23/12/2024

Cứu đàn cá kênh Nhiêu Lộc

Để tránh xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt như vừa qua trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TP.HCM), cần có biện pháp “tỉa thưa” để duy trì mật độ hợp lý và giữ sự cân bằng về loài.

 

Cứu đàn cá kênh Nhiêu Lộc

Để tránh xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt như vừa qua trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TP.HCM), cần có biện pháp “tỉa thưa” để duy trì mật độ hợp lý và giữ sự cân bằng về loài.




 

Cá được người dân và các cơ quan, tổ chức thả nhiều trên kênhẢNH: KHẢ HOÀ

Hiện tượng cá chết hàng loạt là do lượng cá vượt quá khả năng chịu tải của dòng kênh và mất cân bằng về loài bên cạnh yếu tố nguồn nước không đảm bảo. Đây là kết quả nghiên cứu “Cơ sở khoa học về sức tải thủy vực và chiến lược quản lý đàn cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (NL – TN)”.
Nghiên cứu được tiến hành trong 2 năm (2015 – 2016), do PGS-TS Vũ Cẩm Lương, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM làm chủ nhiệm đề tài. Sáng 28.10, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, Sở KH-CN, Sở NN-PTNT tổ chức hội thảo lấy ý kiến các bên liên quan về kết quả nghiên cứu.
Mưa lớn là cá chết
Bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó giám đốc Sở NN-PTNT nói: “Trước đây cá chết chỉ xảy ra vào đầu mùa mưa nhưng hiện nay hễ có mưa lớn là cá chết. Nó cũng cho thấy chất lượng nước trong kênh có vấn đề và số lượng cá trong kênh cũng nhiều”. Ông Trần Văn Sơn, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản TP.HCM, cho biết: Ngày 29.5.2013, lần đầu thả hơn 205.000 con cá giống xuống kênh nhằm góp phần cải tạo nguồn nước. Sau đợt thả cá này, người dân cũng liên tục thả cá phóng sinh. 



Nguồn cá “tỉa thưa” không được làm thực phẩm
PGS-TS Vũ Cẩm Lương cho biết Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM đã lấy mẫu cá trên kênh NL-TN kiểm nghiệm, cho thấy các chỉ tiêu về kim loại nặng vẫn dưới ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, ngoài các chỉ tiêu về kim loại nặng thì VN vẫn còn thiếu nhiều chỉ tiêu an toàn khác và cá sống trong môi trường như kênh NL-TN không an toàn với sức khoẻ con người. Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng cần phải thận trọng và có cách làm phù hợp trong việc tỉa thưa đàn cá vì nếu không sẽ không tạo được sự đồng thuận trong người dân. Nguồn cá từ việc tỉa thưa này không được dùng vào mục đích thương mại, càng không được dùng vào mục đích sử dụng làm thực phẩm mà có thể mang đi thả ở nơi khác.



Theo ông Sơn, cá chết vào thời điểm giao mùa là do lượng nước mưa đổ xuống lớn làm xáo trộn tầng đáy. Lượng bùn bã hữu cơ trong nước tăng làm ô nhiễm tăng. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu lý hóa trong nước vượt ngưỡng gây nên cá chết. Số lượng cá chết từ năm 2014 đến nay tăng dần qua từng năm, từ 10 lên 20 và 70 tấn. “Số lượng cá chết ngày càng tăng do lượng cá thả bổ sung tăng và cá sinh sản tự nhiên”, ông Sơn nói.
PGS-TS Vũ Cẩm Lương, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết: Chúng tôi tiến hành nghiên cứu về “sức tải thủy vực” với mong muốn có một cơ sở dữ liệu cụ thể có cơ sở khoa học. Sức tải thuỷ vực có thể hiểu đơn giản là khả năng một dòng sông, kênh có thể chứa được bao nhiêu con cá sống trong đó. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cá rô phi chiếm số lượng áp đảo với tỷ lệ lên đến 84,2% và mật độ 6,7 con/m2.
Loài xếp thứ hai là cá chép chỉ có 5,9% với mật độ 0,47 con/m2. Các loài cá trôi, mùi (cá hường), trê lai, rô đồng, tra, lóc chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ từ 4,1 – 0,1%. Số liệu này được thu thập năm 2015 và kết luận vượt ngưỡng chịu tải của thủy vực được tính toán. Nghiên cứu ban đầu được thực hiện theo hướng nên thả như thế nào cho thích hợp.
Nhưng kết quả cho thấy số lượng cá rô phi quá nhiều làm vượt ngưỡng cân bằng dẫn đến cá chết. Đó là quy luật tái cân bằng một cách tự nhiên để phù hợp với sức tải thủy lực. Cá rô phi là loài sinh sản rất nhanh, đó chính là lý do mà số lượng và mật độ của nó đã tăng một cách nhanh chóng như vậy. Để bảo vệ quần thể cá cần phải giữ mật độ phù hợp và cân bằng loài.
Giải pháp tỉa thưa và quạt, phun nước
Theo PGS-TS Vũ Cẩm Lương, để tránh tình trạng cá chết hàng loạt như thời gian qua, cần quản lý mật độ đàn cá tự nhiên sao cho phù hợp. Trong mắt của hầu hết mọi người, thả cá là một hành động tích cực, trong khi đó bắt cá là tiêu cực. Nhưng trong khoa học về quản lý thủy sản thì khi bắt một lượng phù hợp có tính toán cũng là hành động tích cực để quần thể cá có thể phát triển bền vững.
Cũng theo TS Lương: “Khai thác là từ chuyên môn. Ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh tới yếu tố bảo đảm môi trường sống thích hợp cho cá không phải hướng đến chuyện khai thác thương mại. Chính vì vậy tôi nghĩ để người dân dễ hình dung và chia sẻ, có thể dùng từ “tỉa thưa” nhằm giảm mật độ, bên cạnh việc thả bổ sung những đối tượng đang còn ít như cá mùi, trê, tốt nhất là trê vàng bản địa, rô đồng, tra để tạo sự cân bằng trong quần thể”. Vấn đề đặt ra là với số lượng cá rô phi bao nhiêu là phù hợp? TS Lương cho rằng do kết quả nghiên cứu khá bất ngờ so với mục đích ban đầu nên nghiên cứu chưa đưa ra khuyến cáo cụ thể, tuy nhiên việc này không khó vì có thể cho chạy mô hình là ra kết quả.
Cứu đàn cá kênh Nhiêu Lộc - ảnh 1

Cá được thả nhiều trên kênhẢNH: KHẢ HOÀ

Bên cạnh giải pháp trên, có thể kết hợp các phương pháp bổ sung ô xy bằng các quạt nước, phun nước nghệ thuật dọc tuyến kênh để kết hợp tạo thêm cảnh quan cho dòng kênh. Đây cũng là cách mà Thái Lan đang áp dụng để cải tạo môi trường cho các kênh rạch của họ. Theo nghiên cứu, hiện tại nước thải theo ống ngầm xả ra sông Sài Gòn chưa qua xử lý làm cho nước ở đầu kênh NL-TNnhiều khi mức độ ô nhiễm còn cao hơn khu vực bên trong.
Các thông số kỹ thuật về hàm lượng ô xy hoà tan trong nước, độ pH, hàm lượng nitrite… đều tạo nên một môi trường sống khắc nghiệt cho cá. Đàn cá cơ bản đã thích nghi được với môi trường này nhưng chúng không thể chịu được sự thay đổi môi trường đột ngột vào các thời điểm giao mùa. Để đàn cá có thể phát triển ổn định, cũng cần phải quan trắc môi trường nước, đồng thời quản lý đóng mở cửa ngăn triều theo nguyên tắc không tháo nước quá kiệt và không tháo nước kiệt cực đại vào giữa khuya và sáng sớm.
Đại diện lãnh đạo Sở KH-CN cho biết Sở đang chuẩn bị thành lập hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài nghiên cứu này và sẽ báo cáo lên UBND TP xem xét.
Nhiều nước quy định nghiêm ngặt
Nhiều nước trên thế giới đưa ra quy định rất chi tiết về việc câu cá trên sông ngòi, kênh rạch trong đô thị. Tại Pháp, muốn được câu cá thì phải có thẻ thành viên của các hội câu cá được chính phủ công nhận. Tương tự, ở Thuỵ Sĩ, người đi câu cũng phải có giấy phép câu cá. Để có thẻ thành viên hoặc giấy phép như trên đều phải đóng chi phí thường niên. Một phần chi phí này sẽ được dùng cho công tác bảo tồn, bảo vệ môi trường sông hồ và nguồn cá. Kế đến, mọi vấn đề liên quan đến câu cá đều được quy định rõ trong luật, từ nơi được phép câu, các loại cần, mồi câu… Chẳng hạn, tại Pháp, không được ngồi trên các phương tiện giao thông đường thuỷ như tàu, thuyền, bè… để câu cá. Việc câu cá cũng bị cấm ở những đoạn sông ngòi trong TP có nhiều tàu bè qua lại. Chính phủ Thuỵ Sĩ cấm câu cá với mồi là trứng cá, cá nhỏ còn sống, cấm dùng mọi dụng cụ ngoài cần câu để bắt cá và đánh cá bằng điện hoặc chất nổ bị nghiêm cấm. Quy định về kích thước của từng loại cá được phép mang về cũng rất chi tiết. Nếu câu được cá nhỏ hơn quy định thì phải thả lại để bảo tồn.
Ngoài ra, chính quyền nhiều TP lớn trên thế giới hiện khuyến cáo người dân không nên ăn cá câu được tại các kênh, rạch chảy qua nội ô vì lý do ô nhiễm. Tại các khu vực thành thị, sông thường bị nhiễm một số kim loại nặng, thuốc nhuộm, thuốc trừ sâu, phân hoá học… đặc biệt là polychlorinated biphenyl (PCB). PCB là hợp chất nhân tạo được dùng nhiều trong các thiết bị điện trước đây, nhưng đã bị cấm vào giữa thập niên 1970. Từ tháng 6.2010, chính quyền thủ đô Paris của Pháp, và các vùng lân cận đã đề nghị dân chúng không ăn cá câu được trên sông Seine sau khi các xét nghiệm cho thấy chúng bị nhiễm dioxin và PCB cao hơn mức cho phép. Tại Anh, theo báo The Independent, chính quyền cũng đưa ra các cảnh báo tương tự.
Lan Chi


 

Chí Nhân