Những phát hiện khoa học đột phá năm 2016
Hố đen đâm vào nhau, hoá thạch lưu giữ bộ phận khủng long, các hành tinh thân thiện với sự sống, đó là những phát hiện tưởng chừng như chỉ xuất hiện trong phim ảnh trong năm nay.
Những phát hiện khoa học đột phá năm 2016
Hố đen đâm vào nhau, hoá thạch lưu giữ bộ phận khủng long, các hành tinh thân thiện với sự sống, đó là những phát hiện tưởng chừng như chỉ xuất hiện trong phim ảnh trong năm nay.
Một số ít trong vô vàn các khám phá thuộc về thế giới khoa học năm 2016 đã hứa hẹn thay đổi cách thức hiểu biết của con người đối với thế giới chúng ta đang sống, từ nguồn gốc của chính nhân loại đến cải thiện năng lực nghiên cứu những chiều sâu thẳm nhất của vũ trụ, theo tạp chí National Geographic.
Sóng hấp dẫn
Phải mất một trăm năm kể từ khi nhà vật lý học thiên tài Albert Einstein dự đoán về sự tồn tại của nó, những vệt sóng yếu ớt lan tỏa trong cấu trúc của vũ trụ cuối cùng cũng lộ diện. Được gọi là sóng hấp dẫn, chúng được tạo ra từ một số sự kiện dữ dội nhất trong vũ trụ, và lần này là kết quả của sự hợp nhất giữa hai hố đen.
TIN LIÊN QUAN
Giải mã bí ẩn sương mù chết chóc làm hơn 4000 người thiệt mạng ở London
London nổi tiếng với biệt danh thành phố sương mù, nhưng cách đây 64 năm, hiện tượng thời tiết tự nhiên tại đây đã khiến nhiều người thiệt mạng mà chưa rõ nguyên nhân.
Bất chấp sự ra đời khủng khiếp, sóng hấp dẫn lâu nay vẫn có thể lẩn tránh khỏi tầm mắt của nhân loại vì mức độ ảnh hưởng vô cùng nhỏ bé của chúng trong vũ trụ quan sát được bằng công cụ của con người. Nhờ vào sự trợ giúp của các thiết bị cực nhạy ở bang Louisiana và Washington (Mỹ), giới khoa học cuối cùng cũng cảm được sóng hấp dẫn ập đến trái đất vào tháng 2, và tiếp tục quan sát chúng xuất hiện vài tháng sau đó. Phát hiện này mang tính đột phá vì sóng hấp dẫn hứa hẹn có thể giúp nhân loại quan sát những vật thể vô hình trong vũ trụ, như sự đụng độ kinh hoàng của các hố đen.
Hổ phách đuôi khủng long
Suýt tí nữa biến thành đồ trang sức, nhưng một khối nhỏ hổ phách được tìm thấy ở khu chợ Myanmar may mắn lọt vào tay các nhà cổ sinh vật học. Và đến đầu tháng 12, họ tuyên bố đây là mẫu vật đầu tiên chứa đuôi khủng long. Có niên đại 99 triệu năm trước, mẫu vật này ban đầu bị tưởng nhầm thành một nhánh thực vật nào đó. Tuy nhiên, kết quả giám định cho thấy nó chứa xương và mô mềm với lông vũ, thuộc về một cá nhân chưa thành niên của thằn lằn đuôi rỗng, họ khủng long bao gồm khủng long bạo chúa và chim chóc thời hiện đại. Giới khoa học đang hồi hộp chờ đợi những phát hiện hứa hẹn còn ấn tượng hơn nữa về khủng long trong các trầm tích hổ phách.
TIN LIÊN QUAN
Thế giới chưa chuẩn bị trước nguy cơ hủy diệt
Phát biểu tại hội nghị thường niên của Liên đoàn Địa vật lý Mỹ vừa qua, tiến sĩ Joseph Nuth, của Trung tâm bay không gian Goddard thuộc Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), lưu ý rằng nguy cơ các tiểu hành tinh cỡ lớn đe dọa địa cầu xảy ra với tần suất hiếm hơn so với những vật thể nhỏ thi thoảng lại nổ tung trên bầu trời hoặc đâm xuống bề mặt trái đất, theo đài CBS News.
Hành tinh gần nhất hứa hẹn có sự sống
Hy vọng tìm được các dấu hiệu của sự sống ngoài trái đất đã tiến thêm một bước đến hiện thực vào tháng 8 năm nay, khi giới thiên văn học công bố chứng cứ về sự tồn tại của một thế giới đang xoay quanh ngôi sao gần hệ mặt trời nhất. Chỉ cách địa cầu khoảng 4,24 năm ánh sáng, Proxima Centauri từ lâu đã làm mê hoặc giới thiên văn học và những nhà viết tiểu thuyết viễn tưởng. Và hành tinh của nó là Proxima b, có kích thước cỡ trái đất, và quay trên quỹ đạo đủ gần với sao trung tâm để cho phép có sự tồn tại của nước dưới dạng lỏng trên bề mặt hành tinh. Hiện các chuyên gia đang tìm cách phát minh công nghệ có thể thăm dò dấu hiệu của sự sống trên Proxima b.
Kho báu về dấu chân người cổ đại
Tanzania là một nguồn thông tin vô giá ghi lại những ngày đầu tiên mà nhân loại xuất hiện trên bề mặt địa cầu. Sau thời gian tìm được xương, công cụ và những bằng chứng khác cho sự tồn tại của nhiều họ hàng khác nhau của người hiện đại, đến tháng 10 giới khoa học đã nhảy cẫng lên vì vui mừng sau khi phát hiện hàng trăm dấu chân của người cổ đại tại một khu khai quật tên Engare Sero. Có niên đại từ 5.000 – 19.000 năm tuổi, các dấu chân này cho thấy nhiều người thời xưa từng di chuyển theo từng nhóm gần một ngọn núi lửa cao ngất trong vùng. Vào thập niên 1970, tại một nơi khác gọi là Laetoli, các nhà cổ sinh vật học đã tìm được dấu chân cổ nhất thế giới, thuộc về họ người Australopithecus afarensis cách đây khoảng 3,6 triệu năm, với đại diện nổi tiếng nhất là Lucy. Và đến tháng 12.2016, các chuyên gia thậm chí đã phát hiện thêm nhiều dấu chân ở Laetoli, hứa hẹn bổ sung thêm kiến thức về họ người đã tuyệt chủng.
Cá sấu biển khổng lồ
Vào đầu năm 2016, các nhà khoa học đã làm rúng động cả thế giới với tin tức tìm được cá sấu biển lớn nhất trong lịch sử, tại một sa mạc ở châu Phi. Dựa trên xương sọ và các mẩu xương khác tại Tunisia, có vẻ như con “quái vật” này có thể dài hơn 9 m và nặng trên 3 tấn. Được đặt tên là Machimosaurus rex, con vật 120 triệu năm tuổi đã cung cấp những chứng cứ then chốt về sự kiện tuyệt chủng trên diện rộng vào cuối kỷ Jura, cách đây khoảng 145 triệu năm. Cho đến nay, các nhà cổ sinh vật học cho rằng nếu sự kiện này xảy ra trên thực tế, ắt hẳn toàn bộ họ khủng long teleosaurids, bao gồm Machimosaurus, đều bị quét sạch khỏi bề mặt địa cầu. Việc phát hiện xương hóa thạch của loài này sau thời điểm hủy diệt đó có nghĩa là một số loài bò sát biển đã thoát được nạn tuyệt chủng.
Phi thuyền đến sao Mộc
Sau khi vượt quãng đường dài 2,73 tỉ km trong 5 năm, phi thuyền Juno của NASA vào tháng 7 đã xuất sắc hoàn tất nhiệm vụ neo tàu vào quỹ đạo của sao Mộc. Được phóng vào tháng 8.2011, Juno là công cụ đầu tiên của nhân loại đi vào quỹ đạo của hành tinh lớn nhất hệ mặt trời kể từ khi sứ mệnh Galileo chấm dứt vào năm 2003. Con tàu chạy bằng điện mặt trời được thiết kế để nghiên cứu cấu trúc và từ trường dữ dội của hành tinh khổng lồ khí, mở đường cho sứ mệnh tiếp cận mặt trăng băng giá Europa của nó trong vài thập niên tới.
Hạo Nhiên