23/12/2024

Nhà máy giấy Lee & Man ‘đè’ dự án trồng rừng

Không nằm trong quy hoạch về ngành giấy của Chính phủ, không có vùng nguyên liệu nhưng Lee & Man vẫn được cấp phép để đặt một nhà máy giấy khổng lồ cặp bờ sông Hậu.

 

Nhà máy giấy Lee & Man ‘đè’ dự án trồng rừng

Không nằm trong quy hoạch về ngành giấy của Chính phủ, không có vùng nguyên liệu nhưng Lee & Man vẫn được cấp phép để đặt một nhà máy giấy khổng lồ cặp bờ sông Hậu.




Một góc dự án Nhà máy giấy Lee & Man /// Ảnh: Gia Bách

 

 

Một góc dự án Nhà máy giấy Lee & ManẢNH: GIA BÁCH

 


Ít ai biết rằng, để cấp phép cho dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cả vùng tây nam sông Hậu này, chúng ta đã để mất đi nhiều cơ hội lớn khác.
Từng bị phản đối ở Cần Thơ
 
 

 

 
 
Nhà máy giấy Lee & Man 'đè' dự án trồng rừng - ảnh 1
Ban đầu tập đoàn này muốn đặt nhà máy ở Cần Thơ nhưng bị các chuyên gia môi trường ở Trường ĐH Cần Thơ mà lãnh đạo tỉnh này mời tham gia tiếp xúc phản đối, vì lo ngại sẽ xảy ra những tác động xấu đến môi trường và đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt
Nhà máy giấy Lee & Man 'đè' dự án trồng rừng - ảnh 2
 
 
 

Lee & Man ra đời trong bối cảnh VN và Nhật Bản đang phối hợp thực hiện một chương trình trồng rừng tràm và chế biến các sản phẩm từ tràm. Năm 2005, Nhóm hợp tác nghiên cứu Việt – Nhật (nhóm nghiên cứu) đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Trồng rừng tràm trên những vùng đất chua nặng ở ĐBSCL và công dụng thương phẩm mới của nó”. Bởi trước đó, ĐBSCL có trên 500.000 ha đất chua nặng chỉ thích hợp để trồng tràm làm cừ, phục vụ xây dựng. Thực ra từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, Chính phủ kỳ vọng trồng rừng tràm trên đất chua càng nhiều càng tốt để cải tạo đất sản xuất lúa năng suất thấp. Chính phủ Nhật hỗ trợ kỹ thuật trồng tràm thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Viện Khoa học rừng VN từ năm 1997. Tuy nhiên, khi công nghệ xây dựng dùng cừ tràm không còn được sử dụng phổ biến nên giá bán giảm mạnh và người dân bắt đầu quay lưng với cây tràm. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu thực hiện nghiên cứu trên với 2 mục tiêu là tìm đầu ra cho các sản phẩm chế biến từ cây tràm và hơn hết là thực hiện mục tiêu của dự án quốc gia về trồng mới 5 triệu ha rừng.

Sau giai đoạn nghiên cứu tính khả thi của cây tràm, nhóm nghiên cứu nhận thấy có thể đầu tư sâu vào chế biến cây tràm để cho ra nhiều sản phẩm khác nhau như bột giấy, gỗ xẻ, gỗ băm để làm ván ép, cồn ethanol… Vốn là một nước có công nghệ chế biến giấy vào loại tiên tiến nhất thế giới nên Nhật đã lập ra một chương trình trồng rừng và chế biến các sản phẩm từ cây tràm bằng nguồn vốn vay ODA từ nước này, khoảng 1,2 tỉ USD. Dự án sẽ tiến hành trồng rừng tại
6 tỉnh phèn nặng và đang có tràm là: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau trên tổng diện tích từ 400.000 – 500.000 ha. Kinh phí trên sẽ được đầu tư cho nông dân trồng rừng, giai đoạn đầu 7 năm không lãi suất; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ trồng và vận chuyển sản phẩm từ rừng; xây dựng nhà máy chế biến.
Khi báo cáo ở Nhật, dự án được phía bạn nhiệt tình ủng hộ và xếp vào nhóm ưu tiên giải ngân. Thế nhưng cuối cùng phía VN lại không đưa dự án này vào danh sách các dự án đề xuất Nhật hỗ trợ vốn vay ODA.
Điều đáng nói là ngay lúc đó, Lee & Man xuất hiện. Ban đầu tập đoàn này muốn đặt nhà máy ở Cần Thơ nhưng bị các chuyên gia môi trường ở Trường ĐH Cần Thơ mà lãnh đạo tỉnh này mời tham gia tiếp xúc phản đối, vì lo ngại sẽ xảy ra những tác động xấu đến môi trường và đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt. Ở Cần Thơ không được, Lee & Man đã chuyển hướng về Hậu Giang.
Phớt lờ nhiều câu hỏi
TS Dương Văn Ni, Trường ĐH Cần Thơ, thành viên nhóm nghiên cứu kể lại, cái khó nhất của dự án trồng rừng tràm chính là việc lựa chọn đặt nhà máy ở đâu vì thời điểm đó trên thế giới chưa có công nghệ nào có thể xử lý triệt để chất thải của nhà máy giấy. Chính vì vậy các chuyên gia cả phía VN và Nhật Bản thống nhất là không thể đặt nhà máy giấy ở vùng ĐBSCL được vì những tác hại về môi trường là vô cùng to lớn. Có 3 phương án được đưa ra lúc đó. Thứ nhất là xây dựng nhà máy chế biến giấy ở Bình Dương và làm các nhà máy chế biến gỗ băm ở vùng đồng bằng rồi chuyển nguyên liệu lên Bình Dương chế biến. Nhưng do khó khăn về hạ tầng giao thông, cầu cảng nên phương án này không khả thi. Một phương án khác là xây nhà máy giấy ở huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An có gần nguồn nguyên liệu nhưng huyện này thuộc vùng Đồng Tháp Mười. Nếu xây dựng nhà máy giấy ở đây sẽ gây nguy cơ về môi trường rất lớn cho cả khu vực này. Thứ ba là sản xuất gỗ băm để đưa sang chế biến giấy ở các nhà máy có sẵn bên Nhật. Nhưng phương án này cũng không khả thi vì chi phí vận chuyển lớn.
Nhưng trong khi nhóm chuyên gia đang loay hoay tìm giải pháp tối ưu nhất thì Lee & Man “nhảy vào”. Tập đoàn này cho biết sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để chế biến giấy và vận chuyển bằng đường thủy; công nghệ chế biến giấy “siêu hiện đại” không gây ô nhiễm, công nghệ xử lý nước thải trên cả chuẩn A… “Nhưng khi chúng tôi chất vấn, nếu nhập khẩu nguyên liệu bằng đường thủy sao không đưa nhà máy ra ngoài gần biển để giảm chi phí vì sông Hậu có nhiều cù lao, tàu lớn không vào được? Nếu công nghệ chế biến giấy “siêu hiện đại” không thể tiết lộ thì hãy cho biết sản phẩm giấy mà công ty sản xuất ra là gì? Tái sử dụng bao nhiêu phần trăm nước thải đã qua xử lý?… thì họ không trả lời được. Họ chỉ cho biết, sản phẩm là giấy bao bì và bao bì cao cấp” – TS Dương Văn Ni kể và phân tích, giấy bao bì dù có cao cấp cũng không phải là dòng sản phẩm cao cấp của ngành công nghiệp chế biến giấy mà chỉ là sản phẩm cấp thấp. “Về mặt kinh tế, sản phẩm không phải hàng cao cấp thì lẽ nào họ lại đầu tư công nghệ chế biến hiện đại?”, chuyên gia này nghi vấn.
Theo một chuyên gia môi trường, nếu chọn dự án ODA của Nhật, đầu tiên chúng ta có cơ hội tốt để xây dựng vùng nguyên liệu có chứng chỉ rừng, có xuất xứ để sản xuất ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Thứ hai, có nguồn vốn để nông dân trồng rừng và cải thiện thu nhập. Thứ ba, với nhiều vùng đất phèn rất nặng, mùa nắng thì thiếu nước ngọt mùa mưa sâu bệnh, chuyển qua trồng tràm giải quyết được các vấn đề này. Thứ tư, chúng ta xây dựng chuỗi giá trị lâm sản từ trồng rừng đến chế biến xuất khẩu (xuất đi Nhật), có một đầu ra ổn định. Nhưng chúng ta đã chọn nhà máy giấy của Lee & Man và đối diện với nguy cơ môi trường của sông Hậu như hiện nay.
PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (ĐH Cần Thơ) nhận xét: Đối với ĐBSCL, tài nguyên nước là quan trọng cho mọi hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Vì thế không chỉ nhà máy giấy ở Hậu Giang mà tất cả các hoạt động công nghiệp theo sông cũng cần phải suy xét lại.

 

Chí Nhân