23/12/2024

Đức Thánh Cha thăm Tổ chức Chương trình Lương thực Thế giới

ROMA – Trong cuộc viếng thăm sáng ngày 13-6-2016 tại trụ sở Tổ chức Chương trình Lương thực Tế giới, ĐTC kêu gọi bài trừ quan niệm coi nạn đói là chuyện “thường tình, tự nhiên”. Chương trình Lương thực Thế giới (PAM, WFP) là cơ quan từ thiện lớn nhất của Liên Hiệp Quốc dấn thân chống nạn đói trên thế giới. Cơ quan này được thành lập năm 1962 và hiện có 11.000 nhân viên hoạt động…

 Đức Thánh Cha thăm Tổ chức Chương trình Lương thực Thế giới

 

 

Đức Thánh Cha viếng thăm Tổ chức Chương trình Lương thực Thế giới – AP

ROMA – Trong cuộc viếng thăm sáng ngày 13-6-2016 tại trụ sở Tổ chức Chương trình Lương thực Tế giới, ĐTC kêu gọi bài trừ quan niệm coi nạn đói là chuyện “thường tình, tự nhiên”.

Chương trình Lương thực Thế giới (PAM, WFP) là cơ quan từ thiện lớn nhất của Liên Hiệp Quốc dấn thân chống nạn đói trên thế giới. Cơ quan này được thành lập năm 1962 và hiện có 11.000 nhân viên hoạt động, phần lớn tại những vùng có nạn đói hoặc nạn suy dinh dưỡng. Trong năm 2014, Chương trình PAM đã trợ giúp lương thưc cho 80 triệu người tại 82 quốc gia trên thế giới.

Khi đến trụ sở lúc 9 giờ 20 phút, ĐTC đã được Bà Ertharin Cousin, Giám đốc Điều hành; Đức ông Fernando Chica Arellano, Quan sát viên thường trực của Toà Thánh tại cơ quan này; và Bà Stephanie Hochstetter Skinner-Klée tiếp đón tại khuôn viên, và hướng dẫn vào bên trong. Hai em bé đã trao hai giỏ hoa cho ĐTC rồi đặt trước bức tường tưởng niệm có ghi tên hàng trăm nhân viên của Tổ chức PAM đã tử nạn trong khi thi hành sứ vụ. 

ĐTC đã đến gần bức tường này và mặc niệm trong thinh lặng.

Sau khi chào thăm các quan chức cấp cao khác của Tổ chức PAM, Đức Thánh Cha đã hội kiến riêng với 3 vị lãnh đạo của tổ chức này, rồi chào thăm các vị quốc trưởng cũng như các bộ trưởng đến tham dự phiên họp khai mạc của Hội đồng Chấp hành Tổ chức PAM.

Khi ĐTC tiến vào thính đường, mọi người đã nồng nhiệt vỗ tay chào mừng. Rồi hai bà chủ tịch và giám đốc điều hành tổ chức PAM đã lần lượt chào ĐTC.

Diễn văn của ĐTC

Trong diễn văn bằng tiếng Tây Ban Nha nhân dịp này, ngài đặc biệt kêu gọi mọi người đừng coi lầm than là chuyện bình thường, để rồi không còn nhạy cảm đối với những thảm trạng của người khác; ngoài ra cần giải trừ sự “bàn giấy hoá nạn đói”, cụ thể là nạn buôn bán vũ khí, chiến tranh và xung đột vũ trang cản trở các nỗ lực bài trừ nạn đói. 

ĐTC nói: “Trong thế giới được liên kết với nhau và siêu thông tin như chúng ta đang sống, những khoảng cách địa lý dường như được thu ngắn lại. Chúng ta có thể có những tiếp xúc hoặc chứng kiến hầu như đồng thời với những gì đang xảy ra ở nơi khác trên trái đất… Nhưng có một điều nghịch lý là dường như sự gần gũi do thông tin tạo nên như thế ngày càng bị thu hẹp lại. Thông tin thái quá mà chúng ta có được dần dần tạo nên sự bình thường hoá lầm than. Nghĩa là dần dần chúng ta không còn nhạy cảm đối với những thảm trạng của người khác và coi chúng như những điều “tự nhiên”, bình thường. Vì thế, bao nhiêu hình ảnh được truyền tới chúng ta và chúng ta nhìn thấy đau khổ, nhưng chúng chẳng đánh động chúng ta nữa, chúng ta nghe thấy tiếng khóc, nhưng chúng ta không an ủi, chúng ta thấy đói khát, nhưng chúng ta không đáp ứng nó…”

ĐTC nhấn mạnh: “Cần chấm dứt tình trạng coi lầm thay như điều bình thường, tự nhiên và ngưng coi nó như một sự kiện của thực tại như bao nhiêu điều khác, bởi vì lầm than có một khuôn mặt. Nó có khuôn mặt của một trẻ thơ, một gia đình, người trẻ và người già. Nó có khuôn mặt của sự thiếu cơ may và công ăn việc làm của biết bao nhiêu người, khuôn mặt của những vụ cưỡng bách di cư, những căn nhà bị bỏ hoang hoặc bị phá huỷ. Chúng ta không thể coi nạn đói của bao nhiêu người là điều tự nhiên, không được nói rằng tình trạng của họ là kết quả của một định mệnh mù quáng, mà chúng ta không thể làm gì được. Khi lầm than không còn có một khuôn mặt nữa, thì chúng ta có thể rơi vào cám dỗ bắt đầu nói và thảo luận về nạn đói, về sự dinh dưỡng, bạo lực và bỏ quan một bên chủ thể cụ thể, thực tế, đang gõ cửa nhà chúng ta…”

Cũng trong chiều hướng ấy, ĐTC nhắc lại cuộc viếng thăm của ngài tại trụ sở Lương nông Quốc tế (FAO), ngày 20-11-2014, trong dịp đó ngài khẳng định rằng thế giới có đủ lương thực cho mọi người, tất cả mọi người, “nhưng không phải tất cả đều có thể được ăn, trong khi nạn phí phạm, loại bỏ, tiêu thụ lương thực thái quá hay dùng lương thực vào những mục tiêu khác đang xảy ra trước mặt chúng ta”. 

Ngài áp dụng vào cuộc viếng thăm này và khẳng định:

“Chúng ta hãy ý thức rõ: sự thiếu lương thực không phải là một cái gì tự nhiên, không phải là một sự kiện hiển nhiên. Ngày nay, giữa thế kỷ 21, nhiều người vẫn còn đau khổ vì thiếu lương thực và tai ương ấy là do sự phân phối các tài nguyên một cách ích kỷ và sai trái, biến thực phẩm thành hàng hoá. Đất đai bị ngược đãi và bóc lột tại nhiều nơi trên thế giới tiếp tục mang mang lại chúng ta hoa màu, tiếp tục cung cấp cho chúng ta những gì tốt đẹp nhất; những khuôn mặt của những người đói nhắc nhớ cho chúng ta rằng chúng ta đã đảo lộn những mục tiêu của trái đất. Một món quà, có mục đích mưu ích cho tất cả mọi người, nhưng chúng ta lại biến nó thành một đặc ân của một ít người.

Trào lưu duy tiêu thụ tràn lan trong các xã hội chúng ta, làm cho chúng ta quen với sự thừa thãi và hằng ngày phung phí lương thực, lương thực mà nhiều khi chúng ta không có khả năng mang lại cho nó giá trị đúng đắn, vượt lên trên những tiêu chuẩn kinh tế… Nhưng chúng ta cần nhớ rằng phí phạm lương thực là điều giống như ăn trộm từ bàn ăn của người nghèo, của người đói. Điều này đòi chúng ta phải suy tư về vấn đề thất thoát và phí phạm lương thực, để tìm ra những phương thế nghiêm túc đối phó với vấn đề, để thực thi tình liên đới và chia sẻ với những người túng thiếu nhất.”

Chống “bàn giấy hoá” nạn đói


Tiếp tục diễn văn, ĐTC đề cập đến vấn đề bàn giấy hoá. Ngài nói: “Có những hành động như thể bị kẹt, bị chặn đứng. Tình trạng bấp bênh của thế giới như chúng ta đang sống là điều mọi người đều biết. Trong thời gian gần đây chiến tranh và những hiểm hoạ xung đột trở thành những quan tâm chính của chúng ta và được thảo luận nhiều. Vì thế, đứng trước bao cuộc xung đột hiện nay, dường như vũ khí đã đạt tới mức độ ưu tiên khác thường, đến độ chúng loại bỏ những cách thức khác để giải quyết các tranh chấp. Tình trạng ấy ăn rễ sâu và được người ta chấp nhận đến độ nó cản trở việc phân phối lương thực tại những vùng chiến tranh, thậm chí đi tới sự vi phạm những nguyên tắc và quy luật cơ bản nhất của công pháp quốc tế hiện hành từ nhiều thế kỷ.

Do đó, chúng ta đứng trước một hiện tượng lạ thường và mâu thuẫn: trong khi những viện trợ và kế hoạch phát triển bị cản trở vì những quyết định chính trị phức tạp và khó hiểu, hoặc vì những quan điểm ý thức hệ thiên lệch hoặc vì những hàng rào quan thuế không thể vượt qua được, thì vũ khí lại không hề bị cản trở; nó xuất phát từ đâu, đó chẳng phải là điều quan trọng, vũ khí tự do lưu hành, hầu như một cách tuyệt đối trong nhiều vùng trên thế giới. Do đó, chính chiến tranh được nuôi dưỡng, chứ không phải con người. Trong một số trường hợp, chính nạn đói được sử dụng như một vũ khí chiến tranh. Và các nạn nhân gia tăng, vì số người chết đói và kiệt lực thêm vào số những chiến binh bị chết trên chiến trường và nhiều thường dân bị giết trong các cuộc xung đột và khủng bố. Chúng ta ý thức rõ điều đó, nhưng chúng ta để cho lương tâm mình bị tê liệt, và chúng ta không còn để lương tâm mình được nhạy bén nữa. Qua đó, vũ lực trở thanh phương thế hành động duy nhất của chúng ta, và mục tiêu cần ưu tiên đạt tới là quyền lực. Dân chúng yếu đuối nhất không những đau khổ vì chiến tranh, nhưng đồng thời họ thấy mọi sự viện trợ bị cản trở. Vì thế, điều cấp thiết là phải giải trừ thứ bệnh bàn giấy cản trở các kế hoạch viện trợ nhân đạo, không cho các kế hoạch này đạt tới mục đích. Trong lĩnh vực này, chúng ta có một vai trò cơ bản, vì chúng ta cần những vị anh hùng thực sự, có khả năng mở ra những con đường, kiến tạo những nhịp cầu, tạo điều kiện dễ dàng cho những hoạt động đặt nặng tầm quan trọng khuôn mặt của người đau khổ. Những sáng kiến của cộng đồng quốc tế cũng phải hướng về mục tiêu ấy.”

Trong phần kết của bài diễn văn, ĐTC nói đến sự sẵn sàng đóng góp của Giáo hội Công giáo vào những sáng kiến nhắm cứu vãn phẩm giá con người, nhất là những người bị chà đạp các quyền của mình. Ngài nói: “Tôi cam đoan với quý vị sự hỗ trợ hoàn toàn và sự nâng đỡ trọn vẹn của chúng tôi để tạo điều kiện dễ dàng cho mọi cố gắng đã bắt đầu.”

Sau bài diễn văn, ĐTC bước ra khỏi hội trường để chào thăm một nhân viên của Tổ chức PAM bị thương trong khi thi hành sứ vụ, rồi ngài tiến ra ngoài khuôn viên của Tổ chức PAM để chào thăm tất cả các nhân viên và gia đình những người đang phục vụ tại trụ sở này.

 
 
 

G. Trần Đức Anh OP