01/11/2024

Bài huấn luyện 04/2018 của Uỷ ban giáo dân: Tình trạng thất nghiệp thiêng liêng

Trong lĩnh vực siêu nhiên, nhiều tín hữu rơi vào tình trạng không làm việc hay không biết làm gì để nuôi dưỡng đời sống kết hợp với Chúa cũng như để phát triển đời sống đó. Vì thế, họ rơi vào tình trạng nhàn rỗi, an thân.

 

Bài huấn luyện 04/2018 của Uỷ ban giáo dân

Tình trạng thất nghiệp thiêng liêng

 

Anh chị em thân mến,

Qua các bài chia sẻ trong 2 tháng vừa qua, chúng ta được mời gọi: “Cùng làm việc trong vườn nho của Chúa với tinh thần công bằng và yêu thương”. Chúng ta thấy trong suốt dòng lịch sử Giáo Hội, rất nhiều anh chị em tín hữu đã và đang miệt mài làm việc, vừa để làm sáng danh Chúa, vừa đem lại hạnh phúc và ơn cứu độ cho muôn loài.

Tuy nhiên, nhìn vào cộng đồng xã hội hiện nay, chúng ta vẫn nhận ra nhiều người không tìm được việc làm trong vườn nho Chúa. Chúng ta có thể gọi đó là tình trạng thất nghiệp thiêng liêng. Dụ ngôn Thợ làm Vườn nho diễn tả tình trạng đó qua câu hỏi của chủ vườn: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” và câu đáp của nhiều người: “Vì không ai mướn chúng tôi!” (Mt 20,6-7). Vậy tình trạng thất nghiệp thiêng liêng này là gì? Do nguyên nhân nào? Giải quyết ra sao?

1. Mô tả tình trạng thất nghiệp thiêng liêng

Trong đời sống xã hội tự nhiên, người ta thường hiểu thất nghiệp là tình trạng không có việc làm để kiếm sống. Con người cần có việc làm để hình thành được nhân cách, thăng tiến bản thân và gia đình cũng như để đóng góp cho xã hội. Quyền có việc làm là một quyền căn bản của con người. Các tổ chức chính quyền và dân sự phải giúp con người thoát khỏi tình trạng thất nghiệp, trợ cấp cho người thất nghiệp, giúp họ có được việc làm xứng với nhân phẩm (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 5,100, 249, 283, 287, 298, 294, 301, 314; Docat, tr. 12, 39, 48, 85, 111, 136, 140, 144-45, 149, 155, 158, 172).

Trong lĩnh vực siêu nhiên, nhiều tín hữu rơi vào tình trạng không làm việc hay không biết làm gì để nuôi dưỡng đời sống kết hợp với Chúa cũng như để phát triển đời sống đó. Vì thế, họ rơi vào tình trạng nhàn rỗi, an thân, bằng lòng với những việc đạo đức tối thiểu hằng tuần, với vài kinh đọc hằng ngày, tự mãn với những việc từ thiện bác ái để làm im tiếng lương tâm. Kết quả là đời sống đạo của họ không giúp người khác nhận ra Chúa Giêsu Kitô và tin theo Người.

Đây cũng là tình trạng của Giáo hội Việt Nam hiện nay qua lời tường trình của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, nói với Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong buổi triều yết dịp đi Ad Limina, ngày 5/3/2018 vừa qua: “Chúng con đang phải đương đầu với một cuộc chiến mới: cuộc chiến chống lại tinh thần cầu an. Những cuộc bách hại nếu đã tôi luyện đức tin của chúng con, thì về phương diện nhân loại, cũng khiến chúng con rơi vào tình trạng thủ thân, khép kín. Vì thế mà từ khi chiến tranh chấm dứt năm 1975, con số 7 triệu người Kitô hữu tại Việt Nam hầu như không hề gia tăng”. Nếu nói cho chính xác, thì từ năm 1885 đến nay (2018), tỷ lệ người Công giáo so với dân số toàn quốc giữ nguyên mức 7% và còn thua cả thời kỳ đạo Công giáo bị bách hại nặng nề trong khoảng thời gian 1840-1885 (8%). Đấy là tình trạng thất nghiệp thiêng liêng và hậu quả của nó.

2. Nguyên nhân tạo nên tình trạng

Câu trả lời: “Vì không ai mướn chúng tôi!” diễn tả phần nào những nguyên nhân tạo nên tình trạng này.

2.1. Nguyên nhân đầu tiên: thiếu người cai quản điều hành

Trước hết, nhiều vị lãnh đạo cộng đoàn, giống như các người chủ vườn nho, không muốn thuê mướn người khác làm việc mà tự mình làm lấy mọi việc. Họ không biết chia việc cho người khác hay chỉ cắt đặt người khác làm theo ý của mình. Họ tự quyết định mọi sinh hoạt trong giáo xứ, không bàn hỏi với giáo dân, không để cho giáo dân tham gia vào các sinh hoạt trong giáo xứ với quyền chủ động và sáng tạo. Ta có thể gọi cách hành xử kiểu gia trưởng này có tính cách duy giáo sĩ, dành cho giáo sĩ toàn quyền quyết định mọi sinh hoạt trong cộng đồng.

Để phản ứng ngược lại, một số cộng đoàn đã nhân danh tính dân chủ, để đòi cho người tín hữu giáo dân quyền quyết định và kiểm soát sinh hoạt của cộng đồng, nhất là những cộng đồng giàu nguồn lực về nhân sự và tài chính. Người ta quan niệm rằng linh mục hay tu sĩ được toà giám mục hay dòng tu sai đến là chỉ để phục vụ cộng đồng giáo dân, do cộng đồng trả lương, nên phải vâng theo quyết định của cộng đồng. Đây là chủ thuyết duy giáo dân, dành cho giáo dân toàn quyền quyết định mọi sinh hoạt cộng đồng.

Tuy nhiên, cả hai chủ thuyết duy giáo sĩ hay duy giáo dân đều sai lạc, làm thiệt hại nặng nề cho cộng đồng, cho Giáo Hội, như chúng ta đã thấy xảy ra trong dòng lịch sử. Công đồng Vatican II và các văn kiện của Giáo Hội dạy chúng ta hiểu rằng: chỉ có Chúa mới là người chủ thật sự của vườn nho, chứ không phải giáo sĩ hay giáo dân. Vì thế, Giáo Hội nêu cao “tinh thần làm việc trong một vườn nho, không chấp nhận tình trạng lộn xộn hay vô trật tự, nhưng các hành động của mọi người trong vườn nho đều phải nhắm tới một lợi ích chung”. (x. Ta, A training Program…[Washington DC. CUA Publisher, 2005], 35 và 118).

2.2. Nguyên nhân tiếp theo: làm việc không hiệu quả vì thiếu nguyên tắc và kỹ năng làm việc chung với nhau, thiếu mục đích cao cả.

Linh mục quản xứ và những tín hữu giáo dân được mời tham gia làm việc chung trong giáo xứ, nhưng do không được đào tạo về những nguyên tắc và kỹ năng làm việc chung với nhau, nên khi xảy ra những khác biệt mỗi người một ý, những căng thẳng không ai chịu nhường ai, những xung đột quyền lợi, thì nhiều người không biết cách giải quyết vấn đề, đã bỏ việc chung và rút lui khỏi cộng đồng giáo xứ. Nhiều giáo dân giống như người thất nghiệp, ở không suốt ngày, không chịu làm việc vì bất mãn với linh mục điều hành giáo xứ hay với hội đồng mục vụ giáo xứ.

Chúng ta ghi nhận rằng tình trạng thất nghiệp thiêng liêng cũng có thể bắt nguồn từ tình trạng thiếu mục đích cao cả của một số tín hữu khi tham gia các sinh hoạt của cộng đồng. Giống như người lao động để kiếm sống, một số người tín hữu làm việc trong vườn nho Chúa là để được thưởng công vật chất chứ không bằng lòng với đồng lương tinh thần. Người ta làm việc không vì lý do cao cả, nhưng do những tham vọng, dục vọng thúc đẩy. Thí dụ: làm việc trong hội đồng giáo xứ để được tiếng khen, bằng khen, được trọng vọng ; tham gia ca đoàn là để gặp gỡ những bạn bè yêu thích, để tìm được người yêu… Vì thế, khi gặp những khó khăn, bất bình, trái ý, xung đột, họ dễ buông bỏ nhiệm vụ của mình và rơi vào tình trạng thất nghiệp thiêng liêng.

3. Phương hướng giải quyết tình trạng

3.1. Tạo ý thức mới về Giáo hội địa phương (giáo xứ): làm sáng danh Chúa và đem lại ơn cứu độ cho muôn loài.

Tông huấn Người Kitô hữu Giáo dân, số 26, đã dạy rằng:

“Giáo hội địa phương (giáo xứ), xét về nguyên tắc, không phải là một cơ cấu tổ chức, địa giới hay cơ sở, nhưng là “gia đình của Thiên Chúa, gồm các phần tử được nung đốt bằng Thần Khí liên kết”, “một mái ấm gia đình mở rộng đón tiếp mọi người”, một “cộng đồng các tín hữu”. Nói cách đơn giản, giáo xứ đặt nền trên một thực tại mang tính thần học, bởi vì đó là một cộng đồng Thánh Thể. Điều đó có nghĩa là giáo xứ phải là một cộng đồng thích hợp nhất cho việc cử hành Thánh Thể vì Thánh Thể chính là nguồn mạch sống động xây dựng nên cộng đồng này, và cũng là sợi giây bí tích tạo nên sự hiện hữu của cộng đồng trong mối hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội toàn cầu. Giáo Hội có thể thực hiện được điều này vì giáo xứ chính là một cộng đồng đức tin và là một cộng đồng có tổ chức”.

Như vậy, vai trò của người Kitô hữu giáo dân bên trong Giáo Hội chính là xây dựng cho giáo xứ mình trở nên một cộng đồng – gia đình Thánh Thể. Cho dầu không phải là phần tử đứng đầu với chức thánh, tất cả mọi Kitô hữu giáo dân đều phải là phần tử tích cực của cộng đồng này, tuỳ theo khả năng, tuổi tác và địa vị của mình.

Giáo Luật 230 dạy rằng: “Ở đâu nhu cầu Giáo Hội đòi hỏi vì thiếu thừa tác viên, các giáo dân dù không có chức đọc sách hay giúp lễ, cũng có thể làm thay một số các thừa tác viên, cụ thể làm thay một số việc của các thừa tác viên cụ thể là thực thi thừa tác vụ Lời Chúa, chủ toạ các buổi đọc kinh phụng vụ, ban Phép Rửa và cho rước lễ, theo các quy định của giáo luật.

Ở đây không có vấn đề ban một năng quyền đặc biệt gì cho người tín hữu, chỉ là xác định sự chuẩn bị xứng đáng của một số phần tử nào đó trong cộng đồng đứng ra đảm trách công khai thi hành các việc phục vụ liên quan tới cộng đồng Thánh Thể chung của mọi người. Công đồng Vatican II gọi điều này trong ngôn ngữ thần học là ‘tham dự vào nhiệm vụ tư tế của Đức Kitô”.

Đây là nền tảng cho tất cả mọi sinh hoạt giáo dân đóng góp vào việc xây dựng giáo xứ, nhất là xoay quanh cử hành Thánh Thể và Lời Chúa, từ các tác vụ liên quan trực tiếp, tới các việc phục vụ gián tiếp hơn như ca đoàn, giúp lễ, quét đọn nhà thờ, phòng thánh, và còn xa hơn nữa cho tới mọi hoạt động như trang hoàng, rước sách và lễ hội…. Tất cả chỉ có ý nghĩa khi giáo dân làm trong ý thức xây dựng gia đình Thánh Thể và Lời Chúa của Giáo hội địa phương.  

Trong tiến trình lịch sử, Giáo hội Việt Nam đã sớm khai thác và triển nở dạng phục vụ cộng đồng Thánh Thể và Lời Chúa này. Đã từng có những phần tử tham gia ý thức và trọn vẹn vào trách vụ này, do nhiều hoàn cảnh xui khiến cũng như do lòng quảng đại của các giáo dân. Trước đây Thầy Giảng chính là các giáo dân tích cực và tham gia nhất vào công tác này. Ngày nay, nhất là tại nhiều vùng truyền giáo, đặc biệt giữa các anh chị em dân tộc, các Giáo Phu cũng là các giáo dân thuộc dạng này. Họ không thể được coi như một thứ bán giáo sĩ, nhưng phải được nhìn nhận là các Kitô hữu giáo dân tích cực và quảng đại nhất trong cộng đồng – gia đình Thánh Thể của Giáo hội địa phương. Chúng ta cần cảm tạ Chúa và vun trồng truyền thống tốt đẹp và tuyệt diệu này của Giáo hội Việt Nam chúng ta.

3.2. Đào tạo nguyên tắc và kỹ năng làm việc tập thể

Nhu cầu cấp thiết tiếp theo để giúp cho Giáo hội Việt Nam thoát khỏi tình trạng sống an thân, giúp cho người tín hữu, kể các các linh mục, tu sĩ và giáo dân, thoát khỏi tình trạng thất nghiệp thiêng liêng là cần đào tạo cho mọi người những nguyên tắc và kỹ năng làm việc chung với nhau.

Việc đào tạo này khởi đầu từ trong chương trình đào tạo cho chủng sinh, tu sĩ trong các chủng viện, tu viện, tiếp nối cho các giáo dân trong giáo xứ qua những lớp học, khoá học ngắn hạn. Ngày nay, các giáo trình có nội dung về các nguyên tắc và kỹ năng làm việc tập thể không thiếu trong các khoa quản trị nhân sự, quản lý công việc…Uỷ ban Giáo dân có thể giúp đỡ các giáo xứ tổ chức các khoá học này.

Cụ thể về nội dung, chúng ta có thể cần đào tạo những điểm cơ bản như:

+ Tạo môi trường làm việc thân thiện: không gian thoáng mát.

+ Xây dựng tinh thần đồng đội và hỗ trợ nhau cùng phát triển: biết lắng nghe người khác, giữ đúng thời giờ, tránh tình huống đối đầu, thảo luận nhóm, kích thích sáng tạo của mọi người.

+ Mở rộng hợp tác và liên hệ giữa các cấp, các hội đoàn.

+ Huy động nguồn lực: sử dụng người có khả năng trong giáo xứ, sử dụng các máy móc trong nhà thờ, sử dụng vật liệu (đàn, bàn ghế, sách kinh…), giảm lãng phí, nâng cao hiệu quả làm việc và học tập.

+ Làm việc theo nhóm: đề ra mục tiêu, xây dựng các dự án ngắn hạn và dài hạn, xây dựng các chỉ tiêu cụ thể cần thực hiện, xây dựng thời gian hoàn thành dự án và các bước công việc, đánh giá việc thực hiện các dự án.

 

Câu hỏi gợi ý:

1-    Bạn có thấy nhu cầu thống nhất tầm nhìn của nhiều hoạt động đa diện trong giáo xứ, để mọi ban ngành cùng chung một chí hướng phục vụ gia đình Thánh Thể không?

2-    Bạn có đề nghị gì để việc hoạt động chung của các ban ngành và các hội đoàn trong giáo xứ được hiệu quả và tốt đẹp hơn?