26/12/2024

Hãy học biết lắng nghe nhau. Lắng nghe là một nhân đức nhân bàn và Kitô

Biết lắng nghe Chúa Giêsu, lắng nghe lời soi sáng của Ngài, là cách thức tiếp đón Chúa ưa thích nhất. Chúng ta hãy biết lắng nghe nhau giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái người thân, bạn bè. Nó là một nhân đức nhân bản và Kitô quan trọng, ngày nay đang có nguy cơ bị lãng quên. Trong khả năng lắng nghe có gốc rễ của hoà bình.

 Hãy học biết lắng nghe nhau. Lắng nghe là một nhân đức nhân bàn và Kitô

 

 

ĐTC Phanxicô chào tín hữu thám dự buổi đọc Kinh Truyên Tin trưa Chúa Nhật 17-7-2016 – OSS_ROM

Biết lắng nghe Chúa Giêsu, lắng nghe lời soi sáng của Ngài, là cách thức tiếp đón Chúa ưa thích nhất. Chúng ta hãy biết lắng nghe nhau giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái người thân, bạn bè. Nó là một nhân đức nhân bản và Kitô quan trọng, ngày nay đang có nguy cơ bị lãng quên. Trong khả năng lắng nghe có gốc rễ của hoà bình.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 17-8 với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương 5 châu, tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng Chúa Nhật, trích từ chương 10 Phúc Âm theo Thánh Luca, kể lại biến cố Chúa Giêsu vào làng Betania ghé thăm nhà hai chị em Marta và Maria. ĐTC nói: “Cả hai đều  đều tiếp đón Chúa, nhưng họ làm điều đó trong các cách thức khác nhau. Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu  và lắng nghe lời Ngài (c. 39). Marta, trái lại, hoàn toàn bận bịu với các điều phải chuẩn bị; và tới một lúc nào đó nàng nói với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, em con để một mình con phục vụ mà Chúa không quan tâm gì sao? Xin hãy bảo nó giúp con.” (c-40). Và Chúa Giêsu trả lời: “Marta, Marta, con lo lắng nhiều chuyện quá, chỉ có một chuyện cần thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất, và nó sẽ không bị lấy mất đi.” (cc. 41-42). 

ĐTC giải thích điểm này:

Trong sự chộn rộn và bận việc của mình Marta có nguy cơ quên. Và đây là vấn đề: có nguy cơ quên điều quan trọng nhất, nghĩa là sự hiện diện của vị khách, trong trường hợp này là Chúa Giêsu. Người ta quên sự hiện diện của khách. Và khách thì không phải chỉ được phục vụ, nuôi dưỡng, săn sóc trong mọi cách. Nhưng nhất là cần đưọc lắng nghe nữa. Xin anh chị em hãy nhớ kỹ từ này: lắng nghe! Bởi vì khách được tiếp đón như một người, với lịch sử của họ, với con tim giầu tình cảm và tư tưởng của họ, như thế họ có thể cảm thấy thực sự như ở trong gia đình. Nhưng nếu bạn tiếp đón một người khách vào nhà bạn và tiếp tục làm các việc, để họ ngồi đó, bạn câm nín và họ câm nín, như thể họ là đá: khách bằng đá. Không! Cần phải lắng nghe khách! Khi Chúa Giêsu nói với Marta chỉ có một điều cần thôi, chắc chắc câu Chúa trả lới cho Marta tìm thấy ý nghĩa tràn đầy của nó trong sự quy chiếu vào việc lắng nghe lời của chính Chúa Giêsu, lời soi sáng và nâng đỡ tất cả những gì chúng ta là và những gì chúng ta làm. Chẳng hạn nếu chúng ta đi cầu nguyện trước Chúa chịu đóng đanh và chúng ta nói, nói và nói, rồi đi về, chúng ta không lắng nghe Chúa Giêsu! Chúng ta không để cho Chúa nói với con tim chúng ta. Lắng nghe: đó là từ chìa khoá. Xin anh chị em đừng quên! Chúng ta không được quên rằng Lời của Chúa Giêsu soi sáng chúng ta, nâng đỡ tất cả những gì chúng ta là và những gì chúng ta làm. Chúng ta không được quên rằng cả trong nhà của Marta và Maria, trước khi là Chúa và là Thầy, Chúa Giêsu là người hành hương và là khách. Như thế, câu trả lời của Ngài có ý nghĩa đầu tiên và lập tức này: “Marta, Marta, tại sao con lại bận rộn vì khách tới nỗi quên đi sự hiện diện của họ? Khách bằng đá. Để tiếp đón Ngài không cần phải có nhiều điều, trái lại, chỉ có một điều duy nhất cần thiết thôi: lắng nghe Ngài – lời: lắng nghe Ngài – chứng minh cho Ngài thấy một cử chỉ huynh đệ, làm sao để Ngài cảm thấy đang ở trong gia đình, chứ không phải ở trong một nơi tạm bợ.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

Hiểu như thế lòng hiếu khách là một trong các công việc của lòng thương xót, xem ra thực sự là một nhân đức nhân bản và Kitô, một nhân đức mà trong thế giới ngày nay có nguy cơ bị lơ là. Thật thế, người ta gia tăng các nhà thương và nhà dưỡng lão, nhưng người ta không luôn luôn thực thi một lòng hiếu khách thực sự trong các môi trường này. Người ta làm nảy sinh ra nhiều cơ cấu, dự kiến cho nhiều hình thức bệnh tật, cô đơn, bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, nhưng lại giảm khả thể tìm thấy ai đó sẵn sàng lắng nghe đối với người ngoại quốc, bị gạt bỏ bên lề, bị loại trừ. Bởi vì họ là người xa lạ, tị nạn, di cư. Lắng nghe lịch sử đớn đau ấy của họ! Cả trong gia đình, giữa các người thân cũng có thể xảy ra việc dễ tìm thấy các phục vụ và săn sóc thuộc nhiều loại khác nhau hơn là sự lắng nghe và tiếp đón. Ngày nay chúng ta bận bịu một cách cuồng loạn bởi biết bao nhiêu vấn đề – và có vài vấn đề không quan trọng – đến nỗi thiếu khả năng lắng nghe. Chúng ta liên tục bận rộn, và như thế chúng ta không có thời giờ để lắng nghe. Tôi muốn hỏi anh chị em một điều, và mỗi người hãy trả lời trong tim mình: “Này anh là chồng, anh có thời giờ để lắng nghe vợ không? Và chị là vợ, chị có giờ lắng nghe chồng chị không? Các anh chị em là cha mẹ, các anh chị em có giờ, có giờ để mất thì giờ, để lắng nghe con cái, ông bà của các anh chị em, hoặc người già không? – “Nhưng mà ông bà luôn luôn nói cùng một chuyện, họ nhàm chán lắm…” – “Nhưng họ cần được lắng nghe. Lắng nghe. Tôi xin anh chị em học lắng nghe và dành nhiều thời giờ hơn để lắng nghe. Trong khả năng lắng nghe có gốc rễ của hoà bình.”

Xin Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ của lắng nghe và sốt sắng phục vụ, dạy chúng ta biết tiếp đón và hiếu khách đối với các anh chị em của chúng ta.

Tiếp đến, ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin, ĐTC đã lại chia buồn về vụ khủng bố tại Nice tối 14 tháng 7 vừa qua. Ngài nói:

Trong tim của chúng ta vẫn còn sống động nỗi đớn đau vì tai ương xảy ra chiều thứ năm vừa qua tại Nice, đã đốn ngã biết bao mạng sống vô tội, kể cả trẻ em… Tôi gần gũi với từng gia đình và toàn quốc gia Pháp đang để tang. Xin Thiên Chúa là Cha từ nhân đón nhận tất cả các nạn nhân vào trong sự an bình của Ngài, nâng đỡ các người bị thương và an ủi thân nhân của họ. Xin Ngài đánh tan mọi dự tính khủng bố và chết chóc, để đừng có ai còn dám đổ máu người anh em nữa. Tôi xin gửi một vòng tay ôm hiền phụ và huynh đệ tới tất cả các cư dân thành phố Nice và toàn quốc gia Pháp. Và bây giờ, tất cả chúng ta hãy cầu nguyện, nghĩ tới tai ương này, nghĩ tới các nạn nhân, các người thân. Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng. ĐTC đã cùng mọi người đọc một Kinh Kính Mừng cầu nguyện cho các nạn nhân.

Ngài đã chào tín hữu hiện diện, đặc biệt các đoàn hành hương Ireland, tín hữu các Giáo phận Armagh và Derry, cũng như các phó tế vĩnh viễn Giáo phận Elphin và phu nhân. Ngài cũng chào cha giám đốc và các chủng sinh Đại Chủng viện Thần học Thánh Pio X vùng Calabria, các bạn trẻ Giáo phận Cremona, các bạn trẻ thuộc Cộng đoàn Các Thánh Tông Đồ Milano, các trẻ em giúp lễ Giáo phận Treviso và nhiều tín hữu Trung Quốc.

 
 

Linh Tiến Khải