Đường ống nước sông Đà: 35 tháng, vỡ 10 lần
Sáng 15-1, đường ống nước sạch sông Đà lại tiếp tục gặp sự cố lần thứ 10 khiến 70.000 hộ dân Hà Nội lâm vào cảnh không có nước sạch trong 12 giờ.
Đường ống nước sông Đà: 35 tháng, vỡ 10 lần
Sáng 15-1, đường ống nước sạch sông Đà lại tiếp tục gặp sự cố lần thứ 10 khiến 70.000 hộ dân Hà Nội lâm vào cảnh không có nước sạch trong 12 giờ.
Đường ống nước sạch sông Đà cấp nước cho Hà Nội bị vỡ tiếp lần thứ 10 vào ngày 15-1-2015 – Ảnh: Phương Minh |
Sau lần vỡ thứ chín, cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng liên quan việc thiết kế, phê duyệt, sản xuất và xây lắp tuyến ống truyền tải nước sạch (giai đoạn 1) của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex).
Trong khi chưa có kết luận của cơ quan điều tra thì đường ống “tai tiếng” này lại vỡ một lần nữa.
“Rò rỉ” chứ không vỡ?
Một tháng nữa có kết quả giám định Đó là khẳng định của ông Hoàng Hải – phó cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng). Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hải cho biết sáng 15-1, đại diện cục này đã có mặt tại hiện trường sự cố đường ống nước sông Đà để ghi nhận hiện trường. Theo ông Hải, một tháng nữa sẽ có kết quả giám định. Cục Giám định và Viện Vật liệu xây dựng đang thực hiện theo yêu cầu của cơ quan cảnh sát điều tra. |
Sáng 15-1, hàng chục nghìn hộ dân các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, một phần quận Cầu Giấy đột ngột lâm vào cảnh mất nước sạch.
Ngay sau đó, Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex (Viwasupco) – thuộc Vinaconex – thừa nhận nguyên nhân do đường ống dẫn nước sạch sông Đà gặp sự cố tại km 21+400 thuộc xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai.
Ngay khi xảy ra sự cố, công ty này đã huy động bốn máy cẩu, hai máy xúc cùng 150 công nhân tới hiện trường để khắc phục.
Chiều cùng ngày, Vinaconex cũng đã phát đi thông cáo về sự cố, tuy nhiên Viwasupco khẳng định sự cố trên là điểm xung yếu có rò rỉ trên tuyến ống chứ không phải là vỡ đường ống nước. Viwasupco cũng cho biết công ty đã quyết định chủ động ngừng cấp nước để gia cố, sửa chữa nâng cao độ an toàn cho tuyến ống, do đó hàng chục nghìn hộ dân tạm thời chưa có nước sạch để dùng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Chí Sơn – giám đốc ban đối ngoại, pháp chế của Vinaconex – cho biết trong quá trình đi tuần kiểm tra tuyến ống, lực lượng của Viwasupco đã phát hiện điểm rò rỉ và huy động máy móc đào xới hiện trường để khắc phục.
“Bản chất sự việc là thế, không phải vỡ, còn việc đào xới lên dưới mặt đất có nước là đương nhiên. Cái này chúng tôi phát hiện qua dấu hiệu tụt áp suất trên hệ thống chứ không phải tràn nước lênh láng gì cả” – ông Sơn phân trần.
Theo ông Sơn, Viwasupco chủ động cắt nước để sửa chữa nhằm đề phòng điểm xung yếu bị bục ra lớn hơn, đồng thời ngăn ngừa nước bị rò rỉ, thất thoát và đẩy nhanh được tiến độ khắc phục sự cố.
Ông Sơn cho hay ngay sau sự cố, Vinaconex đã có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) và Cơ quan cảnh sát điều tra C46 (Bộ Công an), các cơ quan chức năng, các khách hàng có liên quan.
Viwasupco cho hay phương pháp khắc phục sự cố được áp dụng là thay đoạn đường ống mới (dài 3m, đường kính 1,8m) vào điểm xung yếu. Theo đơn vị này, sau 12 giờ xử lý sự cố, nước sạch đã cung cấp trở lại cho người dân.
Sơ đồ 10 lần vỡ đường ống nước sạch sông Đà – Đồ họa: Vĩ Cường |
Do chất lượng ống
Trong kết luận gần đây nhất về nguyên nhân vỡ đường ống “tai tiếng” này, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho biết việc đường ống xảy ra vỡ liên tiếp là do chất lượng của ống không đồng đều.
Tại một số vị trí của ống có hiện tượng bong rộp, tách lớp, một số chỉ tiêu cơ lý không đảm bảo dẫn đến suy giảm khả năng chịu lực cục bộ của đường ống. Thiếu các yêu cầu kỹ thuật đối với việc sản xuất, thi công lắp đặt ống theo tiêu chuẩn áp dụng…
Cục khẳng định đơn vị tổng thầu thiết kế còn thiếu kinh nghiệm trong việc lựa chọn các tiêu chuẩn áp dụng trong thiết kế tuyến ống nước sử dụng vật liệu ống composite cốt sợi thủy tinh, không đưa ra đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình sản xuất, thi công, lắp đặt tuyến ống.
Đối với nhà sản xuất ống composite cốt sợi thủy tinh đã lựa chọn công nghệ và kiểm soát quá trình gia công chế tạo chưa chặt chẽ.
Các nhà thầu thi công xây dựng phải chịu trách nhiệm trong công tác thi công để một số dị vật như đá khối lớn, bêtông lẫn vào lớp vật liệu cát đắp quanh ống; thiếu tấm đan dàn tải tại một số hầm chui dân sinh, để ống chịu tác động bất lợi trong quá trình vận chuyển, lắp đặt.
Còn nhà thầu giám sát thi công xây dựng không giám sát chặt chẽ, thiếu trách nhiệm để xảy ra các thiếu sót trong quá trình thi công xây dựng nêu trên. Riêng chủ đầu tư, ban quản lý dự án buộc phải chịu trách nhiệm trong công tác tổ chức, quản lý chất lượng.
Sau lần vỡ thứ chín, Vinaconex thừa nhận có bốn công ty thành viên của Vinaconex vi phạm khi tham gia gói thầu thi công đường ống truyền tải số 1 nhiều lần xảy ra vỡ. Đó là các công ty cổ phần xây dựng số 6, 7, 11, 12.
Các công ty này chưa quản lý chặt chẽ chất lượng thi công, lắp đặt đường ống, tạo nên các tác động bất lợi làm giảm khả năng bám dính của các vật liệu cấu tạo ống.
Ngoài ra, Vinaconex thừa nhận trong tổng số 5.100 sản phẩm ống và phụ kiện các loại cung cấp cho dự án giai đoạn 1 do sử dụng thiết bị công nghệ mới nên một số sản phẩm ống có thể chưa được kiểm soát chặt chẽ trong quá trình sản xuất hoặc trong khâu vận chuyển.
Khắc phục sự cố sáng 15-1 – Ảnh: Nguyễn Dương |
Chờ cơ quan điều tra
Trả lời về việc liệu đường ống sẽ còn tiếp tục gặp sự cố hay không, ông Phạm Chí Sơn thừa nhận hiện nay Vinaconex buộc phải áp dụng biện pháp tình thế, vì không thể khẳng định đường ống sẽ không vỡ hay sẽ vỡ tiếp vào lúc nào.
“Hiện chúng tôi đã có quy trình phản ứng nhanh, xảy ra sự cố sẽ có máy móc, công nhân ứng trực sẵn, rút ngắn thời gian khắc phục xuống dưới 10 tiếng để cung cấp nước trở lại sớm nhất cho người dân” – ông Sơn nói.
Đề cập việc xem xét trách nhiệm cá nhân và tập thể nếu để xảy ra các sự cố vỡ tiếp, ông Sơn cho biết trước đây Vinaconex đã thực hiện quy trình xem xét đánh giá kiểm tra về trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị. Tuy nhiên sau khi có quyết định khởi tố vụ án, theo yêu cầu của cơ quan điều tra, mọi việc phải tạm dừng, không được làm gì, chờ kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra.
“Căn cứ theo kết luận này, cá nhân hay đơn vị nào sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bản thân Vinaconex cũng muốn xử lý nhanh nhưng quy trình tố tụng hình sự chắc chắn phải mất một thời gian dài. Mọi việc phải chờ cơ quan điều tra thôi” – ông Sơn nói.
Về diễn biến vụ án sau khi đã được cơ quan điều tra khởi tố vụ án, trong đó liên quan tới việc khởi tố bị can, ông Sơn cho rằng điều này thuộc về quy trình tố tụng, thông tin do cơ quan điều tra cung cấp.
Liên quan tới giai đoạn 2 của dự án thi công đường ống nước sạch sông Đà, ông Sơn khẳng định dù đường ống hiện tại xảy ra sự cố hay không, hoàn toàn không ảnh hưởng tới tiến độ của giai đoạn 2.
Theo ông Sơn, hiện nay dự án đã thu xếp xong nguồn vốn 1.200 tỉ đồng, trong đó chủ đầu tư chiếm 15%, 85% còn lại là vốn vay ngân hàng.
Hiện công tác khảo sát thiết kế, vẽ bản vẽ thi công, lựa chọn vật liệu ống cũng đang trong giai đoạn hoàn tất. Vinaconex đang tiếp tục triển khai các bước duyệt dự án đầu tư, sau đó tổ chức đấu thầu quốc tế mời thầu các nhà thầu thi công.
Trước Tết Nguyên đán, Vinaconex sẽ khởi công phân kỳ 1 của giai đoạn 2 dự án, thi công tuyến ống dài khoảng 21km. “Chúng tôi dự kiến triển khai đồng loạt 6-8 mũi thi công, cố gắng hoàn thành trong năm 2015” – ông Sơn nói.
Vinaconex vẫn làm chủ đầu tư dự án giai đoạn 2 Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khi trả lời Tuổi Trẻ về việc sau sự cố lần thứ 10 liệu thành phố có xem xét thay đổi quyết định giao cho Vinaconex tiếp tục làm chủ đầu tư tuyến ống nước sạch sông Đà giai đoạn 2 hay không. Theo ông Thảo, việc giao Vinaconex tiếp tục đầu tư xây dựng tuyến ống nước sông Đà số 2 đã được Thủ tướng phê duyệt, vì vậy trách nhiệm của chủ đầu tư là phải thực hiện đúng tiến độ và cam kết về chất lượng. Về trách nhiệm sau các sự cố vỡ đường ống, ông Thảo khẳng định chính chủ đầu tư Vinaconex phải chịu trách nhiệm về chất lượng đường ống. “Tiền đầu tư đường ống là tiền của doanh nghiệp nên doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về lựa chọn đầu tư chất liệu gì. Tuy nhiên, do tuyến ống khi xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn tới mất nước sạch ảnh hưởng sinh hoạt của người dân nên thành phố đã có yêu cầu phải tập trung khắc phục kịp thời để đảm bảo cung cấp nước sạch cho nhân dân dù trong bất cứ hoàn cảnh nào” – ông Thảo nhấn mạnh. Cũng theo ông Thảo, nếu Vinaconex không khởi công đường ống nước sạch số 2 và tiếp tục chậm tiến độ, thành phố sẽ giao các đơn vị khác làm tuyến ống này. |