Cấy ‘nốt ruồi’ dưới da để phát hiện sớm ung thư
Công trình nghiên cứu theo hướng tầm soát ung thư này được một nhóm chuyên gia của Thuỵ Sĩ thực hiện và vừa được đăng tải trên tạp chí khoa học Science Translational Medicine.
Cấy ‘nốt ruồi’ dưới da để phát hiện sớm ung thư
Công trình nghiên cứu theo hướng tầm soát ung thư này được một nhóm chuyên gia của Thuỵ Sĩ thực hiện và vừa được đăng tải trên tạp chí khoa học Science Translational Medicine.
Theo tạp chí đào tạo y khoa của Thụy Sĩ Swiss Medical Forum, tăng canxi trong máu là do hoạt động của khối u, còn được gọi là “tăng canxi máu ác tính”. Đây là rối loạn chuyển hóa canxi thường gặp nhất trong nhiều trường hợp ung thư, xảy ra trên 10-30% bệnh nhân.
Trên thực tế, tăng canxi máu thường được phát hiện khá trễ, tức là khi đã đến giai đoạn xuất hiện những triệu chứng đầu tiên rất bình thường mà bệnh nhân không để ý, như buồn nôn, ói mửa, khát nước, mệt mỏi dai dẳng trong người…
Thế nhưng, khi đó hệ lụy của tăng canxi máu đã đến giai đoạn tiên lượng xấu, nhất là ở các bệnh nhân bị ung thư phổi và ung thư vú. Theo một nghiên cứu, gần 50% các ca như trên sẽ dẫn đến tử vong chỉ sau một tháng phát bệnh.
Các triệu chứng đầu tiên của tăng canxi máu sẽ xuất hiện khi mức độ canxi trong máu đến ngưỡng 10 mg/dL, thì mới đây các chuyên gia đã phát minh ra một “thiết bị sống” dùng để cấy vào dưới da nhằm phát hiện tăng canxi máu khi mức độ canxi chỉ mới là 5,6 mg/dL.
Giáo sư Martin Fussenegger, chủ trì công trình nghiên cứu này, giải thích như sau: “Phát hiện sớm tăng canxi máu sẽ mang lại cơ hội sống rất lớn cho bệnh nhân, đến 98%. Nhưng hiện nay, đa số bệnh nhân đều đợi đến khi khối u bắt đầu gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe thì mới đi khám. Như vậy là quá trễ rồi!”.
Ví dụ, đến giai đoạn này thì chỉ có 1/4 phụ nữ có hi vọng được chữa khỏi mà thôi.
“Thiết bị sống” này khá phức tạp nhưng rất “thông minh”. Đó là một nhóm tế bào đã được biến đổi gen, bọc trong một bao phim polymer đặc biệt, được cấy dưới da, và sẽ tự kích hoạt những phản ứng đặc biệt khi nồng độ canxi trong máu tăng đến một ngưỡng mà tế bào được lập trình để nhận biết.
Khi đó, nhóm tế bào này sẽ phát đi cảnh báo bằng cách tự sản xuất ra chất melanine, là một sắc tố gây sẫm màu da. Tức là, khi đó nhóm tế bào “chìm” được cấy dưới da sẽ “nổi” lên thành hình một nốt ruồi nhìn thấy được bằng mắt trần để báo cho “thân chủ” biết: nguy cơ ung thư sắp đến rồi đấy!
Giáo sư Fussenegger ví von đây là một “hình xăm y sinh học” để bảo vệ sức khỏe cho mọi người.
Ông giải thích: “Khi ‘nốt ruồi’ này nổi rõ lên trên da thì bạn phải đến bác sĩ ngay để được xét nghiệm chuyên sâu. Nhưng đừng quá bi quan nhé. Dấu hiệu cảnh báo này không có nghĩa là bạn sắp chết đến nơi rồi đâu!”.
Một bất lợi duy nhất là vòng đời của “nốt ruồi ẩn” này chỉ khoảng một năm mà thôi, sau đó chúng sẽ ngưng hoạt động và phải được thay mới.
Một điều nữa, đây mới chỉ là những thí nghiệm mẫu thử trên chuột và da heo mà thôi, và con đường phía trước còn dài. Theo giáo sư Fussenegger, do chi phí triển khai thử nghiệm lâm sàng trên người quá đắt tiền nên hiện nay nhóm nghiên cứu chưa thể tính được việc đó.
Ông cũng cho biết thêm là nếu có điều kiện thì cũng phải mất ít nhất 10 năm nữa mới có thể thương mại hóa sản phẩm này.
Một tin vui nữa là nốt ruồi này có thể được thiết kế để phát hiện ra nguy cơ từ nhiều căn bệnh khác, vì trên nguyên tắc chúng ta hoàn toàn có thể lập trình cho cơ chế cảm ứng sinh học của các tế bào này để chúng có thể phát hiện sớm các nguy cơ về rối loạn nội tiết tố hay về các căn bệnh thoái hoá thần kinh.