Lý thuyết về hợp đồng đoạt giải Nobel Kinh tế 2016
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển ngày 10.10 vinh danh hai nhà khoa học Oliver Hart (Mỹ) và Bengt Holmström (Phần Lan) vì nghiên cứu lý thuyết về hợp đồng, mang tính ứng dụng rất cao.
Lý thuyết về hợp đồng đoạt giải Nobel Kinh tế 2016
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển ngày 10.10 vinh danh hai nhà khoa học Oliver Hart (Mỹ) và Bengt Holmström (Phần Lan) vì nghiên cứu lý thuyết về hợp đồng, mang tính ứng dụng rất cao.
Đại diện của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nhận xét rằng nghiên cứu của hai nhà khoa học trên đặt “nền tảng trí tuệ” cho chính sách về những lĩnh vực như pháp luật về phá sản và hiến pháp, theo BBC.
Hợp đồng là thành tố quan trọng trong nền kinh tế ngày nay, nhưng bên sử dụng nhân sự và người lao động lại giao kèo với nhau rất nhiều điều khoản, chi tiết phức tạp. Những nghiên cứu của ông Oliver Hart và Bengt Holmstrom xoay quanh những lý thuyết về hợp đồng ấy, giải quyết được sự cân bằng giữa nhu cầu của các bên tham gia hợp đồng, tức chia sẻ lợi ích của các bên.
Thoạt nghe nghiên cứu này có vẻ nhỏ nhặt, thiếu thu hút, nhưng lại đặt ra nền tảng quan trọng cho kinh tế, “có giá trị cho sự hiểu biết về hợp đồng và tổ chức trong cuộc sống thực tế”, cũng như giúp “xác định những cạm bẫy tiềm năng trong việc xây dựng hợp đồng”, BBC dẫn lời Đại diện của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thuỵ Điển.
Nói nôm na, các nghiên cứu này cũng giúp doanh nghiệp hoặc bên sử dụng lao động cân nhắc việc trả lương “cứng” hay trả theo hiệu suất công việc, và liệu các nhà cung cấp dịch vụ công nên tư hữu tài sản hay biến nó thành sở hữu chung.
Ông Oliver Hart sinh tại Anh, đang làm việc tại Đại học Havard của Mỹ và là công dân Mỹ. Trong khi đó ông Bengt Holmstrom là người Phần Lan, hiện làm việc tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ).
Năm ngoái, giải Nobel Kinh tế thuộc về nhà khoa học Angus Deaton của Đại học Princeton (Mỹ), với nghiên cứu về quan hệ giữa tiêu dùng, nghèo đói và phúc lợi xã hội.
Nhật Đăng