Nữ cố vấn gốc Việt hàng đầu ở Nhà Trắng
Người góp phần quan trọng trong chính sách đối với Đông Nam Á nói riêng và chiến lược xoay trục nói chung của Tổng thống Obama là một nữ cố vấn gốc Việt.
Nữ cố vấn gốc Việt hàng đầu ở Nhà Trắng
Người góp phần quan trọng trong chính sách đối với Đông Nam Á nói riêng và chiến lược xoay trục nói chung của Tổng thống Obama là một nữ cố vấn gốc Việt.
“Chúng tôi trông cậy vào cô ấy trong mọi thành quả chính sách phi thường mà chúng tôi đã thực hiện được trong vài năm qua”. Đó là những gì mà Tổng thống Mỹ Barack Obama nói về bà Elizabeth Phú tại buổi nói chuyện với 800 thành viên của Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) trưa 25.5 ở TP.HCM.
Gọi bà bằng tên thân mật Liz một cách trìu mến, ông khẳng định: “Sau nhiều năm học hành và phấn đấu, Liz – một người Mỹ gốc Việt đáng tự hào – rốt cuộc đã trở thành một trong những cố vấn hàng đầu của tôi về châu Á trong Nhà Trắng”.
Thật vậy, trong gần 10 năm giữ cương vị uỷ viên Hội đồng An ninh quốc gia tại Nhà Trắng, Giám đốc các vấn đề an ninh Đông Nam Á, châu Đại Dương và Đông Á, bà Phú đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và hỗ trợ chính sách xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, đặc biệt là đối với khu vực chiến lược Đông Nam Á.
10 chỉ vàng và 20 USD
10 chỉ vàng! Cái giá mà bọn hải tặc đưa ra để kéo con thuyền ọp ẹp chở hơn 250 người Việt Nam vào bờ biển Malaysia. Frank Phú biết rằng đó là con đường duy nhất để bảo toàn mạng sống cho vợ và đứa con gái chập chững. Ông vận động những người trên thuyền gom góp cho đủ số, bỏ vào một túi nhỏ rồi ngậm chặt bơi sang tàu hải tặc. Nhờ vậy, thuyền của họ được chúng kéo đến gần đảo Pulau Penang. Sau thời gian sống trong một khu trại của chính quyền, cả gia đình cuối cùng cũng đã đặt chân lên đất California vào năm 1979, khi Elizabeth Phú chưa tròn 4 tuổi.
Đó là câu chuyện về hành trình đến Mỹ của một trong những phụ nữ thành công nhất cộng đồng người Việt tại nước này được thuật lại trên tờ Los Angeles Times. Và như lời Tổng thống Obama kể với các bạn trẻ Việt Nam: “Chỉ với 20 USD trong túi, cha mẹ Liz bắt đầu xây dựng một cuộc đời mới ở California. Họ dạy con cái về tầm quan trọng của giáo dục”.
Chính nghị lực của cha mẹ, nỗ lực của bản thân và sự thấu hiểu về tầm quan trọng của giáo dục mà bà Phú xây dựng được một sự nghiệp đầy thành quả. Theo trang Linkdln, bà lấy bằng cử nhân khoa học chính trị tại ngôi trường UC Berkeley danh tiếng vào năm 1997 rồi tiếp tục tốt nghiệp cao học chuyên ngành quan hệ quốc tế Thái Bình Dương tại UC San Diego.
Năm 2002, Elizabeth Phú bắt đầu làm việc tại Bộ Quốc phòng trong cương vị trợ lý chính sách về các vấn đề giữa NATO với Nga và Ukraine. Trong giai đoạn 2003 – 2004, dù không thể so được với những chiến lược gia lão làng của Lầu Năm Góc về kinh nghiệm, nhưng khả năng và sự hiểu biết về châu Á – Thái Bình Dương của bà Phú giúp bà liên tục được bổ nhiệm vào những vị trí cao như Giám đốc các vấn đề Đông Nam Á phụ trách phát triển nhiều chương trình hợp tác an ninh – quân sự quan trọng của Mỹ với Singapore, Philippines và Úc, Trợ lý chính sách chống phổ biến vũ khí…
Năm 2007, bà Phú chuyển sang làm việc trong Hội đồng An ninh quốc gia trong cương vị Giám đốc khu vực Đông Nam Á. Theo mô tả trên Linkdln, bà chịu trách nhiệm phác thảo chính sách về quan hệ với ASEAN và từng thành viên nói riêng, điều phối hoạt động và phản ứng của Mỹ về ngoại giao, quân sự, kinh tế… trước các sự kiện trong khu vực. Elizabeth Phú được đánh giá là có đóng góp vào sự hỗ trợ của Mỹ cho quá trình cải cách, chuyển biến dân chủ thành công ở Myanmar những năm qua.
Năm 2009, dù chỉ có 7 năm kinh nghiệm làm việc trong chính phủ nhưng bà Phú đã được chọn đi tu nghiệp tại Trường Dwight D.Eisenhower về tiềm lực và chiến lược an ninh quốc gia thuộc Đại học Quốc phòng. Đây là ngôi trường chuyên đào tạo sĩ quan cấp cao và những quan chức dân sự làm việc về chiến lược với định hướng cơ cấu trở thành lãnh đạo cấp cao trong tương lai. Hoàn thành khoá tu nghiệp năm 2010, Elizabeth Phú quay trở lại Lầu Năm Góc giữ trọng trách Giám đốc về các mối đe doạ toàn cầu.
TIN LIÊN QUAN
“Nhân viên giỏi nhất”
Năm 2013, thời điểm Mỹ đẩy mạnh chính sách xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương, Elizabeth Phú một lần nữa được “vời” về Nhà Trắng. Hiểu biết, kinh nghiệm của bà về an ninh, chiến lược và Đông Nam Á trở thành một “tài sản” quý giá, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ tìm cách thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực để ứng phó tình hình an ninh ngày càng biến động. Cùng các đồng sự, bà chịu trách nhiệm tham mưu cho tổng thống về tác động kinh tế, chính trị và diễn biến an ninh của những quốc gia Đông Nam Á đến chính sách của Mỹ, trong đó có thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.
Bà còn tham gia chuẩn bị, dàn xếp nội dung nghị sự về chính trị, quốc phòng và kinh tế cho các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Obama với lãnh đạo các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam, theo Linkdln. Đặc biệt, bà Phú đứng đầu việc soạn thảo chương trình hỗ trợ tăng cường năng lực hàng hải của Mỹ cho một số nước ASEAN, bao gồm Việt Nam, được Nhà Trắng công bố cuối năm 2015.
Là một trong những người đóng góp vào quá trình chuẩn bị cho chuyến thăm thành công tốt đẹp của Tổng thống Obama đến Việt Nam vừa qua, Elizabeth Phú liên tục cập nhật, quảng bá trên trang cá nhân về những điểm mốc của chuyến thăm được đánh giá là làm bền chặt hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.
Ngày 24.5, bà viết trên Twitter: “Chúc mừng một tuyên bố chung mạnh mẽ, Hội đồng An ninh quốc gia về châu Á! Nền tảng lớn để tiến tới sự hợp tác thực thụ” về tuyên bố chung sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Obama. Sau đó, bà tiếp tục viết về sự ủng hộ lưỡng đảng đối với quan hệ Việt Nam – Mỹ và “màn diễn” thú vị của ông Obama cùng ca sĩ Suboi.
Mới đây, bà Phú đăng lại bức ảnh gây sốt về bữa tối bún chả của ông Obama và đầu bếp Anthony Bourdain tại Hà Nội cùng lời bình về “chuyến thăm tuyệt vời của tổng thống”. Cũng không lạ khi em gái bà Phú là Jenny Phú từng tự hào viết trên Facebook: “Tổng thống Obama nói với gia đình tôi rằng chị gái tôi Elizabeth Phú là một trong những nhân viên giỏi nhất của ông”.
TIN LIÊN QUAN
Tâm sự của người phiên dịch cho ông Obama tại Việt Nam
Anh Pham, người đóng vai trò phiên dịch cho Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam, đã chia sẻ rằng: “Đây có lẽ là nhiệm vụ tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi”.
Gần 15 năm phục vụ tại Nhà Trắng và Lầu Năm Góc qua 2 đời tổng thống George W.Bush và Obama, Elizabeth Phú đã góp phần phát triển và đàm phán các thoả thuận quốc tế có tác động đến an ninh quốc gia về lâu dài và nhiều lần được vinh danh bằng các giải thưởng như 2 huân chương dành cho nhân viên nhân sự xuất sắc của Bộ Quốc phòng, giải thưởng xuất sắc của Hội đồng An ninh quốc gia.
Theo trang Facebook cá nhân của Elizabeth Phú, bà kết hôn với ông Andrew Ridenour, làm việc tại Uỷ ban Giao dịch hàng hoá kỳ hạn của chính phủ Mỹ, vào năm 2011 và hiện 2 người có 1 con trai gần 4 tuổi.
Bước tiến tất yếu
Đó là nhận xét của các chuyên gia quốc tế liên quan đến những kết quả sau chuyến thăm chính thức Việt Nam vừa qua của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Nhận định với Thanh Niên, Giám đốc Viện Chính sách chiến lược Úc Peter Jennings cho rằng việc thắt chặt quan hệ Việt – Mỹ vào thời điểm này là hoàn toàn hợp lý. Về phía Mỹ, dưới thời ông Obama, nước này đã khẳng định rõ chiến lược xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi đó, Việt Nam là một cửa ngõ quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và thời gian qua không ngừng nâng cao quan hệ với nhiều đối tác, bao gồm hầu hết các đồng minh thân cận của Mỹ như Nhật Bản và Úc. Việc tăng cường quan hệ Việt – Mỹ còn mở ra cho hai bên nhiều cơ hội hợp tác nhằm đảm bảo an ninh hàng hải trong khu vực. Ông cũng đánh giá cao việc chính phủ Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, đóng vai trò như dấu mốc quan trọng trong việc nâng cao quan hệ song phương.
GS James Holmes, thuộc Trường Chiến tranh hải quân Mỹ, thì cho rằng trước mắt hai bên có thể tăng cường hợp tác trong việc đảm bảo ổn định cho vùng biển trong khu vực. Mỹ có thể sử dụng các dịch vụ hậu cần ở Cam Ranh khi phối hợp các hoạt động hàng hải chung giữa hai phía.
Cùng quan điểm, tiến sĩ Koh Swee Lean Collin, chuyên gia quân sự của Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), nhận xét thông cáo chung đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Obama thể hiện nhiều triển vọng hợp tác trong các vấn đề như Sáng kiến an ninh hàng hải (MSI) vốn rất cần thiết hiện nay. Ông Koh kỳ vọng sẽ có một sự tương tác hải quân sâu rộng giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian tới.
Ngô Minh Trí
|
Trọng Kha