Đánh giá thiệt hại sau sự cố Formosa: phải tính lâu dài
Theo ông Hà Sĩ Đồng – phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị – hiện tỉnh mới chỉ đánh giá được sơ bộ mức thiệt hại do vụ cá chết đến thời điểm hiện tại là khoảng 2.135 tỉ đồng.
Đánh giá thiệt hại sau sự cố Formosa: phải tính lâu dài
Theo ông Hà Sĩ Đồng – phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị – hiện tỉnh mới chỉ đánh giá được sơ bộ mức thiệt hại do vụ cá chết đến thời điểm hiện tại là khoảng 2.135 tỉ đồng.
Hiện 4 tỉnh bị thiệt hại do cá chết đang thống kê thiệt hại, trong đó tỉnh Quảng Bình chủ trương phải đánh giá thiệt hại không chỉ trước mắt mà cả lâu dài – Ảnh: V.ĐỊNH |
Sáng 4-7, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức họp bàn đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường biển do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các sở ngành và địa phương bị ảnh hưởng trong toàn tỉnh đã báo cáo tình hình thiệt hại trên các lĩnh vực. Trong đó, thiệt hại của lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến, kinh doanh thuỷ sản và nghề muối tính đến tháng 6-2016 là trên 1.255 tỉ đồng. Dự kiến đến hết năm 2016 là 2.300 tỉ đồng.
Thiệt hại trên lĩnh vực du lịch ước tính đến tháng 6-2016 gần 1.393 tỉ đồng và đến hết năm 2016 là 1.670 tỉ đồng. Tổng thiệt hại ước tính đến hết tháng 6 của toàn tỉnh Quảng Bình là 2.662 tỉ đồng và đến hết năm 2016 là khoảng 4.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Hoài – chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình – khẳng định việc đánh giá thiệt hại không chỉ đến cuối năm 2016 mà cần đánh giá đến cả những năm tiếp theo và lâu dài.
UBND tỉnh Quảng Bình đánh giá mức thiệt hại về môi trường và nguồn lợi thuỷ sản hết sức lớn, trong đó môi trường sống của các loài thuỷ hải sản bị phá huỷ, có một số loài thuỷ sản gần như tuyệt chủng và sản lượng khai thác thuỷ sản giảm 40-60%.
Trước mắt, ông Hoài giao trách nhiệm cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Bình phối hợp với Sở Tài chính thực hiện chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân hoạt động kinh doanh thu mua hải sản; giao Sở Tài nguyên – môi trường thường xuyên thông báo số liệu quan trắc chỉ số môi trường biển hai lần/tuần cho người dân; giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm việc trực tiếp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để xác định mức độ an toàn của nước biển từ bờ trở ra 20 hải lý đã sạch hay chưa và được khai thác trở lại an toàn chưa để có giải pháp cho ngư dân và cả người tiêu dùng.
Trước đó, tỉnh Quảng Trị cũng vừa có đánh giá sơ bộ về tổng mức thiệt hại sau sự cố môi trường biển.
Theo ông Hà Sĩ Đồng – phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, hiện tỉnh mới chỉ đánh giá được sơ bộ mức thiệt hại do vụ cá chết đến thời điểm hiện tại là khoảng 2.135 tỉ đồng. Mức thiệt hại này cũng dựa trên báo cáo thiệt hại của tất cả các lĩnh vực liên quan đến biển.
“Hiện tỉnh vẫn đang tính toán các thiệt hại đến hết năm 2016 và cả về lâu dài. Dự tính con số thiệt hại sẽ còn tăng rất nhiều” – ông Đồng nói.
Bộ công an vào cuộc * Nông nghiệp Thừa Thiên – Huế tăng trưởng âm 1% Ông Dương Tất Thắng – phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau khi có kết luận về Formosa xả thải gây ô nhiễm biển, quan điểm của uỷ ban tỉnh Hà Tĩnh sẽ xử lý nghiêm về trách nhiệm tập thể, cá nhân của sở, ngành của tỉnh trong việc quản lý, giám sát Formosa xả thải. Theo ông Thắng, hiện tỉnh đã giao cho cơ quan công an làm rõ các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của tập thể, cá nhân sở, ngành liên quan đến việc xả thải của Formosa. Theo một số nguồn tin thì ngoài công an Hà Tĩnh, Bộ Công an cũng đã vào cuộc tìm hiểu, điều tra quá trình cấp phép, giám sát xả thải ở Nhà máy Formosa đối với một số cơ quan, đơn vị ở tỉnh Hà Tĩnh. Ông Nguyễn Công Hoàng, chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh, cho biết trước mắt ngành thuỷ sản Hà Tĩnh đã có đánh giá thiệt hại sơ bộ về tình hình đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá lên khoảng 1.000 tỉ đồng. Trong khi đó, ngày 4-7, ông Hoàng Ngọc Khanh, chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết tỉnh bắt đầu tiến hành thống kê thiệt hại sự cố ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra. Theo ông Khanh, sự cố môi trường biển gây thiệt hại rất lớn và liên quan đến rất nhiều ngành, lĩnh vực; trong đó ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 1%. Hội đồng đánh giá thiệt hại do sự cố môi trường biển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã giao Sở Kế hoạch – đầu tư xây dựng đề cương và phương án tổng thể đánh giá mức độ thiệt hại. Sở Tài nguyên – môi trường tăng cường lấy mẫu quan trắc môi trường nước ven biển, kể cả vùng cửa biển và đầm phá; kịp thời thông tin rộng rãi đến người dân biết. |