Trả lại nhân dạng cho người mặt sắt
Trong cuốn sách mới, Giáo sư sử học của Đại học California tại Santa Barbara (Mỹ) Paul Sonnino tuyên bố đã phá vỡ bí ẩn 350 năm của Pháp về câu chuyện “người đàn ông mặt sắt”.
Trả lại nhân dạng cho người mặt sắt
Trong cuốn sách mới, Giáo sư sử học của Đại học California tại Santa Barbara (Mỹ) Paul Sonnino tuyên bố đã phá vỡ bí ẩn 350 năm của Pháp về câu chuyện “người đàn ông mặt sắt”.
“Người đàn ông mặt sắt” là một tù nhân bị bắt vào năm 1669 và bị giam mãn đời trong ngục Bastille của Pháp cũng như tại các ngục tù khác trong hơn 3 thập niên, cho đến khi qua đời vào năm 1703.
Bí ẩn nhiều thế kỷ
Danh tính của tù nhân này luôn là một điều bí ẩn, vì trong suốt thời gian bị cầm tù, chiếc mặt nạ bằng sắt không bao giờ rời khỏi khuôn mặt của phạm nhân. Câu chuyện về người đàn ông mặt sắt càng phổ biến hơn trên toàn thế giới sau đợt công chiếu bộ phim The Man in the Iron Mask do diễn viên điển trai Leonardo DiCaprio thủ vai chính vào năm 1998.
Thậm chí triết gia nổi tiếng vào thế kỷ 17 là Voltaire và đại văn hào Alexandre Dumas cũng không thoát được hấp lực xung quanh người đàn ông mặt sắt. Tuy nhiên, giới sử gia không màng đến giả thuyết được Voltaire và Alexandre Dumas phổ biến thông qua văn chương rằng người này là anh em song sinh của vua Louis 14, theo Giáo sư Sonnino. Và phim The Man in the Iron Mask chính là bản phóng tác dựa trên tác phẩm của Alexandre Dumas có tựa đề The Vicomte of Bragelonne: Ten Years Later, tựa Việt là Mười năm sau nữa.
Tuy nhiên, giáo sư Mỹ cho hay các sử gia đều chấp nhận giả thuyết rằng người tù bí ẩn tên là Eustache Dauger và thi thoảng ông ta mới mang mặt nạ được làm bằng vải nhung chứ không phải bằng sắt, theo tuyên bố trên website của Đại học California tại Santa Barbara.
Giải mã
Không dừng lại ở đó, các sử gia cũng khá chắc chắn rằng tù nhân mang mặt nạ là một người hầu, dù không xác định đây là người hầu của ai, cũng như lý do tại sao ông này bị giam trong điều kiện canh giữ cẩn mật suốt hơn 30 năm.
Trong cuốn The Search for the Man in the Iron Mask: A Historical Detective Story (tạm dịch Cuộc truy tìm người đàn ông mang mặt nạ sắt: Một câu chuyện trinh thám lịch sử), Giáo sư Sonnino đã cung cấp cho người đọc các tài liệu ghi nhận lịch sử, thư tín liên quan đến tù nhân nổi tiếng và những khía cạnh khác của cuộc điều tra.
Dựa trên các bằng chứng, nhà nghiên cứu xác định ông Dauger là người hầu cho thủ quỹ của Hồng y Mazarin, người đảm nhiệm chức vụ tương đương với thủ tướng Pháp hiện nay vào thời vua Louis 14. Vị hồng y đã tích luỹ được một gia sản khổng lồ và Giáo sư Sonnino cho rằng trong suy nghĩ của người hầu này không phải khoản tiền nào của Hồng y Mazarin cũng “sạch sẽ”.
“Tôi có thể xác định được Hồng y Mazarin đã biển thủ không ít tài sản từ vị vua đời trước… Dauger ắt hẳn đã ba hoa không đúng lúc. Ông ta bị trình báo, bị quẳng vào ngục với lời đe dọa rằng nếu dám tiết lộ danh tính, cái chết sẽ giáng xuống ngay lập tức”, theo giáo sư Mỹ.
Lịch sử ghi nhận Hồng y Mazarin đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với thái hậu Anne và đến khi vị hồng y chết, vua Louis 14 mới chính thức cai trị vương quốc ở tuổi 23, ghi dấu ấn là triều đại dài nhất trong lịch sử của Pháp và châu Âu – 72 năm.