Người đi mở đất U Minh
Vùng đất bạt ngàn U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau vừa “mọc” lên một trang trại đa canh lúa – cá – hoa màu các loại rộng hơn 300ha, có bờ mương thẳng tắp, có kho chứa, nhà máy xay xát. Ban ngày, trên đồng tiếng máy cày, máy xới chạy xình xịch. Ban đêm đèn đường, đèn bẫy dẫn dụ côn trùng rực sáng một vùng…
Người đi mở đất U Minh
Vùng đất bạt ngàn U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau vừa “mọc” lên một trang trại đa canh lúa – cá – hoa màu các loại rộng hơn 300ha, có bờ mương thẳng tắp, có kho chứa, nhà máy xay xát.
Ban ngày, trên đồng tiếng máy cày, máy xới chạy xình xịch. Ban đêm đèn đường, đèn bẫy dẫn dụ côn trùng rực sáng một vùng…
Ông Võ Minh Khải (trái) trao đổi quy trình sản xuất lúa với TS Lê Văn Bảnh tại nông trại của ông – Ảnh: Tấn Đức |
Ông Võ Minh Khải là người đã dám nghĩ, dám dấn thân vì một nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Dù chỉ mới là bước khởi đầu, nhưng có thể nói đây là mô hình sản xuất kiểu mẫu từ khâu tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ tới việc chọn lọc và sử dụng những loại giống bản địa có chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Những việc làm của ông Võ Minh Khải thật đáng trân trọng |
TS Lê Văn Bảnh (viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL) |
Ít người biết cách nay chừng 5-6 năm, nơi này hãy còn đầy năn, lác, tới mùa khô phèn “phực” lên, cá chết trắng lung bàu. Dân tứ xứ ham đất về đây định khai hoang lập nghiệp nhưng ít ai trụ được.
Vậy mà…
Giăng mùng cày ruộng
Một ngày cuối tháng giêng cách đây tròn sáu năm, ông Võ Minh Khải, hiện là giám đốc Công ty cổ phần thương mại và sản xuất Viễn Phú, từ TP.HCM đã đón xe đò về Cà Mau, rồi mướn vỏ lãi chạy sâu vô U Minh Hạ tìm đất mở trang trại. Có điều lạ, ông chỉ muốn tìm những nơi không có người ở, nơi đất đai – như ông nói – còn “trinh nguyên”, chưa tiếp xúc phân bón, thuốc hóa học.
Tới vàm kênh Nam Dương thuộc xã Khánh An, huyện U Minh (Cà Mau), ngó lên bờ ông Khải thấy túp lều của người đốn củi đóng bên bờ kênh, bèn kêu vỏ lãi tấp vô hỏi han. Lão tiều phu ngó bộ dạng “người thành phố” coi bộ khó kham cực khổ của khách lạ, mới chân tình khuyên giải: “Vùng này lam chướng, không trồng được cây gì đâu.
Qua là dân miệt rừng còn không trụ nổi. Chú em vô đây chỉ có đường chết!”. Nghe dân thổ địa nói vậy, ông Khải cả mừng, nghĩ đã trúng chỗ “đất sạch” cần tìm, bởi ông đã đi khắp các tỉnh phía Bắc, sang cả Lào, Campuchia và đúc kết kinh nghiệm cho riêng mình: “Đất chết của người khác là đất sống của mình”.
Cẩn thận hơn, ông bốc một vốc đất mang về nhờ người phân tích. Một tuần sau ông Khải trở lại Cà Mau, làm đơn gửi chính quyền tỉnh, xin thuê đất mở trang trại sản xuất.
Nhận đất, ông Khải mừng quýnh trở về TP.HCM gom góp tiền và bán luôn căn biệt thự ở Q.1 làm vốn, khăn gói vô rừng dựng chòi thuê nhân công đào mương xổ phèn. “Giữa ban ngày ban mặt, vậy mà lội bộ vô tới nơi, mình mẩy tui đã sưng tấy do bị muỗi đói U Minh lao vào chích” – ông Khải nhớ lại.
Liệu bề sức người không kham, ông mua chiếc máy cày đem vô. Mấy bữa đầu ngồi trên máy cắt đồng làm bờ bao, ông Khải và người tài công phải bỏ phương tiện chạy ra bờ kênh Nam Dương, nhảy ùm xuống nước vì bị… ong đánh. Tới nước này, ông chủ trang trại đành phải mang mùng ra giăng trên buồng lái để an tâm làm việc.
Để hoàn thiện cơ sở vật chất cho trang trại, ông Khải bấm bụng di dời cơ sở xay xát đang ăn nên làm ra tại TP. HCM, thuê tàu chở về U Minh. Do chưa có đường giao thông nên phải mất mấy tháng ròng “chia nhỏ” thiết bị, vận chuyển qua bốn lượt xe, tàu, dây chuyền xay xát mới thành hình ở rừng U Minh Hạ.
“Từng làm xuất khẩu nhiều năm, mới thấy xót xa cho nông dân mình. Sản lượng lúa gạo đứng hàng nhất nhì thế giới, vậy mà phải ăn gạo bẩn, sức khỏe bị bào mòn, trong khi lợi nhuận thu về không tương xứng với công sức bỏ ra. Đó là nguyên nhân thôi thúc tui phải đi tìm loại gạo tốt nhất về gieo trồng. Dẫu biết kinh doanh hướng này rất chậm sinh lợi nhuận, nhưng tui không hối hận vì việc làm của mình mang lại lợi ích lâu dài cho người dân” – ông Khải tâm sự.
Bắt đất “nở hoa”
Xuất thân trong gia đình mấy đời là nông dân ở huyện Long Mỹ, Hậu Giang, tới chừng tốt nghiệp đại học chuyên ngành cơ khí, về làm việc ở Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn rồi sau đó là Công ty xuất nhập khẩu Minh Hải, ông Khải vẫn giữ bản tính khề khà, dễ gần và nhất là tình yêu với cây lúa.
Có điều kiện đi khắp nơi trong và ngoài nước, tới đâu ông cũng để tâm sưu tầm những giống lúa gạo không chỉ ngon mà còn có nhiều dược tính, đặc biệt là những giống lúa bản địa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương.
Khi nắm trong tay những giống gạo đen, gạo đỏ, gạo tím, gạo trắng đục… có những đặc tính sinh học như chống oxy hóa, chỉ số đường huyết thấp, chất xơ cao – mà ông đặt tên thương hiệu chung là gạo Hoa Sữa (hàm ý gạo cũng bổ dưỡng như sữa mẹ), ông Khải liền nghĩ tới việc sản xuất sạch.
Với nhiều nông dân, khái niệm sản xuất hữu cơ có khi còn mơ hồ, nhưng với giới chuyên gia nông nghiệp thì không thể có sự nhập nhằng: sản xuất hữu cơ phải tạo ra những sản phẩm an toàn tuyệt đối.
Muốn vậy, không đơn thuần chỉ là việc không sử dụng phân bón hoá học, mà ngay cả đất canh tác cũng phải là đất chưa từng nhận phân bón hoá học. Nếu đã “lỡ” sử dụng thì phải có quá trình cải tạo, vệ sinh, nhằm tránh dư lượng hoá chất để lại.
Về giống, hẳn nhiên phải chọn lọc trong môi trường tự nhiên, không qua biến đổi gen. Quá trình thu hoạch, vận chuyển, lưu kho, chế biến, đóng gói… cũng đòi hỏi những quy trình vệ sinh nghiêm ngặt.
Cải tạo một vùng đất hoang hoá lâu năm để sản xuất theo kiểu thông thường: dùng hoá chất xử lý phèn rồi đưa vào thật nhiều phân bón các loại để làm giàu dinh dưỡng cho đất đã là việc khó. Cải tạo đất mà không dùng hoá chất xử lý phèn, rồi sản xuất theo kiểu dùng bẫy đèn bắt bọ rầy, thả cá, vịt vô ruộng diệt thiên địch… lại càng khó gấp trăm lần. Vậy mà ông Khải đã làm được, bằng những quan sát thực tế kết hợp kinh nghiệm dân gian của cha ông.
Đầu tiên ông đào kênh đắp bờ, bao toàn bộ diện tích 320ha của nông trại để ngăn tầng nước đáy vốn tích tụ nhiều phèn từ rừng U Minh Hạ chảy ra. Tiếp theo ông làm thật nhiều kênh mương nổi cao hơn mặt ruộng, bơm nước mặt vào cho chảy tràn để rửa phèn theo phương châm bỏ nước đáy, lấy nước mặt.
Ông lại kết hợp trồng lục bình, bông súng và nhiều loài cây thuỷ sinh khác để “hút” phèn trong ruộng. Cách làm của ông đã mang lại hiệu quả, những thửa ruộng giàu dinh dưỡng do chất mùn hữu cơ bồi đắp nhiều năm được đánh thức, năng suất lúa tăng vùn vụt qua từng vụ, từ 800 kg/ha lên trên 2,5 tấn/ha.
Ông lại tận dụng đất bờ mương trồng gần 20 loại rau màu cũng theo phương pháp hữu cơ, dưới kênh ông thả vịt, cá lóc, cá rô, cá mè, cá rô phi…
Người ta nuôi bằng thức ăn công nghiệp, 5-6 tháng đã xuất bán, còn “cá rừng, vịt trời” của ông Khải tuy chậm lớn nhưng sản xuất ra bao nhiêu khách hàng trong và ngoài nước đặt mua không đủ bán.
Tiếng vang quốc tế Tiếng lành đồn xa, tổ chức quốc tế về sản xuất hữu cơ Bio Organic đã cử chuyên gia đến khảo sát, lấy mẫu phân tích, giám sát hơn 20 công đoạn sản xuất và tới đầu năm 2012 đã cấp chứng nhận nhãn hiệu hữu cơ, an toàn tuyệt đối và có lợi cho sức khoẻ đối với sản phẩm gạo và cá của nông trại. Tại buổi lễ trao chứng nhận, ông Richard de Boer, giám đốc Tổ chức Control Union Vietnam (cơ quan đánh giá và chứng nhận sản phẩm hữu cơ Hà Lan tại Việt Nam), khẳng định đây là một dự án cung cấp sản phẩm hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam, có giá trị rất lớn về môi trường, cân bằng hệ sinh thái trong nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Trở thành thành viên của tổ chức quốc tế về sản xuất hữu cơ, trang trại của ông Khải đã vượt qua khoảng cách về không gian, được nhiều khách quốc tế biết tới. Cứ mươi bữa nửa tháng, người dân miệt rừng U Minh Hạ lại thấy những đoàn khách “mắt xanh tóc vàng” – những nhà khoa học, sinh viên các nước – đến tham quan, thực tế mô hình sản xuất sạch đầu tiên của Việt Nam. Từ miệt rừng xa xôi, ông chủ trang trại tay chân lấm lem bùn đất lại hồ hởi tiếp đón. Rồi thi thoảng ông lại được mời đi báo cáo kinh nghiệm làm gạo hữu cơ tại các hội nghị quốc tế về lúa gạo, mà báo cáo trực tiếp bằng tiếng Anh, hệt như nhà khoa học thực thụ! Năm 2014, trang trại của ông Khải đã cung ứng cho thị trường hơn 1.000 tấn gạo cùng nhiều sản phẩm hữu cơ khác từ gạo, rau màu, cá. Sản phẩm phần lớn được xuất bán vào thị trường châu Âu như Nga, Anh, Đức, Pháp… Từ hiệu quả mang lại, tỉnh Cà Mau đang có kế hoạch nhân rộng mô hình sản xuất ra dân với tổng diện tích khoảng 30.000ha. |