Sống sót sau thảm sát – Kỳ 1: Suốt đời đau buốt
Năm nay, nhiều địa phương ở miền Trung Việt Nam tưởng niệm 50 năm các vụ thảm sát dân thường do lính Đại Hàn gây ra.
Sống sót sau thảm sát – Kỳ 1: Suốt đời đau buốt
Năm nay, nhiều địa phương ở miền Trung Việt Nam tưởng niệm 50 năm các vụ thảm sát dân thường do lính Đại Hàn gây ra.
Cô Nguyễn Thị Thanh, một phụ nữ vẫn còn sống sau cuộc thảm sát của lính Đại Hàn dù đã bị vạt đứt hai bên ngực – Nguồn: Báo cáo điều tra của lính Mỹ |
Nhiều người sống sót sau thảm sát đã sống phần đời còn lại trong đau đớn, ám ảnh cùng những ước nguyện chưa thành.
Cầm chiếc dép cao su hình tròn, bà Trương Thị Thú, 78 tuổi, mất hơn một phút để xỏ hai quai vào nửa phần còn lại của bàn chân phải. Trong cuộc thảm sát Hà My (Điện Bàn, Quảng Nam) cách đây 48 năm, lính Đại Hàn đã vãi đạn làm bà đứt tiện năm ngón chân và nhiều vết thương khác.
Những khi quanh quẩn trong nhà, ra vườn rau, bà đi chân đất. Khi có việc ra khỏi nhà bà mới xỏ chiếc dép cao su do chồng mày mò làm riêng cho bà để “bớt nóng chân” như bà nói.
Mỗi khi nhớ chuyện thảm sát, đầu tui như cái cối xay |
Bà Trịnh Thị Năm |
Nắng đau đầu, lạnh nhức xương
Bà Thú kể cách đây nhiều năm, một người đàn ông Hàn Quốc đến nhà đo đo vẽ vẽ định làm cho bà một chiếc dép hợp với nửa bàn chân chứng tích nhưng bất thành. Ông này bèn đưa cháu bà Thú ít tiền và bảo xuống Hội An tìm thợ làm dép cho bà. Tuy nhiên, thợ cũng chịu thua.
Lúc trời quang, mây tạnh bà còn đi lại được. Còn “trời động là tui đi không được, nó giật nửa thân người từ chỗ năm ngón chân bị đứt lên tới óc, đau buốt nửa đầu” – bà nói. Những lúc trở trời như vậy, bà phải nằm gác chân lên thành giường, chân mới bớt giật.
Thỉnh thoảng bà cũng đi khám bảo hiểm y tế, bác sĩ kê toa thuốc chữa viêm dây thần kinh ngoại biên, bà uống và bảo không dứt hẳn. Vì vậy, bà nói: “Tối nào tui cũng uống thuốc của thằng cháu ở Sài Gòn gửi về hay thuốc mua ngoài chợ cho bớt đau”.
Bà Trương Thị Thú: “Tối nào tui cũng uống thuốc cho bớt đau” – Ảnh: TẤN VŨ |
Không riêng bà Thú, nhiều người sống sót sau những vụ thảm sát của lính Đại Hàn ở bốn tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên cũng thường lên cơn đau, mùa nắng đau đầu, mùa lạnh nhức xương.
Ông Nguyễn Tấn Lân, 65 tuổi, người đã hứng nhiều mảnh lựu đạn vô hai chân trong vụ thảm sát Bình An (Tây Sơn, Bình Định), cho rằng những vết thương đó đã khiến ông “suốt cuộc đời sống trong đau nhức”.
Ông Lân đã được Hội Y tế Hàn Quốc vì hoà bình Việt Nam giúp mổ lấy những mảnh lựu đạn lớn ra nhưng những mảnh nhỏ thì vẫn còn, vì nếu mổ mảnh nhỏ có khả năng đụng đến các mạch máu. Tuy vậy, ông Lân nói ngày nào ông cũng hứng một cơn đau, có đêm khi cơn đau trở nặng hơn ông phải chạy bộ trên cánh đồng trước nhà cho đỡ đau.
Hiện giờ mỗi ngày ông Lân ngủ 3-4 tiếng (hiện tượng này bắt đầu cách đây 15 năm), trước khi ngủ ông phải xoa bóp hai chân trong hai tiếng cho đỡ đau, trước đó ông ngâm nước muối đến phồng chân nhưng không hiệu quả.
Bà Trịnh Thị Năm 75 tuổi, ở xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định), lúc xảy ra thảm sát bà 25 tuổi, có hai con và ba người thân bị lính Đại Hàn giết cùng giờ. Bà sống sót cùng với một người con 2 tuổi.
Bà ôm con tay phải, bị lính Đại Hàn lấy báng súng đánh vào hông trái rất dữ bắt khai Việt cộng ở đâu. Từ đó về sau cứ trở trời là bà đau bên hông trái, không làm ruộng được, ra trời nắng cũng chịu không nổi. Bây giờ thì khi trở trời càng đau hơn, con bà cho uống thuốc giảm đau.
Bà Trịnh Thị Năm – Ảnh: Tăng Quỳnh |
Khi xảy ra vụ lính Đại Hàn giết 20 người dân ở Bờ Trãy, ông Đỗ Văn Chức, phó chủ tịch HĐND xã Tịnh Thọ (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) mới 3 tuổi, bị đạn bắn vô chân phải.
Ấy nhưng đến nay, ông kéo ống quần bên phải cho khách xem vết sẹo trên chân và nói: “Cứ trời lạnh là đau, đau ít thì uống thuốc, đau quá thì chích thuốc”.
“Đừng đánh tôi”
Ông Lân và những người sống sót khác như bà Trịnh Thị Năm, bà Nguyễn Thị Thanh (56 tuổi, Quảng Nam) khi kể lại câu chuyện thảm sát thì thường đau đầu, mất ngủ. Ông Lân thỉnh thoảng nằm mơ thấy cảnh thảm sát năm xưa.
Ông Lân viết: “50 năm đã trôi qua nhưng cuộc thảm sát kinh hoàng ngày ấy cùng những âm thanh của nó vẫn khắc sâu trong ký ức của tôi với những tiếng gào thét đau đớn”. Bà Năm nói mỗi khi nhớ hay kể chuyện thảm sát, đầu bà như cái cối xay, quay cuồng, “cái trí mất dần”.
Ám ảnh với hành động của lính Đại Hàn lúc gây ra thảm sát, nhiều người sống sót đâm ra sợ những hình ảnh, hành vi gợi nhớ chuyện dữ năm xưa. Bà Trịnh Thị Năm kể cách đây tám năm, hai cán bộ nữ ở TP Quy Nhơn đến hỏi bà chuyện thảm sát.
Không hiểu hai người hỏi thế nào mà bà Năm giật giọng: “Mấy cô ghi vầy có làm gì tôi không? Tôi sợ đánh tôi như hồi xưa. Mấy cô không đánh nhưng cô nói cấp trên đánh tôi thì sao!”.
Bà Phạm Thị Hoà, người con ruột đang ở cùng nhà với bà Năm, giải thích ấy là do bà nghĩ sao kiểu hỏi này giống hồi lính Đại Hàn vừa hỏi bà liên tục vừa ghi ghi chép chép, vừa lấy báng súng đánh bà, trước khi dẫn bà và người thân ra hầm để giết nên bà giật mình.
Năm ngoái, bà Nguyễn Thị Thanh, ông Nguyễn Tấn Lân đi Hàn Quốc do Bảo tàng Hoà bình Hàn Quốc bảo trợ. Đi để nói lên sự thật. Bà Thanh kể trước khi đi bà báo tin cho anh ruột là ông Nguyễn Đức Sang, 62 tuổi, người cùng sống sót với bà trong vụ thảm sát ở Cây Đa Dù (Điện Bàn, Quảng Nam).
Ông Sang phản đối: “Mày không được đi! Qua đó họ giết mày mất!”. Ông Sang hiện sống ở Q.12, TP.HCM. Hỏi ông sao lại cản bà Thanh, ông nói: “Tôi lo lắm, ở bên mình mà lính Đại Hàn còn giết chúng tôi, huống hồ qua bên nước họ”.
Nghe qua ai cũng biết ông Sang lo hão nhưng ai sẽ giúp những người như ông xoá đi ám ảnh đã hằn sâu 50 năm?
9.000 người dân bị giết “Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Cục Nghiên cứu thuộc Tổng cục Chính trị (Quân đội nhân dân Việt Nam), có hơn 5.000 thường dân Việt Nam đã bị lính Đại Hàn thời Park Chung Hee thảm sát. Còn theo phát biểu của bà Nguyễn Thị Bình – bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam – tại Hội nghị Paris 1973 thì tổng số vụ thảm sát đó lên 3.000 vụ. Tuy nhiên, căn cứ trên thực tế đi điền dã các nguồn tư liệu khác, tác giả luận án thống kê được khoảng 9.000 người dân thường đã bị giết hại trong tổng số 80 vụ thảm sát do lính Đại Hàn gây ra”. |