bên cạnh đó còn có hàng chục cuộc chiến, xung khắc, loạn lạc, mất mùa đói kém, bệnh tật và các tai ương thiên nhiên, nhưng cũng có bàn tay và lỗi của con người gây ra. Tất cả những sự kiện này hàng ngày đốn ngã biết bao mạng người trên thế giới.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn ông Carlo Casini, Chủ tịch Phong trào Bảo vệ Sự sống Italia.

Hỏi: Thưa ông, Ngày Bảo vệ Sự sống Italia lần thứ 37 nhằm mục đích nào?

Đáp: Ngày này muốn được dành một cách chuyên biệt cho con số khổng lổ rất nhiều trẻ em chưa sinh ra, bị giết chết trong mọi quốc gia trên thế giới này và đặc biệt cả tại Italia này nữa. Hằng năm tại Italia có ít nhất 100.000 bào thai bị giết, đây là con số chính thức được biết tới, nhưng có biết bao nhiều vụ phá thai lén lút. Năm nay Ngày Bảo vệ Sự sống đặc biệt quan trọng, vì nó rơi vào ngày kỷ niệm 20 năm Thông điệp “Tin Mừng Sự Sống” của Đức Gioan Phaolô II, và 40 năm kỷ niệm thành lập Phong trào Bảo vệ Sự sống Italia.

Hỏi: Nhưng không phải chỉ có nạn phá thai đe doạ sự sống, cũng còn có nạn cho mướn tử cung, hay mang thai mướn khiến cho nhiều bà mẹ thiệt mạng nữa, có đúng thế không, thưa ông?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Sự sống và toàn sự sống. Cả việc thụ thai trong ống nghiệm cũng là một vấn đề. Bởi vì ai nói cho chúng ta biết có bao nhiêu trẻ em đang ở trong thời kỳ đầu sự sống của các em bị lựa lọc và vứt bỏ nơi phôi thai người? Còn hơn thế nữa, giờ đây người ta còn tấn công sự sống con người qua việc thụ thai trong ống nghiệm với tinh trùng hay trứng của một người thứ ba không phải là cha mẹ, qua việc mướn tử cung của một phụ nữ. Ở đây người ta không chỉ tấn công sự sống của các trẻ em này, nhưng tấn kích cả ý niệm về gia đình nữa, chắc chắn bởi vì các viễn tượng có tính cách thật báo động. Mướn tử cung có nghĩa là gì? Có nghĩa là, chẳng hạn đã có 3 phán quyết tại Italia này; tại Bologna, tại Milano và tại Roma. Các phán quyết này đã thừa nhận cho một cặp phụ nữ có thể nhận nuôi một đứa trẻ. Trong một trường hợp thì hai phụ nữ chung sống với nhau. Một phụ nữ qua việc thụ thai trong ống nghiệm sử dụng trứng của phụ nữ sống với mình để có con; phụ nữ kia thì sử dụng trứng của phụ nữ sống với mình và cho thụ thai với tinh trùng của một người đàn ông khác bên ngoài, và cả hai người được gọi là mẹ bởi hai đứa con: mẹ một và mẹ hai. Đấy, xem ra như chuyện của thế giới khác, có phải vậy không?

Hỏi: Có một mặt trận khác nữa là việc trợ tử, mà nhiều nước đang thử nghiệm cả với các trẻ em nữa, nhất là viện lẽ thương hại họ. Riêng ông thì ông nghĩ sao?

Đáp: Chắc chắn rồi. Đức Thánh Cha Phanxicô hay nói tới vùng ngoại biên và muốn rằng Giáo Hội đi ra các vùng ngoại biên để gặp gỡ con người. Có những vùng ngoại biên của các thành phố lớn là các khu xóm ổ chuột, các khu xóm nghèo nơi nhà cửa xập xệ, tồi tàn, nơi những người dân nghèo những người du mục sinh sống. Và cũng có các vùng ngoại biên của cuộc sống là sinh ra và chết đi, là khời đầu và kết thúc. Và trong lúc này, sự kết thúc là một vùng ngoại biên bị tấn công. Chúa Nhật cuối tháng giêng vừa qua, tại Pháp đã có cuộc tuần hành cho sự sống, tôi cũng đã có mặt tham dự, nhưng nhất là cuộc tuần hành chống lại việc trợ tử, nhân danh một người tên là Vincente – tôi không nhớ rõ tên họ – từ mười năm nay, cũng giống như cô Eluana, đang sống trong tình trạng thực vật. Bà vợ của ông có người bạn đường khác và muốn ông chết đi. Nhưng cha mẹ anh ta trái lại muốn cho anh sống. Bà mẹ của anh đã nói chuyện với công chúng từ khán đài để bảo vệ sự sống của con bà, nhưng rất tiếc chính quyền Pháp đã quyết định là anh ta phải chết. Đó, để cho quý vị hiểu là chúng ta đang đi tới mức độ nào. Phẩm giá con người, phẩm giá con người là cái gì không biến mất, không tuỳ thuộc nơi các khả năng, trí thông minh, sự giàu sang, khả năng giao tiếp. Vì thế, chúng tôi chống lại án tử hình, kể cả án tử hình của các kẻ tội phạm. Do đó, chúng tôi bảo vệ sự sống của các bệnh nhân, của những người cần sự liên đới của tất cả mọi người khác.

Hỏi: Là tín hữu Công giáo, đâu là các dụng cụ chúng ta có để có thể chiến đấu tốt hơn trong cuộc chiến bảo vệ sự sống con người?

Đáp: Rất tiếc liên quan tới đề tài sự sống và gia đình chúng ta bị bao vây, bởi vì thế giới, không phải chỉ có Italia thôi, nhưng thế giới, Âu châu, không muốn nghe nói tới điều đó. Và có các tổ chức quyền lực, có tiền và có các phương tiện truyền thông quan trọng lèo lái các vấn đề ấy… Đức Gioan Phaolô II đã nói tới “cuộc chiến của các kẻ mạnh chống lại các kẻ yếu”, “mưu toan chống lại sự sống trải dài ra cả trên bình diện quốc tế và thế giới”. Như vậy, chúng ta có các khí giới nào đây? Trước hết, sau bao nhiêu năm hoạt động bảo vệ sự sống trong các Quốc hội, khắp nơi mỗi chỗ một ít, tôi tin rằng cần kín múc sức mạnh nơi lời cầu nguyện: một lời cầu nguyện liên lỉ, nó phải trở thành một buổi cử hành phụng vụ, bởi vì nếu không thì người ta không làm gì hết. Và dĩ nhiên là chúng ta không được chán nản ngã lòng.

(RG 1-2-2015)