Singapore và cuộc chiến chống… muỗi
Mùi thuốc chống muỗi là mùi chủ đạo ở đảo quốc Singapore suốt tuần rồi: trên xe buýt, tàu điện ngầm, toà nhà chung cư, những nơi sinh hoạt cộng đồng… Thuốc xịt muỗi cũng là mặt hàng bán chạy nhất tại các siêu thị.
Singapore và cuộc chiến chống… muỗi
Mùi thuốc chống muỗi là mùi chủ đạo ở đảo quốc Singapore suốt tuần rồi: trên xe buýt, tàu điện ngầm, toà nhà chung cư, những nơi sinh hoạt cộng đồng… Thuốc xịt muỗi cũng là mặt hàng bán chạy nhất tại các siêu thị.
Quầy bán thuốc tại Mustafa Center phải để bảng thông báo để hạn chế trả lời lượng người dồn dập đến hỏi mua thuốc chống muỗi – Ảnh: LÊ NAM |
Đến ngày 9-9, đã có thêm 12 trường hợp nhiễm virút Zika tại Singapore, đưa tổng số người nhiễm virút này lên 304 người chỉ sau hai tuần phát hiện ca đầu tiên. Chính phủ Singapore đã và đang đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát và diệt muỗi: tăng cường phun thuốc diệt muỗi, tìm diệt các ổ phát sinh muỗi.
“Cháy” hàng
Siêu thị Mustafa Center, đập ngay vào mắt khách hàng ở quầy bán thuốc tầng trệt là bảng thông báo khổ A4 với nội dung “Tìm thuốc chống côn trùng xin đi đến quầy 9A”.
Nhân viên bán hàng ở đây cho biết ngày nào cũng phải trả lời quá nhiều người đến quầy hỏi cùng một nội dung “mua thuốc chống muỗi, côn trùng” nên buộc phải dán bảng thông báo này để không phải “mỏi miệng”. Đến quầy 9A thì thấy kệ để thuốc diệt côn trùng trống trơn.
Chuỗi siêu thị lớn nhất Singapore FairPrice tuần đầu tiên tháng 9 cho biết chỉ trong ba ngày đã bán hết 115.000 sản phẩm thuốc chống côn trùng. Công ty này phải nhanh chóng bổ sung 175.000 sản phẩm thuốc chống côn trùng sau đó vài ngày kèm theo thông báo “không lo hết hàng và đừng mua dự trữ để dành cho người cần thật sự”.
Dù có sốt hàng đến mức nào thì bà bầu vẫn được ưu tiên cung cấp thuốc xịt chống muỗi trong tình trạng sức mua các loại thuốc này đang tăng lên 2-3 lần bình thường. Bộ Y tế Singapore (MOH) và Cơ quan Môi trường quốc gia (NEA) cùng ra thông báo cho biết đã dự trữ 30.000 lọ thuốc xịt (loại 30ml) để ưu tiên cung cấp cho các bà bầu có nhu cầu.
Người dân hỗ trợ nhau
Trong khi nhiều người Singapore chọn việc đưa người nhà tránh sang đảo Batam (Indonesia), cách Singapore chỉ hơn 40 phút đi phà, vài ngày trong những lúc cao điểm, những ngày tăng cường xịt thuốc muỗi… sát kế bên thì cũng có khá nhiều người không quan tâm lắm đến Zika.
Anh Zakaria Zainal, sống ở khu Tampines, không mặn mà lắm tới tác động của dịch Zika đến cuộc sống. Zakaria cho rằng người dân Singapore quá lâu sống trong một môi trường được bảo vệ theo nhiều nghĩa nên phản ứng hơi thái quá trong dịch Zika.
Còn cô Neo Chai Chin, sống ở khu Jurong, lại đánh giá cao các hoạt động cộng đồng chống muỗi để ngăn chặn Zika lây lan. Cô Chai Chin giải thích rằng nhiều người dân Singapore sẽ bị động vì không biết phải đối phó với dịch này như thế nào sau một thời gian dài “nghỉ ngơi sau dịch SARS năm 2003”.
“Các hoạt động cộng đồng hỗ trợ nhau sẽ là cách tốt nhất để hạn chế và đối phó với dịch Zika. Chỉ có thế mới giúp kiểm soát dịch trong cộng đồng” – Chai Chin nhấn mạnh.
Ở bảng thông báo khu Bukit Purmei nơi chúng tôi cư ngụ từ nhiều ngày qua đã dán thông tin kêu gọi người dân tình nguyện tham gia các hoạt động chống dịch Zika.
Trao đổi với chúng tôi, ông Leong – nhân viên câu lạc bộ các cư dân khu Radin Mas – cho biết nhiều người gọi điện thoại đến đăng ký tham gia các hoạt động như: dọn dẹp vệ sinh, những nơi tiềm ẩn nguy cơ muỗi sản sinh, mang các tài liệu về phương pháp phòng chống muỗi và triệu chứng nhiễm virút Zika đến từng nhà.
“Chúng tôi nhắc nhở người dân thường xuyên dùng thuốc chống muỗi, mặc quần áo dài khi ra ngoài, ngủ mùng hoặc ngủ trong các phòng được xịt thuốc muỗi. Các hoạt động này diễn ra buổi tối hoặc các ngày cuối tuần khi hầu hết cư dân ở nhà. Những người tham gia hoạt động được tập huấn các thông tin và kiến thức cần thiết để trình bày với cư dân trong các trường hợp cần thiết” – ông Leong nói.
Trong khi người dân Singapore chỉ cần vài đôla Singapore – SGD (1 SGD bằng gần 17.000 VND) là đã có thể thực hiện xét nghiệm virút Zika thì người lao động nước ngoài tại Singapore phải trả đến 150 SGD cho cùng một xét nghiệm.
Trao đổi về vấn đề này, ông Alex Au Waipang – một trong những người sáng lập Tổ chức TWC2 chuyên hỗ trợ người lao động nước ngoài tại Singapore – tếu táo rằng muỗi mang virút khi cắn người không kiểm tra hộ chiếu nên không phân biệt ai là người nước ngoài ai là người Singapore và cơ hội phát tán, lây nhiễm giữa người Singapore và các lao động nước ngoài ở Singapore là như nhau.
Trong khi điều kiện vật chất và phòng chống muỗi ở các khu vực người lao động nước ngoài đang cư trú nếu so sánh với người dân Singapore có một khoảng cách vô cùng lớn.
“Chúng tôi đã cố gắng nhắc nhở và chuyển tải thông tin phòng chống muỗi cho những lao động nước ngoài để họ có thể chủ động đối phó, tự bảo vệ mình trước dịch” – Alex chia sẻ.
Thiệt hại chừng 300 triệu USD Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 diễn ra ở Lào tuần qua, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đề nghị các nước ASEAN chung tay dập dịch Zika vì khả năng có thể ảnh hưởng đến thương mại khu vực này. Các chuyên gia dự đoán vẫn còn quá sớm để xác định ảnh hưởng của Zika với nền kinh tế Singapore. Trong khi Ngân hàng Trung ương Singapore dự đoán dịch Zika có thể gây thiệt hại cho đảo quốc này khoảng 300 triệu USD. |
Sơn tường chống muỗi Sau khi thử nghiệm thành công, hội đồng khu vực Nee Soon sẽ triển khai thử nghiệm việc sơn một loại sơn chống muỗi và côn trùng bên trong tường nhà tại 18 toà nhà chung cư thuộc khu vực này vào cuối năm 2016. Hội đồng khu vực này đã cho người dân sơn thử và nhận thấy không còn nhện giăng tơ trên tường và ít côn trùng trong nhà đã được sơn loại sơn này. Loại sơn (do một công ty Nhật sản xuất) có hóa chất permethrin sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh của các loại muỗi, giúp chống muỗi và các loại côn trùng khác khi bám trên tường. Giá loại sơn này cao hơn giá sơn thông thường từ 10-15%. Các thử nghiệm của nhà sản xuất cho thấy hoá chất không ảnh hưởng đến con người và chỉ phát huy tác dụng tốt khi được sơn bên trong nhà. |