24/12/2024

Cảnh báo nhiều dịch bệnh mùa đông đáng ngại

Thời tiết đang chuyển sang mùa đông, bên cạnh những loại bệnh gia tăng do thời tiết chuyển mùa còn có những bệnh nguy hiểm khác trong thời điểm này.

 

Cảnh báo nhiều dịch bệnh mùa đông đáng ngại

Thời tiết đang chuyển sang mùa đông, bên cạnh những loại bệnh gia tăng do thời tiết chuyển mùa còn có những bệnh nguy hiểm khác trong thời điểm này.



Diệt lăng quăng, phun thuốc diệt muỗi ở P.25, Q.Bình Thạnh (TP.HCM)  /// Ảnh: Duy Tính

Diệt lăng quăng, phun thuốc diệt muỗi ở P.25, Q.Bình Thạnh (TP.HCM)ẢNH: DUY TÍNH

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), lưu ý hiện đang là thời điểm chuyển mùa đông, thuận lợi cho vi rút cúm phát triển, lây lan. Cúm mùa là bệnh rất “phổ thông” trong cộng đồng, tuy nhiên không nên chủ quan bởi cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho.
Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có nguy cơ lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.
Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 – 7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hoá, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch…, bệnh có thể diễn tiến trầm trọng, dễ gây biến chứng và có thể dẫn đến tử vong, nhất là đối với các trường hợp bội nhiễm.
Nguy cơ chủng vi rút mới
PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, khuyến cáo thêm hiện nay mạng lưới xét nghiệm y tế công cộng toàn cầu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu bao gồm 143 trung tâm giám sát cúm quốc gia trên 113 nước thành viên của WHO và các trung tâm giám sát cúm vùng nhằm giám sát chủng vi rút cúm lưu hành cũng như những biến đổi gien có nguy cơ ảnh hưởng lớn sức khoẻ con người, đặc biệt là các chủng cúm có xu hướng lây đại dịch.
Tại VN, hiện có 2 trung tâm giám sát cúm quốc gia đặt tại Viện Pasteur TP.HCM và Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Hà Nội) tham gia mạng lưới giám sát toàn cầu. Trong nước đang tiến hành giám sát vi rút cúm trên các bệnh nhân viêm phổi nặng nghi do vi rút; nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng và hội chứng cúm nhằm có đánh giá, cảnh báo và đáp ứng kịp thời hoạt động phòng chống dịch bệnh đồng thời theo dõi sự biến đổi của vi rút và cung cấp các chủng vi rút cúm đang lưu hành cho Tổ chức Y tế thế giới.
“Đến thời điểm này chưa có sự thay đổi đáng kể nào của vi rút cúm, tuy nhiên, trước sự đa dạng về sự tái tổ hợp hình thành vi rút cúm nhanh và nhiều như hiện nay trên gia cầm và chim hoang dã, có nguy cơ tạo ra một chủng vi rút cúm mới”, PGS-TS Lân lo ngại.
Sốt xuất huyết, Zika gia tăng
Chiều 20.11, bác sĩ Nguyễn Thanh Dân, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Cà Mau, cho biết tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh Cà Mau đã ghi nhận 1.841 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó có 3 ca tử vong (1 ca ở H.Đầm Dơi và 2 ca ở H.Cái Nước). Địa phương có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là H.Cái Nước với 612 ca, kế đến là H.Phú Tân 302 ca, TP.Cà Mau 214 ca… Trước tình trạng này, Cà Mau khẩn trương phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, từ đầu năm đến nay, tỉnh có trên 400 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (tăng gần 300% so với cùng kỳ năm 2015), xảy ra tại 9/10 huyện, thị, thành phố trên địa bàn gần. Hiện nay, tại tỉnh có 80 ổ dịch sốt xuất huyết, trong đó các huyện: Vĩnh Linh có số ca mắc cao (với 100 người), Đông Hà: 103 ca, Triệu Phong: 88 ca…
Trong khi đó, tính đến 19 giờ hôm qua (20.11), tại TP.HCM, số ca nhiễm vi rút Zika đã vọt lên có 62 ca. Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cho biết riêng trong ngày 20.11 phát hiện thêm 5 trường hợp mắc vi rút Zika. Đến nay bệnh đã lan rộng ra 14 quận, huyện của TP, trong đó Q.Bình Thạnh nhiều nhất với 13 ca, kế đó là Q.2 với 10 ca. Q.Tân Bình là nơi mới nhất có 2 ca được phát hiện ngày 20.11.
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, cho biết vẫn đang thực hiện các chiến dịch làm sạch môi trường, diệt muỗi, lăng quăng. Đến nay, TP chưa có khuyến cáo hạn chế đi đến những nơi có ca bệnh, tuy nhiên mọi người, đặc biệt là thai phụ cần chủ động phòng tránh muỗi đốt; mọi nhà tự diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika.
Bác sĩ Đoàn Thu Trà (Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết cảm cúm thông thường rất hay gặp trong mùa đông, với các triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau mỏi người… Nếu có các triệu chứng nặng như: sốt cao liên tục, ho, khó thở…, thì người bệnh cần phải đến bệnh viện ngay.

 

Thanh Niên