02/11/2024

Ô nhiễm không khí liên quan đến bệnh tâm thần gia tăng ở trẻ em

Một nghiên cứu mới đây cho thấy ô nhiễm không khí làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tâm thần ở trẻ em, ngay cả khi ô nhiễm ở mức thấp.

 

Ô nhiễm không khí liên quan đến bệnh tâm thần gia tăng ở trẻ em

 

 

Một nghiên cứu mới đây cho thấy ô nhiễm không khí làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tâm thần ở trẻ em, ngay cả khi ô nhiễm ở mức thấp.

 

 

Đây là nghiên cứu đầu tiên thiết lập mối liên kết này, nhưng cũng là nghiên cứu phù hợp với bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần và nhận thức và trẻ em rất dễ bị tổn thương do chất lượng không khí kém.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMJ Open, đã kiểm tra sự tiếp xúc với ô nhiễm của hơn 500.000 người dưới 18 tuổi ở Thuỵ Điển, từ đó so sánh với hồ sơ của các loại thuốc điều trị bệnh tâm thần, từ thuốc an thần đến thuốc chống thần kinh.

Anna Oudin đến từ Đại học Umeå (Thuỵ Điển), người đứng đầu nghiên cứu cho biết: “Các kết quả chỉ ra rằng nồng độ ô nhiễm không khí thấp hơn có thể làm giảm các rối loạn tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tôi sẽ cảm thấy rất lo lắng nếu tôi sống trong một khu vực ô nhiễm không khí nặng nề”.

Giáo sư Frank Kelly thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) cho rằng đây là nghiên cứu hết sức quan trọng. “Nghiên cứu này dựa trên bằng chứng hiện có về việc trẻ em đặc biệt nhạy cảm với chất lượng không khí kém bởi cơ thể trẻ em hoạt động liên tục và có thể dễ bị tổn thương hơn cho đến khi hoàn toàn trưởng thành” – Giáo sư Frank Kelly nhấn mạnh.

Nghiên cứu cho thấy tình trạng ô nhiễm tăng ở mức thấp có liên quan đến sự gia tăng đáng kể của bệnh tâm thần. Ảnh: Alamy
Nghiên cứu cho thấy tình trạng ô nhiễm tăng ở mức thấp có liên quan đến sự gia tăng đáng kể của bệnh tâm thần. Ảnh: Alamy

Ô nhiễm không khí ở Anh vượt giới hạn pháp lý tại nhiều thành phố và ước tính gây ra 40.000 ca tử vong sớm mỗi năm, bao gồm các bệnh như bệnh phổi, đau tim và đột quỵ.

EU và WHO hạn chế NO2 ở mức 40 mg/m3, tuy nhiên mức độ này có thể tăng gấp nhiều lần ở các thành phố bị ô nhiễm như London (Anh). Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cứ 10 mg/m3 NO2 tăng thì tỷ lệ trẻ em mắc bệnh tâm thần tăng 9%. Tương tự, với mức độ gia tăng tương tự trong các hạt vật chất nhỏ (PM2.5 và PM10), tỷ lệ trẻ em mắc bệnh tâm thần sẽ tăng 4%.

Một khía cạnh nổi bật của nghiên cứu mới này là Thuỵ Điển dù có mức độ ô nhiễm không khí thấp nhưng các nhà nghiên cứu vẫn còn nhìn thấy mối liên kết giữa ô nhiễm không khí và bệnh tâm thần, thậm chí mức độ ô nhiễm dưới 15mg/m3.

Từ đó, Giáo sư Kelly khẳng định: “Thuỵ Điển không phải là một quốc gia có chất lượng không khí kém. Điều này cho thấy rằng các quốc gia và thành phố khác phải đối mặt với thử thách lớn hơn vì họ sẽ phải cải thiện đáng kể chất lượng không khí của họ để sạch hơn Thuỵ Điển”.

 

Mai Đan
Tổng hợp từ Guardian