24/12/2024

Can đảm khước từ nền kinh tế loại trừ

Trong tháng 4 này ĐTC mời gọi chúng ta hiệp ý với tín hữu công giáo toàn thế giới cầu xin cho giới hữu trách tư tưởng và quản trị kinh tế có can đảm khước từ một nền kinh tế loại trừ và biết rộng mở cho các con đường mới.

 

Can đảm khước từ nền kinh tế loại trừ

 

 

Trong tháng 4 này ĐTC mời gọi chúng ta hiệp ý với tín hữu Công giáo toàn thế giới cầu xin cho giới hữu trách tư tưởng và quản trị kinh tế có can đảm khước từ một nền kinh tế loại trừ và biết rộng mở cho các con đường mới.

Nếu dựa trên các giáo huấn của Thánh Kinh và tinh thần Tin Mừng của Chúa Giêsu, đây sẽ là điều dễ thực hiện. Chương 5 sách Đệ Nhị Luật dạy: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,18). Sau này Chúa Giêsu tóm tắt mọi giáo huấn của các ngôn sứ và của Tân Ước khi trả lời một người biệt phái hỏi Ngài: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” Đức Giêsu đáp: “Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,35-40). Nền luân lý đạo đức Cựu Ước cũng đã dạy trong hình thức tiêu cực. Chẳng hạn ông Tobia dặn con như sau: “Điều gì con không thích, thì cũng đừng làm cho ai cả” (Tb 4,15). Ông bà cha mẹ ta xưa cũng đã dạy: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” Điều mình không muốn cũng đừng làm cho người khác”. Chúa Giêsu dạy trong hình thức tích cực như sau: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12). Nói cho cùng luật này dựa trên luật yêu thương: “hãy yêu thương tha nhân như chính mình”. Sau này Chúa Giêsu còn đi một bước xa hơn: “Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu các con”.

Nếu mọi người đều lấy tình yêu làm chuẩn mực để đối xử với nhau, thì bộ mặt thế giới này sẽ biến đổi ngay tức khắc. Tuy nhiên, khi nói đến kinh tế, tài chính, doanh thương là người ta nghĩ ngay đến lợi nhuận. “Mua rẻ bán mắc” là châm ngôn của dân buôn bán thuộc mọi thời đại.

Thật ra, đây cũng là điều bình thường thôi. Buôn bán, làm việc, giao dịch phải có lời mới sống được. Nhưng trong các hệ thống kinh tế người ta có trăm ngàn phương cách để kiếm lời một cách bất chính. Và như thế người ta loại trừ nhau, và nhất là loại trừ những người nghèo, những người yếu thế, không có khả năng, không có phương tiện và không có tiếng nói trong xã hội. Nhưng khi lấy yêu thương làm nguyên tắc hướng dẫn, người ta sẽ có cung cách hành xử khác. Buôn bán thì vẫn ăn lời đấy, nhưng không chèn ép, ức hiếp, cắt cổ bóc lột người khác. Trái lại, còn biết dùng tiền lời để làm việc nghĩa, trợ giúp những người túng thiếu, bần cùng và nhất là đầu tư vào những chương trình thăng tiến giáo dục, y tế, an sinh, xây trường học, nhà ở, tạo công ăn việc làm cho những người không có phương tiện tài chính. Đây là điều nhiều triệu phú đã làm. Điển hình như tỷ phú Bill Gates có gia tài lên tới 91,3 tỷ mỹ kim, đứng hàng thứ hai sau Jeff Bezos có gia tài 99,6 tỷ mỹ kim. Tiếp đến là Warren Buffet với 85 tỷ mỹ kim, rồi Amancio Ortega với 75,5 tỷ mỹ kim và Mark Zuckerberg với 72,6 tỷ mỹ kim.

Hai ông bà Bill Gates hàng năm đều bỏ ra hàng chục triệu mỹ kim để giúp dân nghèo nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước Phi châu. Nghĩa là người giàu vẫn có thể biết sử dụng của cải để làm cho người khác bớt đói khổ và sung sướng hạnh phúc hơn. Vì nói cho cùng có giàu mấy đi nữa chúng ta cũng chỉ ăn được từng ấy thực phẩm mỗi ngày. Khi chết đi có xây lăng tẩm to lớn và sang trọng mấy đi nữa thì thân xác cũng chỉ vừa một chiếc hòm chiếm không bao nhiêu đất.

Sách Châm Ngôn dạy chúng ta rằng tiền bạc không phải là tất cả. Tuy thế giới tôn kính người giàu, nhưng Thiên Chúa lại lựa chọn người nghèo (Gc 2,5). Chính Chúa Giêsu đã tự đồng hoá với người nghèo không cơm ăn áo mặc, rách rưới, bị bỏ rơi quên lãng, đau khổ, bị tù tội và gạt bỏ ngoài lề xã hội: “Điều các con làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất đây là anh em làm cho chính Thầy vậy” (Mt 25, 40). Ngôn sứ Isaia dạy dân Do Thái rằng: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Is 58,6-7). Chính vì thế tín hữu phải lo lắng giúp đỡ người nghèo. Thờ ơ không biết đến những người cần được trợ giúp là một tội.

Với các tâm tình trên đây trong tháng 4 này hiệp ý với tín hữu Công giáo toàn thế giới cầu xin cho giới hữu trách tư tưởng và quản trị kinh tế có can đảm khước từ một nền kinh tế loại trừ và biết rộng mở cho các con đường mới để thăng tiến cuộc sống cho mọi giai tầng xã hội.