23/12/2024

Hoá giải nỗi lo ô nhiễm môi trường : Những “khu phố trắng”

Một góc thị trấn An Bài (Thái Bình) và TP Long Xuyên (An Giang) hiện lên với màu trắng xóa của… bụi. Nhiều giải pháp đã được đề ra, nhưng 
cần thêm một yếu tố là “tốc độ”.

 

Hoá giải nỗi lo ô nhiễm môi trường : Những “khu phố trắng”

Một góc thị trấn An Bài (Thái Bình) và TP Long Xuyên (An Giang) hiện lên với màu trắng xóa của… bụi. Nhiều giải pháp đã được đề ra, nhưng 
cần thêm một yếu tố là “tốc độ”.

 

 

 

Hóa giải nỗi lo ô nhiễm môi trường : Những “khu phố trắng”
Bụi mịt mù từ Nhà máy Acifa ra khu dân cư phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên (An Giang) – Ảnh: Đ.Vịnh

Không nằm trong danh sách các nhà máy có nguy cơ ô nhiễm của Bộ Công thương nhưng vẫn có nhiều nơi, các điểm công nghiệp có điểm sản xuất ô nhiễm “khủng”, dân kêu hoài không thấu.

Dân hứng chịu đủ nguồn ô nhiễm

Dọc tuyến quốc lộ 10 từ Thái Bình qua Hải Phòng không khó để nhận ra điểm nóng về ô nhiễm bụi ở khu vực cầu Nghìn, thị trấn An Bài (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) – nơi có gần 70 lò vôi thủ công ngày đêm thay nhau nhả khói, bụi. Từ một xóm sầm uất, giờ có người dân phải chuyển nhà vì không chịu nổi.

“Có chỗ bụi dày tới 10cm, bụi thải từ hàng trăm lò vôi khi nung, rồi bụi khi ra lò. Gần như nhà nào cũng màu bụi trắng, nhà nào cũng phải che phủ” – một người dân tổ 2, thị trấn An Bài nói. Kết quả quan trắc môi trường của Sở TN-MT Thái Bình vào cuối năm 2015 cho thấy thực tế đúng như người dân lo ngại, không có chỉ số nào dưới chuẩn, “nhẹ nhất” là tổng lượng bụi cũng vượt gần 2 lần.

“Người dân cho rằng việc đưa một nhà máy thép về đặt ngay khu dân cư, ngay ở thị trấn, ngay mặt đường quốc lộ 10 là một sai lầm. Từ ngày hoạt động năm 2009 đến nay, người dân phải chịu đựng và kêu rất nhiều về ô nhiễm tiếng ồn, khí thải” – ông Nguyễn Duy Kha, tổ trưởng tổ dân phố số 2, thị trấn An Bài, nói.

Theo ông Vũ Tiến Hồi – tổ trưởng tổ dân phố số 10, thị trấn An Bài: “Trước kia người dân sử dụng nước mưa nấu ăn. Giờ 100% hộ dân không ai dám dùng nước mưa vì trong không khí có rất nhiều mùn. Có thời điểm mùa hoa quả, khí thải xả ra khiến hoa trái rám hết”. Ông Hồi cho hay dù nhiều lần người dân kiến nghị, cả qua tiếp xúc cử tri nhưng tình trạng ô nhiễm khí thải vẫn chưa thể giảm.

Trên địa bàn TP Long Xuyên, An Giang cũng có những “khu phố trắng” tương tự, do có nhiều nhà máy chế biến lương thực, sản xuất vật liệu quy mô lớn.

Từ xa nhìn về khu vực Nhà máy ximăng Acifa nằm bên quốc lộ 91 ở phường Mỹ Thạnh, từ sáng sớm tới chiều đều thấy rõ khói bụi bay phủ xuống khu vực dân cư. Mái nhà của dân nơi đây luôn có màu trắng do đọng lớp bụi dày, cây cối bị nhuốm màu, héo úa. Ngay ghe về bến đậu chừng nửa ngày là mui ghe cũng biến thành màu trắng. Vào nhà dân, dù đóng kín cửa, che bạt nhưng bụi vẫn bám dày các vật dụng.

“Sáng sớm đã thấy bụi bay như sương, quét xong đến trưa bụi ximăng lại đầy nhà” – bà Lê Tú Uyên, khóm Đông Thạnh B, than. “Về nhà sau những chuyến đi chở hàng xa, vừa mở cửa ra thấy bụi ximăng đọng lớp lớp, nhìn không muốn vào nhà” – nhiều chủ ghe thổ lộ.

Ông Hoàng Minh Tuyến, giám đốc Nhà máy ximăng Acifa, công nhận bụi từ phía sau nhà máy có phát tán ra khu vực dân cư, đồng thời cam kết cho lấp bít vách ngăn và trồng thêm cây cối che chắn. Tuy nhiên, trước thực tế nhà máy đã thực hiện biện pháp trên nhưng bụi vẫn lan toả ra ngoài, ông Tuyến cam kết “sắp tới nhà máy sẽ thay đổi dây chuyền công nghệ”.

Phạt nặng nhưng chưa dứt điểm

Trao đổi với Tuổi Trẻ về những bức xúc của người dân về bụi, khói, ông Nguyễn Quang Cơ – chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) – thừa nhận người dân khu vực thị trấn An Bài phải chịu đựng nhiều nguồn ô nhiễm, như từ Nhà máy thép Shengli, lò vôi.

“Với các lò vôi, hiện nay đang vận động người dân tự dỡ lò. Huyện đã xây dựng lộ trình dỡ bỏ. Nếu theo quyết định của Bộ Xây dựng thì việc dỡ bỏ kéo dài đến năm 2020, tuy nhiên chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo dỡ bỏ hết trong năm 2017” – ông Cơ cho hay.

Về nhà máy thép gây ô nhiễm, ông Trần Ngọc Tuấn, giám đốc Sở TN-MT Thái Bình, cho biết đã xử phạt Nhà máy Shengli 1,8 tỉ đồng. “Sau xử phạt thì họ đã xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn nhưng việc xử lý vẫn hay bị trục trặc” – ông Tuấn công nhận. Trả lời câu hỏi kết quả quan trắc tự động của Nhà máy Shengli có truyền về sở để theo dõi, ông Tuấn thừa nhận là chưa vì… chưa có đường truyền.

Dù người dân kêu đã lâu nhưng ông Tuấn công nhận sau khi Thủ tướng có chỉ thị 25 về những nhiệm vụ cấp bách về môi trường, Sở 
TN-MT Thái Bình hiện… đang lập đề án xây dựng trạm quan trắc độc lập. “Hiện nay đang lập dự án rồi, tỉnh cũng đang xem xét bố trí nguồn vốn. Khi thực hiện, tại địa điểm khu vực thị trấn An Bài sẽ có một điểm quan trắc” – ông Tuấn cho hay.

Về ô nhiễm ở TP Long Xuyên, ông Võ Hùng Dũng, phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh An Giang, nêu sở đã ghi nhận ở Khu công nghiệp Bình Long phát sinh ô nhiễm, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh đã kiểm tra, xử lý nhà máy gây ảnh hưởng đến môi trường. Ông Dũng nêu hệ thống xử lý ở Khu công nghiệp Bình Hòa sẽ hoàn thành cuối năm nay, còn ở Bình Long thì đầu năm 2017 sẽ… khởi công.

Về cụm chế biến vật liệu và Nhà máy sản xuất ximăng Acifa, ông Dũng xác nhận thanh tra sở đã phát hiện khói bụi phát tán ra bên ngoài do sử dụng công nghệ cũ, thiếu che chắn. Ông Dũng chỉ khẳng định ban giám đốc Acifa đã cam kết chuyển đổi qua công nghệ sản xuất tiên tiến để khắc phục tình trạng ô nhiễm.

Theo một chuyên gia ngành môi trường, với các ô nhiễm như khói bụi không chỉ có một vài nhà máy cá biệt mà khá phổ biến. Việc giải quyết không quá khó, vấn đề là các địa phương cần làm kiên quyết. Nếu các nhà máy phát triển tự phát gây ô nhiễm thì cần tính phương án di dời và cần tốc độ nhanh, tránh để người dân quá bức xúc, sinh ra các vấn đề xã hội. Cần gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu với việc để xảy ra ô nhiễm kéo dài.

Đặc biệt, theo vị chuyên gia ngành môi trường, xử phạt chỉ là một biện pháp, không nên quá lạm dụng. Nếu nhà máy xả thải quá quy định cho phép thì phải tính đến đóng cửa, theo đúng tinh thần mà Thủ tướng đã chỉ đạo là không vì kinh tế mà hi sinh môi trường.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà:

Sẽ nâng tiêu chuẩn môi trường của VN ngang các nước

Hóa giải nỗi lo ô nhiễm môi trường : Những “khu phố trắng”
Ông Trần Hồng Hà – Ảnh: Nam Trần

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã trả lời báo chí như vậy tại hành lang Quốc hội ngày 3-11. Ông nói:

– Theo chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi tiến hành thanh tra các cơ sở, các ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm từ 200m3 trở lên trong phạm vi cả nước. Chúng tôi đã tiến hành thanh tra xong, nhưng hiện nay đang tiến hành xét nghiệm các mẫu. Theo quy định thì khi chưa công bố kết quả thanh tra, tôi chưa nói trước được. Khi có kết quả thanh tra chính thức, chúng tôi sẽ công bố.

* Bộ trưởng từng nói chúng ta chưa chú trọng đến môi trường, đặc biệt là trong triển khai các dự án, đề nghị bộ trưởng cho biết các giải pháp tới đây?

– Quan trọng nhất là mô hình phát triển. Trước đây phải ưu tiên cho tăng trưởng, nền kinh tế thâm dụng tài nguyên, thâm dụng vào chi phí môi trường. Luật lệ của chúng ta chưa chặt chẽ, việc tổ chức thực hiện cũng chưa hiệu quả. Tại VN có nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn thấp hơn các nước. Đặc biệt là trình độ công nghệ quyết định vấn đề môi trường.

Có hai việc phải làm. Thứ nhất là rà soát tất cả các cơ sở sản xuất, từ đó có lộ trình, giải pháp để các doanh nghiệp đảm bảo môi trường. Thứ hai, thời gian tới sẽ rà soát danh mục các nhà đầu tư, ngành công nghiệp xem những ngành nào có nguy cơ gây ô nhiễm cao phải đưa vào danh mục để kiểm soát nghiêm. Đặc biệt là phải nâng tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường VN lên ngang bằng thế giới.

LÊ KIÊN

Cả vùng 
lo nhà máy ximăng có sự cố

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có hơn chục nhà máy nhiệt điện và ximăng, trong đó có nhiều đơn vị đã bị Sở TN-MT Quảng Ninh khoanh vùng nguy cơ gây ô nhiễm.

Nhà máy ximăng Hạ Long nằm trên địa bàn xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ. Ông Nguyễn Văn Luân, người dân sống tại thôn Đất Đỏ gần nhà máy, phản ảnh bụi từ nhà máy khiến không khí như bột mì và có màu vàng. “Từ khi nhà máy vận hành, những vườn nhãn của dân không có quả” – ông 
Luân nói.

Ông Nguyễn Bá Thành, trưởng ban an toàn môi trường Công ty CP ximăng Hạ Long, chỉ xác nhận vào ngày 24-7 nhà máy xảy ra sự cố sập lồng túi lọc bụi tĩnh điện.

Trước phản ảnh của người dân có thời điểm cả một khu vực rộng lớn chìm trong bụi trắng, biên bản làm việc của Công ty ximăng Hạ Long với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) xác nhận lượng khí thải theo thiết kế của Ximăng Hạ Long khoảng 550.000m3/giờ nên chỉ riêng một lần sự cố, cả trăm ngàn mét khối khí thải đã thoát ra môi trường.

Ngoài sự cố, trả lời Tuổi Trẻ, Sở TN-MT Quảng Ninh công nhận khi phải khởi động lại lò, các nhà máy không sử dụng hệ thống lọc bụi tĩnh điện nên gây ô nhiễm môi trường do lượng bụi, khí thải lớn, khói đen gây mất mỹ quan.

Trong khi đó, riêng Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả đã có 20 lần khởi động lại lò từ tháng 1-2016 
đến nay.

ĐỨC HIẾU

XUÂN LONG – ĐỨC VỊNH – 
VIỆT HÀ