Hàng trăm héc ta cao su bị chặt để… bán gỗ
Hàng trăm héc ta cao su đang khai thác ở H.Ia Grai (Gia Lai) được cấp đền bù cho dân mất đất khi làm thủy điện, sau vài năm đã bị cưa trụi.
Hàng trăm héc ta cao su bị chặt để… bán gỗ
Hàng trăm héc ta cao su đang khai thác ở H.Ia Grai (Gia Lai) được cấp đền bù cho dân mất đất khi làm thủy điện, sau vài năm đã bị cưa trụi.
Thương lái lùng sục đến từng gia đình, từng vườn cây của người dân ở 2 xã biên giới Ia O, Ia Khai, H.Ia Grai tìm mua cây cao su hơn chục năm tuổi về để chế biến gỗ. Cao su có gốc đường kính trung bình 30 – 40 cm, cao hơn chục mét đang độ tuổi khai thác được mua với giá 500.000 đồng/cây. Lúc đầu lác đác vài hộ bán với giá khoảng trên dưới 200 triệu đồng/ha. Hàng chục héc ta cao su đã bị chặt trụi, bới cả gốc bán cho thương lái vì cái lợi trước mắt.
Ngày 10.12, chúng tôi có mặt ở khu vực này khi những cánh rừng cao su bạt ngàn xanh tốt mới bị hạ. Một số vườn cao su trơ gốc, cành lá xanh còn vương vãi. Tiếng cưa xẻ vang cả một vùng. Ralan Beo, cán bộ địa chính của UBND xã Ia O đi cùng cho hay: “Người dân chặt bán gần hết rồi anh. Mới đây em vào vận động người dân đừng bán cao su còn bị người của thương lái đuổi đánh. Tài sản của dân mà, họ có quyền. Mình chỉ vận động thôi!”.
Những vườn cao su này vốn của Tổng công ty 15 đóng chân trên địa bàn Gia Lai. Khi thi công công trình thủy điện Sê San 4, người dân có đất bị ngập đưa ra yêu cầu có đất sản xuất. Vậy là H.Ia Grai trình ý kiến này lên UBND tỉnh Gia Lai và Tập đoàn điện lực VN (EVN). Các bên sau này đã ngồi lại thống nhất trình Chính phủ để Tổng công ty 15 nhượng lại 397 ha cao su đang khai thác, bàn giao cho 380 hộ dân của hai xã trên để họ ổn định cuộc sống. Năm 2008, những vườn cao su đến tay bà con và đến nay, hầu hết trở thành… đất trống.
Đáng lo là hầu hết cao su ở khu vực này đang nằm trong độ tuổi khai thác. Một số hộ dân sau khi chặt cao su đã trồng cây điều để thay thế. Theo khảo sát mới nhất của Sở NN-PTNT Gia Lai, tổng diện tích cao su bị người dân chặt lấy gỗ lên đến 315 ha, trong đó xã Ia O có 215 ha, số còn lại thuộc địa bàn xã Ia Khai.
Ông Phan Trung Tường, Phó chủ tịch UBND H.Ia Grai, cho biết: “Ngay khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), chúng tôi lo ngại đất bị sang nhượng sẽ dẫn đến tình trạng người dân thiếu đất sản xuất. Do đó, chúng tôi ghi luôn vào mặt sau của sổ đỏ là không được sang nhượng. Nhưng cao su là tài sản của người dân nên không có chế tài nào cấm họ được. Mình chỉ vận động, tuyên truyền cho bà con. Đối với những vườn cao su đã bị chặt bán, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu hỗ trợ bà con có hướng chuyển đổi cây trồng phù hợp để giúp người dân ổn định cuộc sống lâu dài…”.
Tận mắt nhìn thấy số ít những vườn cao su còn sót lại, chúng tôi không khỏi xót xa bởi những cây cao su bị khai thác không theo đúng kỹ thuật. Rất nhiều cây bị cạo phạm vào phần gỗ khiến vỏ không thể tái sinh được dẫn đến ảnh hưởng đến năng suất hoặc cây có thể chết, dễ gãy hơn khi có gió to. Anh Rơchâm Luen, một trong những hộ ở xã Ia O bán vườn cao su nói: “1 ha cao su của mình bán được 180 triệu đồng. Bán rồi, giờ quá tiếc vì giá mủ cao su đang tăng trở lại. Hiện mình có 300 cây cao su vừa mới mở miệng, mỗi ngày cạo 18 – 19 kg, với giá hiện nay bán được 150.000 đồng. Bây giờ mình định trồng lại cao su hoặc trồng điều trên diện tích cao su đã bị chặt bán”.
Bên cạnh đó, việc giá cao su lao dốc hơn 3 năm trở lại đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân trồng cao su. Ông Lê Văn Lịnh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai, cho biết: “Chính thức nhận vườn cây từ năm 2008 và từ đó cho đến năm 2012, các hộ quản lý vườn cao su mang lại hiệu quả, góp phần cải thiện cuộc sống cho bà con nơi đây. Từ năm 2013 đến nay, do bà con không chăm sóc, khai thác mủ không đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt lạm dụng việc bôi thuốc kích thích để tăng sản lượng mủ trên cây làm cho vườn cây suy kiệt, năng suất giảm mạnh. Cá biệt có vườn cây không cho mủ. Đời sống của bà con vì thế cũng bị ảnh hưởng”.
|
Trần Hiếu