23/12/2024

Chúa Nhật XXV TN C – 2016: Quản gia trung tín và khôn ngoan của Thiên Chúa

Nếu chúng ta biết trung tín với Chúa, với người khác trong tình yêu trọn vẹn như Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy tất cả những công việc, dù là rất nhỏ mọn trong cuộc sống thường ngày, cũng đều mang một giá trị vĩnh hằng vì chúng được Thiên Chúa Tình Yêu đón nhận.

Quản gia trung tín và khôn ngoan của Thiên Chúa

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Trong bài Phúc Âm (x. Lc 16,1-13), Chúa Giêsu nhiều lần nhắc đến việc trung tín: “trung tín trong việc rất nhỏ”, “trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính”, “trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác”. Lý do Người đưa ra rất đơn giản: “vì anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa là tôi tiền của được”. Tại sao Chúa Giêsu lại dạy các môn đệ phải trung tín? Và nếu chúng ta giữ được lòng trung tín thì chúng ta sẽ được lợi gì? Đó là đôi điều chúng ta cần suy nghĩ.

1. Trung tín là gì?

Theo định nghĩa trong Từ điển Việt Nam: “Trung tín là trung thành với lời hứa, là đáng tin cậy”. Thí dụ: trung tín với bạn bè. Trung tín ở đây có từ “trung” là hết lòng; “tín” là tin cậy. Trung tín đồng nghĩa với trung thành. Trung thành là “trước sau một lòng một dạ, giữ trọn niềm tin, giữ trọn những tình cảm gắn bó, giữ trọn những điều đã cam kết với ai hay với cái gì. Thí dụ: trung thành với tổ quốc.

Thiên Chúa là Đấng trung tín, Ngài luôn luôn giữ các lời hứa và “lòng trung tín của Ngài trải qua bao thế hệ” (Tv 119,90). Thiên Chúa là nguồn gốc của lòng trung tín, là mẫu gương, là sức mạnh để con người có thể tin cậy vào Ngài và  tin tưởng nhau. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy trung tín, nhất là trong việc sử dụng của cải, tiền bạc, thời giờ, sức lực và tất cả những ân huệ Chúa ban cho chúng ta ở đời này để tạo nên của cải riêng tư cho chúng ta và phần thưởng lớn lao ở đời sau.

2. Trong thế giới tôn thờ tiền của

Nói đến đời này, chúng ta đang được mời gọi để nhìn vào một thế giới tôn thờ tiền của chứ không tôn thờ Thiên Chúa.

Trong Bài đọc I (x. Am 4-7) tiên tri Amos diễn tả thế giới đó: những người giàu sang đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn. Họ buôn bán gian dối chẳng màng đến Thiên Chúa. Họ nói với nhau: “Bao giờ mới hết ngày Sabat để ta bày thóc ra bán?”. Họ bán lúa nát gạo mục. Trong thế giới đó, người ta buôn bán con người và giá trị người nghèo chỉ bằng một đôi dép.

Thế giới ấy cũng lẽ cũng đang thể hiện lại trong xã hội chúng ta. Người ta công khai bày bán hàng độc, hàng giả, hàng nhái đầy trong các chợ và cửa hàng. Người ta đâm chém, giết hại nhau chỉ vì một mối lợi cỏn con như một cái xe đạp, một chiếc điện thoại rẻ tiền. Thế giới ấy lên án những người bị đói khổ, giam giữ họ cả 1 năm trời chỉ vì cướp giật một cái bánh ngọt ăn cho đỡ đói như Toá Án Quận Thủ Đức, TP.HCM, đã làm ngày 20/7/2016 đối với 2 thiếu niên Ôn Thánh Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn. Rất may ngày 15/9/2016 vừa qua, Toà án Nhân dân Tp.HCM đã xử phúc thẩm, miễn trách nhiệm hình sự đối với 2 em, nhưng án thì vẫn tuyên và giam giữ thì cũng đã làm rồi (x. Báo Tuổi Trẻ, Báo Thánh Niên, ngày 16/9/2016, tr. 5).

Nếu nhìn vào thế giới hôm nay, chúng ta thấy lòng tôn thờ của cải thể hiện rõ trong mọi sinh hoạt của cộng đồng xã hội vì người ta cho rằng tiền của có thể giải quyết được mọi vấn đề. Nước nào cũng cho rằng nền kinh tế mới là căn bản và tập trung vào việc xây dựng hạ tầng cơ sở, còn những lĩnh vực khác như giáo dục, nghệ thuật, tôn giáo…và những giá trị của tinh thần như công bằng, bác ái, tự do, hạnh phúc… lại không được quan tâm.

Trong thế giới chối bỏ Thiên Chúa và tôn thờ tiền của này, con người tưởng lầm 2 điều. Trước hết họ nghĩ rằng chính khối óc và bàn tay con người làm nên tất cả, nên của cải, tiền bạc, ruộng vườn, cây cỏ, muông thú, sông núi đều là của con người. Họ không nhớ đến mình được Thiên Chúa dựng nên từ hư không và sau cái chết họ phải bỏ lại tất cả để trở về với Thiên Chúa. Thứ đến là họ tưởng rằng tiền của đó tồn tại mãi mãi, mình không ăn sài thì để lại cho con cháu, nên họ dùng mọi thủ đoạn bất công, tham nhũng để kiếm cho thật nhiều, nhưng họ quên rằng “Chúa chẳng bao giờ quên một hành vi nào của họ” (Am 8,7) và họ phải trả lời cho Chúa về mọi hành động của mình.                                          

3. Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của

Vì thế, Đức Giêsu đã khẳng định rằng: người ta không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của. Người muốn chúng ta sống thật sự tự do khi làm tôi Thiên Chúa, “Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý vì chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người” (1Tm 2,4-5).

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy trung thành với Thiên Chúa vì Chúa luôn luôn trung tín trong tình yêu với con người: Ngài ban cho con người tất cả vũ trụ trần gian, trái đất và vạn vật để ta sử dụng. Ngài ban cho họ những kho tàng, tài nguyên trên trái đất này để con người biết san sẻ và tạo nên sự giàu sang, hạnh phúc cho nhau. Ngài ban cho con người thời giờ, tài năng tinh thần để khai thác, sử dụng, làm chủ muôn loài như người quản gia của Thiên Chúa.

Hơn nữa, Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành người để đưa thiên tính cao cả, hằng hữu vào trong nhân tính tầm thường yếu đuối của con người, để nâng tất cả những ai tin vào Người trở thành con cái Thiên Chúa giống như Người để họ có thể trung tín trong mọi hành động như Thiên Chúa.

Vì thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Anh em hãy trung tín trong việc rất nhỏ”. Đời sống của con người chúng ta giống như một đường thẳng, nó được tạo thành bởi những chấm li ti ghép với nhau. Mỗi ngày sống ta đều có những hành động nhỏ bé như thức dậy, rửa mặt, đánh răng, tập thể dục, ăn uống, học hành, làm việc, ngủ nghỉ… giống như các chấm tạo nên đường đời. Nếu chúng ta biết quản lý những phương tiện Chúa ban cho một cách trung thành, khôn ngoan, giống như cẩn thận chấm cho đều những chấm nhỏ thì chúng ta sẽ tạo nên những đoạn đường bằng phẳng cho cuộc đời.

Hơn nữa, Người còn nhắc nhở chúng ta: “Anh em hãy trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính và của cải của người khác”. Đã có nhiều cách giải thích về dụ ngôn người quản gia, tiền của bất chính, và của cải của người khác. Nhưng đa số những kiểu giải thích đó có vẻ gượng ép. Chúng ta chỉ hiểu toàn bộ ý nghĩa các bài Thánh Kinh khi biết rằng Thiên Chúa là người chủ, còn chúng ta là những quản gia được giao phó tài sản lớn lao là thời giờ, tiền bạc, những phương tiện vật chất, những tài năng tinh thần. Nếu chúng ta coi chúng là của mình, do mình tạo nên như những kẻ tôn thờ tiền của, thì chúng trở thành bất chính trong tay ta vì không phải của ta.

Nhưng nếu chúng ta biết dùng tất cả những phương tiện ấy để mưu ích cho mình và cho người, như người quản gia bớt xén của chủ để kiếm tìm bạn hữu sau này, thì chúng ta đã hành động một cách đúng đắn. Hơn nữa, nếu chúng ta biết trung tín với Chúa, với người khác trong tình yêu trọn vẹn như Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy tất cả những công việc, dù là rất nhỏ mọn trong cuộc sống thường ngày, cũng đều mang một giá trị vĩnh hằng vì chúng được Thiên Chúa Tình Yêu đón nhận.

Mỗi ngày sống thỉnh thoảng nhớ đến Chúa, ta có thể nguyện thầm: “Lạy Chúa, con yêu Chúa”, “Con xin ăn bữa ăn này vì yêu Chúa”, “Con xin học bài này vì yêu Chúa”, “Con xin xem phim này vì yêu Chúa”, “Con xin chịu đựng người này vì yêu Chúa”… Những lời nguyện tắt ấy sẽ giúp chúng ta trung tín trong những công việc nhỏ bé hằng ngày để hình thành nên một nhân cách lớn trong ta, giúp ta càng ngày càng trở nên giống Chúa Giêsu Kitô hơn.

Lời kết

Cầu chúc anh chị em trở thành những quản gia trung tín và khôn ngoan của Thiên Chúa.