Từng bị triều Nguyễn đưa vào biệt giam trong ngục thất, nhưng trong biến cố thất thủ kinh đô năm Ất Dậu (1885), hoa cái (tức hộp sọ) của vua Quang Trung đã biến mất một cách bí ẩn.
Theo dấu tích ‘hoa cái’ vua Quang Trung: Thi thể nhà vua trong Vũ Khố
Từng bị triều Nguyễn đưa vào biệt giam trong ngục thất, nhưng trong biến cố thất thủ kinh đô năm Ất Dậu (1885), hoa cái (tức hộp sọ) của vua Quang Trung đã biến mất một cách bí ẩn.
Hành trình tìm kiếm lăng vua Quang Trung, từng bị vua Gia Long quật phá từ năm Tân Dậu (1801), ở vùng đồi núi phía nam sông Hương, của các nhà khoa học vẫn chưa kết thúc do còn một số giả thuyết khoa học chờ kiểm chứng. Bên cạnh đó, nhiều năm qua các nhà nghiên cứu cũng đã nhọc công tìm kiếm tung tích “hoa cái” vua Quang Trung.
Những nhà nghiên cứu như Nguyễn Đình Hòe, Phan Thuận An, Đỗ Bang, Phan Quán… qua những công trình công bố từ 1975 – 1988 đã xác nhận tình hình “hoa cái” vua Quang Trung từ 1802 – 1885 ở Huế, bị triều Nguyễn giam vào ngục thất ở Vũ Khố, rồi di chuyển đến khám đường và bị bí mật mang đi trong sự kiện thất thủ kinh đô Huế (1885). Từ năm 1988 đến nay (2016) đã có những hé lộ đầu tiên.
Quật mồ trả thù
Theo tài liệu lịch sử, ghi chép, ngày 3.5 năm Tân Dậu (1801), đại đồn của Tây Sơn ở núi Linh Thái, bên cửa Tư Hiền (nay thuộc H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế), do phò mã Trị chỉ huy, bị tấn công trực diện, từ sáng đến chiều, bất phân thắng bại.
Đợi đêm đến, Tả quân Lê Văn Duyệt cho kỳ binh bí mật vác thuyền nhẹ và khí giới vượt qua các làng dọc bờ biển gần cửa Tư Hiền, vào phá Hà Trung, đánh bọc hậu, đại quân Tây Sơn phòng thủ ở núi Linh Thái bị thua, phò mã Trị bị bắt sống… Vua tôi Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản đang đưa quân rời thành Phú Xuân, về mặt đông để tiếp ứng, hoảng hốt chạy ra bắc, không kịp mang ấn An Nam quốc vương và nhiều ấn tín khác…
Sáng hôm sau, ngày 4.5 năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh vào thành Phú Xuân, kinh đô nhà Tây Sơn chính thức thất thủ.
Trở lại Phú Xuân hỏi chuyện và chứng kiến cảnh lăng mộ các chúa Nguyễn bị Tây Sơn quật phá, vứt hài cốt xuống sông, trong đó có mộ của Nguyễn Phúc Luân (thân phụ của Nguyễn Vương), Nguyễn Vương càng đau lòng và căm hận Tây Sơn. Hầu như lăng mộ các chúa và các bà vợ của các chúa đều phải làm phép “chiêu hồn nhập xác” vào “hài cốt giả”, tạo bởi “gáo dừa, rễ dâu”. Chỉ có “hoa cái” của Nguyễn Phúc Luân là do cha con ông Nguyễn Ngọc Huyên, người làng Cư Hóa, vớt được và bí mật táng lại.
Theo quốc sử triều Nguyễn như Đại Nam chính biên liệt truyện, Đại Nam thực lục chính biên, Quốc sử di biên…, việc trả thù nhà Tây Sơn của vua Gia Long diễn ra từ tháng 5 năm Tân Dậu (1801) đến tháng 11 Nhâm Tuất (1802). Đặc biệt qua một nguồn sử liệu khác là thư của các nhân chứng phương Tây của giai đoạn ấy, như lá thư của Barisy gửi Marquini và Letondal ngày 16.7.1801 có thể biết được trong hơn một tháng kể từ ngày 2.5 năm Tân Dậu (12.6.1801) đến ngày 6.6 Tân Dậu (16.7.1801) Nguyễn Vương đã bắt giam một số tướng lĩnh Tây Sơn cùng thân nhân của họ.
Trong thư của Barisy có đoạn: “1801. Ngày 15.6 (4.5 Tân Dậu)… Người lại bảo tôi đi xem em gái của kẻ tiếm vị. Tôi đến đấy, các cô đều ở trong một phòng hẹp tối tăm chẳng lịch sự gì… Các phu nhân ấy gồm 5 vị: một người 16 tuổi mà theo tôi là rất đẹp, một cô nhỏ 12 tuổi là con gái của công chúa Bắc Hà nhan sắc tầm thường, 3 cô khác tuổi từ 16 đến 18 da hơi nâu nhưng khuôn mặt khả ái… Các tướng địch cấp bậc nhỏ hơn có từ 3.500 đến 4.000 người đều bị đóng gông…”.
Nguyễn Vương sau khi bắt giam tướng tá Tây Sơn cùng thân quyến đã cho quật mồ vợ chồng Nguyễn Huệ nhưng phải đợi đến tháng 11 năm Tân Dậu mới chính thức xử tội nhà Tây Sơn, thông cáo cho đại chúng, nhất là ở Gia Định, biết.
Đại Nam thực lục chính biên chép: “Tháng 11, Tân Dậu (1801) phá hủy mộ giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ, bổ săng phơi thây bêu đầu ở chợ. Con trai, con gái, họ hàng và tướng hiệu của giặc 31 người đều bị lăng trì cắt nát thây…”.
Như vậy, từ năm Tân Dậu (1801) lăng mộ vua Quang Trung và bà Tả cung họ Phạm ở nam sông Hương đã bị quật phá, quan tài bị kéo ra khỏi mộ, mở nắp lấy thi thể ra bêu đầu phơi xác ở các chợ thuộc kinh thành Phú Xuân. Hơn 31 người trong đó có 3 hoàng tử của vua Quang Trung bị giải xuống tàu, đưa về xử lăng trì ở Gia Định.
Sau vài ngày bị bêu, thi thể của hai vợ chồng vua Quang Trung lại bị giam giữ ở Nhà Đồ ngoại (sau đổi thành Vũ Khố) khoảng một năm mới đem trị tội tiếp trong lễ Hiến Phù.
Tác giả Trần Viết Điền là giảng viên Khoa Vật lý Trường đại học Sư phạm Huế. Ông đã âm thầm nghiên cứu đi tìm lăng vua Quang Trung từ 30 năm qua. Cơ duyên để ông đắm mình với hành trình gian nan này bắt đầu từ năm 1986, khi cố học giả Nguyễn Hữu Đính tình cờ đưa cho ông xem công trình nghiên cứu lăng Ba Vành của mình.
Tiếp nối những kết quả của cố học giả Nguyễn Hữu Đính, Trần Viết Điền đã nghiên cứu và công bố trên các báo, tạp chí và các hội thảo khoa học nhiều bài viết khẳng định lăng Ba Vành chính là Đan Lăng nơi nguyên táng của vua Quang Trung. Những công bố của ông đã tạo ra nhiều cuộc tranh luận nảy lửa. Hiện tại ông Điền đang kiến nghị nhà nước cần có cuộc khai quật khảo cổ học và tiến hành giám định mẫu vật phát hiện ở khu vực lăng Ba Vành, để có cơ sở xác định khu lăng mộ này có phải là lăng vua Quang Trung hay không.