01/11/2024

Việt sử Xứ Đàng Trong: Buôn bán ở Hội An

Hội An chiếm vị trí giao thương quan trọng vì Quảng Nam là trấn giàu trong xứ, phần nhiều sản vật quý đều do đất ấy sản xuất, lại ở gần Quy Nhơn, nên dễ tập hợp những sản vật mà thuyền buôn ngoại quốc cần dùng.

 

Việt sử Xứ Đàng Trong: Buôn bán ở Hội An

Hội An chiếm vị trí giao thương quan trọng vì Quảng Nam là trấn giàu trong xứ, phần nhiều sản vật quý đều do đất ấy sản xuất, lại ở gần Quy Nhơn, nên dễ tập hợp những sản vật mà thuyền buôn ngoại quốc cần dùng.




Hội An trong bức họa Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ của thương gia Nhật Chaya Shinroku vẽ đầu thế kỷ 17 /// Ảnh: T.L

 

Hội An trong bức họa Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ của thương gia Nhật Chaya Shinroku vẽ đầu thế kỷ 17ẢNH: T.L

Tập trung thương khách để tiện việc kiểm soát
Lý do chính trị: Đại Việt đã cùng với Trung Quốc giao thương từ đời Tiền Lê, Lý, Trần, Lê. Vì sợ người ngoại quốc giả mạo thương nhân để do thám, nên triều nào cũng chỉ cho phép họ tụ hợp lại những nơi nhất định, gọi là “bạc dịch trường” để buôn bán và cấm họ đến kinh đô. Đời Lý lập “bạc dịch trường” ở đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), thuyền tàu ngoại quốc đến buôn bán chỉ được vào hải cảng ấy và thương khách cư trú tại đó. Đến đời Lê, vua Thái Tổ chỉ định thêm mấy nơi nữa, ngoài Vân Đồn, cho thương khách làm nơi cư trú, cấm người Trung Quốc ra vào Thăng Long. Thời Nam Bắc phân tranh, ngoài Vân Đồn ra, chúa Trịnh tập trung thương khách Trung Quốc và Âu châu tại Hiến Nam (phố Hiến, Hưng Yên ngày nay), cho họ lập phố xá để tiện việc kiểm soát và vẫn cấm họ ra vào Thăng Long. Chúa Nguyễn ở Nam Hà đối với Hoa thương và thương khách ngoại quốc cũng áp dụng chính sách ngăn ngừa, như ở các triều đại trước, nên Hội An xa cách Phú Xuân, được chọn làm nơi tập trung của họ, cũng như Vân Đồn, Hiến Nam đối với thương khách ở Bắc Hà phải ở xa Thăng Long vậy.
Thương cảng Hội An càng ngày càng phồn thịnh, số thu nhập rất nhiều, vả lại trấn Quảng Nam còn để trấn áp phương Nam, là trấn quan trọng, nên các chúa thường để một công tử làm trấn thủ. Trấn thủ Quảng Nam có nhiệm vụ trực tiếp thương, xuất, nhập cảng. Người ngoại quốc, giáo sĩ cũng như du khách, thương nhân muốn ra vào đất Nam Hà, phải do cửa Đà Nẵng, Hội An, đến ra mắt Trấn thủ Quảng Nam trước, vì vậy họ thường gọi xứ Đàng Trong là nước Quảng Nam (Quảng Nam quốc).
Thu nhiều thuế từ hội an
Giáo sĩ Christoforo Borri (Ý) đã cư trú tại Hội An năm 1618 tả thành phố này: “Thành phố rộng rãi, nên có thể nhận ra hai khu vực, một khu vực do người Trung Hoa ở, khu vực kia người Nhật Bản ở. Mỗi khu vực đặt riêng người làm khu trưởng và y theo phong tục, tập quán riêng mà sinh sống…”, và “người Trung Quốc và người Nhật Bản là những thương nhân chủ yếu của chợ phiên này, năm nào cũng mở và kéo dài 4 tháng. Người Nhật thường đem bạc, người Trung Quốc thì đi một thứ thuyền buồm đem lại nhiều tơ lụa tốt và sản vật đặc biệt của họ. Ở chợ này, quốc vương thu được số tiền thuế lớn, toàn quốc cũng được nhiều lợi ích”.
Hằng năm vào khoảng tháng 12, tháng giêng dương lịch, tàu ngoại quốc từ Trung Quốc, Nhật Bản đến bán sản vật của họ, mua sản vật của Đại Việt, sau 4, 5 tháng thì họ đi. Người Nhật Bản ngoài việc bán mua tại Hội An, còn gián tiếp mua hàng Trung Quốc mang về Nhật nữa. Các nhà cầm quyền Nhật khuyến khích thương gia phái thuyền đến Quảng Nam, Tiêm La, Phi Luật Tân để buôn bán trao đổi với các thương thuyền Trung Quốc, mua những hàng hoá, vật liệu của Trung Quốc mà Nhật Bản cần dùng. Đến hậu bán thế kỷ thứ 17, vì cuộc thay đổi triều đại và các chính biến xảy ra ở Trung Quốc, việc buôn bán ở Hội An thịnh vượng thêm lên. Thương cảng này đã tiếp nhận nhiều người Trung Quốc lưu vong hoặc di thần triều trước sang lánh nạn, định cư, trở nên đông đúc hơn.
Từ sau khi nhà Thanh vào Trung Quốc, hạ lệnh dân Trung Hoa cạo tóc gióc bím, đã có nhiều người Trung Hoa di cư đến Hội An được chúa Nguyễn cho phép cư trú. Họ lập nên xã Minh Hương, chúa Nguyễn áp dụng chính sách đồng hoá, đã thừa nhận xã ấy, cho thuộc hộ tịch miền Nam. Vì nhà Thanh hoàn toàn làm chủ Trung Quốc, số người này ra đi không hẹn ngày về. Cũng như những người trước kia, họ đã đến Hội An đông hơn các nơi vì Quảng Nam giàu có, việc làm ăn dễ dàng, chính sách đối với Hoa kiều của nhà cầm quyền tương đối rộng rãi.
Năm 1695, thương nhân Anh là Bowyear đến Hội An thuật lại rằng: “Faifo gồm một con phố trên bờ sông và hai dãy nhà, có khoảng 100 nóc nhà của người Hoa, cũng có 4, 5 gia đình người Nhật Bản. Xưa kia, người Nhật làm cư dân chính và làm chủ việc thương mại ở hải cảng này, nhưng số ấy đã giảm bớt và của cải của họ cũng sút kém; sự quản trị công việc đã rơi vào tay người Hoa. Mỗi năm có độ 10, 12 chiếc thuyền từ Nhật, Quảng Đông, Tiêm La, Cao Miên và Batavia (Jakarta ngày nay) đến…”.
Trong sách Hải ngoại kỷ sự, Thích Đại Sán – vị hoà thượng đã đáp lời mời của chúa Hiển Tông (chúa Minh) đến Thuận Hoá năm 1695, có ghé Hội An, viết: “Hội An là một mã đầu lớn, nơi tập hợp của khách hàng các nước; thẳng bờ sông có con đường dài ba, bốn dặm, gọi là Đại đường nhai, hai bên đường hàng phố ở liền nhau khít rịt, chủ phố đều là người Phúc Kiến vẫn ăn mặc theo lối tiên triều (nhà Minh), phần đông phụ nữ coi việc buôn bán. Khách trú ở đây hay cưới vợ người bản xứ, cho tiện việc thương mại. Cuối đường là cầu Nhật Bản, tức Cẩm Phô, cách bờ biển kia là Trà Nhiêu, nơi đình bạc của tàu ngoại quốc, nhân dân đông đúc, cá tôm rau quả, tập hợp buôn bán suốt ngày. Thuốc bắc hay các món hàng khác, tìm mua ở Thuận Hoá không có thì người ta vào mua ở đây…”.

 

Phan Khoang 
(Theo Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 – 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), NXB Khoa học Xã hội, 2016)