Xanh hoá những dòng kênh đen cho người Sài Gòn ‘thở khoẻ’
TP.HCM đang tập trung xử lý ô nhiễm những dòng kênh rạch trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân.
Xanh hoá những dòng kênh đen cho người Sài Gòn ‘thở khoẻ’
TP.HCM đang tập trung xử lý ô nhiễm những dòng kênh rạch trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân.
Nhiều năm qua, dòng nước ở rạch Bình Thọ luôn đen ngòm. Bất kỳ ai đứng gần con rạch này đều phải bịt mũi vì mùi hôi bốc lên nồng nặc. Riêng những hộ dân sống ven rạch phải thường xuyên “nghẹt thở” vì ô nhiễm.
Nhà ông Nguyễn Hoàng Hùng (62 tuổi) cũng như hàng chục gia đình khác ở tổ 16, KP.6, P.Trường Thọ (Q.Thủ Đức) bị con rạch lộ thiên này “chắn ngang” trước nhà, là những người phải chịu đựng sự “tra tấn” nhiều nhất.
|
Vấn đề dai dẳng
Theo phản ánh của ông Hùng và các hộ dân, trước đây người dân còn trồng được rau muống, bắt cá trên rạch, nhưng sau đó không còn cây gì, con gì sống được.
“Tôi sống ở đây đã 30 năm, nhưng hơn 10 năm trở lại đây, vấn đề ô nhiễm của rạch Bình Thọ bùng lên và cứ dai dẳng mãi. Không biết nước chảy dưới rạch là nước gì mà độc hại lắm, khi thì đen ngòm, có khi chuyển sang màu xanh, màu đỏ, màu bạc đục ngầu…, lội xuống thì chân lở loét hết. Cả ngày lẫn đêm đủ loại mùi hôi, có khi nước rạch còn bốc khói nữa. Cũng có khi nhớt thải chảy đầy, bà con châm lửa đốt cháy cả đoạn rạch dài. Mấy hôm trước mưa lớn, nước từ rạch tràn ngập vào nhà”, ông Hùng than.
Tại khu vực kênh Văn Thánh (P.22, Q.Bình Thạnh), tình trạng ô nhiễm cũng diễn ra trong nhiều năm qua. Mùi hôi thối từ lòng kênh bốc lên nồng nặc, lăng quăng lúc nhúc khắp mặt nước, rác thải đóng thành từng lớp ở khắp lòng kênh.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, một số người thiếu ý thức đã xả rác thải, nước thải sinh hoạt trực tiếp xuống kênh càng khiến mức độ ô nhiễm dòng kênh thêm nghiêm trọng.
Trong khi đó, người dân sinh sống tại khu vực Q.Gò Vấp, Q.12, Q.Tân Bình luôn ám ảnh bởi dòng kênh Tham Lương. Thời gian qua, dù TP đã có những hoạt động để cải tạo dòng kênh này nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không hề được cải thiện.
Trong những ngày đầu tháng 11.2016, dù có mưa lớn nhưng nước kênh luôn đen ngòm, đặc quánh. Tương tự, người dân sinh sống ven kênh 19.5 (chảy qua Q.Bình Tân, Q.Tân Phú và Q.Tân Bình) nhiều năm nay cũng phải khổ sở vì mùi hôi và nước đen. Dọc con kênh này càng về phía Q.Bình Tân thì dòng nước càng đen, bọt sủi trắng. Điều đáng nói là hai bên bờ kênh có các miệng cống từ các cơ sở sản xuất và nhà dân xả nước thẳng xuống kênh.
“Do ô nhiễm nên muỗi, chuột, rắn rết phát sinh nhiều. Lâu lâu tôi mua thuốc diệt chuột về thả diệt được rất nhiều chuột, có đợt tôi diệt được đến 50 con trong 1 đêm. Tại khu phố chúng tôi ở có nhiều trẻ em nên ai cũng rất lo lắng khi vào mùa dịch sốt xuất huyết”, một người dân sống ven kênh 19.5 lo lắng.
Không chỉ các dòng kênh lớn mà ngay các dòng kênh nhỏ xen cài trong khu dân cư cũng bị cảnh tương tự. Đó là kênh Hy Vọng và kênh Tân Trụ, thuộc P.15, Q.Tân Bình. Kênh Hy Vọng bắt nguồn từ sân bay Tân Sơn Nhất chảy ra kênh Tham Lương nên mùa mưa nước không đen nhiều nhưng rác thải sinh hoạt thì ngập kín. Sau khi chảy ra đến đường Phan Huy Ích (P.15, Q.Tân Bình) thì kẹt lại trước cống hộp và bốc mùi hôi thối.
Chị Linh, nhà ngay sát bên dòng kênh, bức xúc: Những hôm trời mưa lớn, nước ngập vào tới nhà kéo theo rác, có khi cả những khúc cây to cũng bị trôi vào nhà. Gần kênh Hy Vọng là kênh Tân Trụ, theo một người dân sinh sống lâu năm ở đây cho biết do đầu kênh có một số lò làm bún thải nước ra kênh nên nước lúc nào cũng bốc mùi. Năm nào trung tâm y tế dự phòng cũng phun thuốc diệt muỗi nhiều lần nhưng muỗi vẫn phát sinh dày đặc.
Tăng cường giám sát
Về ô nhiễm rạch Bình Thọ, ngày 7.11, ông Lê Văn Chiến, Phó chủ tịch UBND Q.Thủ Đức, cho biết rạch Bình Thọ bắt nguồn từ Q.9, chảy qua Q.Thủ Đức rồi chảy vào kênh đào (gần khu vực cảng Phúc Long) hướng ra sông Sài Gòn. Nguồn gây nên ô nhiễm chính của rạch Bình Thọ gồm cụm công nghiệp dệt Phước Long (có 5 doanh nghiệp) và 12 doanh nghiệp ngoài cụm hoạt động ngành nghề dệt, nhuộm, may, giày, sản xuất phân bón, thuốc thú y, sản xuất lon nhôm; đồng thời khu vực rạch Bình Thọ còn tiếp nhận nước thải của dân cư P.Phước Long B (Q.9), P.Bình Thọ và P.Trường Thọ (Q.Thủ Đức) với hơn 2.000 hộ dân.
TIN LIÊN QUAN
Khi được hỏi về sự đổi thay lớn nhất trong 40 năm qua ở TP.HCM, nhiều người đã không cần suy nghĩ, nói ngay đến sự hồi sinh của 3 con kênh lớn ở trung tâm TP, đó là Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ – Bến Nghé và Tân Hóa – Lò Gốm.
Ông Chiến cho biết thêm, do nguồn nước thường xuyên bị ô nhiễm, UBND Q.Thủ Đức đã báo cáo với Sở TN-MT tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng nguồn nước. Nhiều giải pháp khắc phục ô nhiễm đã được thực hiện. Theo đó, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP (đơn vị quản lý rạch theo phân cấp) đang tiến hành nạo vét để khơi thông dòng chảy.
“Về trách nhiệm quản lý địa bàn, quận tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất có xả thải ra rạch Bình Thọ, đồng thời tuyên truyền các hộ dân sống dọc theo rạch thực hiện xây lắp hầm tự hoại xử lý nước thải sinh hoạt trước khi xả thải ra môi trường, không vứt rác xuống kênh rạch… để góp phần khắc phục vấn đề ô nhiễm, đảm bảo tiêu thoát nước của khu vực”, ông Chiến nói.
Theo ông Chiến, việc kiến nghị lắp đan bê tông che chắn rạch Bình Thọ không phù hợp do rạch này ngoài việc tiêu thoát nước thải, còn góp phần tiêu thoát nước mặt, nước mưa, do đó nếu che chắn sẽ gây khó khăn cho công tác nạo vét rạch.
|
Mục tiêu 2020
Trả lời Thanh Niên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa cam kết TP sẽ ngăn chặn, xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm tất cả kênh rạch trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân. Theo ông Khoa, mục tiêu nhất quán của TP là bảo vệ nguồn nước trên toàn hệ thống kênh rạch đảm bảo các tiêu chí về môi trường.
Theo ông Khoa, trách nhiệm của TP là xử lý nghiêm vi phạm cơ sở xả thải ô nhiễm; tập trung nguồn lực nạo vét, cải tạo kênh rạch nhằm khắc phục vấn đề ô nhiễm. Để xanh hóa một cách bền vững những dòng kênh, TP luôn mong muốn có sự chung tay của người dân, trước hết đừng xả rác thải xuống kênh nữa.
“TP xử lý nghiêm đối với các nguồn thải công nghiệp chưa đầu tư hệ thống xử lý, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Yêu cầu các nguồn thải công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải phải hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong quý 1/2017, đảm bảo đến năm 2020, 100% nước thải công nghiệp, 80% nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn môi trường”, ông Khoa khẳng định và cho biết thêm: “TP vừa rà soát tổng quan tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn; giao nhiệm vụ cho từng sở ngành, quận, huyện, đơn vị thực hiện các giải pháp cụ thể để khắc phục một cách căn cơ, toàn diện. Riêng đối với các cơ sở sản xuất xả nước thải ra kênh rạch đang là “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường, TP bắt buộc phải hoàn thiện công trình xử lý nước thải theo đúng quy định”.
Đó là những nỗ lực quan trọng để hướng đến xanh hoá những dòng kênh đen. Trên địa bàn TP.HCM có những kênh “đen” đã được “hóa kiếp”. Điển hình nhất là kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (chảy qua địa bàn các quận: Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Q.3); kênh Tân Hoá – Lò Gốm (Q.6)… Người dân không còn ám ảnh bởi cảnh ô nhiễm, mùi hôi thối từ lòng kênh như những năm trước. Nhiều nhóm bạn trẻ còn tập trung vui chơi dọc hai bên bờ kênh…
Chị Đào Tiên (35 tuổi, ngụ đường Lò Gốm, P.7, Q.6) chia sẻ: “Ở đây dạo này đông vui lắm. Không khí đã trong lành, không phải hít mùi hôi thối từ lòng kênh như lúc trước. Sáng với chiều người người đi tập thể dục, đi dạo mát đông như hội vậy”.
Tân Phú – Hải Nam – Trác Huy