“Quan toà” của người S’Tiêng
Trong làng xảy ra việc gì lớn hay nhỏ, ngày hay đêm, người ta đều gọi ông tới phân xử. Những lời ông nói ra luôn được dân làng nghe theo răm rắp.
“Quan toà” của người S’Tiêng
Trong làng xảy ra việc gì lớn hay nhỏ, ngày hay đêm, người ta đều gọi ông tới phân xử. Những lời ông nói ra luôn được dân làng nghe theo răm rắp.
Già làng Điểu Sết – Ảnh: Tấn Đức |
Ông là Điểu Sết, 72 tuổi, già làng của ấp Thuận Tiến đồng thời cũng là chủ tịch Hội đồng già làng xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú (Bình Phước).
Từ trụ sở UBND xã Thuận Lợi, chúng tôi rẽ vào con đường bụi đỏ ngoằn ngoèo, đi thêm gần chục cây số, xuyên qua những cánh rừng cao su bạt ngàn, tìm đến nhà già làng Điểu Sết ở cuối ấp Thuận Tiến.
Đây là một trong những ấp vùng sâu vùng xa nhất của xã Thuận Lợi với gần 80% dân số là người S’Tiêng, sinh sống từ bao đời.
Vừa gặp chúng tôi, già Sết đã cất tiếng: “Xã, ấp kêu bữa nay ở nhà vì có cán bộ vào, chứ không thì đã đi làm chứng cho hai đứa lấy nhau từ sáng sớm rồi”. Thì ra không chỉ làm “quan tòa” phân xử mọi việc, già làng còn kiêm cả người làm chứng.
“Ừ, cái gì lũ làng cũng kêu. Không ở với nhau nữa cũng kêu tao” – già Sết nói rồi cho chúng tôi biết ông phải cực khổ thế nào để hàn gắn tình cảm vợ chồng sứt mẻ, giúp gia đình đầm ấm trở lại.
Già Sết còn nổi tiếng là người hòa giải các vụ gây gổ, đánh nhau. Cách đây hơn tháng có hai nhóm thanh niên hiềm khích nhau từ trước, tụ tập uống rượu rồi đánh nhau ở ngã tư làng. Mọi người can ngăn không được liền gọi già làng cầu cứu.
Lúc đó chừng 10g đêm, nhận được điện thoại báo tin, ông liền tới khuyên bảo.
“Khuya rồi về nhà đi, còn ở đây hơn thua làm gì. Đánh nhau thì đứa nào cũng bị đau, phải đi bệnh viện, rồi còn bị bắt phạt, tiền đâu mà nộp, làm khổ cha mẹ, khổ vợ con. Nghe nói êm cái lỗ tai nên tụi nó xuống nước, xin lỗi nhau rồi êm luôn tới giờ” – già Sết kể.
Rồi bao nhiêu chuyện khác như con cãi cha mẹ, hàng xóm cãi nhau hay nạn trộm cắp mủ cao su, hái trộm điều, cà phê… dân làng đều mời già Sết đến phân xử.
Cả việc tuyên truyền Luật giao thông, vận động trẻ trong độ tuổi đi tiêm chủng và nhất là vận động học sinh ra lớp, chống bỏ học giữa chừng cũng cậy đến già làng.
Một nữ giáo viên ở trường tiểu học dân tộc của xã Thuận Lợi kể: “Năm học nào cũng vậy, nhất là tới mùa làm vườn, học sinh lại ùn ùn bỏ học.
Chúng tôi đi từng nhà vận động, nhưng nói mãi phụ huynh vẫn vô tư: “Vợ chồng bận đi hái điều, cạo mủ cao su nên phải cho nó nghỉ học ở nhà giữ em, xong mùa rồi đi học lại thôi mà. Bây giờ cô giáo muốn nó đi học thì vô nhà giữ con cho vợ chồng mình nhé”. Thấy không xong, chúng tôi cậy đến già Sết. Không biết ông nói cách gì mà bữa sau đã thấy học sinh ra lớp trở lại”.
Ngay cả những hủ tục đã ăn sâu đời sống của người S’Tiêng suốt nhiều thế hệ như hôn nhân cận huyết (con cô, con cậu lấy nhau); lễ “trả của” – đòi hỏi nhà trai phải đưa lễ vật là số lượng trâu, bò, lợn, gà kèm theo ché, tố, xà lung và nhiều món đồ khác, đúng như ngày trước cha vợ mang đi cưới mẹ vợ thì mới được phép rước dâu… nhờ già Sết khuyên giải, dân làng đã dần bãi bỏ hoặc giản lược hơn rất nhiều.
Vợ của già Sết là Điểu Thị Nát bảo: “Già rồi mà mấy ông chính quyền còn chưa chịu tha, bắt ổng làm miết, đi hoài”. Rồi bà cười: “Mà kệ, thấy ông giúp cho lũ làng được yên thì cũng vui cái bụng”. Nghe vợ nói, già Sết quay sang an ủi: “Đi chừng vài năm nữa hết sức thì ở nhà chơi với bà thôi”.
Ông Lê Đình Tám, chủ tịch UBND xã Thuận Lợi, cho biết: “Từ nhiều năm qua, bằng uy tín và nhiệt huyết của mình, già làng Điểu Sết đã góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn an ninh trật tự, ổn định và phát triển đời sống kinh tế – xã hội ở địa bàn dân cư”. Còn ông Lê Trường Chung – bí thư chi bộ, nguyên trưởng ấp Thuận Tiến, người đã gắn bó với địa bàn ấp hàng chục năm qua – bày tỏ: “Trên địa bàn ấp có tới năm dân tộc anh em cùng chung sống, do đó không khỏi có những khoảng cách nhất định trong phong tục, tập quán và cả ngôn ngữ, nhưng nhờ có già làng Điểu Sết làm trung tâm đoàn kết đã dần xoá nhoà khoảng cách đó, để mọi người chung tay xây dựng cuộc sống ngày thêm giàu đẹp”. |