23/12/2024

Đặc tính của gia đình Kitô giáo

Các bài đọc trong Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về một vài đặc tính cơ bản của gia đình Kitô giáo.

 Đặc tính của gia đình Kitô giáo

Thánh lễ bế mạc cuộc hành hương tại Rôma của các gia đình từ khắp nơi trên toàn thế giới quy tụ về trong Năm Đức Tin
Quảng trường Thánh Phêrô 
Chúa Nhật XXX Thường Niên, 27/10/2013

Các bài đọc trong Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về một vài đặc tính cơ bản của gia đình Kitô giáo.

Đặc tính thứ nhất: gia đình cầu nguyện. Trích đoạn Tin Mừng làm nổi bật hai cách cầu nguyện, một sai lạc – cách cầu nguyện của người biệt phái – và cách kia là đích thực – cách cầu nguyện của người thu thuế. Người biệt phái hiện thân cho một lối sống không biết cảm tạ Thiên Chúa vì những ân huệ Ngài ban, cũng như vì lòng nhân từ của Ngài, mà đúng hơn, lại diễn tả lòng tự mãn. Người biệt phái cảm thấy mình công chính, cảm thấy mình đúng đắn, anh quá thoả mãn về điều này và xét đoán người khác từ cái nhìn cao ngạo của mình. Còn trái lại, người thu thuế không nói nhiều lời. Lời cầu nguyện của anh thật khiêm nhường, tầm thường, biểu lộ ý thức bất xứng, khốn cùng của mình: anh thật sự nhìn nhận mình cần Thiên Chúa tha thứ, cần lòng nhân từ của Ngài.

Lời cầu nguyện của người thu thuế là lời cầu nguyện của người nghèo, đó là lời cầu nguyện làm đẹp lòng Thiên Chúa, và như bài đọc một đã nói, lời cầu nguyện “bay lên tới trời cao” (Gv 35,20), trong khi đó thì lời cầu nguyện của người biệt phái thì lại nặng nề do sức nặng của tính kiêu căng.

Dưới ánh sáng Lời Chúa hôm nay, các gia đình thân mến, tôi muốn hỏi anh chị em: anh chị em có thỉnh thoảng cầu nguyện trong gia đình không? Một số người trả lời có, có và tôi biết điều đó. Nhưng nhiều người nói với tôi: nhưng chúng con cầu nguyện như thế nào? Cầu nguyện như người thu thuế, điều đó là rõ ràng: khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa. Ước gì mỗi người, với lòng khiêm nhường, hãy để cho Chúa nhìn mình và kêu xin lòng nhân từ của Ngài để được Chúa xót thương.

Nhưng trong gia đình thì chúng ta sẽ làm như thế nào? Bởi vì cầu nguyện dường như là một công việc cá nhân, và rồi không bao giờ có được một lúc thuận tiện, yên ắng trong gia đình… Vâng, đúng thế, nhưng đó cũng là một vấn đề khiêm nhường, nhìn nhận rằng chúng ta cần Thiên Chúa, như người thu thuế! Và mọi gia đình! Chúng ta cần Thiên Chúa: tất cả, tất cả! Chúng ta cần Ngài giúp đỡ, cần sức mạnh của Ngài, cần Ngài chúc lành, cần Ngài thương xót, cần Ngài tha thứ. Và cần sự đơn sơ: cầu nguyện trong gia đình, cần sự đơn sơ! Cùng nhau đọc kinh “Lạy Cha” chung quanh bàn ăn, điều đó chẳng phải là một cái gì kỳ diệu: điều đó thật dễ dàng. Và cùng nhau đọc kinh Mân Côi trong gia đình, điều đó rất đẹp, điều đó mang lại cho chúng ta sức mạnh! Và cũng cầu nguyện cho nhau: chồng cầu cho vợ, vợ cầu cho chồng, cả hai cầu nguyện cho con cái, con cái cầu nguyện cho cha mẹ, cầu cho ông bà… Cầu nguyện cho nhau. Đó là cầu nguyện trong gia đình, và cầu nguyện củng cố gia đình!

Đặc tính thứ hai. Bài đọc gợi ra cho chúng ta một điểm khác: gia đình gìn giữ đức tin. Tông đồ Phaolô, vào cuối cuộc đời, đã làm một bản tổng kết cơ bản và ngài nói: “Tôi đã giữ được đức tin” (2Tm 4,7). Nhưng ngài đã giữ được đức tin như thế nào? Không phải trong một cái két sắt! Ngài đã không chôn vùi đức tin dưới lòng đất, như người đầy tớ biếng nhác kia. Thánh Phaolô so sánh cuộc đời của ngài như một cuộc chiến và một cuộc chạy đua. Ngài đã giữ được đức tin, bởi vì ngài đã không hài lòng bảo vệ đức tin, mà ngài đã công bố đức tin, đã loan truyền đức tin, đã mang đức tin đi xa. Ngài đã mạnh mẽ chống lại những ai muốn bảo tồn, “thạch hoá” sứ điệp của Đức Kitô trong phạm vi đất nước Palestine. Chính vì thế, ngài đã có những chọn lựa can đảm, ngài đã đến những vùng đất thù địch, ngài đã để cho những người ở xa, để cho các nền văn hoá khác nhau khiêu khích ngài, ngài đã nói thẳng thắn, không hề sợ hãi. Thánh Phaolô đã bảo tồn đức tin, bởi vì, như ngài đã lãnh nhận đức tin, thì ngài cũng ban phát, khi đi đến những vùng ngoại biên, không đặt mình trong những vị trí được bảo vệ.

Ở đây cũng thế, chúng ta có thể tự hỏi mình: trong gia đình, chúng ta gữ đức tin của chúng ta như thế nào? Chúng ta giữ đức tin cho chúng ta, trong gia đình của chúng ta, như một của riêng, như một trương mục ngân hàng, hay chúng ta biết chia sẻ đức tin bằng chứng tá, bằng sự tiếp đón, bằng việc mở lòng ra đón nhận người khác? Tất cả chúng ta đều biết rằng gia đình, đặc biệt các gia đình trẻ tuổi, thường rất “vội vã”, rất bận bịu; nhưng thỉnh thoảng chúng ta có nghĩ rằng “cuộc chạy” này cũng có thể là cuộc chạy của đức tin không? Các gia đình Kitô giáo là những gia đình truyền giáo. Nhưng hôm qua, ở đây, trên quảng trường này, chúng ta đã nghe chứng tá của các gia đình truyền giáo. Các gia đình cũng truyền giáo trong cuộc sống mỗi ngày, khi làm công việc của mỗi ngày, khi đặt muối và men đức tin vào trong tất cả mọi sự! Giữ đức tin trong gia đình, và đặt muối và men đức tin trong những việc hằng ngày.

Và chúng ta rút ra một khía cạnh thứ ba từ Lời Chúa: Gia đình sống niềm vui. Trong Thánh vịnh đáp ca, chúng ta thấy câu nói sau đây: “Ước gì những người nghèo khổ hãy nghe và hãy mừng vui” (33/34,3). Toàn bộ Thánh vịnh này là một bài ca ngợi Chúa, là suối nguồn của niềm vui và bình an. Và đâu là lý do của niềm vui này? Đây: Chúa ở gần kề, Ngài lắng nghe tiếng kêu của những người khiêm nhường và giải thoát họ khỏi điều dữ. Thánh Phaolô cũng viết như sau: “Anh em hãy vui luôn… Chúa đã đến gần” (Pl 4,4-5). Này… ngày hôm nay, tôi muốn đặt ra một câu hỏi. Nhưng mỗi người hãy mang nó trong lòng và đưa về nhà mình, có được không?, như một bổn phận để làm. Và mỗi người hãy tự trả lời trước mặt mình. Niềm vui thế nào trong nhà bạn? Niềm vui thế nào trong gia đình bạn? Này, anh chị em hãy trả lời cho câu hỏi này.

Các gia đình thân mến, anh chị em biết rõ: niềm vui thật mà chúng ta thưởng nếm trong gia đình không phải là một cái gì đó hời hợt, niềm vui đó không đến từ những sự vật, không đến từ những trường hợp thuận tiện… Niềm vui thật đến từ một sự hài hoà sâu xa giữa con người với nhau, được mọi người cảm nhận trong tâm hồn mình, và làm cho chúng ta cảm thấy vẻ đẹp được ở chung với nhau, nâng đỡ nhau trên con đường sự sống. Nhưng sự hiện diện của Thiên Chúa, sự hiện diện của Thiên Chúa trong gia đình, tình yêu đón nhận, nhân từ, tôn trọng mọi người của Thiên Chúa là nền tảng của tình cảm vui mừng sâu xa này. Và nhất là một tình yêu kiên nhẫn: kiên nhẫn là một đức tính của Thiên Chúa, và đức tính này dạy chúng ta, trong gia đình, phải có tình yêu kiên nhẫn này đối với nhau. Kiên nhẫn giữa chúng ta. Tình yêu kiên nhẫn. Chỉ mình Thiên Chúa mới biết tạo nên sự hài hoà giữa những sự khác biệt. Nếu gia đình thiếu tình yêu Thiên Chúa, thì gia đình cũng sẽ mất đi sự hài hoà của mình, thì những chủ nghĩa cá nhân sẽ thắng thế, và niềm vui sẽ mai một. Còn trái lại, gia đình nào sống niềm vui đức tin thì sẽ thông truyền niềm vui đó cách tự phát, gia đình đó sẽ là muối cho trần gian, gia đình đó sẽ là men cho toàn xã hội.

Các gia đình thân mến, hãy luôn sống đức tin và sống đơn sơ, như gia đình Thánh gia Nazareth. Niềm vui và bình an của Thiên Chúa luôn ở cùng anh chị em!