23/12/2024

Không thẩm định ‘lý lịch’ Formosa là thiếu sót nghiêm trọng

Trước khi đầu tư vào VN, Formosa đã có “lý lịch” xấu vì từng gây tai tiếng về ô nhiễm môi trường nhiều nước trên thế giới.

 

Không thẩm định ‘lý lịch’ Formosa là thiếu sót nghiêm trọng

Trước khi đầu tư vào VN, Formosa đã có “lý lịch” xấu vì từng gây tai tiếng về ô nhiễm môi trường nhiều nước trên thế giới.




Hệ thống ống xả thải khổng lồ nối từ các nhà máy thuộc dự án Formosa Hà Tĩnh ra biển Vũng Áng. /// Ảnh: Nguyên Dũng

Hệ thống ống xả thải khổng lồ nối từ các nhà máy thuộc dự án Formosa Hà Tĩnh ra biển Vũng Áng.ẢNH: NGUYÊN DŨNG


Thế nhưng vấn đề này đã không được các cơ quan quản lý trong nước chú trọng khi thẩm định cấp phép đầu tư.
TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài, cho rằng việc thiếu thẩm định các dự án ở nước ngoài của Formosa là thiếu sót nghiêm trọng.
“Chuyện này rất cần thiết nhưng rất tiếc khi nhận danh thiếp của các nhà đầu tư (NĐT), lãnh đạo các tỉnh thành rất niềm nở và sau đó cất vào ngăn kéo. Trong khi danh thiếp có thông tin của doanh nghiệp, có website… Đáng lẽ họ nên chuyển cho các cơ quan xúc tiến đầu tư của các sở, ngành, ban quản lý khu công nghiệp… để tìm hiểu xem những người mà mình vừa mới tiếp cận là ai, chiến lược đầu tư như thế nào, năng lực thực tế ra sao và hoạt động về đầu tư của họ đã diễn ra như thế nào… Đấy là thiếu sót rất nghiêm trọng”, ông Mại nói. 

 
 
Không thẩm định ‘lý lịch’ Formosa là thiếu sót nghiêm trọng - ảnh 2
Qua vụ việc Vedan hay Formosa, các cơ quan cấp phép cần phải lưu ý đến việc xem xét đánh giá việc tuân thủ pháp luật của nhà đầu tư tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Mặt khác, cơ chế hậu kiểm, giám sát việc tuân thủ bảo vệ môi sinh của nhà đầu tư cũng cần phải được tăng cường, theo hướng tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhưng vẫn đảm bảo được tính minh bạch, phù hợp với phát triển kinh tế – xã hội cũng như thân thiện với môi trường

Không thẩm định ‘lý lịch’ Formosa là thiếu sót nghiêm trọng - ảnh 3
 
Luật sư Châu Huy Quang, điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT

 


Ông kể, khi Tata của Ấn Độ muốn xây dựng nhà máy thép ở VN, ông đã tìm thông tin trên website của họ và thấy chiến lược không phù hợp, vì họ chủ yếu M&A (mua bán, sáp nhập) các dự án đang hoạt động mà không đầu tư dự án mới.
Không làm tròn trách nhiệm
Về thẩm định dự án đầu tư nước ngoài, theo TS Mại, cơ quan quản lý VN vẫn chú trọng vào những tiêu chí cơ bản. Thứ nhất là đánh giá về năng lực của chủ đầu tư, chủ yếu như ý tưởng của dự án có phù hợp với định hướng thu hút FDI của VN hay không. Thứ hai là năng lực thực hiện dự án thể hiện qua năng lực tài chính, bao gồm nguồn vốn tự có và nguồn vốn liên doanh. Ngoài ra còn có các tiêu chí về thu hút lao động, công nghệ đưa vào thích hợp với VN hay không; đem lại lợi ích gì cho cộng đồng dân cư ở nơi thực hiện dự án… Cuối cùng là các vấn đề liên quan đến môi trường.
TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho rằng việc thẩm định những dự án của NĐT nước ngoài đang triển khai ở nước ngoài ra sao không phải là yêu cầu bắt buộc khi cấp phép đầu tư. Tuy nhiên, đối với các dự án lớn, cơ quan chức năng có trách nhiệm chắc chắn phải điều tra xem NĐT này trước khi vào VN đã đầu tư như thế nào ở nước khác. Trước hết phải tìm hiểu họ đã thực hiện các dự án tương tự như thế này ở đâu, kết quả ra sao, vấn đề bảo vệ môi trường ở những nơi đó như thế nào… Cơ quan cấp phép VN cần liên hệ với các cơ quan liên quan phối hợp để điều tra thông tin NĐT. Ví dụ như Formosa, có thể phối hợp với cơ quan đại diện của VN ở Đài Loan xem xét xem những dự án họ thực hiện ở Đài Loan có vấn đề gì không. Ngoài ra, có thể liên hệ với các cơ quan xúc tiến đầu tư có quan hệ với VN ở các nước khác nơi họ có dự án để kiểm tra. “Đó là ý thức của cơ quan quản lý nhà nước. Luật không bắt buộc nhưng trách nhiệm là phải làm. Các dự án có liên quan lớn đến môi trường lẽ ra những vấn đề nêu trên phải làm kỹ”, ông Thắng nhấn mạnh. 

 
 
Báo cáo đánh giá tác động môi trường “làm cho có”
Theo luật sư Châu Huy Quang, quy trình thẩm định cấp phép đầu tư hiện nay của VN là ổn, tuy nhiên, cần lập ra danh sách những dự án phải thẩm định về môi trường, công nghệ xử lý ô nhiễm trước khi xem xét cấp phép. “Một hồ sơ quan trọng trong khâu xem xét duyệt chủ trương đầu tư là báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường. Quy định này là cần thiết. Tuy nhiên, các hồ sơ này do NĐT tự lập dựa trên thông tin cơ sở của dự án mà dự án chưa triển khai nên việc kiểm định, đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn này và việc kiểm soát trên thực tế có thể khác nhau. Cơ quan cấp phép sẽ rất khó khăn để đảm bảo rằng việc triển khai dự án sẽ giống với những gì mà NĐT nêu ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường”, ông Quang nói.
Còn TS Tô Vân Trường cảnh báo: “Từ trước tới nay, các cấp các ngành đều chỉ coi báo cáo đánh giá tác động môi trường như là thủ tục phải làm, chứ không coi nó có tính pháp lý. Đây là một lỗ hổng, rất nguy hiểm”.

 


Là nhà tư vấn cho nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, luật sư Châu Huy Quang, điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT, cho biết VN là thành viên của nhiều Công ước quốc tế về môi trường và đã thiết lập được kênh trao đổi thông tin về bảo vệ môi trường. Vấn đề môi trường hiện không còn là vấn đề trong địa giới của một quốc gia mà là của khu vực và toàn cầu, nên việc thận trọng thẩm định các dự án có tiền sử gây ô nhiễm môi trường, môi sinh giữa các quốc gia là thiết thực. Với kênh thông tin về môi trường mà VN đã thiết lập, việc thẩm định tác động môi trường các dự án của các NĐT “tai tiếng” là có thể thực hiện được. “Qua vụ việc Vedan hay Formosa, các cơ quan cấp phép cần phải lưu ý đến việc xem xét đánh giá việc tuân thủ pháp luật của NĐT tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Mặt khác, cơ chế hậu kiểm, giám sát việc tuân thủ bảo vệ môi sinh của NĐT cũng cần phải được tăng cường, theo hướng tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhưng vẫn đảm bảo được tính minh bạch, phù hợp với phát triển kinh tế – xã hội cũng như thân thiện với môi trường”, ông Quang phát biểu.
“Không ai có thể nói trước được”
Theo TS Thắng, để đề phòng không xảy ra thảm hoạ khi Formosa tiến hành sản xuất, chúng ta còn nhiều việc cần phải làm. “Họ nhập khẩu 10 triệu tấn sắt thép, nhập khẩu quặng tới 15 – 17 triệu tấn từ Úc hoặc các nước hằng năm; 3 triệu tấn than… Cả sản xuất và nhập khẩu 30 triệu tấn sắt thép hằng năm thì sẽ gây ra những gì cho môi trường đất nước này, không ai có thể nói trước được. Vì vậy, xử lý cái trước mắt là quan trọng nhưng đề phòng những tiêu cực có thể xảy ra sắp tới còn quan trọng hơn nhiều”, TS Thắng lưu ý.
Trong khi đó, TS Nguyễn Mại đề xuất thành lập một hội đồng quốc gia gồm các chuyên gia hàng đầu nhiều lĩnh vực và yêu cầu Formosa trình bày với hội đồng ấy toàn bộ quá trình sản xuất của họ về chất thải, khí thải… Hội đồng sẽ nghiên cứu báo cáo với Chính phủ những giải trình của Formosa và xem xét liệu có an toàn để tiếp tục được sản xuất hay không. Nếu Formosa được sản xuất cũng cần đặt trong sự theo dõi, giám sát chặt chẽ để không có chuyện xảy ra một thảm hoạ tương tự như vừa rồi trong tương lai.
Để tránh tác hại xấu đến môi trường, TS Mại đề nghị Chính phủ ngừng cấp phép những dự án hoá dầu, vì đã thừa công suất; không cấp phép các dự án sắt thép, công nghệ lò cao là công nghệ cổ điển, thế giới thừa sắt thép và bắt đầu ngừng sản xuất, chỉ cấp phép cho những dự án hợp kim có giá trị cao hơn sắt thép; không cấp phép dự án xi măng đang phá hoại môi trường, và đang thừa công suất…
“Khét tiếng” với các cáo buộc huỷ hoại môi trường
Được thành lập năm 1954, Formosa Plastics Group là một trong những tập đoàn lớn trên thế giới. Theo truyền thông quốc tế, tập đoàn có trụ sở tại Đài Loan này “khét tiếng” với các cáo buộc huỷ hoại môi trường. Ngay tại Đài Loan, Formosa là một trong 10 doanh nghiệp gây ô nhiễm nhất, theo trang tin ethecon.org. Khoảng 25% lượng khí nhà kính của Đài Loan được cho là do các nhà máy của Formosa thải ra.
Người dân Campuchia hẳn hiểu rõ tác hại của chất thải độc hại từ Formosa đối với môi trường hơn ai hết. Theo BBC, tập đoàn này từng đưa khoảng 3.000 tấn chất thải độc hại đến thành phố cảng Sihanoukville của Campuchia vào cuối năm 1998. Vụ việc chỉ được phát giác sau khi một công nhân ở cảng tham gia xử lý đống chất thải đột ngột qua đời. Cuộc điều tra sau đó cho thấy “thủ phạm” là lô chất thải độc hại của Formosa. Bức xúc với vụ việc, người dân địa phương đã xuống đường biểu tình dẫn tới bạo động. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy chất thải của Formosa có nồng độ thủy ngân vượt mức giới hạn an toàn tới 20.000 lần, theo tờ The Phnom Penh Post. Sau khi vụ việc bị phát hiện, hơn 100 quan chức chính phủ bị thôi chức, song chỉ có 3 người bị buộc tội gây nguy hại cho môi trường. BBC cho biết thêm người đứng đầu công ty nhập khẩu số chất thải trên tại Campuchia, hai người Đài Loan và một phiên dịch của họ cũng bị kết án.
Bất chấp quy định chặt chẽ về môi trường tại Mỹ, Formosa cũng đã “xé rào” xả khí độc ra không khí và nguồn nước tại đây. Theo thông tin đăng trên trang web của Bộ Tư pháp Mỹ, cơ quan này cùng Cơ quan Bảo vệ môi sinh Mỹ (EPA) hồi tháng 9.2009 đã buộc Formosa đóng phạt tới khoảng 13 triệu USD vì xả khí độc hại vào môi trường. Do những hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường toàn cầu nên trong năm 2009, Formosa bị Quỹ kinh tế và đạo lý (Ethecon) – một tổ chức về môi trường tại Đức – trao giải Hành tinh đen. Được thành lập vào năm 2004, Quỹ Ethecon bắt đầu trao giải Hành tinh xanh để tôn vinh những hành động bảo vệ môi trường và hai năm sau đó, quỹ đã bổ sung thêm giải thưởng gây tranh cãi là Hành tinh đen cho những tổ chức hoặc cá nhân phá hoại môi trường.
Sơn Duân


 

N.Trần Tâm