26/12/2024

Cụ học trò tuổi 80

Ông cụ sinh năm Đinh Sửu (1937), năm nay tuổi ta đã 80, tóc bạc trắng đầu, thế mà vẫn đều đặn cắp sách đến trường một cách say mê.

 

Cụ học trò tuổi 80 

Ông cụ sinh năm Đinh Sửu (1937), năm nay tuổi ta đã 80, tóc bạc trắng đầu, thế mà vẫn đều đặn cắp sách đến trường một cách say mê.

 

 

 

Cụ học trò tuổi 80 
Cụ Lành (thứ 3 từ trái sang) cùng với bạn đồng môn trong giờ học – Ảnh: H.V.T.

Không những thế, ông cụ còn là lớp trưởng của một lớp học Hán văn kéo dài suốt 24 năm ròng ở chùa Diệu Đế (Huế). Người học trò đặc biệt đó là cụ Nguyễn Văn Lành.

Lớp học Hán văn này do thầy Vĩnh Cao giảng dạy. Thầy Cao là chuyên gia Hán văn và Đông phương học nổi tiếng ở Huế. Tôi nghe tiếng về lớp học này nên xin vào học. Khi bước vào lớp, tôi ngạc nhiên khi thấy học trò có cả thiếu niên lẫn cụ già, cả nam lẫn nữ… Điều làm tôi chú ý nhất là các cụ học trò lão thành, tóc bạc trắng mà vẫn cắm cúi say mê học bài.

“Người như anh Lành thật hiếm. 80 tuổi mà vẫn đi học và học say mê. Anh rất nghiêm túc, ít khi vắng mặt, nếu có chuyện quan trọng là xin phép nghỉ học hẳn hoi. Dù tôi là bạn nhưng anh vẫn luôn hành xử theo đạo thầy trò”

Thầy Vĩnh Cao

Ông lão cao tuổi nhất lớp đến chào cậu học trò mới là tôi, ngắm nghía bài viết của tôi hồi lâu rồi nói: “Anh có thể theo kịp lớp, cố gắng đi học cho đều”. Được một cụ già động viên, tôi cảm thấy phấn khích lắm. Lúc ấy mọi người mới giới thiệu cụ là lớp trưởng của lớp học này trong suốt 24 năm nay.

Thế là đã được hơn hai năm, cụ Nguyễn Văn Lành vừa là đồng môn vừa dạy tôi viết chữ Hán. Cụ vốn là một giáo viên dạy hóa học, bạn của thầy Vĩnh Cao từ thuở thanh niên. Sau khi thôi nghề dạy học, cụ theo thầy Vĩnh Cao học chữ Hán.

Cụ Lành cho tôi xem quyển vở ghi chép buổi đầu đi học chữ Hán của cụ, đó là vào ngày 2-10-1992, cụ vẫn còn giữ nguyên vẹn. Và từ đó đến nay, nhiều đồng môn của cụ đã học xong hoặc thôi học, nhưng cụ Lành vẫn miệt mài làm người học trò chuyên cần, liên tục suốt 24 năm rồi.

Tôi có hỏi cụ: “Chừng này tuổi rồi cụ còn học để làm gì?”, cụ liền nói học để làm người thì lúc nào cũng cần. Sự nghiên cứu Nho – Hán đã giúp cụ có một tinh thần minh mẫn, trí tuệ sáng suốt, am hiểu đạo lý, đối nhân xử thế rất đúng mực với đời.

Người cụ Lành mảnh khảnh nhưng nhanh nhẹn, nhiều thanh niên còn kém xa. Hằng tuần, ngoài đi học cụ Lành còn đi dạy chữ Hán cho hai lớp học miễn phí hoàn toàn. Với cụ, học để giúp người khác học đó là niềm vui và cũng là động lực để cụ trau dồi chữ nghĩa.

Thầy Vĩnh Cao cho biết không chỉ siêng năng, cụ Lành còn là người nhiệt tình giúp người khác cùng học tập tốt như mình. Với đồng môn, cụ hướng dẫn bài tận tình và sẵn sàng sẻ chia tài liệu cụ có. Hằng tuần, khi có bài mới là cụ khẩn trương đi photo tài liệu phân phát cho bạn học trong lớp.

Nói về cụ Lành, lớp trẻ đồng môn không có gì khác hơn ngoài sự yêu mến, ngưỡng mộ và kính trọng. Cụ là một điển hình sinh động cho tinh thần học tập suốt đời!

Cụ Lành sống bình dị bằng nghề nuôi ong lấy mật, cũng không nhiều lắm, chỉ đủ bán cho bạn bè, người thân, bởi mật của cụ là mật thật. Nhà cụ ở tại số 8, kiệt (hẻm) 271 Chi Lăng, Huế. Ai muốn gặp cụ, xin đến chùa Diệu Đế vào chiều thứ bảy hằng tuần, sẽ nhìn thấy “cậu học trò già” ấy ngồi chăm chỉ học bài với một tư thế đĩnh đạc.

HỒ VIẾT TƯ