27/12/2024

‘Mong nhiều sinh viên theo con đường khoa học’

‘Hiện tại số lượng sinh viên giỏi có ý định tiếp bước chúng tôi khá hiếm hoi. Tôi chỉ mong sao có thêm nhiều em đi theo con đường khoa học’, giáo sư Phan Thanh Sơn Nam chia sẻ.

  

‘Mong nhiều sinh viên theo con đường khoa học’

 ’Hiện tại số lượng sinh viên giỏi có ý định tiếp bước chúng tôi khá hiếm hoi. Tôi chỉ mong sao có thêm nhiều em đi theo con đường khoa học’, giáo sư Phan Thanh Sơn Nam chia sẻ.


 

Mong nhiều sinh viên theo con đường khoa học - Ảnh 1.

Sinh viên khoa học Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM trong giờ thực hành – Ảnh: NHƯ HÙNG

 

Giáo sư Phan Thanh Sơn Nam (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa được tạp chí khoa học Asian Scientist (Singapore) bình chọn là một trong 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á năm 2018. Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với ông.

Làm khoa học phải giữ tâm trạng vui vẻ

* Hay tin mình có tên trong danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á, cảm xúc của ông thế nào?

– Tôi hơi bất ngờ. Vì những năm trước các giải thưởng ở Việt Nam chưa bao giờ được xuất hiện trên Asian Scientist. Tôi cũng vui vì tiếng vang của Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã bắt đầu vượt ra khỏi biên giới Việt Nam.

Lúc nộp hồ sơ tham gia giải thưởng, tôi chỉ nghĩ là mình có bổn phận phải góp tay góp sức quảng bá cho nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam. Còn được giải thì vui cho mình, không được giải thì vui cho đồng nghiệp.

Vì làm khoa học cần phải luôn giữ tâm trạng vui vẻ thì kết quả nghiên cứu mới tốt. Tôi luôn trân trọng những ai và những sự kiện gì có thể góp phần thúc đẩy nghiên cứu cơ bản.

Vì nếu không có sự chuyển biến của nghiên cứu cơ bản trong mười năm qua, tôi và nhiều anh chị em đồng nghiệp hoặc tiếp tục bôn ba ở nước ngoài, hoặc đã an phận từ bỏ đam mê của mình.

* Ông cho rằng “đây chỉ là mang tính giao lưu tình thương mến thương” trong khi danh sách này có tên nhiều nhà khoa học các trường nổi tiếng của châu Á?

– Bảng top 100 của Asian Scientist năm 2018 vinh danh những nhà khoa học ở châu Á có giải thưởng quốc tế hoặc giải thưởng quốc gia trong năm 2017. Dĩ nhiên không phải giải thưởng nào cũng được Asian Scientist đưa vào top 100 mà chỉ các giải thưởng có quá trình chọn lựa với tính cạnh tranh cao mới được xem xét.

Về một góc độ nào đó, top 100 của Asian Scientist năm 2018 chỉ thể hiện rằng những nhà khoa học đó được nhiều người biết đến trong năm 2017.

Mong nhiều sinh viên theo con đường khoa học - Ảnh 2.

Giáo sư Phan Thanh Sơn Nam

 

Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã có từ năm 2014. Tuy nhiên trong những năm đó lại có nhà khoa học Việt Nam đoạt các giải thưởng khác được nhiều người biết đến hơn, nên Giải thưởng Tạ Quang Bửu chưa có cơ hội xuất hiện trên Asian Scientist.

Xin lưu ý top 100 này chỉ có ý nghĩa về mặt cộng đồng. Có thể tạm hiểu là 100 nhà khoa học tiêu biểu được cộng đồng chú ý nhiều trong năm.

Để có thể tạm thời xếp hạng các nhà khoa học, phải dựa vào thông lệ quốc tế. Ví dụ như số lượng và chất lượng công bố SCI/SCIE, số lượng và chất lượng patent, chỉ số H, dù những con số này cũng chưa thật sự hoàn hảo.

Tôi mong muốn phòng thí nghiệm của chúng tôi sẽ là bệ phóng đưa sinh viên vươn ra biển lớn, có thể sánh vai với bạn bè cùng trang lứa khắp năm châu bốn bể”

GS Phan Thanh Sơn Nam

* Tạp chí Asian Scientist “hi vọng sự thành công của 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á sẽ truyền cảm hứng cho các nhà khoa học trẻ ở châu Á hướng tới sự xuất sắc trong khoa học”. Với sự có mặt trong danh sách này, ông hi vọng gì?

– Tôi cũng không có hi vọng điều gì lớn lao, chỉ mong sao có thêm nhiều sinh viên chấp nhận đi theo con đường nghiên cứu khoa học như chúng tôi. Hiện tại, số lượng sinh viên giỏi có ý định tiếp bước chúng tôi khá hiếm hoi.

Phần thì cần phải kiếm tiền vì gánh nặng kinh tế của gia đình, phần thì chưa nhận bằng kỹ sư đã được nhiều công ty mời gọi làm việc với mức lương hấp dẫn. Phần thì viễn cảnh không mấy sáng sủa khi chấp nhận đi theo con đường nghiên cứu khoa học.

Chính vì vậy, được em nào chịu khó đam mê nghiên cứu, tôi đều rất quý và luôn tạo mọi điều kiện để các em có thể bay cao bay xa hơn mình.

Luôn chú ý học hỏi

* Ông là một trong những giảng viên có nhiều công bố quốc tế. Đâu là bí quyết?

– Thật ra tôi không có bí quyết gì cả, chỉ xin chia sẻ một vài trải nghiệm của bản thân thôi. Khi làm nghiên cứu sinh ở Đại học Sheffield (Anh), nhìn thầy hướng dẫn vất vả xin kinh phí, vất vả sửa bài báo do mình viết và vất vả chỉnh sửa bài báo theo yêu cầu của các phản biện, tôi đã nghĩ rằng đến một ngày nào đó, mình cũng phải làm những việc thầy đang làm.

Tôi chú ý học hỏi luôn cả cách thầy sửa bài cho mình, học hỏi cách thầy trả lời phản biện. Đến khi làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Công nghệ Georgia (Hoa Kỳ), bên cạnh việc nghiên cứu mỗi ngày, tôi cũng phải tiếp tục học như vậy.

Đó chỉ là cách viết bài thôi. Thật sự điều quan trọng nhất vẫn là ý tưởng nghiên cứu phải hay. Mà muốn có ý tưởng hay thì phải luôn đọc báo chuyên ngành để cập nhật kiến thức mỗi ngày. Tôi may mắn có nhiều học trò giỏi. Muốn hướng dẫn được học trò giỏi thì bản thân mình cũng phải lo học mỗi ngày.

Hướng dẫn học trò giỏi, mà thường phải làm theo ý tưởng mới, thật sự nhiều lúc mình phải “chạy” theo học trò mệt đứt hơi. Điều này chỉ có những người trong cuộc mới thấm thía nhất thôi.

* Trong nghiên cứu hiện nay, ông gặp khó khăn gì?

– Để có thể nghiên cứu tốt, cần phải có ít nhất ba yếu tố. Một là nhân lực tốt, hai là phòng thí nghiệm tốt và ba là phải có kinh phí nghiên cứu hằng năm.

Về nhân lực, tôi may mắn có những học trò giỏi. Tuy nhiên, khác với đồng nghiệp ở nước ngoài, những học trò giỏi này chỉ gắn bó với mình một thời gian ngắn rồi các em đó đi du học. Và nhóm chúng tôi luôn bị động về nhân lực.

Về phòng thí nghiệm, nhóm chúng tôi may mắn được ĐH Quốc gia TP.HCM đầu tư phòng thí nghiệm tạm ổn. Tuy nhiên, phòng thí nghiệm chúng tôi đang quá tải, nhiều học trò của tôi chỉ có thể làm thí nghiệm 2-3 ngày trong tuần, thời gian còn lại phải nghỉ vì các thiết bị cần thiết đã hoạt động hết công suất.

Tôi thật sự rất trăn trở vì điều này khi những em giỏi không có điều kiện làm việc hết năng suất. Bên cạnh đó, việc các trang thiết bị đang xuống cấp cần phải bảo trì bảo dưỡng hay sửa chữa hằng năm cũng là một khó khăn chung cho tất cả các nhóm nghiên cứu ở Việt Nam.

Về kinh phí nghiên cứu hằng năm, hiện tại nhóm chúng tôi có kinh phí từ các đề tài của ĐH Quốc gia TP.HCM và từ Quỹ Nafosted. Tuy nhiên, nếu được vắt kiệt sức cho khoa học, nhóm nghiên cứu chúng tôi cần nhiều hơn thế.

Sau cùng, cũng cần phải nhắc lại, với hơn 10 năm khá vất vả với các quy định tài chính khi làm nghiên cứu khoa học, tôi thật sự mong muốn Việt Nam sớm có một cơ chế tài chính thật gọn nhẹ mà hiệu quả. Để các nhà khoa học có thể toàn tâm toàn ý dành trọn thời gian vào các hoạt động chuyên môn.

Được công nhận giáo sư năm 37 tuổi

GS.TS Phan Thanh Sơn Nam (sinh năm 1977), trưởng khoa kỹ thuật hoá học, trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu cấu trúc vật liệu Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) là GS trẻ nhất được công nhận chức danh GS năm 2014 khi anh mới 37 tuổi.

Từ năm 2004 đến nay, GS Sơn Nam cùng nhóm nghiên cứu đã công bố được 74 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế ISI và 89 bài báo đăng trên các tạp chí trong nước.