02/11/2024

Hội nghị Môi sinh Nairobi

Trong các ngày từ 23 tới 27 tháng 5 vừa qua, Hội nghị Môi sinh lần thứ hai, do Liên Hiệp Quốc tổ chức, đã diễn ra tại Nairobi, thủ đô Kenya. Tham dự hội nghị có hơn 2.300 người thuộc 170 quốc gia. Hội nghị thảo luận về các vấn đề như: sự phát triển có thể chịu đựng nổi, khí hậu thay đổi, việc thải các các cặn bã độc hại và rác rưởi vào lòng biển và nạn buôn bán thú vật bất hợp pháp.

 Hội nghị Môi sinh Nairobi

 

 
Trong các ngày từ 23 tới 27 tháng 5 vừa qua, Hội nghị Môi sinh lần thứ hai, do Liên Hiệp Quốc tổ chức, đã diễn ra tại Nairobi, thủ đô Kenya. Tham dự hội nghị có hơn 2.300 người thuộc 170 quốc gia. Hội nghị thảo luận về các vấn đề như: sự phát triển có thể chịu đựng nổi, khí hậu thay đổi, việc thải các các cặn bã độc hại và rác rưởi vào lòng biển và nạn buôn bán thú vật bất hợp pháp. 

Để chuẩn bị cho bản tường trình toàn cầu về môi sinh sẽ được phổ biến trước năm 2018, các phái đoàn tham dự Hội nghị Môi sinh Nairobi đã soạn thảo các nghiên cứu liên quan tới tình hình báo động của nhiều đại lục và yêu cầu các chính quyền bảo vệ các hệ thống môi sinh, giảm mức độ gây ô nhiễm, giảm việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên và sự tuỳ thuộc các năng lượng gây ô nhiễm như dầu hoả, khí đốt và than đá, đầu tư nhiều hơn vào việc nghiên cứu sự phát triển có thể chịu đựng được và gia tăng sự cộng tác giữa các quốc gia với nhau.

Sau đây là tình hình tổng quát của các đại lục: Tại Châu Mỹ Latinh và quần đảo vùng Caraibi, việc thải thán khí vào không trung đã gia tăng nhiều, khiến cho hiện tượng hâm nóng trái đất trầm trọng hơn. Sự kiện sinh hoạt nông nghiệp và chăn nuôi lan rộng cũng khiến cho mức adốt, anidride carbonica và metano gia tăng trong không khí. Đặc biệt trong các thành phố lớn mức bụi ô nhiễm đã vượt quá mức do Tổ chức Sức khoẻ Thế giới ấn định. Khí hậu thay đổi khiến cho đá băng vùng núi Andes tan chảy gia tăng các tai ương thiên nhiên.

Tại Á châu và vùng Thái Bình Dương, mức ô nhiễm môi sinh cũng gia tăng vì hậu quả của việc phát triển kinh tế. Nước ngọt trở nên khan hiếm hơn và đặc biệt có tệ nạn không kiểm soát các cặn bã thải vào lòng biển. Đi vào cụ thể, người ta nhận thấy nạn ô nhiễm môi sinh đặc biệt trầm trọng điển hình như tại Trung Quốc. Nhiều con sông tại Trung Quốc, đã trở thành các con sông chết, sình lầy hôi thối, vì các nhà máy tự do thải các chất độc khiến cho cá và mọi sinh vật không thể sống nổi.

Vì muốn phát triển kinh tế nhanh chóng bằng mọi cách, Nhà nước Cộng sản Bắc Kinh không có các luật lệ kiểm soát chặt chẽ các sinh hoạt kỹ nghệ. Hay có luật lệ đấy, nhưng chúng không được thi hành một cách nghiêm chỉnh. Nạn gian tham hối lộ mở được mọi cánh cửa. Vì thế, ô nhiễm môi sinh không thể thuyên giảm. Từ trên máy bay nhìn xuống các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, người ta thấy chúng như bị lợp bằng một mái tròn khói dày dặc hơn Los Angeles rất nhiều. Và trong các năm qua, mức độ ô nhiễm vì khói, bụi, khiến cho số người sống trong các thành phố lớn bị các chứng bệnh về đường hô hấp gia tăng, đặc biệt là trẻ em và người già.

Riêng tại vùng Đông Nam Á, thí dụ kinh hãi nhất là nạn cá và hải sản chết dọc bờ biển miền Trung Việt Nam gây ra bởi các chất độc hại của nước thải từ nhà máy Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, do Tập đoàn Formosa Đài Loan và Trung Quốc làm chủ. Tại Á châu và vùng Thái Bình Dương, hằng năm có hơn 1 triệu hécta rừng già bị tàn phá và 30% tổng số dân phải uống nước bị ô nhiễm bởi phân người và các loại hoá chất do các nhà máy thải ra bừa bãi, sinh ra nhiều bệnh tật khác nhau.

Trong vùng Tây Á, có nạn sa mạc lan tràn, gây ra nạn thiếu nước, hạn hán, mất mùa và thiếu thực phẩm. Trong khi đó các cuộc chiến vẫn tiếp diễn khiến cho hàng triệu người phải di cư tị nạn và sống vất vưởng chen chúc nhau trong các nơi chật hẹp, thiếu mọi điều kiện vệ sinh nên dễ bị nạn dịch tễ.

Liên quan tới Phi châu, nạn ô nhiễm hằng năm khiến cho 600.000 người bị bệnh. Và trong toàn đại lục mênh mông này chỉ có 68% tổng số dân có nước trong lành để uống. Ngoài ra, phân nửa dân chúng sống trong miền nam sa mạc Sahara không được săn sóc y tế. Nạn sông ngòi ô nhiễm cũng gây ảnh hưởng trên đại dương. Trong khi trên đất liền nạn tàn phá rừng già để lấy đất đai trồng trọt phát triển nông nghiệp và kỹ nghệ khiến cho tình hình ngày càng trầm trọng hơn.

Trong vùng Bắc Mỹ, nơi môi sinh được cải tiến rõ rệt, khí hậu ngày càng trong lành hơn. Nước uống rất tốt, có nhiều vùng được che chở bảo vệ sinh thái khác biệt, cả khi cũng còn có tới 140 triệu người vẫn chịu cảnh ô nhiễm môi sinh. Khí hậu thay đổi gây ra nạn hạn hán tại Texas và các tàn phá của bão Sandy. Tuy nhiên, nỗ lực giảm thải thán khí vào không trung đang đem lại các kết quả đáng khích lệ.

Trên các vùng Bắc Cực, sự kiện trái đất bị hâm nóng khiến cho diện tích đá băng giảm xuống vì bị tan chảy, giống như tình trạng của các vùng tuyết và đá băng trên các đỉnh núi cao trong đất liền.

Danh sách các đề nghị mà Hội nghị Môi sinh Nairobi yêu cầu các chính quyền thực thi khá dài. Trước hết là bảo vệ các hệ thống sinh thái, tiếp đến là nỗ lực giảm mọi hình thức gây ô nhiễm và việc khai tác các tài nguyên thiên nhiên, thêm vào đó là giảm việc tuỳ thuộc các loại năng lượng thường sử dụng từ trước tới nay gây ô nhiễm môi sinh, đầu tư vào việc kiếm tìm các nguồn năng lượng sạch mới, đầu tư nhiều hơn vào việc thành thị hoá và lĩnh vực chuyển chở, với các chương trình tạo môi trường sống lành mạnh cho dân chúng, gia tăng sự cộng tác giữa các quốc gia, và trao đổi các dữ kiện và thông tin.

Hiển nhiên và nguy hại nhất là sự kiện khí hậu thay đổi, kéo theo sau nhiều hậu quả tiêu cực. Trước hết là hiện tượng nhiệt độ trái đất gia tăng vì bị hâm nóng bởi hàng tỉ mét khối thán khí thải vào trong không trung hằng năm, khiến cho nạn ô nhiễm môi sinh gia tăng. Nó cũng khiến cho các mùa mưa bị thay đổi hay đảo lộn không điều hoà như trước nữa. Những vùng xưa kia mưa thuận gió hoà thì nay hay bị lụt lội hay ngược lại là bị nạn hạn hán. Các trận mưa xối xả dữ dội như trút nước trong các vùng nhiệt đới từ từ cũng xảy ra trong các vùng khác. Thêm vào đó còn có hiện tượng đá băng và tuyết tan chảy, khiến cho mực nước đại dương dâng cao. Tình hình hiện nay cho thấy các thay đổi khí hậu này sẽ tiếp tục và các biến cố thời tiết thái quá sẽ tạo ra nguy cơ lụt lội và hạn hán ngày càng thường xuyên và mạnh mẽ hơn. Âm hưởng và các yếu tố của tình trạng dễ bị thương tích đối với thiên nhiên, nền kinh tế và sức khoẻ của chúng ta thay đổi tuỳ theo các vùng miền, đất đai và các lĩnh vực kinh tế tại Âu châu. Phần lớn việc hâm nóng trái đất được kiểm thực từ giữa thế kỷ XX là do việc thải quá nhiều thán khí vào trong không trung. Các loại thán khí này phát xuất từ các kinh hoạt của con người. Trong 150 năm qua, độ nóng của trái đất đã gia tăng 0,8 oC. Và người ta dự trù trái đất sẽ càng ngày càng nóng. Nếu độ nóng tăng lên hơn 2 oC so với độ nóng của thời tiền kỹ nghệ, thì sẽ có nguy cơ xảy ra các thay đổi nguy hiểm cho các hệ thống cuộc sống con người và thiên nhiên trên toàn cầu. Thoả hiệp của Liên Hiệp Quốc về Khí hậu Thay đổi đã thiết định hạn chế nhiệt độ khí hậu trung bình toàn cầu là dưới 2 oC. Để đạt mục đích này cần giảm 50% lượng thán khí thải vào trong không trung so với năm 1990 từ  nay cho tới năm 2050. Đây phải là nỗ lực của các nước kỹ nghệ giàu là các quốc gia thải nhiều thán khí vào trong không trung nhất. Liên hiệp Âu châu ủng hộ mục tiêu giảm 80-90% khí thải vào không trung nội trong năm 2050. Tuy có các đường lối chính trị cố gắng đạt mục đích nói trên, nhưng không khỏi tránh được vài thay đổi khí hậu, và vì thế cũng cần đề ra các chiến thuật và hành động giúp thích ứng với các thay đổi đó.

Các thay đổi khí hậu đảo lộn các hệ thống sinh thái khiến cho nhiều loại thảo mộc và thú vật tìm di chuyển về phía bắc gây ra hậu quả tiêu cực cho nông nghiệp, rừng già, việc sản xuất năng lượng, ngành du lịch và các cơ cấu hạ tầng nói chung. Tại Âu châu, các vùng dễ bị ảnh hưởng của hiện tượng này là Nam Âu châu và vùng Địa Trung Hải, do các làn sóng nóng và hạn hán, các vùng núi vì tuyết và đá băng tan chảy; các vùng duyên hải, các đồng bằng do mực nước biển dâng cao và các trận mưa, lũ lụt và bão; vùng cực Bắc Âu và Bắc Cực vì nhiệt độ gia tăng khiến đá băng tan chảy.

Trong số các lý do con người gây ra khiến khí hậu thay đổi, có các loại khí đốt: than đá, dầu lửa và hơi đốt sử dụng để sản xuất năng lượng, trong các lĩnh vực giao thông, kỹ nghệ và sử dụng tư nhân, nông nghiệp và các thay đổi đất đai canh tác như nạn tàn phá rừng già, việc đốt rác rưởi, việc dùng gas fluorurati có nguồn gốc kỹ nghệ.

Trong số các sáng kiến do Liên hiệp Âu châu đề ra để giảm hiện tượng hâm nóng trái đất, có việc phê chuẩn Thoả hiệp Môi sinh Kyoto, qua đó 15 nước thành viên được mời gọi giảm 8% tổng số thán khí thải vào trong không trung giữa năm 2008-2012, liên tục cải tiến sự hữu hiệu năng lượng của hàng loạt các máy móc gia dụng; bắt buộc dùng các nguồn năng lượng có thể canh tân được nhiều hơn như năng lượng đến từ gió, nước, và các loại năng lượng có thể canh tân trong lĩnh vực vận chuyển; ủng hộ việc phát triển các kỹ thuật bắt giữ và tích trữ thán khí do các trung tâm điện lực và các nhà máy lớn khác thải ra; can thiệp qua hệ thống trao đổi các lượng thải là dụng cụ chìa khoá của Liên hiệp giúp giảm thải thán khí đến từ kỹ nghệ. Hiện nay, Liên hiệp Âu châu còn thăng tiến việc thông tin tức liên quan tới các dữ kiện, các dấu chỉ, lượng định và dự kiến qua trung tâm dữ kiện âu châu liên quan tới các thay đổi khí hậu, để có thể phối hợp các chiến thuật chung một cách hữu hiệu hơn.  

 
 

Linh Tiến Khải