24/12/2024

Niềm hy vọng của chúng ta

Đức Giêsu đưa ra một hứa hẹn và đó cũng là một bảo đảm cho cuộc chiến thắng: “Có kiên trì các con mới cứu được mạng sống mình” (c. 19). Những lời này kêu gọi chúng ta hy vọng và kiên nhẫn, nghĩa là biết chờ đợi thành quả chắc chắn của ơn cứu độ, khi chúng ta tin tưởng vào ý nghĩa sâu xa của cuộc sống và lịch sử

 Niềm hy vọng của chúng ta

Kinh Truyền Tin
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật XXXIII Thường Niên, 17/11/2013

Anh chị em thân mến, xin chào buổi sáng

Phần chính của bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (Lc 21,5-19) nằm trong phần thứ nhất bài diễn từ của Đức Giêsu: diễn từ về những thời gian sau cùng. Đức Giêsu nói bài diễn từ này ở Giêrusalem, gần Đền thờ; và khởi điểm của bài diễn từ này lại do một số người đề cập đến Đền thờ và vẻ đẹp của Đền thờ gợi lên cho Người. Thật thế, Đền thờ này rất đẹp. Lúc đó Đức Giêsu nói: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đây sẽ đến ngày bị triệt hạ, sẽ không còn hòn đá trên hòn đá nào” (Lc 21,6). Dĩ nhiên họ hỏi Người: “Khi nào các sự việc đó xảy ra? Và đâu là những điềm báo trước?”. Nhưng Đức Giêsu hướng sự chú ý ra khỏi những khía cạnh phụ thuộc – khi nào điều đó xảy ra? Điều đó sẽ xảy ra như thế nào? – để hướng về những vấn đề thật sự. Và sẽ có hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất: anh em đừng để cho những thiên sai giả lừa dối, và đừng để cho cơn sợ hãi làm cho mình bị tê liệt. Vấn đề thứ hai: sống thời gian chờ đợi như một thời gian để làm chứng cho Chúa và sống kiên nhẫn. Và chúng ta đang ở trong thời gian chờ đợi này, chờ đợi Chúa đến.

Bài diễn từ này của Đức Giêsu cũng dành cho chúng ta là những người đang sống trong thế kỷ XXI vẫn luôn mang tính thời đại. Người lặp lại cho chúng ta: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người đến dưới danh nghĩa của Thầy” (c. 8). Đây là một lời mời gọi biện phân, biện phân là một đức tính Kitô giáo hiểu được đâu là Thần Khí của Chúa và đâu là thần khí xấu xa. Vì chưng, ngày hôm nay cũng thế, cũng có những “đấng cứu thế” giả đang tìm cách thay thế Đức Giêsu: những nhà lãnh đạo của trần gian này, những vị thầy tinh thần, cũng như những nhà phù thuỷ, những nhân vật muốn lôi kéo về với mình tâm trí con người, đặc biệt là các bạn trẻ. Đức Giêsu cảnh tỉnh chúng ta: “Anh em đừng đi theo họ!”. “Anh em đừng đi theo họ!”.

Và Chúa cũng giúp chúng ta không sợ hãi: khi đối diện với chiến tranh, các cuộc cách mạng, cũng như những thiên tai, những dịch bệnh, Đức Giêsu giải phóng chúng ta khỏi thuyết định mệnh và khỏi những cái nhìn khải huyền sai lạc.

Yếu tố thứ hai cật vấn chúng ta với tư cách là Kitô hữu và với tư cách là Giáo Hội: Đức Giêsu loan báo những thử thách đau khổ và những cuộc bách hại mà các môn đệ của Người sẽ phải gánh chịu vì Người. Tuy nhiên, Người trấn an: “Nhưng không một sợi tóc nào trên đầu anh em sẽ phải mất đi” (c. 18). Người nhắc lại cho chúng ta rằng chúng ta đang hoàn toàn ở trong bàn tay của Thiên Chúa! Những nghịch cảnh mà chúng ta gặp phải vì đức tin và vì chúng ta gắn bó vào Tin Mừng là những dịp cho chúng ta làm chứng; chúng không được làm cho chúng ta xa Chúa, nhưng phải thúc đẩy chúng ta phó thác vào Người hơn nữa, vào sức mạnh Thần Khí của Người và vào ân sủng của Người.

Vào lúc này đây, tôi nghĩ, và tất cả chúng ta cũng nghĩ. Chúng ta hãy cùng suy nghĩ: chúng ta hãy nghĩ đến tất cả những người anh chị em Kitô hữu của chúng ta đang đau khổ vì bị bách hại vì đức tin của họ. Có rất nhiều anh chị em. Chắc chắn là nhiều hơn những thế kỷ đầu tiên. Đức Giêsu ở với họ. Chúng ta cũng thế, chúng ta kết hợp với những người anh chị em đó qua lời cầu nguyện và qua tình âu yếm của chúng ta. Chúng ta cũng thán phục vì sự can đảm và chứng tá của họ. Đó là những người anh chị em của chúng ta, trên biết bao nhiêu miền đất trên thế giới này, đang đau khổ vì trung thành với Đức Giêsu Kitô. Với hết cả tấm lòng và với tình âu yếm, chúng ta chào những người anh chị em đó.

Sau cùng, Đức Giêsu đưa ra một hứa hẹn và đó cũng là một bảo đảm cho cuộc chiến thắng: “Có kiên trì các con mới cứu được mạng sống mình” (c. 19). Ôi những lời đầy hy vọng! Những lời này kêu gọi chúng ta hy vọng và kiên nhẫn, nghĩa là biết chờ đợi thành quả chắc chắn của ơn cứu độ, khi chúng ta tin tưởng vào ý nghĩa sâu xa của cuộc sống và lịch sử: những thử thách và khó khăn cấu tạo nên một chương trình lớn lao hơn; Chúa, chủ tể của lịch sử, sẽ làm cho tất cả được hoàn thành. Mặc cho những lộn xộn và thảm hoạ đang gây xáo trộn trên thế giới này, thì dự định tốt lành và nhân từ của Thiên Chúa sẽ được hoàn thành! Đây là niềm hy vọng của chúng ta: ra đi như thế, trên con đường này, dựa theo chương trình của Thiên Chúa sẽ được hoàn thành. Đó là niềm hy vọng của chúng ta.

Sứ điệp này của Đức Giêsu làm cho chúng ta suy nghĩ về hiện tại của chúng ta, và ban cho chúng ta sức mạnh để đương đầu với hiện tại một cách can đảm và hy vọng, cùng với Đức Trinh Nữ, là Đấng luôn đồng hành với chúng ta.