‘Tụi em còn hành quân dã ngoại ban đêm với đầy đủ trang bị và mắc võng, nấu cơm ăn ngủ trong rừng ban đêm. Hồi xưa mới vào quân ngũ chỉ huấn luyện cơ bản tại chỗ, nay mới thấm thía cuộc sống bộ đội’, trung úy Phạm Thị Mỹ An quệt mồ hôi khoe.
Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10: Những cô gái hòa bình
‘Tụi em còn hành quân dã ngoại ban đêm với đầy đủ trang bị và mắc võng, nấu cơm ăn ngủ trong rừng ban đêm. Hồi xưa mới vào quân ngũ chỉ huấn luyện cơ bản tại chỗ, nay mới thấm thía cuộc sống bộ đội’, trung úy Phạm Thị Mỹ An quệt mồ hôi khoe.
Thao trường Lữ đoàn 429 – Binh chủng Đặc công tại H.Phú Giáo (Bình Dương) chộn rộn quân phục dã ngoại xanh màu lá của cán bộ, nhân viên khoá huấn luyện 3 tháng về tiền triển khai Bệnh viện Dã chiến cấp 2 tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Nổi bật nhất là những gương mặt quân nhân nữ đến từ các bệnh viện quân y khu vực phía nam.
Mưa nắng thao trường
Những “bông hoa” được quan tâm đặc biệt trong đội hình là đại uý quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Bùi Thị Xoa, thượng uý QNCN Phạm Thị Thu Trang và 3 trung úy QNCN Phạm Thị Mỹ An, Tô Thị Kiều Chinh, Lê Thị Kiều Nhi, đều là y tá, điều dưỡng có chuyên môn cao của Bệnh viện Quân y 175, Quân đoàn 4, Quân khu 7…
Trung úy Phạm Thị Mỹ An quệt mồ hôi khoe: “Tụi em còn hành quân dã ngoại ban đêm với đầy đủ trang bị và mắc võng, nấu cơm ăn ngủ trong rừng ban đêm. Hồi xưa mới vào quân ngũ chỉ huấn luyện cơ bản tại chỗ, nay mới thấm thía cuộc sống bộ đội”. Trung tá Phan Duy Trung, Chính trị viên của Bệnh viện Dã chiến cấp 2, cười: “Hôm ấy trời mưa to nhưng hoạt động dã ngoại vẫn diễn ra bình thường. Thấy chị em ướt lướt thướt, cơm ăn chan cả nước mưa, ai cũng nhường chỗ khô ráo nhưng chị em đều lắc đầu từ chối vì: có trải nghiệm mới thấm thía gian khổ. Bộ đội mà sướng thì đâu là bộ đội?”…
(TNO) Hôm nay (20.10) là Ngày Phụ nữ Việt Nam. Mạng xã hội tràn ngập những lời chúc, lời nhắn gửi yêu thương của mọi người dành cho giới nữ.
Thượng úy Phạm Thị Thu Trang (36 tuổi, quê Quảng Bình) là điều dưỡng tại Bệnh viện 4 (Quân đoàn 4, Bộ Quốc phòng). Cô được chọn vào danh sách phục vụ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hiệp Quốc. Nhận quyết định, Trang gửi con gái về quê nhờ ông bà ngoại nuôi nấng. Mấy ngày cùng huấn luyện, tôi thường nghe Trang kể chuyện con gái nhỏ: “Cháu được rèn sống tự lập từ bé. Ông bà ngoại cao tuổi nên tự đạp xe đi học, không cần đưa đón như các bạn khác”. Cứ chiều tối, Trang lại líu ríu nói chuyện với cô con gái nhỏ, trong mắt như có ngấn nước: “Khi nào đi em mới nói với con gái. Giờ con vẫn chỉ biết mẹ công tác thường lệ trong miền Nam”.
Thực hiện thao tác tạo lửa
Xoa năm nay 41 tuổi, quê ở Nam Sách (Hải Dương), công tác ở Bệnh viện Quân y 7B (TP.Biên Hoà, Đồng Nai). Chồng chị là trung tá Khuất Đình Thu, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự H.Thống Nhất (Đồng Nai) ở cách TP.Biên Hoà 40 km. Tháng 7.2015, chị Xoa khoác ba lô lên TP.HCM tham gia khoá huấn luyện lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hiệp Quốc, cách nhà 40 km. Những ngày đầu, chị Xoa ngày 2 buổi chạy xe máy chặng đường TP.Biên Hoà – TP.HCM và ngược lại. Được mấy tháng, chị ở lại nhà tập thể trong Bệnh viện 175, cuối tuần mới chạy về thăm nhà và việc chăm con lại chuyển vai sang người chồng bộ đội. Gần một năm quay như chong chóng, tháng 8.2016 anh chị bán nhà ở TP.Biên Hoà, vay mượn thêm tiền để mua căn chung cư gần Bệnh viện 175. Chặng đường đi về cách trở mình trung tá Khuất Đình Thu gánh vác với tâm niệm: “Vất vả thêm chút nhưng vợ yên tâm công tác và mẹ con ngày nào cũng được gần nhau, trước thời gian một năm cách xa dằng dặc”…
Ao ước bình yên
Trung uý Phạm Thị Mỹ An, 31 tuổi, quê ở H.Dương Minh Châu (Tây Ninh), nhập ngũ tháng 1.2008 và trước khi tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hiệp Quốc là y tá Khoa Răng – Hàm – Mặt, Bệnh viện Quân y 7A (Quân khu 7). Cô có nước da rám nắng, nét mặt thanh thoát rặt chất Nam bộ này vẫn độc thân và mơ mộng như thể vừa rời ghế nhà trường. Ngồi với tôi, Mỹ An kể: “Trước thì đăng ký tham gia chương trình Bạn muốn hẹn hò trên HTV vì là bộ đội, lại còn quân y, trực đêm trực chiến tùm lum nên không ai dám yêu” và thật thà: “Giờ chuẩn bị đi làm nhiệm vụ nước ngoài, đành gác lại chuyện riêng tư”. Ít ai biết, huấn luyện cả ngày, lại chuẩn bị đi xa nhưng mỗi chiều tối Mỹ An đều đặn tự đi học nâng cao tay nghề với tâm niệm: “Giữ hoà bình cho người dân nước bạn bằng nghề y thì càng phải học để rành rọt về nghề”.
Giống như Mỹ An, cô gái trẻ tuổi nhất Bệnh viện Dã chiến cấp 2, trung uý Tô Thị Kiều Chinh (30 tuổi, quê Thạch Thành, Thanh Hoá), rành rọt: “Xong nhiệm vụ mới tính chuyện gia đình” và kể: “Ai cũng hỏi con gái sao dám đi xa, đến nơi chiến sự. Em bảo đi cho mở rộng tầm mắt, học hỏi kinh nghiệm và giúp người, cho cuộc đời ý nghĩa…”.
Khái niệm “sống ý nghĩa” có trong rất nhiều người, nhưng với những cô gái – người lính bộ đội Cụ Hồ đội mũ nồi xanh, không chỉ là lời thề “khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác” mà còn là khát khao được sống cho hoà bình, vì hoà bình của dân tộc và cả nhân loại.
Trên cơ sở Đề án tổng thể VN tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên Hiệp Quốc lộ trình 2014 – 2020 và những năm tiếp theo, VN đã đăng ký và sẵn sàng triển khai Bệnh viện Dã chiến cấp 2 và Đại đội Công binh. Khóa huấn luyện đầu tiên tiền triển khai Bệnh viện Dã chiến cấp 2 tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên Hiệp Quốc khai mạc ngày 9.8.2016 tại Bệnh viện Quân y 175. Trong 3 tháng, 70 bác sĩ, điều dưỡng được các chuyên gia: Úc, Trung Quốc, Pháp,Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế huấn luyện cách thức chuẩn bị và vận hành bệnh viện dã chiến theo chuẩn Liên Hiệp Quốc, trang bị những kiến thức cơ bản trong hoạt động gìn giữ hoà bình, hiểu biết về địa bàn phái bộ, khả năng hoạt động ở môi trường đa quốc gia… Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, lực lượng này nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh, cấp cứu bệnh nhân của lực lượng gìn giữ hòa bình theo phân công từ Liên Hiệp Quốc.