Tổng thống Colombia nhận Nobel Hoà bình
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos bất ngờ được vinh danh dù cử tri nước này vừa bác bỏ thoả thuận hoà bình với lực lượng vũ trang FARC.
Tổng thống Colombia nhận Nobel Hoà bình
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos bất ngờ được vinh danh dù cử tri nước này vừa bác bỏ thoả thuận hoà bình với lực lượng vũ trang FARC.
Nỗ lực không mệt mỏi nhằm chấm dứt 52 năm xung đột giữa các đời chính phủ Colombia với Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đã mang về cho Tổng thống Juan Manuel Santos giải Nobel Hoà bình 2016.
Đây là kết quả nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, vì cử tri nước này đã nói “Không” với thoả thuận hoà bình trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 2.10. Website Nobelprize.org ngày 7.10 dẫn lời Chủ tịch Uỷ ban Nobel Na Uy Kaci Kullmann Five nói: “Uỷ ban quyết định trao giải Nobel Hoà bình năm 2016 cho Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos vì những nỗ lực vô cùng kiên quyết nhằm đặt dấu chấm hết cuộc nội chiến kéo dài hơn 50 năm qua”.
Hơn nửa thế kỷ nội chiến đã gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề đối với Colombia. Tổng cộng 260.000 người chết, 50.000 người mất tích và gần 7 triệu người phải phiêu bạt. Rất nhiều cơ hội phát triển và hội nhập khu vực bị bỏ lỡ. Đối địch giữa FARC và chính phủ Colombia còn là cuộc xung đột vũ trang dai dẳng nhất ở cả khu vực Mỹ Latin.
Như thế mới thấy hết được ý nghĩa lịch sử và giá trị thực tiễn to lớn của thoả thuận hoà bình được ký giữa chính phủ của ông Santos và FARC, qua sự trung gian đàm phán của Cuba, Chile, Na Uy và Venezuela. Tuy nhiên, tiến trình hoà bình bị giáng một đòn nặng sau kết quả trưng cầu dân ý. Thật ra, những người phản đối không hài lòng với một số nội dung trong thỏa thuận chứ không phải phản đối hoà bình.
Đó là lý do Tổng thống Santos đang tích cực vận động tất cả các bên tham gia quá trình đàm phán lại nội dung thỏa thuận. Vì thế, quyết định của Uỷ ban Nobel có thể được xem là một sự khích lệ để các bên tiếp tục nỗ lực, không để thành quả bị đảo ngược. “Hiện nguy cơ đang chực chờ có thể khiến quá trình hòa bình bị ngưng trệ và kéo theo đó cuộc nội chiến sẽ lại bùng phát. Giải thưởng này nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng hơn nữa cho thoả ước hoà bình đối với các bên, dẫn đầu là Tổng thống Santos và lãnh đạo FARC Rodrigo “Timoshenko” Londono, để họ tiếp tục tôn trọng ngừng bắn”, Chủ tịch Five nhấn mạnh.
Trước ý kiến cho rằng đáng lẽ lãnh đạo FARC Londono cũng phải được vinh danh, bà Five nói ông Santos trên cương vị là tổng thống, đã đóng vai trò “người bảo vệ và thúc đẩy quá trình này”. Theo uỷ ban, vai trò của ông đặc biệt quan trọng với quyết tâm tìm kiếm hoà bình “cho đến ngày cuối cùng”.
Có một điểm thú vị là do lệch múi giờ nên khi kết quả được công bố, Tổng thống Santos vẫn đang ngủ. Theo Đài NRK của Na Uy, Phủ Tổng thống từ chối đánh thức ông để báo tin vui. Đến tối qua 7.10, nhà lãnh đạo mới đưa ra phát biểu. Reuters dẫn lời Tổng thống Santos tuyên bố ông “nhận vinh dự to lớn này nhân danh những nạn nhân chiến tranh”.
Ông cũng bày tỏ cảm ơn các nhà thương thuyết, các bên trung gian và khẳng định: “Hòa bình đang tới rất gần”. Trong khi đó, thủ lĩnh FARC Londono đã gửi lời chúc mừng đến cựu đối thủ. Ông cũng tuyên bố: “Giải thưởng duy nhất mà FARC mong muốn là hòa bình với công lý xã hội cho Colombia”.
Như vậy, Tổng thống Santos sẽ nhận giải thưởng trị giá khoảng 930.000 USD được trao tại thủ đô Oslo của Na Uy vào ngày 10.12. Theo Reuters, năm nay là năm chứng kiến số ứng viên được đề cử Nobel Hoà bình cao kỷ lục với 228 cá nhân và 148 tổ chức. Kỷ lục trước đó là vào năm 2014 với 278 đề cử.
Ông Santos đã vượt qua những gương mặt như Giáo hoàng Francis, Thủ tướng Đức Angela Merkel, những người tham gia quá trình đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran, người tiết lộ hồ sơ mật của Mỹ Edward Snowden…
Thuỵ Miên