23/12/2024

‘Trống trời’ Hội An ‘rơi xuống’ từ máy bay B52 của Mỹ

Cứ mỗi lần điệu trống ấy vang lên, ông như quên hết nỗi đau của căn bệnh Parkinson đang hành hạ mình. Ông là Phạm Như Khoa, cha đẻ của chiếc “trống trời” kỳ lạ.

 

‘Trống trời’ Hội An ‘rơi xuống’ từ máy bay B52 của Mỹ

Cứ mỗi lần điệu trống ấy vang lên, ông như quên hết nỗi đau của căn bệnh Parkinson đang hành hạ mình. Ông là Phạm Như Khoa, cha đẻ của chiếc “trống trời” kỳ lạ.


 

 



Ông Phạm Như Khoa cùng chiếc “trống trời” trên đường phố Hội An -  /// Ảnh: Hoàng Sơn

 

 

Ông Phạm Như Khoa cùng chiếc “trống trời” trên đường phố Hội An –ẢNH: HOÀNG SƠN

 


Dừng xe máy giữa phố cổ Hội An cổ kính, ông Khoa (56 tuổi, một Việt kiều Pháp đang sinh sống tại Hội An, Quảng Nam) tay run run, khó nhọc mở chiếc túi rồi bày biện hai chiếc trống mà ông gọi là “trống trời” ra vỉa hè.
Ông dùng bàn tay vỗ nhẹ lên từng nốt trên bề mặt. Chiếc trống phát ra thứ âm thanh nghe rất lạ lẫm, vừa giống tiếng đàn đá lại hao hao tiếng chuông thuỷ tinh. Khách bộ hành chậm bước chân rồi dừng hẳn nơi ông ngồi. Họ cũng giống như chúng tôi, đang băn khoăn không biết nhạc cụ lạ tên, lạ mắt này có từ đâu và chơi như thế nào.
 
 

 

“Chiếc trống “rơi xuống” từ máy bay B52 đấy”, ông Khoa nói: “Tôi dùng mảnh bom do Mỹ thả xuống trong chiến tranh VN để đúc nên những chiếc trống này. Tôi gọi là “trống trời” Hội An, chỉ đơn giản là vật liệu làm nên nó rơi từ trên trời xuống và được làm tại phố cổ Hội An này”.
Hút hồn du khách
Du khách quốc tế thích thú với chiếc trống được chế tác từ mảnh bom B52 - Ảnh: Hoài Sa

Du khách quốc tế thích thú với chiếc trống được chế tác từ mảnh bom B52 – Ảnh: Hoài Sa

Ông Khoa kể, trong một lần cao hứng dùng tay gõ vào thùng xăng bằng sắt có đục lỗ, ông tình cờ phát hiện những âm thanh “nghe rất đẹp”. Ông nghĩ nếu có một chiếc trống được đúc bằng sắt thép và gắn với từng bộ nốt thì chắc chắn sẽ có được một nhạc cụ rất hay. Thế rồi, ngày ngày ông lò dò tìm đến các vựa thu mua mảnh bom về làm trống.
 
 
'Trống trời' Hội An 'rơi xuống' từ máy bay B52 của Mỹ - ảnh 3
Khách du lịch đến từ Úc, Anh, Mỹ… rất thích chiếc trống này. Nhiều người sau chuyến du lịch của mình đã giới thiệu bạn bè về chiếc trống để rồi khi sang Hội An, họ đã tìm gặp tôi để được thưởng thức
'Trống trời' Hội An 'rơi xuống' từ máy bay B52 của Mỹ - ảnh 4
 
Ông Phạm Như Khoa
 
Cấu tạo chiếc trống khá đơn giản với hình tròn, mặt trên được cắt các nốt (từ 8 – 32 nốt) với cao độ khác nhau. Mặt dưới của trống có một lỗ tròn thoát khí được nút lại bằng một miếng cao su tạo thùng cộng hưởng âm thanh. Ông Khoa cho biết “trống trời” được đúc tại làng nghề truyền thống Phước Kiều (TX.Điện Bàn, Quảng Nam) nên ông không tốn nhiều công sức đi lại.
Nhưng do chưa có kinh nghiệm nên những ngày đầu ông liên tiếp thất bại vì cắt nốt không đạt, âm thanh không chuẩn. “Chỉ cần lệch 1 mm là đã lệch sang một cao độ khác và cũng bỏ luôn chiếc trống ấy. Hơn nữa, những chiếc trống đầu tiên quá nặng, âm sắc không đẹp”, ông Khoa nhớ lại.
“Ném tiền qua cửa sổ” trong suốt 2 năm, ông Khoa tự đúc kết và chỉnh sửa dần dần. Tính đến nay, sau 5 năm làm “trống trời”, ông Khoa đã cho ra lò khoảng 400 chiếc với 250 bộ nốt khác nhau như: bộ nốt Ấn Độ, bộ nốt Nhật Bản, bộ nốt của dân tộc H’Mông… Nhờ liên tục “nâng cấp” qua các năm mà chiếc trống của ông qua 4 đời đã dần nhẹ hơn, cao độ hoàn toàn chuẩn xác.
“Khách du lịch đến từ Úc, Anh, Mỹ… rất thích chiếc trống này. Nhiều người sau chuyến du lịch của mình đã giới thiệu bạn bè về chiếc trống để rồi khi sang Hội An, họ đã tìm gặp tôi để được thưởng thức”, ông Khoa kể và hào hứng: “Có lần, một vị khách nước ngoài mang máy đo tần số âm thanh tự động đến nhà. Khi tôi dùng dùi (được làm bằng gỗ đầu gắn silicon) gõ vào bề mặt trống thì người này đã thốt lên: Chúa ơi, quá chuẩn. Âm thanh tròn trịa 432 Hz. Sau đó, người này cứ hỏi đi hỏi lại vì sao một chiếc trống được cắt nốt bằng tay lại chính xác đến như vậy. Tôi chỉ cười rồi chỉ vào tai mình: Đây là thước đo của tôi”.
Chỉ cần chơi và ước mơ…
9 tuổi, Phạm Như Khoa bị nhiễm chất độc da cam của Mỹ tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai). Thương con trai út, cha ông lúc đó là một cán bộ của UNESCO tại VN đã quyết định đưa cả gia đình sang Pháp để sinh sống và chạy chữa cho con. Do còn nhỏ và đang trong giai đoạn ủ bệnh nên Khoa vẫn đi học bình thường và sau này trở thành chủ một công ty phần mềm tại Paris.
“Năm 42 tuổi, bệnh Parkinson nở ra. Cơ thể của tôi co quắp lại và không thể tiếp tục theo nghề máy tính. Đau khổ lắm”, ông Khoa lơ lớ tiếng Việt. Cuộc hôn nhân với một phụ nữ Pháp tan vỡ cùng thời điểm phát bệnh khiến mọi thứ như sụp đổ trước mắt. Ông bán hết cơ nghiệp và từ biệt 3 người con trai để sang Hội An định cư. Và ông tìm tới âm nhạc, tìm đến những chiếc kèn, đàn guitar 12 dây như để tìm quên những bất hạnh của cuộc đời.
“Mỗi lần gõ chiếc “trống trời”, tôi thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, thảnh thơi kỳ lạ. Chiếc trống là phương thuốc đặc biệt trong những ngày tôi chống chọi với căn bệnh Parkinson”, ông Khoa trải lòng. Ông bảo, ông yêu Hội An như “yêu một người tình”, nên khi đến với mảnh đất này ông đã quyết định chọn làm quê hương. Hội An cũng đủ yên tĩnh, lãng mạn để ông có thể dốc hết tâm sức cho đam mê sáng tạo nhạc cụ.
Là nạn nhân của chiến tranh, lấy phế liệu chiến tranh để tạo nên thứ ngôn ngữ rung động trái tim, với Phạm Như Khoa, chiếc “trống trời” không có cách chơi nào hay bằng chính cách chơi từ những ước mơ, những cảm nhận của chính mình. Bởi vậy, khi bán mỗi chiếc trống đi, ông thường kèm thêm một hướng dẫn ngắn gọn do chính tay ông viết: “Just play and dream” (tạm dịch: Chỉ cần chơi và ước mơ).
Bán trống làm từ thiện
Năm tháng sống một mình ở Hội An từ căn trọ này đến chỗ thuê khác, Phạm Như Khoa đã có những chiêm nghiệm sâu sắc về mối liên hệ giữa những quả bom chiến tranh với chiếc “trống trời”.
 

Chế tác "trống trời" Hội An

Chế tác “trống trời” Hội An

Từ việc đúc kết “vòng đời” không quá 3 năm của một chiếc trống, ông tin rằng “sau khi làm hết sứ mạng của mình, những chiếc trống đều tự chết”.
“Một quả bom sinh ra để sát hại con người. Rồi tôi lấy thép làm trống để đem lại hạnh phúc và tiếng cười vui vẻ cho mọi người và nó sẽ chết đi khi hoàn thành sứ mạng”, ông Khoa suy tư khi tiếp tục câu chuyện: “Cựu binh Mỹ có tên Manus Campbell đã nổ súng vào người VN khi chỉ 19 tuổi mà không biết gì.
Cuộc chiến đi qua, ông lớn lên và thấy những tội lỗi của mình. Ông sang Hội An, chúng tôi gặp nhau và đã cùng tạo ra những buổi hoà nhạc từ “trống trời” gây quỹ cho trẻ mồ côi, tàn tật. Manus Campbell thấy nỗi đau của mình trong đó và ông cũng như một mảnh trái bom đã biến thành nhạc cụ”. Suốt 5 năm qua, làm được bao nhiêu trống, ông Khoa bán hết bấy nhiêu để dành tiền làm từ thiện.
Chính những điểm đặc biệt đó mà ông Khoa cho rằng, để chơi “trống trời” hay thì phải mang tính phổ thông, chia sẻ chứ đừng chơi theo cái tôi của mình.
Vì thế mà ông chưa bao giờ có quan niệm giữ bản quyền. Ông muốn chiếc trống có xuất xứ “Made in Vietnam” được nhiều người chơi và nhiều người có thể làm được.
Đam mê sáng tạo và muốn truyền cảm hứng cho những người trẻ sáng tạo, Phạm Như Khoa tiếp tục làm chiếc “trống trời” bộ nốt Indonesia, bộ nốt mang âm hưởng nhà thờ. Thậm chí, vì đam mê nhạc Trịnh Công Sơn mà ông đang ấp ủ làm chiếc “trống trời” có thể hoà tấu cùng ban nhạc khi lên sấn khấu.
“Điều lạ là cứ mỗi lần chơi trống, chân tay tôi dường như hết run rẩy. Chiến tranh VN đã kết thúc từ 1975 nhưng chiến tranh của tôi thì vừa bắt đầu. Tôi sẽ làm thêm nhiều nhạc cụ nữa…”, ông Khoa tâm sự.

Hoàng Sơn