12/01/2025

Nỗ lực giúp người trẻ ý thức ​bảo vệ môi trường

Chương trình truyền thông học đường về bảo vệ môi trường TP.HCM năm 2016 khép lại với kết quả chấm điểm, bình chọn và trao giải cho 14 trường học xanh – sạch – đẹp.

 

Nỗ lực giúp người trẻ ý thức ​bảo vệ môi trường

Chương trình truyền thông học đường về bảo vệ môi trường TP.HCM năm 2016 khép lại với kết quả chấm điểm, bình chọn và trao giải cho 14 trường học xanh – sạch – đẹp. 

 

 

Nỗ lực giúp người trẻ ý thức ​bảo vệ môi trường
Thường xuyên được tiếp cận với mảng xanh tươi tốt sẽ giúp các bạn nhỏ biết yêu quý thiên nhiên, cây xanh… Trong ảnh: các bạn nhỏ trong ngày tổng kết chương trình truyền thông học đường về bảo vệ môi trường năm 2016, ngày 10-12, tại Q.3 (TP.HCM) – Ảnh: Quốc Thanh

Nỗ lực này nhằm đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân.

Năm 2016, Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM phối hợp với UBND Q.3 (TP.HCM) phát động chương trình truyền thông học đường ở 48 trường học gồm các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập.

Một trong những trọng tâm của chương trình là giáo dục các em học sinh xây dựng môi trường học tập thân thiện, biết yêu thiên nhiên, yêu quý cây xanh, bảo vệ môi trường… Dĩ nhiên, mọi việc làm của chương trình đều hướng đến mục tiêu lâu dài hơn: “Vì thành phố văn minh – sạch đẹp – an toàn”.

Kết quả công bố nói trên được mang lại từ nhiều hoạt động khác nhau, trong đó có vai trò tích cực từ các chủ nhân tương lai của đất nước đã trực tiếp tham gia nhiều việc làm thực tế, “mắt thấy tai nghe”, như phân loại rác tại nguồn, tham gia ngày hội tái chế chất thải, trồng cây, trồng rau, chăm sóc cây xanh…

 

Như những người thực hiện chương trình chia sẻ, giáo dục cho học sinh ý thức bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp quan trọng để bảo vệ môi trường, mang đến hiệu quả lâu dài và bền vững cho tương lai.

Thực tế diễn ra trên đường phố, trong nhiều gia đình đã cho thấy giải pháp trên là lựa chọn đúng đắn. Chắc rằng không ít bậc phụ huynh đã khá lúng túng khi bị chính con em mình nhắc nhở, cảnh báo, tỏ thái độ không bằng lòng… mỗi khi họ vứt rác, khạc nhổ bừa bãi, có hành vi có hại với môi trường…

Với các bạn nhỏ, khi đầu óc còn trong ngần thì việc giáo dục những hình ảnh đẹp, hành vi tích cực sẽ để lại ấn tượng sâu đậm trong các bạn, cũng là điều hết sức ý nghĩa trong việc hình thành những nét nhân cách trong tương lai.

Bởi thế, nếu chương trình truyền thông học đường về bảo vệ môi trường có đủ sức lan toả, thẩm thấu mạnh mẽ… sẽ hiển nhiên mang lại kết quả có ý nghĩa lâu dài: hình thành nên ý thức và trách nhiệm của những người trẻ – chủ nhân tương lai của đất nước – đối với môi trường sống xung quanh mình.

Nhưng điều cần hơn cả, với mỗi người lớn chúng ta, các thầy cô giáo, những nhà quản lý…, là đừng dừng lại sau buổi trao giải, tổng kết chương trình. Cũng đừng mang suy nghĩ nỗ lực làm vì theo đuổi thành tích nào đó, hay để có tiếng tích cực tham gia kiểu phong trào.

Làm sao để “ngôi nhà thứ hai” của các em nhỏ phải ngày càng xanh hơn, sạch hơn, đẹp và khang trang hơn sau mỗi năm nhìn lại.

Và chỉ khi những điều trên trở thành những đòi hỏi bức thiết, những yêu cầu sống còn từ các bạn nhỏ cho môi trường sống quan trọng thứ hai của mình – sau tổ ấm thân thương – thì chương trình truyền thông học đường về bảo vệ môi trường mới thật sự có sức sống mãnh liệt, đủ sức lan toả và thẩm thấu sâu hơn vào môi trường giáo dục – nơi rèn luyện những thói quen tốt trong suốt cuộc đời của các em.

QUỐC THANH