30/12/2024

Cả rừng kiểng ngút ngàn trên 10 triệu tấn rác Đông Thạnh

Nhắc tới bãi rác Đông Thạnh (H.Hóc Môn, TP.HCM), nhiều người vẫn mường tượng ra khu vực nhếch nhác, ô nhiễm. Ai có dịp ghé, nhiều người bất ngờ trước màu xanh ngút ngàn của vườn cây ăn trái, hoa lan, mai, kiểng ở đây.

 

Cả rừng kiểng ngút ngàn trên 10 triệu tấn rác Đông Thạnh

Nhắc tới bãi rác Đông Thạnh (H.Hóc Môn, TP.HCM), nhiều người vẫn mường tượng ra khu vực nhếch nhác, ô nhiễm. Ai có dịp ghé, nhiều người bất ngờ trước màu xanh ngút ngàn của vườn cây ăn trái, hoa lan, mai, kiểng ở đây.

 

 

 

Cả rừng kiểng ngút ngàn trên 10 triệu tấn rác Đông Thạnh
Người dân vào tham quan mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính trên đỉnh bãi rác Đông Thạnh – Ảnh: Q.KHẢI

Từ khi ngưng tiếp nhận rác (năm 2002) đến nay, nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường tại bãi rác Đông Thạnh đã được thực hiện như mô hình “phủ xanh đồi rác” bằng hoa lan, cây kiểng, dưa lưới…

Trong tương lai, nơi đây sẽ được xử lý lại toàn bộ lượng rác đã chôn lấp để tạo ra quỹ đất sạch phục vụ phát triển hạ tầng của TP.

Hoa lan, cây kiểng trên đồi rác

Sau khi vào tham quan bãi rác Đông Thạnh, cô Nguyễn Ngọc Diệp – thành viên tổ giám sát nhân dân đồng thời là người dân sống tại ấp 3, xã Đông Thạnh – kể trước giờ cô cứ nghĩ ở đây bầy hầy, dơ lắm. Nào ngờ nơi đây có nhiều hoa, cây ăn trái và mùi hôi gần như không còn.

“Điều bất ngờ là những vườn hoa, cây trái này đang được trồng trên hàng triệu tấn rác” – cô Diệp nói.

Theo Sở Tài nguyên – môi trường TP, bãi chôn lấp rác Đông Thạnh được hình thành và tiếp nhận rác sinh hoạt vào năm 1990. Trước đó, nơi đây vốn là hai hầm đã khai thác đất được Nhà nước quản lý. Đến năm 1998, UBND TP mới có quyết định đầu tư dự án công trường xử lý rác Đông Thạnh.

Do không được đầu tư bài bản nên toàn bộ rác thải của TP đưa về đây được xử lý bằng cách chôn lấp tự nhiên, không có lớp lót đáy và chống thấm khiến người dân kêu mùi hôi, ô nhiễm nguồn nước xảy ra sau một thời gian tiếp nhận rác.

Cuối năm 2002, bãi chôn lấp rác Đông Thạnh ngừng tiếp nhận rác. Đến đầu năm 2003, UBND TP đã giao công trường xử lý rác Đông Thạnh lại cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP quản lý và thực hiện các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên – môi trường TP, từ khi tiếp nhận đến khi đóng cửa (1990 – 2002) có khoảng 10 triệu tấn rác thải sinh hoạt được chôn lấp tại đây.

Và tạo quỹ đất sạch

Ông Huỳnh Minh Nhựt, giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP, cho biết sau khi được giao lại công trường xử lý rác Đông Thạnh, nơi đây toàn là rác với rác.

“Công ty phải mất gần năm năm mới phủ đất xong toàn bộ bãi rác, có nơi độ phủ đất dày tới 2m. Song song quá trình cải tạo mặt bằng, công ty cũng tạo các rãnh thu nước rỉ rác đưa về nhà máy xử lý với công suất 500 m3/ngày đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường và nghĩ phương án phủ xanh đồi rác” – ông Nhựt kể.

Từ việc dùng cây cỏ tự nhiên, công nhân ở bãi rác Đông Thạnh nảy ra ý tưởng dùng hoa mai, cây kiểng lá phủ xanh các khu vực đã được phủ đất. Khi cây cối phát triển xanh tốt, năm 2015 Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP liên kết với đơn vị khác xây dựng nhà kính trên đỉnh bãi rác để trồng dưa lưới theo công nghệ Israel (mô hình thuỷ canh).

Từ một nhà, đến nay đã có tới sáu nhà trồng dưa lưới với diện tích khoảng 15.000m2 được đầu tư trên đỉnh bãi rác, năng suất 42 – 48 tấn/70 ngày trồng. Hiện nay, tổng diện tích tại bãi rác được sử dụng cho nông nghiệp, hoa kiểng khoảng 10ha/40ha toàn bộ bãi chôn lấp rác.

Ông Nhựt cho rằng việc “nông nghiệp hóa” tại bãi rác Đông Thạnh như trên nhằm tận dụng mặt bằng được giao góp phần cải thiện môi trường, đồng thời phần nào cải thiện thêm đời sống công nhân chứ chưa phải làm kinh tế.

Dù đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường, nhưng có những hệ lụy phát sinh như ô nhiễm nguồn nước ngầm, xử lý nước rỉ rác… là những vấn đề mà người dân sống xung quanh bãi rác Đông Thạnh mong mỏi sớm được giải quyết triệt để.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường TP, cho biết việc xử lý môi trường tại các bãi chôn lấp rác sau khi đóng cửa được lãnh đạo TP, Sở Tài nguyên – môi trường hết sức quan tâm.

Riêng bãi rác Đông Thạnh đã có ít nhất bốn nhà đầu tư quan tâm, ngỏ ý muốn xử lý lại toàn bộ lượng rác đã được chôn lấp ở đây.

Một số ý tưởng đã đề xuất như xử lý lại rác làm phân compost, nén thành viên nhiên liệu đốt trong ngành ximăng… trong thời gian 4-5 năm, cũng có đơn vị đề xuất thời gian dài hơn. Sau khi xử lý xong phần rác chôn lấp thì sẽ khai thác quỹ đất để phát triển dự án, khu công viên, dân cư…

Tuy nhiên đó chỉ mới là ý tưởng của nhà đầu tư, để làm cơ sở lựa chọn đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện việc xử lý lượng rác đã chôn lấp ở Đông Thạnh, Sở Tài nguyên – môi trường TP đang dự thảo các tiêu chí cụ thể.

“Quan điểm của Sở Tài nguyên – môi trường TP là việc xử lý rác ở Đông Thạnh phải được xem xét thấu đáo, dựa trên công nghệ tiên tiến đảm bảo tốt nhất vấn đề môi trường với đơn giá hợp lý, cũng như thời gian thực hiện phải nhanh chứ không thể kéo dài…” – ông Thắng cho biết.

Mong cải tạo môi trường sống cho dân tốt hơn

Ông Phạm Xuân Vinh – người dân ở ấp 5, xã Đông Thạnh – cho rằng dù cơ quan chức năng xử lý rác để làm dự án, công trình gì ở bãi rác Đông Thạnh hiện hữu thì cũng phải xem xét đưa yếu tố môi trường lên hàng đầu, làm sao phải cải tạo môi trường sống của người dân ở đây tốt hơn lên.

“Như vậy mới công bằng với những gì người dân ở đây đã chịu hàng chục năm qua” – ông Vinh nói.

QUANG KHẢI