23/12/2024

Thiên Chúa hoàn toàn rộng mở con tim cho người khiêm nhường

Kiêu căng làm hỏng mọi hành động tốt, khiến cho lời cầu nguyện thành trống rỗng và làm cho chúng ta xa cách với Thiên Chúa và với tha nhân. Trong khi khiêm nhường là điều kiện cần thiết để được Chúa nâng lên và sống kinh nghiệm lòng thương xót đổ đầy vào con tim chúng ta. Thiên Chúa hoàn toàn rộng mở con tim Ngài cho ngưòi khiêm nhường.

 Thiên Chúa hoàn toàn rộng mở con tim cho người khiêm nhường

 

 

ĐTC chào nữ văn sĩ Veronica Cantero Buroni, người Argentina, trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 1-6-2016 – REUTERS

Kiêu căng làm hỏng mọi hành động tốt, khiến cho lời cầu nguyện thành trống rỗng và làm cho chúng ta xa cách với Thiên Chúa và với tha nhân. Trong khi khiêm nhường là điều kiện cần thiết để được Chúa nâng lên và sống kinh nghiệm lòng thương xót đổ đầy vào con tim chúng ta. Thiên Chúa hoàn toàn rộng mở con tim Ngài cho ngưòi khiêm nhường.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với tín hữu và du khách hành hương trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 1-6. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói:

Thứ tư tuần trước chúng ta đã lắng nghe dụ ngôn ông thẩm phán và bà goá liên quan tới sự cần thiết phải kiên trì cầu nguyện. Hôm nay, với một dụ ngôn khác, Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta biết đâu là thái độ đúng đắn để cầu nguyện và khẩn nài lòng thương xót của Thiên Chúa Cha: phải cầu nguyện như thế nào. Một thái độ đúng đắn giúp cầu nguyện. Đó là dụ ngôn người pharisêu và người thu thuế.


Cả hai nhân vật lên đền thờ cầu nguyện, nhưng hành động trong các cách thức rất khác nhau và được các hiệu quả khác nhau. Ông pharisêu đứng cầu nguyện (c. 11) và dùng nhiều lời. Lời cầu nguyện của ông đúng là một lời cầu nguyện tạ ơn hướng tới Thiên Chúa, nhưng trong thực tế là một khoe khoang công đức của ông, với ý thức sự cao vượt đối với các người khác, bị coi như “trộm cướp, bất công, ngoại tình”, và ông cho biết người khác ở đó là “tên thu thuế” (c. 11). Nhưng vấn đề chính là ở đây: ông pharisêu cầu nguyện với Thiên Chúa, nhưng thật ra là ông nhìn vào chính mình. Ông cầu nguyện với chính ông. Thay vì có Chúa trước mắt thì ông có một tấm gương. Tuy ở trong đền thờ, ông không cảm thấy cần phủ phục trước sự oai nghiêm của Thiên Chúa. Ông đứng và cảm thấy chắc chắn, làm như thể ông là chủ nhân của đền thờ! Ông liệt kê các việc tốt lành đã làm được: ông là người không thể trách cứ vào đâu được, tuân giữ Lề Luật hơn điều cần thiết, “ăn chay tuần hai lần” và trả thuế thập phân cho tất cả những gì ông có.

Sau cùng, hơn là cầu nguyện ông pharisêu hài lòng với việc tuân giữ các điều luật. Thế nhưng thái độ và các lời nói của ông xa cung cách nói năng và hành xử của Thiên Chúa, là Đấng yêu thương tất cả mọi người và không khinh rẻ các người tội lỗi. Ông này khinh rẻ các người tội lỗi, cả khi ông ghi nhận người khác ở đó. Sau cùng, ông pharisêu tự coi mình là công chính, lại lơ là với giới răn quan trọng nhất là tình yêu thương đối Thiên Chúa và tha nhân.

Tiếp tục bài huấn dụ, ĐTC giải thích:

Như vậy, tự hỏi chúng ta cầu nguyện bao nhiêu chưa đủ, cũng phải tự vấn xem chúng ta cầu nguyện ra sao, hay tốt hơn con tim của chúng ta như thế nào: thật quan trọng duyệt xét nó, để lượng định các tư tưởng, các tâm tình và nhổ tận gốc rễ sự kiêu căng và giả hình. Nhưng tôi xin hỏi: Có thể cầu nguyện với sự kiêu căng không? Không. Có thể cầu nguyện với sự giả hình không? Không. Chúng ta chỉ phải cầu nguyện trước Thiên Chúa như chúng ta là mà thôi. Nhưng ông này đã cầu nguyện với sự kiêu căng và giả hình.

Chúng ta tất cả đều bị tóm giữ bởi nhịp sống quay cuồng, thường bị thống trị bởi các cảm xúc, các ồn ào và lẫn lộn. Cần phải học tìm lại con đường hướng về con tim, tái chiếm giá trị của sự thân tình và thinh lặng, bởi vì chính ở đó Thiên Chúa gặp gỡ và nói với chúng ta. Chỉ từ đó, tới phiên mình chúng ta mới có thể gặp gỡ tha nhân và nói chuyện với họ. Ông pharisêu đã tiến tới đền thờ, tự tin, nhưng lại không nhận ra là ông đã lạc mất con đường của trái tim.

Người thu thuế trái lại – kẻ khác – tự trình diện trong đền thờ, nhưng cũng không dám hướng mắt lên trời, mà đấm ngực” (c. 13). Lời cầu của ông rất ngắn gọn: nó không dài như lời cầu của ông pharisêu: “Ôi, lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Không có gì hơn. “Ôi, lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Lời nguyện thật đẹp. Chúng ta có thể lặp lại 3 lần, tất cả cùng nhau nhé? Nào hãy nói: “Ôi, lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” “Ôi lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” “Ôi, lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”

Thật ra, các người thu thuế được gọi như thế, bị coi như những người ô uế, tùng phục các kẻ thống trị ngoại quốc, bị dân chúng coi là xấu xa và thường bị xếp hạng với những người tội lỗi. Dụ ngôn dạy rằng người ta công chính hay tội lỗi không bởi sụ tuỳ thuộc xã hội, nhưng do kiểu tương quan với Thiên Chúa và kiểu tương quan với các anh em khác. Các cử chỉ sám hối và ít lời đơn sơ của ông thu thuế chứng minh cho ý thức của ông liên quan tới tình trạng khốn cùng của ông. Lời cầu của ông nòng cốt. Ông hành động như người khiêm tốn, chỉ chắc chắn mình là một kẻ có tội cần sự thương hại. Nếu ông pharisêu không xin gì, bởi vì ông có tất cả, thì ông thu thuế chỉ có thể ăn mày lòng thương xót của Thiên Chúa mà thôi. Điều này đẹp phải không? Ăn mày lòng thương xót của Thiên  Chúa.

Khi trình diện với “đôi bàn tay trắng”, với con tim trần trụi và nhận mình là kẻ tội lỗi, người thu thuế cho tất cả chúng ta thấy điều kiện cần thiết để nhận được ơn tha thứ của Chúa. Sau cùng, chính ông, bị khinh rẻ như vậy, lại trở thành hình ảnh của tín hữu đích thực.

Chúa Giêsu kết luận dụ ngôn với một phán quyết: “Tôi bảo anh em: người này nghĩa là ông thu thuế – khác với ông kia, trở về nhà mình được nên công chính, bời vì ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.” (c. 14). Trong hai người này ai là người thối nát? Ông pharisêu. Ông pharisêu chính là hình ảnh của người thối nát giả bộ cầu nguyện, nhưng chỉ thành công trong việc khoe khoang chính mình trước một tấm gương. Ông là người thối nát nhưng giả vờ cầu nguyện. Như thế, trong cuộc sống, ai tin mình công chính, phán xét các người khác và khinh rẻ họ, là người thối nát và là người giả hình. Sự kiêu căng làm hỏng mọi hành động tốt, khiến cho lời cầu nguyện thành trống rỗng và làm cho chúng ta xa cách với Thiên Chúa và với tha nhân.

Nếu Thiên Chúa ưa thích sự khiêm nhường thì không phải là để hạ nhục chúng ta: sự khiêm nhường là điều kiện cần thiết để được Chúa nâng lên và sống kinh nghiệm lòng thương xót đổ đầy vào con tim trống rỗng của chúng ta. Nếu lời cầu nguyện của kẻ kiêu căng không đạt tới trái tim của Thiên Chúa, thì sự khiêm nhường của kẻ bần cùng mở toang nó ra. Thiên Chúa có một sự yếu đuối: đó là sự yếu đuối đối với những kẻ khiêm nhường. Trước một con tim khiêm nhường, Thiên Chúa mở rộng con tim Ngài một cách hoàn toàn. Và sự khiêm hạ này Đức Trinh Nữ Maria diễn tả trong bài thánh thi Magnificat: “Người đã nhìn đến phận hèn của nữ tỳ Người… đời nọ sang đời kia lòng thương xót Người đối với những kẻ kính sợ Người.” (Lc 1,48-50). Xin Mẹ giúp chúng ta cầu nguyện với con tim khiêm tốn. Chúng ta hãy lập lại ba lần nữa lời cầu hay đẹp này: “Ôi, lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Ba lần: “Ôi lậy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”; “Ôi, lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”; “Ôi, lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”

ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương trong số 60.000 tín hữu và du khách hiện diện, đặc biệt các tín hữu đến từ nhiều giáo phận Pháp, như tín hữu Giáo phận Bayonne do ĐGM sở tại hướng dẫn. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước Anh, Ireland, Scotland, Na Uy, Thuỵ Điển, Việt Nam, Tung Quốc, Indonesia, Philippines, Nigeria, Canada và Hoa Kỳ. Ngài cầu chúc Năm Thánh là thời điểm ơn thánh và canh tân tinh thần cho từng người và từng gia đình.

Trong số các đoàn hành hương nói tiếng Đức, ngài chào các linh mục Giáo phận Wuerzburg do ĐGM sở tại hướng dẫn.

Trong các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha, ĐTC chào học sinh và giáo viên Trường Eça de Queiros, tín hữu Giáo xứ Lapa và tín hữu Giáo phận Paraná của Brasil. Ngài nhắc cho mọi nguời biết lời cầu nguyện rộng mở của con tim cho Thiên Chúa và mời gọi chúng ta đi ra ngoài gặp gỡ tha nhân, đặc biệt các anh chị em đang chịu thử thách và đem đến cho họ sự ủi an, ánh sáng và niềm hy vọng.

Trong các nhóm nói tiếng ẢRập, ĐTC chào một nhóm tín hữu Maronit đến từ Hoa Kỳ. Với các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC nói ngài hiệp ý với giới trẻ họp nhau tại Lednica trong tinh thần tín thác cuộc sống cho Chúa, với đúc tin mà cha ông họ đã lãnh nhận cách đây 1.050 năm. Ngài cầu chúc họ luôn biết lặp lại mỗi ngày tiếng ‘Amen’ với Chúa.

Với các đoàn hành hương nói tiếng Ý, ĐTC đặc biệt chào các nhóm đến từ nhiều giáo phận khác nhau, cũng như nhóm các tham dự viên khoá học do Bộ Phong Thánh tổ chức. Ngài khích lệ mọi người sống khiêm tốn, phổ biến lòng thương xót Chúa cho những người chung quanh và thăng tiến trong các giáo phận và dòng tu các án phong chân phước và phong thánh, lòng hăng say sống đức tin và tình thần truyền giáo và nên thánh.

Thứ sáu tới đây là Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, đặc biệt nhân dịp tĩnh tâm Năm Thánh của các linh mục và chủng sinh, ĐTC mời gọi mọi người cầu nguyện trong suốt tháng này và nâng đỡ gần gũi các linh mục để các vị là hình ảnh Thánh Tâm thương xót của Chúa. Ngài khích lệ giới trẻ biết kín múc nơi Thánh Tâm Chúa lương thực cho cuộc sống thiêng liêng. Với anh chị em đau yếu, ngài xin họ kết hiệp các khổ đau của họ với các khổ đau của Chúa. Ngài cũng nhắn nhủ các đôi tân hôn năng đến với Thánh Thể để cho cuộc sống gia đình được tình yêu của Thánh Tâm Chúa đánh động.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Toà Thánh ĐTC ban cho mọi người.


 

 

Linh Tiến Khải