Sáng chế giúp dân nghèo
Chủ nhân của những sản phẩm đoạt nhiều giải thưởng trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Trà Vinh là ông Nguyễn Hoàng Nam (43 tuổi, ngụ xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh).
Sáng chế giúp dân nghèo
Chủ nhân của những sản phẩm đoạt nhiều giải thưởng trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Trà Vinh là ông Nguyễn Hoàng Nam (43 tuổi, ngụ xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh).
Ông Nam sử dụng thiết bị tiết kiệm điện trong nuôi tôm – Ảnh: Sơn Bình |
Ông Nguyễn Hoàng Nam chỉ có bằng trung cấp nghề cơ điện.
“Duyên” với cơ điện
Hợp đồng với công ty Trung Quốc Cầm trên tay bản hợp đồng, ông Nam nói nghe thông tin ông sáng chế robot bàn tay sạch và máy hút đa năng, một công ty Trung Quốc đang hoạt động trong công trường Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) đã làm hợp đồng thuê ông sử dụng sản phẩm do ông sáng chế đến bơm, hút rác, chất thải cho công trường. Hợp đồng tính tiền theo sản phẩm (trung bình khoảng 100 triệu đồng/năm). Hiện ông Nam tiếp tục hợp đồng với đơn vị này cho cả năm 2015. |
Học xong cấp II, Nam phải nghỉ học để làm thuê do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Những đêm canh chòi tôm cho chủ nơi mé biển, Nam thầm nghĩ xã hội càng phát triển, nông dân không chỉ có ánh sáng điện mà còn phải biết ứng dụng nhiều máy móc, thiết bị phục vụ cho cuộc sống mai sau khấm khá hơn. Nam xin gia đình cho đi học trung cấp nghề cơ điện.
Năm 22 tuổi, gia đình gom được 800.000 đồng cho Nam thuê trọ học trung cấp nghề cơ điện ở Cần Thơ. Đó cũng là số tiền duy nhất mà Nam nhận của gia đình cho đến khi học xong trung cấp. Suốt thời gian học, Nam làm thuê sinh sống. Học xong, Nam về làm bảo trì cho nhiều công ty tại tỉnh Trà Vinh và lập gia đình.
Lương không đủ nuôi vợ con, Nam lên Sài Gòn làm bảo trì cơ điện cho một công ty trong cao ốc tại trung tâm Q.1. Nam kể: “Hồi đó tui được khen thưởng bởi phát hiện hệ thống chữa cháy bị trục trặc nên mạnh dạn đề xuất và nâng cấp thành công hệ thống phòng cháy chữa cháy của riêng mình rất hiệu quả cho công ty sử dụng”.
Năm 2002, Nam xin về quê nhà Duyên Hải làm bảo trì tại Công ty thủy sản Sao Biển, chuyên làm cá đông lạnh xuất khẩu. Tại đây, Nam được ban giám đốc khen thưởng 5 triệu đồng về một sáng kiến. Cùng làm tổ bảo trì với Nam, anh Nguyễn Trường Sơn nhớ như in năm đó hệ thống làm lạnh gặp sự cố khiến cá bị “cháy lạnh” không bán được.
Công ty hoang mang gọi nhiều chuyên gia lắp đặt hệ thống tận Vũng Tàu và cả nhóm thợ cơ điện Sài Gòn về sửa chữa nhưng gần hai tuần trôi qua không thay đổi. “Khi mọi người “rối như canh hẹ”, thì Nam xin ban giám đốc cho anh sửa chữa. Sau gần một tuần miệt mài làm việc, cuối cùng mọi người vỡ òa vui sướng khi hệ thống làm lạnh hoạt động cho ra nguồn sản phẩm cá đạt tiêu chuẩn trở lại” – anh Sơn kể.
Hai sáng chế đoạt giải
Sử dụng hiệu quả Ông Nguyễn Văn Thêm, ngụ xã Long Hữu, huyện Duyên Hải, chia sẻ ông là thợ cơ điện, khi hay tin ông Nam sáng chế thiết bị tiết kiệm điện trong nuôi tôm thì mua về dùng và thấy máy hoạt động rất hiệu quả, giảm tiền điện hơn 40% so với trước. Ông Cao Tấn Tới (nguyên cán bộ văn phòng UBND tỉnh Trà Vinh) cũng mua nhiều thiết bị tiết kiệm điện của ông Nam và sử dụng hơn ba tháng qua nói: “Tui biết Nam khi sáng chế ra robot bàn tay sạch, lúc đó Nam có tâm sự phải sáng chế ra thiết bị tiết kiệm điện cho nông dân nuôi tôm nên tui rất ủng hộ. Khi hay tin Nam sáng chế thành công, tui mua bốn cái, chạy ngon lành, tiết kiệm hơn 45% tiền điện so với lúc trước”. |
Do cuộc sống, vợ ông lên Sài Gòn nấu ăn cho một nhà hàng, ông phải nghỉ việc, làm thợ điện tại gia để nuôi con. Những lúc xem báo đài, nhìn những công nhân phải chui sâu trong các ống cống thông rác gặp nạn, ông trăn trở, mày mò nghiên cứu và sáng chế máy hút đa năng và robot bàn tay sạch hoạt động bằng thuỷ lực.
Hai sáng chế của ông Nam lần lượt đoạt giải ba và giải nhì của Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Trà Vinh lần thứ hai (2012-2013) do Sở Khoa học – công nghệ tỉnh Trà Vinh tổ chức.
Ngoài việc sửa chữa cơ điện tại nhà và nhận rút hầm cống mưu sinh, ông Nam tiếp tục suy nghĩ và cho ra những sáng chế mới. Năm 2014, nông dân phản ứng dữ dội do không đủ nguồn điện cung cấp cho việc chạy máy sục khí trong nuôi tôm, ông tiếp tục nghiên cứu rồi công bố với Sở Khoa học – công nghệ tỉnh về sản phẩm thiết bị tiết kiệm điện dùng trong nuôi tôm.
Cơ quan chức năng kiểm định hiệu quả và kết luận thiết bị giảm đến hơn 50% nguồn điện tiêu thụ so với các thiết bị cũ. “Riêng thiết bị tiết kiệm điện tui đã bán hơn 100 cái với giá 5,7 triệu đồng/cái” – ông Nam nói.
Ông Trần Văn Nhàn (trưởng phòng quản lý chuyên ngành Sở Khoa học – công nghệ tỉnh Trà Vinh, thành viên ban giám khảo cuộc thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ hai tỉnh Trà Vinh) cho biết hai sáng chế robot bàn tay sạch và máy hút đa năng của ông Nam đã giúp bơm hút rác, làm thông thoát cầu cống một cách tiện lợi, hiệu quả và tránh những rủi ro cho con người khi phải chui sâu vào cầu cống.
Cơ quan chuyên môn cũng đã kiểm định công dụng của thiết bị tiết kiệm điện trong nuôi tôm của ông Nam và kết quả giảm đến hơn 50% điện năng tiêu thụ so với các thiết bị mà người nuôi tôm sử dụng trước đây.
“Những sáng chế của anh Nam đã giúp được biết bao người nông dân nghèo” – ông Nhàn nhận xét.