23/12/2024

Tái lập Lễ Giáng Sinh như lễ nghỉ tại Népal

KATHMANDU – Chính phủ Népal đã quyết định tái lập Lễ Giáng Sinh như lễ nghỉ chính thức, sau khi các tín hữu Kitô phản đối việc bãi bỏ lễ nghỉ này hồi tháng 4 năm 2016.

 Tái lập Lễ Giáng Sinh như lễ nghỉ tại Népal

 

 
KATHMANDU – Chính phủ Népal đã quyết định tái lập Lễ Giáng Sinh như lễ nghỉ chính thức, sau khi các tín hữu Kitô phản đối việc bãi bỏ lễ nghỉ này hồi tháng 4 năm 2016.

Trong dịp Lễ Giáng Sinh vừa qua, các tín hữu Kitô Népal đã mừng lễ trọng thể, kể cả với những trang trí bên ngoài, và hàng ngàn những người không Kitô cũng tham dự các buổi lễ này. Cả Bà Tổng thống Bidya Devi Bhandari cũng chủ toạ các buổi lễ mừng Giáng Sinh như một khách mời. Bà chúc mừng các vị lãnh đạo Kitô và cầu mong rằng “dịp lễ này có thể củng cố những tâm tình yêu mến và đoàn kết giữa các công dân Népal, và khích lệ mọi người tôn trọng hiến pháp, nhân danh một nước Népal an bình và thịnh vựơng”.

Thủ tướng Pushpa Kamal Dahal cũng cầu chúc tất cả các tín hữu Kitô Népal trong và ngoài nước “được an bình, hạnh phúc, thịnh vượng, sức khoẻ tốt, đoàn kết và huynh đệ”.

Hồi tháng 4 năm 2016, Chính phủ Népal đã loại bỏ Lễ Giáng Sinh ra khỏi danh sách các ngày lễ nghỉ toàn quốc, khiến cho các tín hữu Kitô phản đối. Bộ trưởng Nội vụ Shakti Basnert bấy giờ giải thích: “Nhà Nước buộc lòng phải loại Lễ Giáng Sinh ra khỏi danh sách các lễ công cộng để kiểm soát sự gia tăng các ngày lễ nghỉ toàn quốc. Dầu sao chúng tôi sẽ bảo đảm cho các công chức được nghỉ.”

Mục sư Gahatraj, Tổng Thư ký Liên hiệp Toàn quốc các Kitô hữu Népal, tố giác: “Các Kitô hữu chúng tôi không phải chỉ làm việc cho chính phủ. Nếu Lễ Giáng Sinh không phải là lễ nghỉ toàn quốc, thì các công nhân viên trong lĩnh vực tư cũng không thể mừng lễ. Chính phủ đã dành cho Ấn giáo và các cộng đồng tôn giáo khác 83 ngày lễ nghỉ, nhưng không dành lễ nghỉ nào cho các tín hữu Kitô.”

Trong 240 năm, Népal là một vương quốc Ấn giáo. Năm 2007, Népal có hiến pháp mới, xác định Nhà nước trung lập về tôn giáo. Giáo hội Công giáo tại nước này chỉ có gần 7.500 tín hữu trong tổng số hơn 30 triệu dân, họp thành một Hạt Đại diện Tông toà. Đa số các tín hữu Kitô tại nước này theo các hệ phái Tin Lành. (SD, Avvenire 28-12-2016)

 
 

G. Trần Đức Anh OP