14/01/2025

Cách bảo vệ rừng trắc lạ đời

Ở Kon Tum hiện có một khu rừng đặc dụng được xem là quý hiếm nhất trên cả nước với nhiều cây gỗ trắc to lớn. Khu rừng ấy từng chứng kiến sự tấn công điên cuồng của lâm tặc, nhiều kiểm lâm đã phải đổ máu.

 

Cách bảo vệ rừng trắc lạ đời

 

Ở Kon Tum hiện có một khu rừng đặc dụng được xem là quý hiếm nhất trên cả nước với nhiều cây gỗ trắc to lớn. Khu rừng ấy từng chứng kiến sự tấn công điên cuồng của lâm tặc, nhiều kiểm lâm đã phải đổ máu.

 

 

 

Cách bảo vệ rừng trắc lạ đời
Các kiểm lâm chong đèn suốt đêm canh rừng trắc- Ảnh: B.D

Trở lại cánh rừng trắc Đắk Uy, chúng tôi được chứng kiến cảnh lạ lùng: để giữ những cây gỗ quý hiếm còn sót lại, kiểm lâm phải mắc võng giữa rừng 24/24 giờ. Chưa hết, tỉnh Kon Tum đang cho xây một tường bêtông, kẽm gai bao quanh rừng để ngăn lâm tặc tràn vào chặt gỗ. Ban đêm, ngay giữa vùng lõi rừng từng bóng đèn điện được thắp sáng, treo lủng lẳng ở gốc trắc.

Khu rừng quý hiếm

Rừng trắc Đắk Uy chỉ nằm cách trung tâm thị trấn Đắk Hà (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) vài cây số. Rừng có diện tích 546ha, sát tuyến quốc lộ 14 dẫn từ huyện Đắk Hà về Đắk Tô, trên địa bàn hai xã Đắk Ma và Đắk Bring.

Ông Nay Y Riu – giám đốc Ban quản lý rừng Đắk Uy – cho biết ông là giám đốc trụ lại Đắk Uy được lâu nhất. Trước ông, áp lực khủng khiếp của việc canh rừng gỗ trắc, lần lượt các người đứng đầu đã “bứt” và làm đơn xin luân chuyển qua vị trí khác.

“Bình quân một kiểm lâm viên hiện nay ở Kon Tum quản lý khoảng 10.000ha rừng, trong khi đó rừng chúng tôi chỉ hơn 500ha nhưng tỉnh phải bố trí tới gần 20 kiểm lâm. Không có ở nơi nào mà lượng kiểm lâm xin nghỉ việc nhiều như tại đây và cũng không có khu rừng nào mà kiểm lâm phải thắp bóng đèn dưới từng gốc cây như ở đây” – ông Riu nói.

Hôm chúng tôi đến rừng Đắk Uy, ông Nay Y Riu cũng vừa nhận được lệnh của thường trực Tỉnh ủy Kon Tum về thành phố họp. Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Kon Tum sau khi đọc bản kiểm điểm của ông Riu được Huyện ủy Đắk Hà gửi lên thì phân vân nên gọi ông lên để hỏi chuyện.

Ông Riu giọng buồn bã: “Ngồi ở đây mới thấy chuyện bị kiểm điểm là thường xuyên. Tôi vừa bị mất mấy gốc trắc trong rừng, mình cũng cố gắng rồi nhưng không trọn vẹn được”.

Ông Riu cho biết rừng Đắk Uy trước đây rộng hàng ngàn hecta, giáp các làng của người đồng bào thiểu số. Khu rừng bị xâm hại dần, diện tích thu hẹp. Trước nguy cơ xoá sổ khu rừng quý hiếm này, UBND tỉnh Kon Tum đã thành lập Ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy, đưa hơn 500ha vào diện cấm xâm phạm, tăng cường nhân lực bảo vệ nghiêm ngặt.

Những năm 2009-2011, rừng Đắk Uy bắt đầu nóng lên tình trạng săn lùng gỗ trắc. Từ một loại gỗ chỉ có giá trị làm đồ mỹ nghệ dân dụng, cây trắc được thương lái Trung Quốc thổi giá rồi đưa lên thành hàng quý hiếm được săn lùng chẳng kém gì hàng hiếm.

Từ thân, trắc được thu mua cả cành ngọn, thậm chí cả… lá cũng bán ra tiền. Có thời điểm, gỗ trắc được quy ký để tính tiền, mỗi ký trắc được hét giá từ 300.000-500.000 đồng.

Cách bảo vệ rừng trắc lạ đời
Tường bao quanh rừng Đắk Uy bằng bêtông và kẽm gai đang được gấp rút xây dựng để ngăn lâm tặc – Ảnh: B.D

Liều mạng giữ rừng

Trên bàn tay của ông Riu, hơn một nửa ngón tay trỏ đã nằm lại giữa rừng trắc trong một lần ông vây ráp lâm tặc. Ông Riu cho biết rạng sáng hôm ấy, khi kiểm lâm ở các chốt đang đi tuần tra quanh các tuyến đường giáp ranh thì thấy một ngọn trắc rung lắc dữ dội.

Kiểm lâm này tiến đến thì thấy bốn lâm tặc đang phân công nhau cưa hạ một cây trắc to. Thấy kiểm lâm, bốn lâm tặc vác mã tấu xông tới làm nhân viên kiểm lâm bỏ chạy. “Lúc đó mới hơn 4g sáng, tôi nghe anh em gọi điện thoại thì chồm dậy, không kịp bận áo, giật khẩu súng AK trong tủ rồi chạy tới khu vực có cây trắc bị cưa.

Lúc đó cây trắc đã bị cưa đứt gốc rồi, lâm tặc đang cắt từng khúc, rải người ra để tẩu tán các hướng. Tôi chạy cắt ngang con đường mòn thì bất ngờ thấy một đối tượng đang bồng khúc gỗ lao ra bên ngoài. Vừa thấy tôi, chưa kịp nói gì nó đã lao vào, vung mã tấu.

Tôi đưa tay ra đỡ theo phản xạ thì bị dao chặt đứt ngón trỏ” – ông Riu kể. Sau đó công an tung lực lượng điều tra và bắt bốn đối tượng có liên quan.

Ông Đỗ Xuân Thanh – cán bộ thanh tra pháp chế rừng Đắk Uy – cho biết chỉ từ đầu năm đến nay Đắk Uy đã bị trên dưới 30 vụ lâm tặc lẻn vào chặt gỗ, tấn công kiểm lâm. Ông Nay Y Riu cho biết trong một lần truy bắt nhóm lâm tặc đang cưa gỗ trắc, ông Nguyễn Ánh Quyết (phó giám đốc) bị một lâm tặc bổ gậy trúng đầu phải nhập viện cấp cứu, khâu sáu mũi. Sau đó, ông Quyết đã làm đơn xin cấp trên cho chuyển công tác.

Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Hải cho biết rừng Đắk Uy là khu rừng duy nhất trên cả nước còn có quần thể gỗ trắc quý hiếm, mục tiêu săn lùng của lâm tặc suốt từ năm 2009 tới nay.

Có thời điểm, Đắk Uy nóng bỏng không khác gì miếng thịt kẹp giữa ổ bánh mì, lâm tặc tấn công liên tục khiến UBND tỉnh Kon Tum phải yêu cầu Huyện đội, Công an huyện Đắk Hà đổ quân xuống, dựng lán ngăn lâm tặc.

Chưa có tiền lệ

Không thể ngồi yên, tỉnh Kon Tum cử người ra làm việc với tòa án, Viện KSND tối cao, phó thủ tướng Chính phủ. Ròng rã nhiều ngày trời, cuối cùng đoàn liên ngành tối cao đã đồng ý một hướng xử lý lịch sử: các đối tượng phá rừng trắc Đắk Uy được đưa vào khung tội “huỷ hoại rừng” chứ không nhất thiết phải bắt quả tang đủ khối lượng gỗ tang vật (5m3) bị chặt hạ mới bỏ tù.

Nhiều người nói vui rằng giờ muốn giữ được rừng trắc thì phải dựng hàng rào, quây thép gai bao quanh rừng. Vậy mà hoá ra lại trở thành chuyện thật, được phó thủ tướng đồng ý cho áp dụng ở rừng đặc dụng Đắk Uy.

Từ tháng 5-2016, tỉnh Kon Tum đã đổ 27 tỉ đồng xây dựng một tường ngăn bêtông kết hợp kẽm gai bao quanh khu rừng trắc. Lý giải về việc chưa có tiền lệ này, ông Nguyễn Hữu Hải nói: “Đắk Uy là khu rừng gỗ trắc duy nhất trên cả nước. Nếu không rào rừng lại thì mai đây nó chỉ còn trong… bảo tàng”.

Thắp đèn từng gốc trắc

Từ năm 2014, Ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy bắt đầu triển khai biện pháp bảo vệ rừng khá… lạ lùng: bỏ tiền kéo điện ra tận gốc trắc để mắc bóng đèn canh trắc. Ban đêm, các cây gỗ trắc nằm ở vị trí nhạy cảm, cây to có giá trị được bố trí một bóng điện thắp sáng dưới gốc. Như vậy làm sao mắc đèn cho hết các gốc trắc trong rừng?

Giám đốc Nay Y Riu lắc đầu: “Thắp sáng được cây nào hay cây đó. Ở trong vùng lõi, sâu hơn điện không tới được thì kiểm lâm… phải ngồi ở gốc mà canh”.

“Rừng trắc nằm sát quốc lộ, ở vị trí trống rỗng bốn bề nên bất cứ giờ nào lâm tặc cũng có thể lẻn vào cưa cây mà không phát ra một tiếng động nào. Gần như chúng tôi chẳng được ngủ, ngoài vài tiếng chợp mắt ban ngày, vì chỉ cần mất một cây trắc thì có nguy cơ bị đuổi việc

Kiểm lâm viên 
Lê Khắc Tùng

 
THÁI BÁ DŨNG (dungtb@tuoitre.com.vn)