06/01/2025

Ngọn sóng Bạch Đằng

Khi ông Trần Bạch Đằng mất cách nay chín năm, rất nhiều người hụt hẫng. Không còn nữa những bài xã luận ngồn ngộn trải nghiệm.

 

Ngọn sóng Bạch Đằng

 

Khi ông Trần Bạch Đằng mất cách nay chín năm, rất nhiều người hụt hẫng. Không còn nữa những bài xã luận ngồn ngộn trải nghiệm. 

 

 

 

 

Ngọn sóng Bạch Đằng
Ông Trần Bạch Đằng đến thăm báo Tuổi Trẻ ngày 15-7-1996 – Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

 

 

Không còn nữa những bài viết không khoan nhượng nhưng đầy tinh thần xây dựng. Không còn nữa một chỗ dựa vững chắc về quan điểm cho những ý tưởng đột phá…

Một cuộc đời cách mạng khép lại nhưng vẫn còn đó hàng vạn bài báo, bài viết, tác phẩm với ngọn sóng Bạch Đằng trào ra đầu ngọn bút. Vẫn còn đó tinh thần Đỏ – Trẻ – Sài Gòn, phong cách làm báo, viết báo mà chú Tư Ánh trao cho Tuổi Trẻ.

Đỏ – Trẻ – Sài Gòn

Đến tận hôm nay, người đọc báo vẫn còn nhớ những khoảng thời gian dài mà mỗi sáng các tờ nhật báo, tuần báo đều có tên Trần Bạch Đằng ở trang 1, trên các bài xã luận.

Ông không nhận mình là nhà báo chuyên nghiệp mà khẳng định mình là “nhà cách mạng chuyên nghiệp”, nhưng ông đã làm báo suốt một đời cách mạng.

Từ tờ Chống Xâm Lăng, báo Nhân Dân Miền Nam trong kháng chiến đến những chuyên mục “Câu chuyện thứ Tư”, “Suy nghĩ cuối tuần” sau này, tư tưởng, đề xuất, giải pháp, phong cách làm việc của ông luôn thể hiện trên những con chữ, những bài báo.

Làm báo là cách ông làm cách mạng, tinh thần cách mạng là điều ông yêu cầu, đòi hỏi ở báo chí, kể cả báo của thời hòa bình, kể cả những tờ báo non trẻ và những phóng viên mới vào nghề. Chẳng vậy mà ông đã đặt cho Tuổi Trẻ một công thức đầy hình tượng và hàm súc ngay từ những ngày đầu thành lập: Đỏ – Trẻ – Sài Gòn.

Trong những cuộc trao đổi với chúng tôi sau này, ông không khước từ khi gặp một phóng viên mới vào nghề với câu hỏi về chuyện cũ, một lần nữa lặp lại: “Tuổi Trẻphải Đỏ – Trẻ – Sài Gòn”.

Ông tận tình cắt nghĩa: “Chất trẻ là cái cần phải gìn giữ. Vấn đề đề cập, nhân vật phản ánh, bạn đọc nhắm đến đều phải trẻ. Nội dung, bút pháp thể hiện không được tầm thường, không được hàn lâm. Sát đời sống, chan chứa hơi thở cuộc sống.

Thêm một chút khí phách vào sự dũng cảm của ngòi bút, thêm một chút ngang tàng vào lực đẩy của hơi văn, ấy mới xứng là một bài báo Đỏ – Trẻ – Sài Gòn”.

Nghe ông giải thích cũng như đọc xã luận do ông viết sẽ nhận ra đó chính là phong cách viết báo mà ông chọn cho mình.

Có một bài báo của ông từng đăng tới hai lần trên báo Tuổi Trẻ, lần thứ nhất năm 1998, lần thứ hai là năm 2007, khi ông mất. Hôm nay, một lần nữa đọc lại vẫn thấy hơi thở của ông nóng trên từng con chữ, câu chuyện ông kể, vấn đề ông nói vẫn cứ thời sự, vẫn cứ nhức nhối:

“Chẳng rõ từ bao giờ nảy sinh cái tệ cán bộ lãnh đạo “xuống” dân, cán bộ cấp dưới “hai tay xoa tít, cái đít cong vòng”, một “báo cáo anh”, hai “báo cáo anh”… Vua chúa bỗng nhảy xổ vào chúng ta, những người cộng sản, những người theo chủ nghĩa xã hội.

Nỗi thèm khát nóng bỏng của những người cộng sản là trở lại đời sống đã sản sinh ra đội ngũ – không một “diễn biến” dù quân sự hay hòa bình nào lò mò đến được chốn thâm nghiêm này.

Sự gắn bó kia không chỉ vì sát dân, sát thực tế mà còn để những người cộng sản sát với phẩm chất của mình, để Đảng ta luôn khỏe, luôn trẻ.

Trong mọi “về nguồn”, về lại với dân chủ thuở nước ta còn “hàn vi” trọng đại hơn cả, nhất là khi Đảng ta đã, đang và sẽ cầm quyền…” (Nỗi thèm khát nóng bỏng -Tuổi Trẻ 1998, 2007).

Đó không chỉ là “nỗi thèm khát nóng bỏng” của nhà báo Trần Bạch Đằng, mà là “nỗi thèm khát” của nhà cách mạng Trần Bạch Đằng, người từng sống và chiến đấu trong sự đùm bọc của các má, các chị, từng được những người dân miền Nam gọi là “thằng nhỏ”.

Những lời cảnh báo

Ông từng phác chân dung rút gọn của thế hệ mình và sau mình: ươm mầm trong rừng, lớn lên trong kháng chiến, toả sáng trên diện rộng, mũi nhọn thật sự, cống hiến thật sự.

Đó cũng là chân dung của ông. Những trải nghiệm trong cả cuộc đời cống hiến ấy, những tri thức lĩnh hội được trong cả đời tự học để làm báo ấy đã cho ông một tầm nhìn vừa xa, vừa rộng, vừa sâu để những con sóng Bạch Đằng thật sự sôi sục khi bắt được ngọn gió của đổi mới.

Từ năm 1986, những bài báo của ông xuất hiện ngày càng dày đặc, cổ vũ, bảo vệ cái mới bằng kinh nghiệm cuộc đời và tri thức khoa học; phê phán cái xấu, những hiện tượng tiêu cực bấy giờ đang manh nha, cảnh báo những nguy cơ bằng sự nhạy bén với quy luật và sự minh triết nhân văn.

Thật giật mình khi đọc lại những gì ông đã viết cách nay 30 năm, 20 năm. Đây là một câu trong bài đóng góp cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, là lúc mà ngọn lửa đổi mới vẫn còn đang bức bối trong những lồng ngực, lúc những hành động tự cứu còn bị phê phán là “phá rào”, “hữu khuynh”, xa rời lý tưởng.

Lúc đó, Trần Bạch Đằng viết: “Trong một bài nói, Tổng bí thư Trường Chinh đề cao những người dũng cảm, nhạy trước cái mới, bảo vệ cái mới. Quả trong chúng ta có những người dũng cảm.

Nhưng, có lẽ nhiệm vụ của Đảng là không nên để có người phải dũng cảm đấu tranh cho chân lý. Nó cần trở nên bình thường như ta hít thở không khí”.

Ông không chỉ bảo vệ cái mới và những người dũng cảm, ông đòi hỏi cao hơn nữa: cái mới phải là bình thường, đổi mới phải là bình thường. Như sau này, ông lặp lại: “Đổi mới phải liên tục. Ngược lại, là cũ. Cũ thì chết”. (Khi đổi mới bước vào năm thứ mười một – 1997).

Những vấn đề nhức nhối, là vấn nạn, là căn bệnh, là khối u đe dọa đất nước, lũng đoạn xã hội ngày nay cũng đã được ông cảnh báo từ những ngày ấy:

“Đổi mới mang đến bao nhiêu thành tựu trong phát triển đất nước, tham nhũng như gáo nước lạnh tạt vào mặt nhân dân. Đành rằng hiện tượng lộn xộn này có tính giao thời, song không đối phó hiệu quả, giao thời thành lâu dài, thành mãn tính, thành bệnh nan y.

Nên nhớ tham nhũng cũng có quy luật tạo thế và lực của nó. Đừng chờ đến khi nó khống chế guồng máy cầm quyền, khi đó mọi thứ đều quá muộn”. (Phiếm luận về tham nhũng và chống tham nhũng – 1997).

Cảnh báo là một trong những chức năng của báo chí.

Đây lại là một nhà báo dạn dày kinh nghiệm cách mạng, chính trị, một nhà báo từng giữ chức bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định, từng phụ trách Ban tuyên huấn Trung ương Cục, một nhà báo đã dùng từng ngày, từng giờ của đời mình để đấu tranh cho ngày mai tươi sáng của đất nước.

Những cảnh báo của ông vì thế càng nhạy cảm, sắc bén, càng thực tế, bản chất.

Những người làm báo Tuổi Trẻ chưa bao giờ quên những góp ý trực tiếp, sâu sát, đôi lúc gay gắt của ông cho tờ báo mà ông gọi là “bồ ruột”: “Tôi là độc giả khó tính, và khó tính là vì yêu”… Đến tận cuối cuộc đời mình, ông vẫn là người làm báo và đọc báo với tinh thần “Bạch Đằng” như thế.

Ngọn sóng Bạch Đằng
Ông Trần Bạch Đằng (ảnh chụp tháng 7-2005) – Ảnh: Tự Trung

“Vay thì phải trả”

Vào “tuần trăng mật” khi mà vốn đầu tư nước ngoài là động lực, các điều kiện cho vay còn rất ưu đãi, yêu cầu trả nợ nhẹ nhàng, thoải mái, mời gọi, nơi nơi hồ hởi với những dự án, những hợp đồng đầy hứa hẹn thì ông đã nghiêm khắc:

“Tiền vay bạc hỏi. Vay thì phải trả. Sức ép không chủ yếu từ vay nợ – vay, chính mục tiêu cùng cách sử dụng tiền vay mới là vấn đề.

Nếu thoải mái xài tiền vay, sức ép đến từ từ, lúc đầu chủ nợ tế nhị, sau điều kiện khắc nghiệt dần, không loại trừ sự can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của con nợ. Cho quen mùi trưởng giả rồi tha hồ hạch sách – bẫy rập ấy không phải chỉ sập có một lần” (Có kiếm rồi đó, nhưng… – 1994).

PHẠM VŨ