27/11/2024

Đau đầu với chuyện đứt cáp quang trong lòng đại dương

Hệ thống cáp ngầm phức tạp nằm rải rác dưới đáy đại dương có nhiệm vụ luân chuyển khối lượng dữ liệu khổng lồ giữa các vị trí trên đất liền. Tuy vậy, chúng thường xuyên gặp phải sự cố đứt, gãy.

 

Đau đầu với chuyện đứt cáp quang trong lòng đại dương

 

 

Hệ thống cáp ngầm phức tạp nằm rải rác dưới đáy đại dương có nhiệm vụ luân chuyển khối lượng dữ liệu khổng lồ giữa các vị trí trên đất liền. Tuy vậy, chúng thường xuyên gặp phải sự cố đứt, gãy.

 

 

 

Thế giới và câu chuyện đứt cáp ngầm 1Công nhân tham gia lắp đặt hệ thống cáp ngầm dưới biển tại châu Phi -Ảnh: AFP
Ngày nay, hệ thống cáp ngầm đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát tiển kinh tế, cũng như đảm bảo thông tin liên lạc và an ninh ở các quốc gia. Tuy vậy, không chỉ riêng với Việt Nam, các sự cố đứt, gãy cáp ngầm hiện đang làm nhiều nước đau đầu tìm cách khắc phục.
Theo thống kê của Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI), các tai nạn đứt cáp quang diễn ra khá phổ biến trên thế giới, trung bình mỗi tuần một lần. Nguyên nhân có thể do mỏ neo và lưới đánh cá, các hiện tượng thiên nhiên như động đất, sóng thần hay dòng biển động, thậm chí có thể do cá mập cắn. Hài hước hơn, vào tháng 3.2007, một nhóm cướp biển đã tổ chức đánh cắp 11 km cáp ngầm TVH (kết nối Thái Lan – Việt Nam – Hồng Kông) nặng khoảng 100 tấn để bán phế liệu, khiến tốc độ truy cập internet tại Việt Nam xuống thấp kỷ lục, theo LIRNEasia.
Trước đó, vào tháng 7.2005, lỗi hệ thống cáp SEA–ME–WE3 (Đông Nam Á – Trung Đông – Tây Âu 3) tại khu vực cách thành phố Karachi 35 km về phía nam đã gây ảnh hưởng đến khoảng 10 triệu người dùng internet, khiến toàn bộ hệ thống liên lạc giữa Pakistan với thế giới bị cắt đứt hoàn toàn, theo AFP.
Ba sự cố cáp quang đã liên tiếp xảy ra trong năm 2008, 2 trong số đó gần vịnh Ba Tư, gây ảnh hưởng nặng nề đến quá trình thông tin liên lạc của Ấn Độ và khu vực Trung Đông, theo AP. Tồi tệ nhất là vào ngày 19.12, các hệ thống FLAG FEA (dài 28.000 km, kết nối hàng loạt vị trí kéo dài từ Anh đến Nhật Bản), GO–1 (kết nối vùng Sicily và Malta), SEA–ME–WE3,SEA–ME–WE4 đồng loạt bị ngắt kết nối, khiến 75% khối lượng thông tin luân chuyển giữa khu vực Trung Đông, châu Á với thế giới bị gián đoạn. Ấn Độ thậm chí còn phải chịu đựng tốc độ internet giảm đến 80%, Maldives “mất mạng” hoàn toàn, theo Reuters.
Tháng 3.2013, một lần nữa hệ thống SEA–ME–WE4 từ Pháp đến Singapore bị hư hại nghi do thợ lặn Ai Cập cắt, theo Computer World.
Tuyến cáp quang biển AAG (Cổng kết nối Mỹ – Á) đi qua Việt Nam đã ít nhất 4 lần gặp sự cố tính từ tháng 12.2013 đến nay. Phân đoạn S1H của hệ thống AAG bị đứt vào sáng 5.1 dự kiến sẽ phải mất 3 tuần tới 1 tháng để sửa chữa.
Để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra với hệ thống cáp ngầm, nhiều thoả thuận quốc tế giữa các công ty điều hành đã được triển khai và mở rộng, lực lượng tàu sửa chữa luôn túc trực, sẵn sàng triển khai, đồng thời lưu lượng thông tin sẽ được điều phối qua các con đường khác, theo ASPI.

Thế giới và câu chuyện đứt cáp ngầmCá mập cũng có thể là nguyên nhân gây đứt cáp dưới biển – Ảnh: Reuters
Cáp ngầm thông thường chỉ dày cỡ ống nước, đa số nằm lộ dưới đáy biển. Từ đây, người ta phát triển công nghệ chôn cáp ngầm, bắt đầu từ năm 1980. Tuy tỉ lệ sự cố đứt gãy có giảm (từ 3,7 xuống 0,44 lỗi trên 1.000 km vào năm 1985), nhưng đây vẫn chưa phải là biện pháp hữu hiệu. Hàng năm, chỉ riêng các tuyến cáp ở Đại Tây Dương đã khiến cơ quan chức năng tiến hành trung bình 50 quy trình sửa chữa lớn nhỏ.
Các trạm trên đất liền có thể xác định thời gian và địa điểm xảy ra sự cố dứt gãy cáp ngầm bằng các thông số điện từ, điển hình là phương pháp đo phản xạ trải phổ trong miền thời gian (SSTDR) có thể cung cấp thông tin chính xác trong vòng 20 mili giây.
Sau khi đã xác định vị trí, tàu sửa cáp sẽ được điều động và thả phao đánh dấu gần nơi xảy ra sự cố cáp ngầm. Tiếp đến, tùy vào điều kiện đáy đại dương, người ta sử dụng robot lặn có hình dạng giống xe tăng hoặc các loại móc kéo khác nhau.
Chẳng hạn, tại vị trí cát dày, các móc có ngạnh cứng sẽ được dùng để thọc sâu xuống đáy biển rồi kéo cáp lên, theo sách Popular Mechanics. Đối với các vùng nước đặc biệt sâu, móc kéo không đủ sức nâng đoạn cáp lên trên mặt nước, người ta sẽ cắt vị trí cáp bị hỏng rồi mới đưa lên thuyền để thay thế.
Ở các vùng nước nông, tàu lặn có thể được sử dụng để sửa cáp hỏng. Đoạn cáp sau khi sửa thường dài hơn thiết kế nguyên mẫu, nên sẽ nằm theo dạng chữ U trên thềm đại dương.
Tuy phần lớn các tai nạn liên quan đến cáp ngầm là sơ ý xảy ra, một số trường hợp vẫn bị coi là do cố tình. Những hành động phá hoại có hệ thống không còn xảy ra nhiều như thời Chiến tranh lạnh, nhưng hiện nay, vấn nạn cắt trộm cáp ngầm để bán phế liệu đang khiến nhiều quốc gia đau đầu. Mặt khác, không thể bỏ qua các hành vi tấn công nhằm phục vụ mục đích chính trị, theo ASPI.
Mỹ tỏ ra đặc biệt lo ngại, và đã mở một cuộc chiến toàn diện để chống lại vấn nạn trên. Trong khi đó, New Zealand hiện có 10 khu vực bảo vệ cáp ngầm đặc biệt, trong khi con số này ở Úc là 3, nơi cảnh sát biển liên tục tiến hành các chiến dịch tuần tra, đôi khi kéo dài 24 giờ mỗi ngày nếu cần thiết.

 

Hữu Đạt