Những hiệp sĩ môi trường: Học sinh thiết kế nhà sạch
Trước nỗi khổ của người dân sống cạnh núi rác, 2 học sinh lớp 10 ở TP.Đà Nẵng đã mày mò thiết kế nên mô hình ngôi nhà giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Những hiệp sĩ môi trường: Học sinh thiết kế nhà sạch
Trước nỗi khổ của người dân sống cạnh núi rác, 2 học sinh lớp 10 ở TP.Đà Nẵng đã mày mò thiết kế nên mô hình ngôi nhà giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Quách Đức Huy và Trần Thị Mỹ Duyên (lớp 10/14 Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng) đã đoạt giải nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2015 – 2016 dành cho học sinh khu vực phía nam, với mô hình ngôi nhà giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đọc báo, xem truyền hình thấy người dân ở khu vực bãi rác Khánh Sơn (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) phải sống trong bầu không khí ô nhiễm nặng nề, Duyên và Huy đã nảy ý định phải làm điều gì đó bằng sức lực nhỏ bé của mình để giúp cải thiện tình trạng này.
Khi ý định thiết kế nên một ngôi nhà giảm thiểu ô nhiễm cho người dân vùng rác loé lên, 2 bạn liền tìm đến cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Thu Nga, cũng là giáo viên sinh học của trường. Cô Nga khen ngợi về ý tưởng và hỗ trợ đắc lực để họ thực hiện kế hoạch.
TIN LIÊN QUAN
Cuộc sống hiện đại với rất nhiều tác động gây hại môi trường. Nhiều bạn trẻ đã không ngừng suy nghĩ, sáng kiến và hành động để bảo vệ môi trường.
Cô Nga cùng Duyên và Huy vào tận bãi rác để tìm hiểu, thực hiện đo đạc, quan trắc. “Khi em xuống bãi rác, mùi xú uế, hôi thôi xộc vào đầu dù đã mang mấy lớp khẩu trang. Chúng em phải nín thở để đo đạc, nhằm có những dữ liệu chính xác”, Huy kể. Trong quá trình thực hiện, cô Nga và các bạn kết nối với các doanh nghiệp, giảng viên có kinh nghiệm của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng để hỗ trợ những thiết bị đo đạc các loại không khí, mức độ ô nhiễm nhằm có những con số cụ thể nhất.
Tham khảo ý kiến của cô giáo Nga, Huy và Duyên quyết định sẽ làm mọi cách để giảm thiểu ô nhiễm ngay trong chính ngôi nhà họ. Họ đã nghiên cứu lắp đặt hệ thống lam cửa hình cánh buồm để có thể xoay được nhiều hướng. Mỗi khi gió bốc mùi hôi thối theo hướng nào thì lam cửa sẽ xoay theo hướng ngược lại, ngăn được mùi hôi thối xâm nhập vào nhà. Trong trường hợp nếu gặp ngày có lượng rác nhiều gây ô nhiễm nghiêm trọng, thì sẽ đóng cửa, nhưng vẫn để không khí vào nhà thông qua hệ thống quạt thông gió đã được gắn hệ thống lọc than hoạt tính để bắt giữ bụi, khí độc, diệt khuẩn, khử mùi hôi thối… Trong khi đó, trần nhà sẽ được sơn phủ một lớp sơn titan dioxide, có khả năng ô xy hóa các chất gây ô nhiễm. Khi tiếp xúc với mặt trời thì titan dioxide sẽ tạo ra can xi nitrat vô hại, thậm chí có thể thành phân để bón cho các loại cây cối xung quanh.
TIN LIÊN QUAN
Học sinh sáng chế thiết bị gom rác tự động
Dự án ‘Nắp cống gom rác tự động không sử dụng điện’ của Đỗ Thị Kim Dung và Trương Hữu Đức (học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh Đồng Nai) vừa giành giải nhì cấp Quốc gia năm 2016.
Trong căn nhà chống ô nhiễm, 2 học sinh này còn tận dụng cây xanh để giảm thiểu ô nhiễm, như các cây nén, bạc hà để đuổi muỗi, rắn; dương xỉ, lan ý… thì trồng ở những khu vực ô nhiễm nặng nhất.
Sau khi thực hiện việc đo đạc, kiểm nghiệm và nghiên cứu thiết kế nên mô hình, Duyên và Huy đã nhờ bà Nguyễn Thị Lý (trú cạnh bãi rác Khánh Sơn) để được thử nghiệm. 2 tuần sau khi bà Lý nhận lời, mô hình ngôi nhà chống ô nhiễm đã thành hình, với tổng chi phí cho tất cả các trang thiết bị là 10 triệu đồng.
Để kết quả nghiên cứu có được số liệu xác thực, cô Nga cùng 2 học trò đã mời Trung tâm nghiên cứu bảo vệ môi trường của ĐH Đà Nẵng đến đo đạc và thẩm định. Kết quả ngôi nhà được trang bị hệ thống giảm thiểu ô nhiễm của bà Lý có các chỉ số bụi, khí amoniac, hydrosunfua… đều thấp hơn so với những nhà xung quanh. 3 lần đo thì ngôi nhà đều đạt các tiêu chí giảm thiểu ô nhiễm.
“Mỗi căn nhà nếu xây mới thì chỉ tốn khoảng 4 – 5% trong tổng giá trị xây nhà nếu trang bị hệ thống chống ô nhiễm này, còn nếu là nhà cải tạo lại thì chi phí khoảng 10 triệu đồng. Đây thực sự sẽ hỗ trợ rất lớn cho đời sống người dân khu vực bãi rác, vốn vẫn đang chung sống cùng ô nhiễm bấy lâu nay”, cô Nga nói.
Diệu Hiền