25/12/2024

Vài sinh hoạt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Á châu

Thứ nhất là việc cử hành Năm Thánh cho các người di cư thuộc các bộ lạc trong Tổng Giáo phận Mumbai của Ấn Độ. Thứ hai là nỗ lực của HĐGM Philippines gây ý thức chống lại nạn buôn người tại Philippines. Thứ ba là chiến dịch chống lại nạn gian tham hối lộ do HĐGM Indonesia phát động.

 Vài sinh hoạt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Á châu

 

 
Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, các Giáo Hội địa phương đều đề ra nhiều sinh hoạt khác nhau. Xin giới thiệu 3 sinh hoạt của 3 Giáo hội Á châu trong các ngày vừa qua. Thứ nhất là việc cử hành Năm Thánh cho các người di cư thuộc các bộ lạc trong Tổng Giáo phận Mumbai của Ấn Độ. Thứ hai là nỗ lực của HĐGM Philippines gây ý thức chống lại nạn buôn người tại Philippines. Thứ ba là chiến dịch chống lại nạn gian tham hối lộ do HĐGM Indonesia phát động.

Ngày 11 tháng 11 vừa qua, hơn 5.000 tín hữu di cư thuộc các bộ lạc sống trong hai Tổng Giáo phận Mumbai và Ranchi đã cử hành Năm Thánh. Ngày Năm Thánh của các tín hữu bộ tộc di cư đã do Phong trào Mục vụ Xã hội Chota Nagpur cho các người di cư gốc bộ tộc tổ chức. Thánh lễ đồng tế do ĐHY Telesphore Placidus Toppo, TGM Ranchi, chủ sự, đã được cử hành tại Nhà thờ thánh Phêrô ở Bandra, một khu vực của thành phố Mumbai.

Ngỏ lời chào mừng tín hữu ĐHY Gracias, TGM Mumbai, kiêm Chủ tịch HĐGM Ấn Độ, nói: “Chúng ta tất cả là anh chị em với nhau. Anh chị em đến từ bên ngoài, nhưng anh chị em không phải là những người xa lạ, anh chị em là gia đình của chúng tôi.”

Về phần mình, ĐHY Toppo đã cám ơn ĐHY Gracias, vì cử chỉ của ngài khiến cho chúng ta hiểu rằng chúng ta không phải là khách, mà thuộc đại gia  đình Giáo Hội. Buổi cử hành thuộc chương trình 2 ngày hành hương Năm Thánh do Tổng Giáo phận Mumbai tổ chức. ĐHY Gracias đã bước qua Cửa Thánh Vương cung Thánh đường Núi Đức Mẹ Maria Bandra và cử hành Thánh lễ mừng 30 năm thành lập Nhà Dưỡng lão Shanti Avedna Sadan, là nhà thương săn sóc người già bị ung thư đầu tiên tại Ấn Độ. Trung tâm này săn sóc miễn phí cho các bệnh nhân, nhằm đáp ứng lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô lo lắng cho tha nhân và đến với những người nghèo nhất trong xã hội.

Đa số các tín hữu bộ tộc đến từ vùng cao nguyên Chota Nagpur, trải dài giữa các tiểu bang Madhya Pradesh, Tây Bengala, Odissa, Bihar, Chhattisgarth và Jharkhand. Tại Mumbai có tổng cộng khoảng 80.000 người di cư thuộc nhiều bộ tộc khác nhau. Họ đến từ vùng cao nguyên để tìm công ăn việc làm và chạy trốn cảnh nghèo túng. Tuy nhiên, trong thành phố Mumbai, họ phải sống trong các điều kiện khó khăn chật vật, rất thường khi không xứng đáng với nhân phẩm và phải chấp nhận làm những việc khiêm tốn nhất để sống còn. Đa số họ phải sống trong các khu xóm ổ chuột chật chội, nghèo nàn ven thành phố, không điện nước, không có các nhà vệ sinh và không được trợ giúp y tế. Trong các hoàn cảnh như vậy, thật khó mà có thể nuôi dạy con cái lớn lên một cách bình thường và dĩ nhiên là họ phải đương đầu với nhiều vấn đề an ninh. Các thiếu nữ thích ở trong các gia đình nơi họ giúp việc hơn là phải hằng ngày đi về gia đình trong các khu xóm ổ chuột ngoại ô.

Các kỳ thị là cảnh xảy ra hằng ngày, đặc biệt trong một nước vẫn còn nặng đầu óc giai cấp như xã hội Ấn. Các trẻ em con cái các gia đình di cư gốc bộ lạc bị bạn bè chế nhạo, khinh rẻ, các phụ nữ giúp việc không được phép theo chủ đến các nơi thờ tự. Nói chung ai phải làm thuê làm mướn thường không có các phương tiện tài chính để học tiếng Anh hầu kiếm được việc làm trong các gia đình ngoại quốc, hay trong các hãng xường nước ngoài, để được trả lương khá hơn.

Trước các khó khăn này của các anh chị em di cư bộ lạc, ĐHY Oswald Cracias, TGM Mumbai và ĐHY Telesphorre Placidus Toppo, TGM Ranchi, đã quyết định đề ra các chương trình phát triển và cộng tác giữa hai tổng giáo phận.

Các chương trình phát triển do hai tổng giáo phận đề ra gồm 5 điểm sau đây. Thứ nhất, săn sóc mục vụ cho các anh chị em di cư bằng cách cử hành các lễ nghi phụng vụ bằng tiếng Hindi và bằng cách mời các thừa sai đến hoạt động trong các vùng quê quán của họ. Thứ hai, bảo đảm cho họ lãnh nhận các bí tích. Thứ ba, tổ chức các biến cố xã hội trong đó họ được huy động tích cực tham gia. Thứ tư, ghi danh các anh chị em di cư để tạo ra các liên hệ và có thể tiếp xúc với họ dễ dàng hơn. Thứ năm, bảo đảm an ninh cho họ trong một thành phố thủ phủ là Maharashta, đầy các nguy hiểm. 

Trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót, HĐGM Philippines đã phát động chiến dịch chống lại nạn buôn người. ĐC Broderick Pabillo, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Manila, cho biết tệ nạn “con con lừa già” là một vấn đề rất trầm trọng. Đây là kiểu nói, mà các tay buôn bán ma tuý vùng Đông Nam Á thường dùng, để gọi các người di cư lao động, đa số là người Philippines. Họ được các tổ chức buôn ma tuý sử dụng để đem ma tuý tới các nước khác. Bị ảo tưởng thay đổi cuộc sống, họ bị thuyết phục khuân vác các gói hàng bên trong chứa ma tuý eroina, cocaina và nhất là metanfetamina. Nếu bị bắt khi tới nơi, họ bị nhốt tù và bị xử tử. Người thuê họ biến mất cùng với giấc mơ của họ có một công ăn việc làm và một cuộc sống tốt đẹp hơn. ĐC cho biết, chính vì thế Giáo Hội làm tất cả những gì có thể để họ đừng bị lừa đảo. Có rất nhiều dòng tu dấn thân tiếp đón và phục hồi các nạn nhân của nạn buôn người, đặc biệt là các phụ nữ và trẻ em.

Các thống kê của cảnh sát Philippines cho biết đây là đường dây của chợ khai thác lao động đen, mại dâm và chuyên chở ma tuý. Đích tới là Bangkok, Hồng Kông và Kuala Lumpur. Nhưng các năm sau này bùng nổ chợ dầu hoả và làm giàu tại các nước Ảrập vùng Vịnh Ba Tư, đứng đầu là Riad và Abu Dhabi. Tại vùng Trung Đông có các hạn chế gắn liền với quyền làm việc và cả tôn giáo nữa. Người dân Philippines làm việc tại các quốc gia này bị cám dỗ theo Hồi giáo, bị đe doạ nếu họ đi nhà thờ và đương nhiên là không được các điều kiện dễ dàng để duy trì các thói quen Kitô.

Trong trường hợp là di cư lao động hợp pháp, khi tới nơi họ bị tịch thu thông hành, và chỉ có thông hành trở lại khi trả món tiền chuộc có khi tương đương với 5 năm lao động. Trong trường hợp lao động bất hợp pháp như buôn bán ma tuý hay mại dâm, nhân viên kiểm tra của nơi khởi hành và điểm tới làm lơ trước các giấy tờ giả mạo và nhận món tiền hối lộ của các nạn nhân. Giấy thông hành thường là giấy du lịch cho phụ nữ và trẻ nữ, rồi họ biến mất.

Bà Celia Leones, đại diện Uỷ ban Quốc gia Philippines chống các tệ nạn này, đã tố cáo cả các vụ giả nhận con nuôi để cung cấp cho thị trường quốc tế khai thác tình dục trẻ em vị thành niên. Không có con số chính thức, nhưng hằng năm có hàng chục ngàn người trở thành nạn nhân của tệ nạn này, trong đó có 70% trường hợp được tiếp đón ít nhiều, còn lại 30%, tức khoảng 10.000 người, rơi vào mạng lưới hoạt động bất hợp pháp và bạo lực.

Giáo hội Công giáo đang cùng với các anh em Tin Lành hoạt động để gia tăng ý thức về vấn đề này. Uỷ ban gồm đại diện của HĐGM Philippines và Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô Philippines. Công việc bao gồm các nỗ lực gây ý thức, thông tin tức nhằm phòng ngừa, trợ giúp các nạn nhân, kể cả việc đem các kẻ tội phạm ra trước toà án pháp luật. ĐC Pabillo cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ các nỗ lực này của Giáo Hội.

Sang đến Indonesia, trong khuôn khổ của Năm Thánh Lòng Thương Xót, HĐGM nước này đã phát động chiến dịch chống lại tệ nạn gian tham hối lộ, bằng cách tổ chức 3 ngày đại hội tại thủ đô Jakarta. Tham dự đại hội đã có nhiều giới chức chính quyền và các tổ chức chống nạn bất hợp pháp. Hằng năm, trước đại hội thường niên, các Giám mục Indonesia vẫn dành ra 3 ngày để tìm hiểu một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với cuộc sống của đất nước. Lần này là tệ nạn gian tham hối lộ. Tham dự đại hội cũng có 36 giám mục toàn nước.

Sau phần chào mừng các tham dự viên, thuyết trình viên đầu tiên là ông Ignatius Jonan, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên. Ông là chính trị gia Công giáo nêu gương trong việc làm thế nào để canh cải việc quản trị công cộng. Khi còn là Bộ trưởng Giao thông, ông đã có công nâng cao các hoạt động của công ty đường xe lửa toàn quốc, khiến cho người dân có phương tiện di chuyển sạch sẽ, đúng giờ và mau chóng. Giờ đây ông đang áp dụng cùng đường lối hoạt động cho lĩnh vực năng lượng, tài nguyên và quặng mỏ của Indonesia, nhất là mỏ vàng và mỏ dầu hoả. Bộ trưởng Jonan phân biệt giữa việc gian tham hối lộ vì nhu cầu, là hậu quả của bất công xã hội, và gian tham hối lộ vì tham lam vơ vét của dân. Gian tham hối lộ vì tham lam đi liền với sự kém đức độ của con người. Giải pháp cho nạn gian tham hối lộ vì nhu cầu là cải tiến các điều kiện xã hội làm sao để bảo đảm một hệ thống hoạt động với cung cách quản trị trong sáng. Trong khi phải có các biện pháp trừng phạt thích đáng đối với tội hối lộ vì tham lam.

Trong số các thuyết trình viên có nhiều thành phần của Uỷ ban Chống Tham nhũng. Mọi người đã ủng hộ Tổ chức Bhumiksara do HĐGM Indonesia thành lập nhằm đào tạo các lãnh tụ chính trị mới người Công giáo, có khả năng điều khiển xã hội và phòng ngừa gian tham hối lộ. Theo ông Alexander Marwwata, thẩm phán của Uỷ ban, so sánh với thời của Tổng thống Suharta cai trị Indonesia giữa các năm 1967-1998, trong đó đa số các vụ gian tham hối lộ tập trung tại trung tâm thủ đô Jakarta, thì ngày nay nạn gian tham hối lộ lan tràn khắp nơi, và mọi người không ngần ngại có các cung cách hành xử không liêm chính và đúng đắn.

Các nhà phân tích khác ghi nhận rằng trong quá khứ nạn gian tham hối lộ chỉ có trong môi trường chính trị, nhưng giờ đây nó cũng hiện diện nơi các giới chức không phải là nhân viên của chính quyền. Hồi đầu năm nay, các Giám mục Indonesia đã phê bình chương trình cải cách chống tham nhũng, vì nó bị lèo lái bởi các lợi lộc chính trị và dự kiến giảm quyền của Uỷ ban. Đa số dân chúng toàn nước Indonesia đều nhận ra tính cách nghiêm trọng của nạn gian tham hối lộ đang tàn phá quốc gia và khiến cho cuộc sống xã hội, nhất là cuộc sống của dân nghèo ngày càng trở thành khó khăn hơn.

 
 

Linh Tiến Khải