23/12/2024

CHƯƠNG 11:Niên biểu Công giáo Việt Nam

Chúng tôi giới thiệu chương 11 của cuốn Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2015 sau khi được kiểm duyệt và sửa chữa theo đề nghị của Nhà Xuất bản Tôn Giáo.

 

NIÊN BIỂU CÔNG GIÁO VIỆT NAM

 

THẾ  KỶ XVI

Năm 1533, Lê Trang Tông được sự hỗ trợ của Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm, khởi sự nhà Lê Trung Hưng, đóng đô tại Thanh Hoá rồi tiến đánh nhà Mạc tái chiếm Thăng Long năm 1592.

1533 Vị thừa sai đầu tiên, được Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục XXXIII 6B nói đến tên Inikhu, đã lén đến truyền giáo ở xã Ninh Cường, huyện Nam Chân và xã Trà Lũ, huyện Giao Thuỷ thuộc Gp. Bùi Chu ngày nay.

1550  Cha Gaspar da Sancta Cruz, OP. từ Malacca đến truyền giáo tại Hà Tiên.

1580 Hai cha Luis da Fonseca, OP. và Grégoire de la Motte, OP. đến truyền giáo tại Quảng Nam.

1580 (?) Tín hữu Việt Nam đầu tiên, cụ Đỗ Hưng Viễn làng Bồng Trung, tỉnh Thanh Hoá rửa tội nhân chuyến đi sứ tại Macao, thời vua Lê Anh Tông.

1583 Cha Bartholomeo Ruiz, OFM. và phái đoàn dòng Phanxicô từ Macao đến truyền giáo tại miền khu vực nhà Mạc.

1591 Cha Ordoñez de Cevallos ban phép Thánh Tẩy cho công chúa Mai Hoa (Maria Flora), là chị của vua Lê Thế Tông.

1595 Hai cha Rafael da Madre de Deus và Miguel dos Santos, dòng Augustinh giảng đạo ở Quảng Nam.

1596-1631: Dòng Đaminh từ Philippines thực hiện bốn chuyến truyền giáo tại khu vực sông Cửu Long, theo lời mời của vua quan Chân Lạp.

THẾ  KỶ XVII

Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, sông Gianh chia đôi đất nước thành Đàng Ngoài, Đàng Trong. Nhà Nguyễn mở đất xuống phía Nam đến Khánh Hoà 1653, và Sài Gòn 1698.

1615 (18-1) Đoàn truyền giáo Dòng Tên, do linh mục François Buzomi SJ dẫn đầu, đến cửa Hàn, Đà Nẵng. Các vị truyền giáo tại Hội An, Nước Mặn, rồi Thuận Hoá và giảng đạo bằng tiếng Việt.

1624 Cha Đắc Lộ SJ đến miền nam. Cha giám tỉnh Mattos Dòng Tên nhóm họp các thừa sai để chia sẻ kinh nghiệm truyền giáo.

1625 Minh Đức Vương Thái Phi (1568-1648), thứ phi chúa Nguyễn Hoàng, rửa tội với tên thánh Maria Madalena.

1627 (19-3) Hai cha Đắc Lộ và Pedro Marquez tới cửa Bạng Thanh Hoá… Sau đó lên Kẻ Chợ, Thăng Long và được Trịnh Tráng hỗ trợ việc giảng đạo.

1630 Cha Đắc Lộ lập hội thầy giảng tại Đàng Ngoài, nhận lời khấn của 3 thầy Phanxicô, Inhaxiô và Anrê. Trong một năm, các thầy giảng rửa tội được 3.340 người và xây dựng được 20 nhà nguyện.

Một giáo hữu tên thánh Phanxicô, bị chém đầu vì tội chôn xác người chết. Ông là chứng nhân đầu tiên của Đàng Ngoài.

Các tín hữu Bắc Việt đệ trình Tâm thư bằng chữ Nôm nhờ cha Đắc Lộ dịch sang Latinh và chuyển đến ĐTC Urbanô VIII.

1640 Cha Đắc Lộ vào miền Nam, và lập hội thầy giảng năm 1643.

1644 (26-7) Chân phước thầy giảng Anrê Phú Yên bị chém đầu tại Quảng Nam.

1645 Hai thầy giảng Ignatiô và Vinh Sơn làm chứng cho đức tin. Cha Đắc Lộ bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam, cha đi Rôma, trình bày với ĐTC Innocentê X về công cuộc truyền giáo tại Việt Nam.

 

 

1645 Bốn nữ tu dòng Clara và hai cha dòng Phanxicô Tây Ban Nha, ghé Hội An, được Minh Đức Vương Thái Phi tiếp đón nồng hậu.

1651 Tại Rôma, cha Đắc Lộ cho xuất bản ba tác phẩm quốc ngữ: Tự điển Việt Bồ La; Văn phạm tiếng An Nam và Phép giảng tám ngày (giáo lý song ngữ La – Việt).

1652 Cha Đắc Lộ đến Paris, Pháp, vận động nhân sự truyền giáo tại Á Đông.

1658 (29-7) ngày khai sinh Hội Thừa sai Paris, khi Đức Thánh Cha Alexandro VII công bố đoản sắc đặt Đức cha François Pallu làm giám mục hiệu toà Heliopolis, và Đức cha Lambert de la Motte làm giám mục hiệu toà Berytus.

1659 (9-9), Đức Thánh Cha Alexandro VII ban sắc “Super Cathedram” thiết lập hai giáo phận tông toà đầu tiên tại Việt Nam:

Gp. Đàng Trong: từ sông Gianh trở vào Nam bao gồm Chân Lạp và Chiêm Thành do Đức giám mục Pierre Lambert de la Motte cai quản, với 20.000 tín hữu.

Gp. Đàng Ngoài: từ sông Gianh trở ra Bắc và miền Nam Trung Hoa do Đức cha François Pallu cai quản, với 80.000 tín hữu.

1662 (22-8) Đức cha Lambert, hai cha Bourges và Deydier đến ở tại Juthia, Thái Lan, nơi có độ 40 tín hữu Đàng Trong di tản thời bách hại.

1664 CĐ. Juthia: hai giám mục và 6 thừa sai hội họp đề ra đường hướng mục vụ. Các vị quyết định lập chủng viện miền ở Juthia, mời gọi giáo dân cộng tác (quý chức), cổ vũ chọn người lên chức linh mục.

1664 Cha Chevreuil, đại diện giám mục Lambert tới Đà Nẵng và Huế.

1666 Cha Deydier, đại diện giám mục Pallu tới Hà Nội.

1668 Bốn linh mục Việt Nam đầu tiên được truyền chức tại chủng viện Juthia. Đàng Trong có cha Giuse Trang và Luca Bền vào tháng Ba. Đàng Ngoài có cha Benedicto Hiền và Gioan Huệ vào tháng Sáu.

1670 (tháng 1) Tại Phố Hiến, Hưng Yên, Đức cha Lambert de la Motte truyền chức cho bảy tân linh mục.

(14-2) Đức cha Lambert, cùng chín linh mục Đàng Ngoài và ba thừa sai họp CĐ. Phố Hiến, kết thúc bằng bản Quy Luật 33 khoản, quy định các giáo xứ, nhà Đức Chúa Trời và khuyến dụ đạo đức.

(19-2) Đức cha Lambert nhận lời khấn hai nữ tu Annê và Paula tại Kiên Lao. Và thành lập dòng Mến Thánh Giá ngày 26/2.

1671 Đức cha Lambert thăm mục vụ Đàng Trong, lập dòng MTG tại An Chỉ, Quảng Ngãi.

1672 Đức cha Lambert họp CĐ. Đàng Trong ở Hội An (Hải Phố) gồm các giáo sĩ và 30 thầy giảng.

1675 Đức cha François Pallu tìm cách vào Gp. Đàng Ngoài, nhưng bị bão dạt qua Phi Luật Tân, bị người Tây Ban Nha nghi ngờ và bắt giải về Châu Âu. Ngài đi Rôma, vận động Toà Thánh lập thêm giáo phận mới. Ngài phụ trách Gp. Nam Hoa và qua đời ở Phúc Kiến (29/10/1683).

1676 (7-7) Theo lời mời của Đức cha Pallu, hai cha dòng Đaminh Juan Santa Cruz, OP. Juan Arjona, OP. từ Manila đến Phố Hiến. Cha chính Deydier trao cho các ngài vùng truyền giáo gồm 40 làng tỉnh Đông và Nam, tức Hải Dương và Nam Định.

1679 (24-7) Gp. Đông Đàng Ngoài được thành lập trao cho Đức cha Deydier, tách từ Gp. Đàng Ngoài theo ranh giới sông Hồng và sông Lô. Phần còn lại là Tây Đàng Ngoài với Đức cha De Bourges.

(15-6) Đức cha Lambert de la Motte qua đời tại Thái Lan, thọ 55 tuổi.

1691 Đức cha Pérez quốc tịch Bồ lai Thái được đặt phụ trách Đàng Trong như một thử nghiệm giám mục địa phương. Tại Đàng Ngoài, cha Giuse Phước được giới thiệu làm giám mục phụ tá, nhưng không thành.

1694 Dòng Tên có 2 linh mục tiên khởi Việt Nam: Valentin Suê và Leon Huệ.

1698 Thừa sai Raymundo Lezoli (+1706), thuộc dòng Đaminh, người Ý, được đặt làm giám mục Đông Đàng Ngoài.

THẾ KỶ XVIII

Cuộc chiến Trịnh Nguyễn kết thúc. Năm 1789 hoàng đế Quang Trung đại phá quân Thanh, khởi đầu nhà Tây Sơn.

1715  Nhà Phước Đa Minh (Dòng Ba Hãm mình thánh Dumingo) được cha chính Bustamante Hy thành lập tại Gp. Đông Đàng Ngoài.

1719 Dòng Phanxicô theo lời mời của Đức cha Perez đến phục vụ tại Gp. Đàng Trong cho đến khi thừa sai Odorico Phương qua đời năm 1834.

1723 Hai thừa sai đầu tiên thuộc Dòng Tên làm chứng cho đức tin: cha Messari chết trong nhà tù (23/6) và cha Bucharelli bị chém (11/10). Bốn vị dòng tên khác bị chém ngày 12/1/1737 là các cha Abreu, Alvarez, Cunha và Cratz.

1737 Toà Thánh đặt một giám mục Ý, dòng Augustinh, cai quản Gp. Đông là Đức cha Hilario de Gesù Hy (+1756).

1738 Hai tu sĩ Đa Minh Việt Nam tiên khởi là cha Pio de Santa Cruz và cha Juan de Santo Domingo tuyên khấn trong tay cha chính Valerio.

1745 (22-1) Hai thánh linh mục Francesco Gil de Federich Tế, OP. và Mateo Leciniana Đậu, OP. tử đạo tiên khởi trong danh sách 117 thánh tử đạo Việt Nam.

1747 Đức cha Hilario Hy làm Khâm sai Đàng Trong. Ngài chủ toạ CĐ. Phú Xuân, trao đổi về phương pháp làm việc chung giữa các thừa sai, và phổ biến tông chiếu “Ex quo” (1742) về việc thờ kính tổ tiên.

1757 Toà Thánh bổ nhiệm Đức cha Santiago Hermandez, OP. và trao Gp. Đông Đàng Ngoài cho các tu sĩ Đa Minh Tây Ban Nha.

1765 Chủng viện miền được đặt tại Hòn Đất, Hà Tiên, đến cuối năm 1769, do chiến tranh phải dời đến Pondichéry, Ấn Độ.

1773 (7-11) Thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm, OP., , và Casteñeda Gia, OP. (Tây Ban Nha) bị xử trảm. Hai vị tham gia “Hội đồng Tứ giáo”, gồm đạo diện Nho, Phật, Lão và Công giáo trao đổi các đề đài nhân sinh.

1798 Vua Cảnh Thịnh cấm đạo. Thánh linh mục Emmanuel Nguyễn Văn Triệu (17/9) và thánh linh mục Gioan Đạt bị xử trảm (28/10). Đức Mẹ đã hiện ra an ủi các tín hữu ẩn náu trong vùng rừng La Vang tỉnh Quảng Trị.

Tổng hợp Giáo hội có bốn vị thánh tử đạo thời Trịnh Nguyễn và hai vị thời Cảnh Thịnh.

THẾ K XIX

Gia Long lên ngôi năm 1802 khởi đầu 13 vua nhà Nguyễn, đặt kinh đô tại Phú Xuân (Huế). Từ 1858-1884, Pháp tấn công và từng bước đặt ách đô hộ trên đất nước Việt Nam.

1802  Tín hữu Việt Nam có khoảng 320.000, tại ba giáo phận:

– Đông Đàng Ngoài: l gm, 4 lm.ts, 41 lm.VN và 140.000 tín hữu. – Tây Đàng Ngoài: 1 gm, 5 lm.ts, 65 lm.VN và 120.000 tín hữu. – Đàng Trong: 1 gm, 5 lm.ts, 65 lm.VN và 60.000 tín hữu.

1825 Vua Minh Mạng ra chỉ dụ cấm các giáo sĩ ngoại quốc vào Việt Nam; và tập trung tất cả các giáo sĩ ngoại quốc về Huế để kiểm soát.

1833, 18361838 Vua Minh Mạng ra tiếp các chỉ dụ cấm đạo. Hội thánh Việt Nam có 58 vị thánh tử đạo trong thời này.

1839  (4-8) Đức Thánh Cha Grêgorio XVI gửi thư khích lệ tinh thần tín hữu Việt Nam.

1841  Giám mục Cuénot Thể mở CĐ. Gò Thị, Bình Định. Ngài chú tâm tới việc truyền giáo, huấn luyện và nâng cao trình độ cho hàng giáo sĩ.

1841-1847 Thời vua Thiệu Trị, Giáo hội tương đối bình an, chỉ có ba vị thánh tử đạo. Toà Thánh thiết lập thêm năm giáo phận mới.

1844 (17-5) Thành lập Gp. Tây Đàng Trong (Sài Gòn) gồm lục tỉnh và Cao Miên, do Đức cha Lefèbvre Ngãi chăm sóc. Phần còn lại là Đông Đàng Trong dưới quyền hướng dẫn của Đức cha Cuénot Thể.

1846 (27-3) Thành lập Gp. Nam Đàng Ngoài (Vinh), trao cho Đức cha Gauthier Hậu, tách từ Gp. Tây Đàng Ngoài.

1848 (5.9) Thành lập Gp. Trung Đàng Ngoài (Bùi Chu) do Đức cha Marti Gia chăm sóc, tách từ Gp. Đông Đàng Ngoài.

1850  (27-8) Thành lập hai Gp. Bắc Đàng Trong (Huế), do Đức cha Pellerin Phan cai quản, tách từ Đông Đàng Trong; và Nam Đàng Trong (Nam Vang) trao cho Đức cha Miche Mịch, tách từ Tây Đàng Trong.

Từ 1848 Vua Tự Đức ra nhiều chiếu chỉ cấm đạo. Đặc biệt là chiếu chỉ phân tháp năm 1861: giải tán các làng Công giáo, tịch thu tài sản, khắc trên má tên làng và bốn chữ “Giatô tả đạo”, phân tán họ vào các làng lương dân.

Giáo hội Việt Nam có 50 vị thánh tử đạo dưới thời Tự Đức.

1861  Nhiều vụ sát hại tín hữu tập thể tại miền Nam: Biên Hoà 400 người, Bà Rịa 444 người, Mỹ Tho 43 người tại Ba Giồng và Hữu Đạo.

1862 Nhiều tín hữu bị sát hại tập thể tại miền Bắc: gần 600 người tại Nam Định, và 100 đầu mục tại cổng tả thành Bắc Ninh.

(5.6) Vua Tự Đức ký với Pháp hoà ước Nhâm Tuất. Sau đó nhân ngày sinh nhật vào tháng 7, vua tuyên bố khoan dung cho các tín hữu.

1860 Các nữ tu dòng Saint Paul de Chartres từ Hồng Kông đến Sài Gòn.

1862 Các nữ tu dòng kín Cát Minh từ Lisieux, Pháp, đến Sài Gòn.

1866  Dòng Sư huynh Lasan đến Sài Gòn để mở các trường trung học.

(17-8) Đức cha Gauthier Hậu cùng ông Nguyễn Trường Tộ được vua Tự Đức cử đi Pháp mua thiết bị xây trường kỹ thuật. Nhưng trường không mở được, vì bị các quan lại phản đối.

1868-1888 Phong trào Văn Thân và Cần Vương, với chủ trương “Bình Tây sát Tả” tàn phá nhiều làng Công giáo tại Huế, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình và Nam Định

1883 (1-6) Toà Thánh thiết lập Gp. Bắc Đàng Ngoài (Bắc Ninh), tách từ Gp. Đông Đàng Ngoài, gồm các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, và trao cho Đức cha Colomer Lễ.

1895 (15-4) Thành lập Gp. Đoài (Hưng Hoá), tách từ Tây Đàng Ngoài, gồm các tỉnh: Sơn Tây, Yên Bái, Hoà Bình, Lai Châu và được đặt dưới quyền điều khiển của Đức cha Paul Marie Raymond  Lộc.

THẾ K XX

Cuối thời Pháp thuộc, Việt Nam rơi vào tay Nhật Bản sáu tháng trước khi giành được độc lập năm 1945. Tiếp theo là chiến tranh ViệtPháp kết thúc với chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) và hiệp định Genève chia đôi đất nước. Năm 1960, Hàng Giáo phẩm Việt Nam được thành lập. GHVN phát triển trong bầu khí CĐ. Vaticanô II (1962-1965), đất nước thống nhất (1975) và đổi mới (1986).

1900  (11-2 đến 6-3) CĐ. Kẻ Sặt các giám mục Bắc Kỳ, do Đức cha José Terrés Hiến, OP. triệu tập và chủ sự.

(27-5) Đức Lêo XIII suy tôn 64 chân phước tử đạo Việt Nam.

1902 Thành lập Gp. Thanh (Phát Diệm và Thanh Hoá) tách từ Gp. Tây Đàng Ngoài, với Đức cha Jean Pierre Marcou Thành.

1906  (20-5) Đức Pio X suy tôn 8 chân phước tử đạo Việt Nam.

1909  (2-5) Đức Pio X suy tôn 20 chân phước tử đạo Việt Nam.

1912  (10 đến 24-11) CĐ. Kẻ Sở các giám mục Bắc Kỳ lần II, do Đức cha Pierre Gendreau Đông, MEP, triệu tập và chủ sự.

1913 (31-12) Thành lập phủ doãn Lạng Sơn Cao Bằng, tách từ Gp. Bắc Đàng Ngoài, được trao cho Đức ông Cothonay Chiểu, OP. và tỉnh dòng Đa Minh Lyon.

1924 (3-12) Mười một giáo phận chính thức đổi tên theo địa danh nơi đặt toà giám mục. Đó là Hà Nội, Hưng Hoá, Phát Diệm, Vinh, Hải Phòng, Bùi Chu, Bắc Ninh, Quy Nhơn, Huế, Sài Gòn và Nam Vang.

1925 (22-5) Lập Toà Khâm sứ Toà Thánh tại Đông Dương ở Huế, với các vị khâm sứ Constantino Ayuti (1925-28), Columban Dreyer, OFM. (1928-37) và Antonin Drapier, OP. (1937-50).

1932  Thành lập Gp. Kontum, tách ra từ Gp. Quy Nhơn, ngày 18-1, với đức cha Martial Jannin Phước, và Gp. Thanh Hoá, tách ra từ Gp. Phát Diệm, ngày 7-5, với Đức cha Cooman Hành.

1933 (11-6) Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, Giám mục tiên khởi Việt Nam, được Đức Pio XII tấn phong tại Đền thánh Phêrô, Rôma.

Thống kê 1,3 triệu tín hữu, 9,8% dân số, với 16 giám mục, 328 thừa sai, 1.158 linh mục Việt, 2.055 thầy giảng, 3945 tu sĩ nam nữ.

1934 (16-11 đến 6-12) Công đồng các giám mục Đông Dương họp tại Hà Nội, với 19 giám mục, 5 bề trên các dòng và 21 linh mục chuyên viên.

1935 Đức cha Nguyễn Bá Tòng chính thức phụ trách Gp. Phát Diệm.

1936 (9-3) Thành lập Gp. Thái Bình trao cho Đức cha Casado Thuận, OP. Đức cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn phụ trách Gp. Bùi Chu.

1938 (8-1) Thành lập Gp. Vĩnh Long với Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục.

1939 Phủ doãn Lạng Sơn được nâng lên thành Gp. Lạng Sơn, với Đức cha Hedde Minh, OP.

1945 Nạn đói Ất Dậu giết chết hơn 2 triệu người.

(2-9) Tuyên ngôn độc lập, thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.

1951  (29-4) Đức Piô XII suy tôn 25 chân phước tử đạo Việt Nam.

(8-10) Khâm sứ John Dooley dời Toà Khâm sứ ra Hà Nội, và triệu tập CĐ. Đông Dương lần II, từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 11.

1954 (21-7) Hiệp định Genève chia đôi nước Việt Nam theo vĩ tuyến 17. Biến cố di cư góp phần phát triển nhanh các Gp. miền Nam.

1955 (20-9) Thiết lập Gp. Cần Thơ với Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình.

1956 (15-2) Toà Thánh cử Đức cha Giuseppe Caprio làm Thanh tra Tông Toà tại Sài Gòn, sau được nâng lên hàng Đại lý Khâm sứ (13/3/1957).

(5-7) Thành lập Gp. Nha Trang với Đức cha Paul Piquet Lợi, MEP.

1958  (13-9) Khai giảng Giáo hoàng Học viện Pio X tại Đà Lạt.

Khai giảng Viện Đại học Đà Lạt, với viện trưởng tiên khởi là Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục (1957-1961).

1959 Toà Khâm sứ tại Hà Nội với khâm sứ John Dooley bị đóng cửa. Toà Thánh  thiết lập Toà Khâm sứ tại Sài Gòn với khâm sứ Marino Brini.

(8-12) cung hiến Vương cung Thánh đường Đức Bà, Sài Gòn.

(15 đến 18-12) Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc, kỷ niệm 300 năm hai Gp. Đàng Ngoài Đàng Trong và 100 năm Đức Mẹ Lộ Đức, do Hồng y Pietro Agagianian đặc sứ Toà Thánh chủ sự.

1960 (24-11) Đức Gioan XXIII qua sắc chỉ “Venerabilium Nostrorum thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam với 20 go phận trong đó có ba Tổng Gp. Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Và thành lập thêm ba giáo phận:

Gp. Đà Lạt với Đức cha Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền

Gp. Mỹ Tho với Đức cha Giuse Trần Văn Thiện

Gp. Long Xuyên với Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ.

1961  (22-8) Cung hiến Vương cung Thánh đường La Vang. Hiện nay đã bị tàn phá vì chiến tranh.

1962-1965 CĐ. Vaticanô II, có 17 giám mục Việt Nam tham dự.

1963 (18-1) Thành lập Gp. Đà Nẵng với Đức cha Phạm Ngọc Chi.

1964 Khâm sứ Toà Thánh Angelo Palmas tại Sài Gòn.

HĐGMVN được thành lập. Bản nội quy của Hội Đồng được đức Phaolô VI châu phê năm 1967.

Tại miền Nam, Giáo Hội phụ trách 145 trường trung học, 1.122 trường tiểu học, 58 cô nhi viện, 48 bệnh viện, 35 viện dưỡng lão, 8 trại phong và 159 phòng phát thuốc. (Niên giám 1964, tr 506)

1965 (14-6) HĐGMVN chính thức cho phép các nghi thức thờ kính tổ tiên.

(14-10) Thành lập Gp. Phú Cường với Đức cha Giuse Phạm Văn Thiên và Gp. Xuân Lộc với Đức cha Giuse Lê Văn Ấn.

1967 (22-6) Thành lập Gp. Ban Mê Thuột với Đức cha Phêrô Nguyễn Huy Mai.

1969 Toà Thánh đặt khâm sứ Henri Lemaitre, rời Sài Gòn tháng 12/1975

1975 (31-1) Thiết lập Gp. Phan Thiết, Đức cha Huỳnh Văn Nghi làm giám quản.

(30-4) Ngày chấm dứt chiến tranh. Đất nước thống nhất.

1976 (24-5) Đức Hồng y tiên khởi Việt Nam: Giuse Maria Trịnh Như Khuê.

1979  (30-6) Vị Hồng y thứ hai: Giuse Trịnh Văn Căn.

1980  (24-4 đến 1-5) HĐGMVN toàn quốc họp lần đầu tại Hà Nội, và ban hành “Thư Chung 1980”.

Hai phái đoàn giám mục Bắc và Nam Việt Nam đi “ad limina”.

1985  Ấn bản “Phụng vụ Các giờ kinh” được phổ biến thay cho bản Ronêo.

1987-1988 Các Đại Chủng viện Hà Nội, Sài Gòn, Cần Thơ, Vinh Thanh, Nha Trang và Huế lần lượt được khai giảng.

1988 (22-3) Nhà thờ Phát Diệm được xếp hạng di tích quốc gia.

(19-6) Đức Gioan Phaolô II suy tôn 117 Hiển thánh Tử Đạo Việt Nam.

1989 (1 đến 13-7) Hồng y Roger Etchegaray, đại diện Đức Gioan Phaolô II đến thăm Việt Nam.

1991 (25-9) Mẹ Têrêsa Calcutta thăm Việt Nam.

1993 (13-8) Bản dịch Kinh Thánh do nhóm Phiên dịch Các Giờ kinh Phụng vụ được phát hành.

1994  (26-11) Vị Hồng y thứ ba: Phaolô Phạm Đình Tụng.

1998 (4 đến 14-5) THĐGM về châu Á ở Rôma.

(24-6) Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình.

(13 đến 15-8) Lễ bế mạc Năm Toàn xá 200 năm Đức Mẹ La Vang và Đại hội hành hương lần 25 tại Huế, quy tụ khoảng 300.000 người.

THẾ KỶ XXI

2000  GHVN hoà niềm vui với Giáo Hội toàn cầu mừng Đại Năm Thánh, bước vào thiên niên kỷ mới.

(5-3) Thầy giảng Anrê Phú Yên, được suy tôn Chân phước tại Rôma.

2001 Vị Hồng y thứ tư: Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được chọn.

2002 Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận qua đời tại Rôma vì bệnh ung thư.

2003  HĐGMVN tổ chức “Năm thánh Truyền giáo”, kỷ niệm 470 năm Tin Mừng đến trên quê hương Việt Nam (từ 1533).

(21-10) Vị Hồng y thứ năm: Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn.

2005  (2211) Thành lập Gp. Bà Rịa, tách từ Gp. Xuân Lộc, với Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm.

Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc được khai giảng.

(28-11 đến 5-12) Hồng y Crescenzio Sepe, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo và phái đoàn đến thăm GHNV.

2008  Nhà thờ Phú Nhai được nâng lên Vương cung Thánh đường.

2010 Giáo hội Việt Nam tổ chức Năm Thánh kỷ niệm 350 năm hai Gp. Đàng Ngoài Đàng Trong và 50 năm Hàng Giáo phẩm Việt Nam.

– Khai mạc tại Kẻ Sở ngày 24/11/2009.
– Đại hội Dân Chúa tại TP. Hồ Chí Minh từ 21-25/11/2010.
– Bế mạc tại Lavang ngày 6/1/2011, quy tụ khoảng 500 ngàn tín hữu.

Thống kê Hội thánh Việt Nam: 6.187.486 tín hữu, tỷ lệ 6,71% dân số, 3.741 linh mục (770 Dòng), 1.406 chủng sinh, 2.172 nam tu và 15.049 nữ tu (thuộc 124 đơn vị dòng tu) 56.698 Giáo lý viên.

2011  (13-1) Tổng Giám mục Leopoldo Girelli được đặt làm đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam.

(8-12) Nhà thờ Sở Kiện được nâng lên Vương cung Thánh đường.

2012  (10 đến 16-12) Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC) lần thứ X được tổ chức tại Gp. Xuân Lộc và TP. Hồ Chí Minh.

2013  (22-1) Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI tiếp Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Toà Thánh Vatican.

(5-7) Kết thúc hồ sơ điều tra phong thánh cấp giáo phận của đấng đáng kính: Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

(5 đến 10-8) Hội nghị các Đại Chủng viện Việt Nam tại Đà Lạt

2014  - Ngày 22/3/2014, ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đến thăm Vatican và có cuộc hội kiến với Đức Giáo hoàng Phanxicô.

– Ngày 9/5/2014, Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc – thay mặt HĐGMVN viết thư kêu gọi nêu quan điểm về tình hình Biển Đông, cụ thể là Sự kiện giàn khoan HD-981.

– Ngày 18/10/2014, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Nước CHXHCN Việt Nam, đến thăm Vatican và có cuộc hội kiến với Đức Giáo hoàng Phanxicô.

2015 (4-1) Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Hà Nội, được chọn làm Hồng y. Đây là vị Hồng y thứ sáu của GHCGVN.

 

Lm. Phanxicô Xaviê Đào Trung Hiệu, OP